Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Sinh năm 1978
Cử nhân Báo chí
Ba lần là đại biểu Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc: năm 1998, 2001 và
2006.
Hai lần được Tặng thưởng Hội Nhà văn TPHCM: năm 2007 cho tập thơ “Trong
bóng người xưa” và năm 2010 cho tập thơ “Bản tường trình giấc mơ đi vắng”.
Hiện đang là Ủy viên Hội đồng Lý luận – Phê bình của Hội Nhà văn TP. HCM.
THƠ AN ỦI MẸ
Dáng mẹ tất tả buổi chợ sớm, vội vã bữa cơm chiều
Giúp tôi vừa giong buồm lớn khôn vừa thả neo thơ ấu
Lòng mẹ nhẫn nhịn mở ra biển rộng cảm thông
Tôi không thể lấy mái tranh nghèo mộng mơ ý tứ
Thi ca làm sao đưa ta đến nhà hàng
Thi ca làm sao thay tiền mừng tiệc cưới
Mẹ cũng thèm món ngon. Mẹ cũng ước hoa hồng
Mẹ cũng cần dăm đồng bạc lẻ chẳng phải đắn đo
cho bàn tay đứa trẻ ăn mày bớt trống trải
Tôi lẽ nào cậy ngọn đèn hư ảo vầng trăng
Viết ngàn câu sóng xô lên mắt mẹ?
NỬA ĐÊM VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Hãy nói dùm tôi lý do cầm bút
Vì mấy đồng thù lao còm cõi
Vì mấy lời khen ngợi đẩy đưa?
Vì mấy câu thét gào vô vọng?
Hạnh phúc nào giành giật bằng nước mắt chúng ta?
Cánh chim vẫn bay
Dù mênh mông khôn lường họng súng
Con cá vẫn bơi
Dù lênh đênh nổi đoá sóng ngầm
Chúng ta không biết bay
Chúng ta không biết bơi
Chúng ta cúi xuống số phận mình
Nghe tiếng khóc đẩy bầu trời lên cao!
NGÕ KHUYA MƯA TẠNH
Em lấy chồng đi
Tôi bớt lo cơn mưa dài hay ngắn
Tiếng ca về khuya lau lách phận người
Đừng nhắc gì cả
Tin nhắn nghìn trùng gió thổi qua nhau
Tôi đứng đợi mùa qua
Bỗng gặp vì sao lạc vào bến cạn
Em cũng từng sương lạnh thuở yêu trăng
Khóa cửa ngăn một giọng cười
Ánh mắt buồn thương in trên tường cũ
Em chia phần tôi giấc ngủ chập chờn!
THÀNH PHỐ BOLÉRO
Thành phố bolero
Mây buông sông chậm
Còi tàu dài bao nỗi ly hương
Thành phố gió hát ru
Đường mưa trưa muộn
Tháp cô đơn gạch vỡ trong lòng
Thành phố kẻ làm thơ
Đêm mơ tơ nhện
Biển cồn cào giăng lưới trăng sao
Thành phố da rám nắng
Tiếng mõ ngõ khuya
Bóng người về buổi chợ mờ sương
Thành phố bàn chân vội
Mắt buồn vương sóng
Ai mở buồm bến cá xa khơi!
TẠP CẢM Ở THỦ DẦU MỘT
Không còn đủ khát khao để nhắc sông dài biển rộng
Tôi trồng thêm một hàng cây cho chim về hót hắt hiu đời mình
Cầm lá rơi chợt thấy thương chồi biếc
Lãng du nào đang gọi tới mây xanh?
Em vẫn còn ở lại với tôi chăng
Ngõ mùa thương quên đường bàn chân cũ
Tiếng thở dài mắc kẹt cánh cửa đêm
Tôi mỗi ngày mỗi xa đô thị
Gió ngoại ô thổi vắng bao hẹn hò
Bỗng có khi thức dậy vầng trăng khuyết
Sao cứ ngờ vệt nắng giữa câu thơ
LÊ THIẾU NHƠN VÀ BẢN TƯỜNG TRÌNH GIẤC MƠ ĐI VẮNG
VN - Sao lại là Bản Tường Trình Giấc Mơ Đi Vắng? Giở
lướt các trang thơ bắt gặp ở đây nhiều câu hỏi – Biết trả gì đêm vắng cố
hương? Cửa mở lên trời hay cửa đóng trong tim? Có đủ an ủi ngọn lửa không ?...
Và tôi đọc thơ Lê Thiếu Nhơn bắt đầu từ một loạt câu hỏi.
Một
nhan đề khá dài. Chỉ có nhà thơ mới đặt tên cho tác phẩm của mình như vậy. Nó
là rất thơ bởi nó chính là một hình tượng thơ, một câu thơ. Những nhan đề trong
tập. Lê Thiếu Nhơn lựa chọn - bằng một câu thơ Viện trợ khẩn cấp một niềm
thương, Chán cả khuôn mặt mình làm sao sống? …cho từng phần thơ - bằng một
cụm từ giàu biểu cảm Ngã rẽ giấc mơ, Bận bịu khuya …hay bằng một câu rất thơ
thoát ra từ tứ thơ của bài Gió mang đi cuộc tình kiên nhẫn, Quên mất góc khuất
riêng tư… Đặt tên cho tập thơ, cho các bài thơ như vậy gây ấn tượng, gợi cảm
xúc cho người đọc thơ rất nhiều. Cũng có nhà thơ chỉ chọn 2 chữ, thậm chí 1 chữ
đặt tên cho bài thơ của mình. Nhà thơ đó ưa sự cô đọng, kiệm lời. Có người nhận
xét nhan đề Lê Thiếu Nhơn đặt quá dài. Bây giờ tên đứa trẻ mới sinh là 3 chữ, 4
chữ, 5 chữ, thậm chí 6 chữ. Sự khác nhau trong giao tiếp, sự phong
phú của thời trang…của nhiều lĩnh vực sáng tạo làm cho cuộc sống thêm
sinh động. Nhà thơ gửi gắm điều gì ngay trong nhan đề bài thơ. Người đọc cảm
nhận được gì ngay từ câu chữ đầu tiên của bài thơ. Và đấy mới là quan trọng.
Cách đặt nhan đề của Lê Thiếu Nhơn đập vào ta nhiều cảm giác, gợi nhiều suy tưởng.
Bản
tường trình của nhà thơ này gồm những gì? Mục lục chia làm 5 phần, mở bằng 5
câu thơ và ngăn cách bởi 4 phụ bản là 4 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.
Lại một kiểu trình bày mục lục ngắn gọn của người làm thơ trẻ. Không tìm được
một bài thơ cụ thể, không đọc được số bài thơ trong tập. 5 câu thơ rời nhau,
đọc nghe rất kêu, rất hấp dẫn. Thơ nói chung và thơ của những người làm thơ trẻ
bây giờ dùng rất nhiều từ ngữ, hình ảnh hoặc thực đến trần trụi, thô tục, hoặc
rất khác, rất lạ, rất cầu kỳ sáng tạo, gợi mở. Thơ của tâm linh hình như đã
xưa. Thơ của tân hình thức, của hậu hiện đại được đề cao, ưa chuộng. Khi đọc
thơ của một đôi nhà thơ theo lối này chỉ thấy chữ dùng giỏi, hình ảnh thơ rất
gợi, rất mạnh mà đọc xong không nắm bắt được mạch thi tứ, mạch văn chương.
Giống như một người không hiểu gì về hội họa mà đứng trước một bức tranh trừu
tượng, thôi thì đành nhận là mình đã cũ, chậm hiểu biết. Viện trợ khẩn cấp một
niềm thương – Nghe tiếng khóc đẩy bầu trời lên cao – Nói điều gì cứu chuộc nỗi
âu lo – Chán cả khuôn mặt mình làm sao sống – Có lẽ tôi bỏ cuộc bình minh – ý
thơ rõ thôi chỉ có viện trợ niềm thương, cứu chuộc nỗi âu lo, cuộc bình mình là
vận dụng từ ngữ khác thường mà biểu cảm, cái tiếng khóc và cái sự chán thốt ra
từ chiêm nghiệm cuộc đời, thốt ra như một triết lý sống. Chán khuôn mặt mình
như các cụ nói chán cơm thì chỉ còn ăn đất. 5 câu mở cho từng phần nhỏ
của tập thơ đã hướng người đọc tới phần nào nội dung bản tường trình bằng thơ
này.
Chẳng
thể nào yên trong một thế giới rối bời cảm xúc – 30 tuổi Giao Mùa Trai
Trẻ của người làm thơ với Lê Thiếu Nhơn là như vậy
Ngồi hết buổi chiều không biết
nghĩ về ai
Ký ức cồn cào những vách ngăn
bí mật
Bao
nhiêu điều cần phải nghĩ với một người trẻ tuổi về trách nhiệm cuộc sống.
Điều đáng mừng bắt găp ở thơ Lê Thiếu Nhơn là ở đó. Trong Bản tường trình thơ
này có bao câu hỏi được đặt ra. Những câu hỏi tu từ đầy biểu cảm
Biết
trả gì đêm vắng cố hương? Hỏi trong dằn vặt, suy tư. Hỏi mà tự trách. Bởi đã
bao lần nhà thơ Vội Vàng Quê Cũ:
Thần
thánh đã lâu không còn hương hỏa
Kẻ tha
hương tạ lỗi trước giao thừa
Di cư
áo cơm lưu đày thương nhớ
Chuyến
xe ngày về cỏ dại giấc mơ
Trong
tập chỉ có một bản tường trình dành cho mẹ và những câu thơ về mẹ xuất hiện ở
một đôi bài. Hình ảnh mẹ trong thơ Lê Thiếu Nhơn rất cụ thể với nỗi vất vả mà
có ở trong mỗi chúng ta về mẹ:
Dáng
mẹ tất tả buổi chợ sớm vội vã bữa cơm chiều
Giúp
tôi vừa giong buồm lớn khôn vừa thả neo thơ ấu
…
và vì
vậy : Tôi lẽ nào cậy ngọn đèn hư ảo vầng trăng
Viết ngàn câu sóng xô
lên mắt mẹ?
Hỏi mà
để tự trách. Hỏi mà để tự nhắc nhở. Hỏi mà để nói với mẹ, an ủi mẹ.
Cũng
có khi câu thơ hỏi, hỏi một chuỗi câu :
Hãy
nói dùm tôi lý do cầm bút
Vì mấy
đồng tiền thù lao còm cõi?
Vì mấy
lời khen ngợi đẩy đưa?
Vì mấy
câu thét gào vô vọng ?
Hạnh
phúc nào giành giật bằng nước mắt chúng ta?
Ba câu
hỏi mà khẳng định. Ba câu hỏi mà băn khoăn. Hỏi mà đã trả lời. Hỏi mà tự trách.
Câu thứ tư hỏi để nghĩ, để suy tư về trách nhiệm của người cầm bút trước bao điều
cuộc sống. Lê Thiếu Nhơn hỏi nhiều lắm trong thơ của mình, vậy mà vẫn -
một thế kỷ đi qua/ nhiều ưu tư chưa kịp hỏi . Điều đặt ra ở đây không phải là
“danh gì với núi sông” mà những suy nghĩ cần có trước thời cuộc, thái độ cần có
trước trước nhân tình thế sự được thể hiện trong lý do cầm bút. Một loạt câu
hỏi được đặt ra – Người vay uất hận làm chi? – Danh vọng màu gì lương tri màu
gì ? – Sao xã hội vẫn nghèo nàn? Sao đất nước vẫn chậm chạp? …Những câu hỏi đơn
giản thôi mà thật khó trả lời. Nhà thơ cứ bận bịu khuya với những trang viết
của mình mà không hiểu Cứu vãn được gì nước mắt mùa đi? mà không biết Tôi cầm
nhầm số phận hay cầm nhầm tiếng ca? Trước bao sự thật giản dị như vết chém, nhà
thơ trốn tránh vào đâu cũng hao mòn trai trẻ hay chọn Cách tự vệ khôn
ngoan nhất / Là lãng quên chính mình ? Quê hương, mẹ, bè bạn, người trước mặt,
người sau lưng, người lỡ đường, cô gái nghèo, người cai nghiện, kẻ gian, người
ngay… đặt ra Chọn Lựa Âm Thầm cho người cầm bút trong thơ Lê Thiếu Nhơn, nhưng
cũng đặt ra cho anh bao trở trăn trái ngược. Một Lê Thiếu Nhơn tập giật
mình…tập kiềm chế…tập tránh xa…để tập làm người kiêu hãnh với đắng cay/ tập làm
người sốt ruột ngày mai. Và phải học – Học cách thở dài…học cách cười cợt…học
cách xa em…học cách chọn chỗ ngồi…Những điều quen, bình thường có mà vẫn phải
học. Cách diễn đạt trong thơ Lê Thiếu Nhơn đơn giản mà đưa ra những vấn đề thật
sâu sắc. Trong lúc tuổi trẻ thành thị có bao người còn mải chạy theo những thú
vui chơi thỏa thích ích kỷ, trụy lạc và cả tàn bạo thì những người làm
thơ trẻ như Lê Thiếu Nhơn miệt mài bên những trang bản thảo. Nhiều tập thơ phô
phang những từ những chữ gợi cảm giác mạnh, cầu kỳ khó hiểu trong cách diễn tả
ý tứ, đi sâu đến trần trụi của cảm giác thì với Lê Thiếu Nhơn tuổi ba
mươi nhiều điều phải nghĩ lại.
Anh
luôn hỏi :
- Phải
nói điều gì cứu chuộc nỗi lo âu?
- Bất
giác nghe lòng tự hỏi
Mỗi
trang bản thảo từ máy tính
Có đủ
an ủi ngọn lửa không?
Cảm
xúc chung khi đọc tập thơ là lắng vào những suy tư của nhà thơ. Người đọc lý
giải dần về ý nghĩa của Bản Tường Trình Giấc Mơ Đi Vắng. Bản tường trình thơ
không có những con số thống kê, không có những thành tích, hao hụt vật chất,
không có ngày tháng, sự việc. Không thể đếm được, đong đo được. Bản tường hay
sự giãi bày tâm tưởng của người cầm bút, tâm sự, trách nhiệm của người công
dân, người con trai trước thời cuộc. Ngẫm ngợi khi cầm bút về con người, về thế
kỷ vội vã đang sống.
Bài
thơ lầm lũi giấc mơ tôi khép nép một suy tư
Trước
khi làm công việc cụ thể lẽ ra phải hỏi
Quê
hương được gi, xứ sở được gì, cộng đồng được gì?
Còn
tôi bản thân được gì ?
Thì
điều đó có phải là nỗi bất hạnh của dân tộc không?
Thức
trắng nhiều đêm, bận bịu nhiều đêm , cứ hỏi, cứ day dứt, cứ lựa chọn, cứ bất
lực… Và lại hy vọng, lại vượt thoát, lại kiên nhẫn…Và rồi nhiều lúc rối bời,
nhiều lúc tuổi 30 tôi bắt đầu lo sợ. Thơ Lê Thiếu Nhơn hay dùng những điệp từ,
điệp ngữ, hay diễn tả bằng cách nhắc đi nhắc lại nhiều lần để nhấn mạnh ý. Nói
về nhiều điều, nói riêng về cái sợ cũng là như vậy
Tôi sợ
sự bình yên giả tạo
Tôi sợ
sự bình yên sóng gầm
…
Sợ đất
đai khô cằn cỏ dại đã ra hoa
sợ
lòng mình bơ vơ…
Để rồi
Không
dám chìa tay về phía kẻ yếu lòng
Sự
thật đe dọa dạ dày
Sự
thật tổn thương nhân cách
Cuộc
đối đầu lặng lẽ niềm tin
Để rồi
Tôi
cúi đầu đi đâu về đâu ?
Một
Bài Ca Sót Lại Trong Im Lặng, một Lá Thư Hy Vọng đọc mà xót xa. Bản Tường Giấc
Mơ Đi Vắng đọc buồn rồi suy tư. Bao điều cần nghĩ, nhất là nghĩ khi cầm bút. Lê
Thiếu Nhơn viết Có lẽ tôi bỏ cuộc bình minh? Hỏi để thổ lộ những phút lòng
mình. Hỏi để không bao giờ bỏ cuộc.
Còn
nữa tình yêu trong thơ Lê Thiếu Nhơn. Còn nữa những điều mỗi người đọc thơ cảm
nhận riêng mình… Khép lại bản tường trình thơ này là chính câu thơ Lê Thiếu
Nhơn tự khép: Nếu ai hình dung được một người ngồi suốt đêm trước trang giấy
vẫn nguyên vẹn trắng/ Có lẽ đó là tôi những ngày trong trẻo nhất!
Nguồn:
Báo Văn Nghệ số 27-2010
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét