Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà
Tôi biết Ngân
không nhiều, cũng chưa từng “chộ mặt”, chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, quan
tâm đến nhau qua một vài tác phẩm đăng báo, một vài bài thơ mới viết… Giọng
Ngân chầm chậm, buồn buồn như thế buổi chiều mưa dầm gió bấc có người lữ khách
cô độc đứng nép vào một quán nhỏ trống vắng, không khách, không cả người bán.
Người
ta nói ngày xưa Ngân tài hoa lắm. Gã ấy dồn cả đam mê, mơ mộng của mình vào
thơ. Thơ gã lắm câu đọc phải giật mình… Người ta lại đồn gã thất chí bỏ quê, bỏ
thơ trốn ở một nơi khỉ ho cò gáy rồi yên phận làm một nông phu với một bầy con
nheo nhóc… Rồi người ta lại đồn, gã ấy chẳng bỏ thơ đâu, gã ôm mộng mị sống như
người trên cung trăng, gã quên tất cả quên người, quên đời chỉ nhớ thơ… Đem
chuyện ấy hỏi Ngân, Ngân cười mà buồn da diết lắm, chẳng thanh minh thanh nga
gì, chỉ nói: “Đang để dành tiền để in một tập thơ. Tạp chí kì rồi em có đọc
thơ của anh không?”. Ngân cứ thế, cứ lặng lại, chìm sâu một góc nào đó
trong thế giới tâm tưởng chính mình rồi với đêm, với thơ, Ngân làm gã lãng mạn
cuối cùng…
Nhà thơ Hồ Thanh Ngân
Ngân
nhiều lần trách mình nhạt nhẽo với thơ, trong ám ảnh bình minh Ngân như pho
tượng tạc, đứng im, quạnh hiu. Những ám ảnh khắc khoải không nguôi của một thời
trai trẻ khiến anh như người mắc lỗi với chính mình. Bởi nỗi khát thèm kia bị
vùi lấp đi trong gánh nặng mưu sinh, trong bao toan tính vụt vặt của cõi đời
quá nhiều những điều bất ý:
anh biết hồn thơ anh le lói nắng quái chiều hôm
khát gió, khát mây, khát cánh chim xé gió
trời miền tây thênh thang, sao trong anh ngợp thở
xúc cảm nôn nao như đất đợi mưa về
( Tự sự với bình minh )
Có những tứ, những
câu làm tôi lặng người xúc động vì vẻ đẹp của nó, vì những thông điệp gửi tới
cuộc đời ẩn chứa trong đó hay vì cả chất ma mị liêu trai đôi khi phảng phất
trong thơ.
những con chim hạc trong tranh
đang bay lên hay hòa tan vào mặt hồ
( Những con hạc vẽ)
Thơ Ngân có mạch
khỏe, hanh thông, giàu ý tứ, giọng điệu, có cảm xúc chân thành đau đáu trước
cuộc sống. Đó có thể là nỗi xa xót trước đôi chân trần trò nhỏ nơi cửa biển “bàn
chân hôm qua bám biển/hôm nay bỡ ngỡ sân trường”; là nỗi nhớ má da diết,
nghẹn lòng “má là một nữa quê hương của con/ núi Nhạn sông Đà trong dáng
hình của má/những câu thơ vật vã trên những bậc thang”; là triết lý trước
sự thực cuộc đời “Tôi cần phải sống như một con bò/Trước những lời quăng đi
ở trên đường/Trước vật giá leo thang/Trước những lời mè nheo của người phụ nữ
chung giường”… Ngân cô đơn, buồn tủi lắm, chẳng biết bao đêm anh độc thoại
với chiếc bóng chính mình: vật vã, chán nản, tuyệt vọng…
Thơ Ngân thơm mùi của hoài niệm rưng rưng.
Tôi biết Ngân là người không biết cách gì để kiếm thêm tiền ngoài thu nhập từ
lương của một anh giáo vùng sâu. Nếu chịu lụy, hay khác đi cái cách sống mà
người ta cho là gàn dở của mình có khi mọi chuyện sẽ khác, anh không đến nỗi
như một gã bần tiện chi li tính toán cho cuộc sống thường ngày, cho cả cái tình
người ta trao nhau, đến giấc mơ của mình cũng phải đánh bắt “Đêm đêm tôi giăng lưới/ Đợi giấc mơ
trở về”. Anh bế tắc giữa sự xoay chuyển đến phát cuồng của xã hội vật chất,
anh bế tắc, tự kỉ, co rút trong cái vỏ chính mình: “mở cửa thấy hồ nước/mở
cửa thấy tường thành/tốt hơn là đóng cửa/khi lòng mình thênh thang (Giải
thích vì sao hay đóng cửa). Viết đến đây bỗng dưng tôi nhớ đôi câu thơ của nhà
thơ Thi Hoàng: “Có chất lượng nào hơn chất lượng người/ Sao người tốt vẫn
thường khổ vậy?”, thì Ngân cũng vậy, cứ khổ sở, gieo neo mãi…
Rồi
anh lại cố tìm ra một lý do nào đó để khát khao, hy vọng trở về với chân giá
trị đẹp đẽ: “những bận bịu, những lo toan tẹp nhẹp/trở về thôi về ôm ấp cánh
đồng/những quán xá những con đường vội vã/ trở về thôi về tắm mát dòng sông.”
(Nhậu ở quán vườn) hay trong “Bài thơ nhỏ tặng má” Ngân viết: “dẫu cơm áo
làm con phiêu bạt/ nhưng cơn mưa thương mặt đất tìm về”. Nhưng mãnh liệt
hơn cả là khát khao tự do, khát khao được sống với cái đẹp, cái lý tưởng: “cỏ
xanh không chê đất xấu/bừng bừng khát vọng vươn lên/không ồn ào không tuổi
tên/lặng thầm nhỏ nhoi mạnh mẽ/nắng cháy thu mình nhỏ xíu/đốt đồng còn lại tro
than”(Lời cỏ)
Dường
như trái tim Ngân còn rất ngây thơ. Nên cho dù có bị vùi dập thế nào thơ anh
vẫn thật trong trẻo, cảm xúc có thể bật lên bất cứ lúc nào dù bên đường, trên
lớp, một mình trước biển, thậm chí trong quán nhậu. Tôi có nghe một bạn thơ của
Ngân kể rằng: mùa hè năm trước Ngân tìm thăm bạn, đến bên hiên chưa kịp lau mồ
hôi trên trán, Ngân ngồi thụp xuống, bạn mời cách nào cũng không vào nhà. Chừng
5 phút sau, Ngân nhoẻn miệng cười, ngượng ngịu tặng bạn bài thơ mới làm. Người
bạn nọ vốn rất đa cảm, không cầm nổi nước mắt xúc động. Mỗi khi có ai nhắc đến
Ngân lại đem câu chuyện ấy ra kể. Lại có lần đang uống rượu với bạn, Ngân làm
được bài thơ liền bấm điện thoại đọc cho tôi nghe. Tiếng anh không rõ lắm vì
lẫn với ồn ã trên bàn nhậu, nhưng sự say mê, háo hức như thể một người ly hương
được trở về đứng trên mảnh đất quê thì tôi có thể cảm nhận được. Tôi còn nhớ
bài thơ có tên là “Sinh nhật bạn”… Những chuyện như vậy giờ còn ít lắm, có khi
đem cả tập thơ đến tặng cũng không dám chắc người ấy có đọc được đến 2 trang
đầu hay để cho mối mọt làm bạn.
Có
thể ai đó sẽ cho rằng: Thơ Hồ Thanh Ngân nặng về tư tưởng, thuật tu từ vận dụng
quá nhiều khiến bài thơ trở nên nặng nhọc. Cũng có lẽ… Thơ anh đầy chiêm cảm.
Từ những hình ảnh thơ quan sát được, anh lẩy ra những triết lý ẩn chứa về con
người, về tình đời, về cuộc sống. Ngân rất ưa dùng thể loại thơ 5 chữ, cách
viết không ngắt đoạn, ý thơ nhiều tầng nghĩa, nhiều lúc rất khó hiểu và phân
vân đó có phải là… thơ không hay chỉ là một câu than vãn được ngắt dòng. Thí dụ
như bài này “ta đọc sách người xưa nơi thanh vắng/để thấy người nay sống khó
hơn người xưa/những đám mây muôn đời vẫn thế /chỉ lòng người là rắc rối
hơn” (Tự sự lúc vắng lặng). Đôi khi Ngân sa vào sự dễ dãi theo lối viết
“văn vần” hoặc cố làm cho thơ mình trở nên lạ lẫm khiến bài thơ trở nên thô
cứng, rất khó đồng cảm. Về điều này Ngân đã từng lý giải rằng: “Sợ không ai
hiểu mình/tôi cố tình làm cho lạ/bao nhiêu câu thơ vội vã/ngày mai sương sớm
nắng tan/tôi cười nụ cười của bão/ lấp lánh ánh nhìn trẻ con”.
Nếu
lướt qua những điều ấy, ta sẽ bắt gặp một mảng thơ mượt mà, đong đầy cảm xúc
nhất của Hồ Thanh Ngân: Thơ tình. Nghe nói vài mươi năm trước người bạn
cùng học giờ là nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phải loạng choạng cả tay lái khi nghe
Ngân đọc bài “Mùa đông”:
Em đến trường qua lối nhỏ mùa
đông
Ngủ quên trên phiến đá
Sáng nay không còn tia nắng
Vỡ òa những hạt sương rơi….
Trong bài “Đêm vùng sâu”, diễn tả cảm giác hụt hẫng của chàng trai
khi cô gái mình yêu bỗng dưng hững hờ. Chàng trai tìm đủ mọi cách
để giam hãm nỗi nhớ nhưng hình ảnh cô gái cứ choáng lấy hết tâm trí đến “chật
chội”. Để rồi: “hương tràm bay thanh khiết/ không xua chật chội em/có
hai người mất ngủ /sáng ra thèm nhau hơn.” Nhớ nhau cồn cào, tha
thiết… thì nhiều thi sĩ đã nói rồi, nhưng nhớ đến “chật chội” lòng thì chỉ có
Hồ Thanh Ngân mới nói được. Hay sự đắm say, nồng nàn của khát vọng tình yêu đến
tận cùng và vĩnh viễn được Ngân ví von rất lạ: “Tôi nhìn lửa ở trong em/
Cháy qua bao lượt vẫn thèm tàn tro”( Lửa). Và bình yên của Ngân lại là em:
“Tôi mỗi ngày thảng thốt nỗi lo/Mong hy vọng xanh như màu mắt em vẽ.”.
Chỉ là “em” đầy quyền năng đánh thức những điều tưởng chừng đã “hóa thạch”: “em
có đi về ngược phía cơn mưa/đánh thức những tâm tư từ lâu hóa thạch”.
Thơ anh là hồn quê, là thứ viết cho mình,
không ồn ào câu chữ, không khoe khoang cấu trúc, chỉ cần tình đời, tình người
cho sâu đậm là được. Nếu tìm một bài thơ của Ngân tôi thích nhất có lẽ không
có. Nhưng tôi lại thích rất nhiều câu trong mỗi bài. Những vần thơ nhiều giọng
điệu: khi đau đáu, khi xa xót, khi tuyệt vọng, khi say mê, rạo rực và đầy hy
vọng... dù là giọng điệu nào thì cũng được cất lên từ tâm hồn rất nhân hậu của
Ngân. Ngân bảo Ngân không bỏ được thơ, không có thơ Ngân thành vô nghĩa.
Cho dù có thể một ngày cả thế gian này không ai còn đọc thơ nữa thì Ngân vẫn
yêu thơ như một gã lên đồng, xem thơ như người tình, gọi thơ là “em” đầy trìu
mến, nâng niu. Một con người mà cả cuộc đời chỉ say mê mỗi một việc duy nhất là
làm thơ và sống đắm đuối với thơ nhưng dường như có đôi lúc thơ chạy trốn khỏi
anh bởi thực tại đầy hỗn loạn làm tổn tương tâm hồn yếu đuối ấy. Có nhiều người
tiếc nhớ một tài hoa mà không biết rằng anh vẫn làm thơ, trong âm thầm, chậm
rãi trong tận cùng của nỗi cô đơn không chia sẻ, trong nỗi nhớ sông Đà Rằng,
ngọn Thạch Bì Sơn quê anh…
Phú Tân, mùa thu, tháng 8 năm 2012
Nguyễn Thị Việt Hà (Cà Mau)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét