Căn nhà cấp bốn với bờ mái cong
cong của chị khép mình giữa con ngõ chạy thẳng ra bến tàu quanh năm nước vỗ ì oạp.
Bởi thế, ngoài những việc tốt đẹp, bao năm ròng, chị còn phải chứng kiến nhiều
chuyện đau lòng từ cái bến tàu đưa đón khách ấy.
Chị tên là Liên, nông dân chính
gốc, sinh ra và lớn lên tại làng Thượng, cách bến tàu khoảng hai mươi ki-lô-mét
theo đường chim bay. Mấy năm trước, cơ duyên thế nào, cô thôn nữ đẹp người đẹp
nết tên Liên lại về làm dâu nhà cụ giáo Bảng.
Vợ chồng cụ giáo Bảng hiếm hoi,
lấy nhau hơn hai mươi năm sau mới sinh được mụn con trai èo ợt. Bù lại, thằng
bé Thân ngày càng khôi ngô và lành như cục bột. Ra đường hoặc đến trường học, nếu
ai đó dèm pha hoặc đánh nó, nó ngậm tăm, không một lời kêu ca. Dần thành lệ.
Như thể nó được sinh ra là để người ta ức hiếp vậy.
Thoạt đầu, vợ chồng cụ giáo Bảng
không hay biết chuyện đó. Nhưng rồi, những lời xì xào, bàn tán của hàng xóm đã
đến tai hai cụ. Hai cụ nuốt giận, lặng lẽ xức thuốc những vết thâm trên thân thể
con, vừa xuýt xoa vừa khuyên nó hãy tránh xa kẻ ác. Thằng bé cắn chặt răng,
không tỏ thái độ đồng tình hay phản đối, nhưng ánh mắt nó như có lửa.
Thấm thoắt, Thân đã hai mươi hai
tuổi. Thân được phân về làm thợ máy tại bến tàu sau khi tốt nghiệp vào loại ưu
một trường cao đẳng của thành phố. Cũng là lúc, bố mẹ Thân ốm liệt giường, thợ
mạc đang khẩn trương gỡ từng phần căn nhà lợp bằng ngói phi-brô-ximăng để thay
thế một mái nhà cấp bốn lợp ngói ta gồm ba gian hai chái bằng những đồng lương
ki cóp cả đời của hai cụ. Còn bà mối thì đôn đáo khắp ngõ trên phố dưới tìm vợ
cho Thân, cưới chạy tang.
Sau đó khoảng nửa tháng, Liên về
làm vợ Thân. Chẳng được bao lâu, cụ bà vừa đi được ba ngày thì cụ ông cũng đi
theo. Trước khi đi, hai cụ chỉ ân hận chưa có được mụn cháu để thơm vào cái má
căng lẳn, ngầy ngậy của nó. Những lời trăn trối ấy của vợ chồng cụ giáo Bảng
trước phút lâm chung cứ ghim sâu vào tiềm thức của Liên và cột chị vào định mệnh.
Tính nết của Thân không thay đổi
khi có vợ. Anh vẫn ít nói, vẫn lành như cục bột. Anh đón nhận mọi thứ của cuộc
sống như một sự sắp đặt tất yếu, không tỏ ra vui hay buồn, bất hạnh hay mãn nguyện.
Anh đi làm chăm chỉ, đều đặn, mẫn cán với công việc. Cuối tháng, nhận được bao
nhiêu lương, Thân mang về nộp đủ cho vợ. Vợ anh rút mấy tờ đưa cho anh để phòng
thân, anh cầm lấy, không một lời thắc mắc. Cái cặp lồng cơm Liên nén chặt ắp,
sáng nào Thân cũng mang theo cho bữa trưa, tối về rỗng rễnh...
Cho đến một hôm, khi biết Liên
có thai, thái độ của Thân thay đổi hẳn. Anh thủ thỉ với vợ: “Hai cụ nhà anh hiếm
hoi, em gắng sinh cho anh mấy cậu ấm nhé!”. Liên biết Thân nói thật lòng. Chính
vì thế, mặt hồ đang yên ắng bỗng gợn sóng: “Nhưng... nhỡ lần này là con gái thì
sao?”. Giọng Thân chùng xuống, buồn hẳn: “Vẫn thương nó chứ. Con mình mà. Cố gắng
đẻ lần sau...”.
Câu trả lời của Liên hoá thật.
Hơn tám tháng sau, Liên sinh một bé gái kháu khỉnh. Hôm làm cơm mừng con đầy
tháng, mọi người nâng ly chúc mừng, Thân nhỏ giọng: “Thôi, khỏi phải chúc. Cạn
đi!”. Thân nói khẽ, nhưng ở phòng trong với con, Liên nghe thấy hết. Chị bỗng cảm
thấy mình có lỗi với anh, như thể việc đẻ con trai hay gái là do chị quyết định
vậy.
Từ đấy, chị không còn sống cho
riêng mình nữa. Chị đau đáu nghĩ về anh, lo cho anh, thèm khát đẻ cho anh một đứa
con trai tuấn tú. Chị mong thời gian trôi thật nhanh, chỉ cần con gái chị đầy
năm là có thể sinh tiếp, và lần này chắc chắn phải là con trai...
Chị bắt đầu đi lễ ở các đền chùa
để cầu tự và năng hương khói hơn tại gia. Chị thành tâm khấn trước giá ảnh thờ
hai cụ giáo Bảng: “Con lạy trước hương hồn bố mẹ. Con về làm dâu, chưa kịp được
hầu bố mẹ ngày nào thì bố mẹ đã bỏ con mà đi. Lỗi con, con chịu. Nhưng còn anh
Thân. Con cầu xin bố mẹ thương anh ấy như thuở bố mẹ còn sống. Bố mẹ sống khôn,
chết thiêng, hãy phù hộ cho anh ấy có con nối dõi...”
Song, số phận đâu mỉm cười với
Liên. Chị mong mãi vẫn chẳng thấy thai nghén gì cả. Càng mong càng thất vọng. Phải
chăng, vòng quay định mệnh của vợ chồng cụ giáo Bảng đang tái hiện lên số phận
của chị và Thân?
Bây giờ thì ai khuyên gì chị
cũng làm theo, răm rắp như quân lệnh. Họ khuyên chị nên đi xem bói hoặc cầu tự ở
chùa nọ, đền kia, dẫu xa xôi ngàn trùng, chị vẫn đi. Ngoài bàn thờ gia tộc,
gian giữa nhà chị dần dần biến thành điện thờ khổng lồ, uy nghiêm, loá mắt bởi
sơn son thếp vàng mờ mịt hương khói. Chị làm tất cả chỉ vì một mụn con trai nối
dõi cho chồng...
*
Một buổi chiều ngày Rằm, sau khi
hoá vàng xong, bà hàng xóm ghé tai chị, nói thật lòng:
- Cô Liên này, cái bến tàu kia
có nhiều oan hồn lắm. Ngày nào cậu Thân còn bám mặt ở đó, còn phải cầu tự
chán...
Đúng rồi, tại sao chị lại không
để tâm đến chuyện này nhỉ? Bến tàu là nút giao thông từ xuôi lên ngược, ngược về
xuôi, từ thành phố theo dòng sông về nông thôn và ngược lại. Nói tóm lại, khách
chủ yếu là dân buôn và dân lao động túa đi tìm kế sinh nhai. Bọn cướp giật bám
vào bến tàu như ký sinh trùng. Cái gì chúng cũng cướp, ấy thế mới sinh ra lắm vụ
án đau lòng. Hễ công an ra quân truy quét là chúng lặn, đố sủi tăm. Sau đó, đâu
lại vào đấy. Người ta đồn rằng, công an đã tóm được nhiều băng đảng, bắt được
những tên cộm cán. Nhưng rồi, như một ổ mối, diệt được ổ này thì ổ khác đùn lên
tức thì trên cây gỗ mỡ màu của cuộc sống.
Còn Thân, sao dạo này anh ít khi
ở nhà? Thực ra, việc anh vắng nhà thường xuyên với lý do làm thêm ca đã diễn ra
từ lâu, nhưng lời người hàng xóm khiến chị như chợt phát hiện mới ra điều này vậy.
Rồi tự suy diễn, xâu lại các sự kiện, chị bỗng giật mình bởi có hai lần chị
phát hiện thấy vết máu dính trên quần áo của Thân. Lần thứ nhất, trên cái áo
màu công nhân treo trong buồng. Chị hỏi, anh nói rằng, có một đứa bé té ngã,
máu nó dây vào khi anh giúp đưa đi cấp cứu. Tin lời chồng vì Thân đã dối chị
bao giờ đâu, chị bỏ qua. Lần thứ hai chính là khi chị giặt bộ quần áo của anh,
bỗng chị cảm thấy gai người, tay như tê dại, khi những vết thâm đen tan dần ra
thành màu đỏ thẫm như muốn bám dính vào tay chị vậy. Chị định hỏi anh, nhưng bấy
giờ thấy anh đang cắm cúi làm việc gì đó, lại thôi. Thế rồi, chị quên khuấy đi
mất.
Chị quyết định ra bến tàu tìm
anh theo kiểu “kiểm tra đột xuất”, nhân thể khuyên anh chuyển công tác hoặc
cùng lắm ở nhà tìm một việc gì đó để làm, tránh xa cái bến tàu ấy. Sau một hồi
loanh quanh tìm kiếm, chị bắt gặp anh đang trong trạng thái dầu mỡ lấm lem hết
người ngợm. Thế là chị rút êm với tâm trạng thương anh lắm. Mọi nghi ngại về
anh tan biến đâu hết.
Một hôm, khi chị đang tết lại
tóc cho bé Mai, con gái chị, bấy giờ mới lên năm, đột nhiên một người đàn ông
lao vào nhà chị rồi ngã vật xuống, đầm đìa máu. Chị kêu thét lên theo phản xạ.
Còn bé Mai run rẩy ôm lấy chị, mặt xanh xám. Định thần, chị liền gọi hàng xóm đến
giúp sức. Người đàn ông dúi vào tay chị một gói nhỏ, thều thào: “Cô... cô...
làm... ơn... gửi... giúp... tôi... số tiền... này về... quê... Chúng định cướp...
nhưng...”. Đoạn, anh ta lịm đi.
Chị cùng mấy người hàng xóm vội
vàng đưa anh ta đến bệnh viện cấp cứu. Nhưng, người đàn ông xấu số đó đã chết.
Theo lời ông bác sĩ trực hôm ấy, anh ta chết từ khi còn ở nhà chị hoặc trên đường
đưa đi cấp cứu. Bỗng nhiên chị bật khóc, như thể anh ta là Thân, người chồng
thân yêu của chị vậy. Rồi sau đó, cái ý nghĩ anh ta tắt thở tại nhà chị cứ ám ảnh
chị mãi. Chị có cảm giác như linh hồn anh ta lẩn quất đâu đây, quẩn quanh hai mẹ
con chị. Hai hôm sau, chị mới sực nhớ đến gói tiền của người đàn ông xấu số, chị
đã đặt vội lên nóc tủ. Số tiền ít ỏi được gói trong lá thư nguệch ngoạc của một
người vợ nghèo ở làng quê thuộc tỉnh Hà Nam, trong đó ẩn hiện bóng dáng
nheo nhóc của mấy đứa trẻ đang chờ bố gửi tiền về... Có lẽ, để bảo vệ món tiền
nhỏ nhoi ấy mà anh ta đã chết. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh ta thà chết
chứ không chịu mất tiền chỉ vì đám con còn thơ dại ở quê nhà. Chị quyết định
mang gói tiền ấy đến công an phường nhờ gửi giúp.
Sau sự việc ấy, chị thắp hương
suốt ngày đêm. Khi ban mai bắt đầu thức bằng những lời chào hỏi của phiên chợ
sáng, chị vẫn ngồi lầm rầm khấn vái. Chị bắt đầu gõ mõ và lần tràng hạt. Tiếng
mõ tuy chưa vang đều nhưng ném vào đêm tâm thức hướng thiện của chị. Rồi chị ra
chợ, lọc lựa mãi mới mua được cái lọ thuỷ tinh ưng ý bằng cái ống bơ. Mỗi ngày,
chị cố gắng làm một việc tốt để rồi khi đêm sắp trôi về sáng, chị thả vào đó một
hạt đậu màu đỏ tía. Nếu một lần chị thả cùng một lúc hai, ba hạt, có nghĩa là
ngày hôm ấy chị đã làm được hai, ba việc tốt. Xong, chị trân trọng đặt cái lọ ấy
lên một góc điện thờ với mong muốn các Đấng thần linh chứng kiến, phù hộ độ trì
cho gia đình chị bình yên, trong ấm ngoài êm, phù phép thế nào để chị có được mụn
con nối dõi với Thân.
Thi thoảng, thường là những dịp
chưa thêm được việc tốt, khuya, chị đưa cái lọ xuống rồi nhìn như thôi miên vào
đó. Qua ánh đèn đường hắt ô cửa sổ, giữa đêm thanh vắng, bóng chị đóng đinh lên
tường như tượng Chúa Giê-su. Bóng chị thì lớn, còn cái lọ sao nhỏ nhoi quá,
nhưng đó lại là niềm hy vọng của đời chị.
*
Bé Mai càng lớn càng xinh nhưng
hiếu động, khác hẳn với bản tính của bố lẫn mẹ thời thơ ấu. Trò chơi nào của lũ
trẻ nó cũng say mê. Suốt ngày, có nhiều hôm tối mịt nó vẫn cùng lũ bạn lăn lê
ngoài bãi, cho đến khi mẹ tìm thấy kéo lê về mới chịu.
Trò chơi của Mai và đám bạn thường
rất phong phú. Nhưng, một trong những trò chơi chúng thường tự “sáng tác” ra và
mê mệt là giả đò làm chồng vợ, con cái, rồi đi chợ, nấu ăn như một gia đình thật.
Chúng lấy ống bơ làm nồi, kê đá làm bếp, gom củi nhóm lửa. Trong ống bơ có khi
chỉ là một củ khoai lang, bắp ngô non hoặc một nắm gạo chắc chắn “thó” được của
gia đình.
Một hôm, khi chị vắng nhà, Mai chợt
phát hiện thấy cái lọ đựng những hạt đậu của mẹ. Nó reo lên như bắt được món
quà quý giá của ông tiên trong truyện cổ tích. Chao ôi, chưa bao giờ nó thấy những
hạt đậu đẹp đến vậy. Những hạt đậu chỉ nhỉnh hơn hạt ngô một chút, có hình vòng
cung, giữa vòng cung điểm một chấm trắng. Cái chấm trắng ấy càng nổi bật hơn
trên nền màu đỏ tía được điểm xuyết bằng những tua rua trông giống như cái mào
gà mềm mại và tươi tắn của chú trống choai.
Mai đặt trả cái lọ đậu xuống với
ánh mắt thèm muốn, tiếc rẻ bởi đôi lần nó đã bị mẹ “phạt” vì tội táy máy. Theo
cầu thang, nó đã tụt xuống đất nhưng những hạt đậu như có ma lực lại kéo nó lên
ngay lập tức. Sau mấy giây tần ngần, nó thò tay vào lọ nhón lấy mấy hạt bỏ túi
rồi vội vã phi nước đại ra với đám bạn ở bãi sông. Từ đó trở đi, cứ đôi ba ngày
một lần, chờ khi mẹ vắng nhà, nó lại trèo cầu thang thăm lọ đậu, để rồi lại
nhón thêm mấy hạt nữa...
*
Có một sự kiện khiến chị suy sụp
hẳn, đó là cái chết của Thân. Khi chuyến tàu khách cuối cùng trong ngày tu lên
một hồi còi dài chào hoàng hôn, tại xưởng sửa chữa đầu máy của bến, Thân bị một
nhóm côn đồ bất ngờ tấn công từ phía sau. Anh gục xuống khi trong tay không có
vũ khí tự vệ ngoài chiếc tuốc-nơ-vít dính đầy dầu mỡ. Tay
chân Thân đầy những vết xước, chứng tỏ rằng, trước khi gục xuống, anh đã giằng
giật ghê gớm lắm với lũ côn đồ.
Cái chết của Thân, đồng nghĩa với
việc chị đã không thực hiện được nguyện vọng của chồng. Khi đường con cái chưa
mỉm cười với chị thì người mà chị gửi gắm, yêu thương nhất đã vĩnh viễn xa chị.
Với chị, không có nỗi mất mát nào hơn bằng việc mất Thân. Bây giờ thì chị tin đến
tuyệt đối lời “cảnh báo” của bà hàng xóm. Chị khẳng định rằng, cái chết của
Thân chắc chắn có liên quan đến những vết máu đôi lần chị phát hiện thấy trên
quần áo của anh. Nhưng, như kẻ ngồi dưới đáy giếng, chỉ nhìn thấy ô trời nhỏ
nhoi trắng nhợt, chị không thể nào lý giải được. Chị hình dung ra nhiều khả
năng, trong đó khả năng tay Thân đã “nhúng chàm” cứ đau đáu trong tâm trí chị.
Chị hoang mang thực sự. Tuy vậy,
việc lễ lạt, hương khói vẫn không giảm. Chị chăm bẵm cái bàn thờ gia tộc và điện
thờ bằng bản năng chứ không bằng tâm thức như trước nữa. Khói hương vẫn ngày
đêm nghi ngút, hoa quả vẫn chồng chất lớp lớp giữa thế giới sơn son thếp vàng mờ
ảo... nhưng chị không cầu khấn nữa. Bởi lẽ, bây giờ chị cầu xin để làm gì khi
không còn Thân? Vả lại, chị đã từng cầu xin, từng gắng làm việc thiện, nhiều là
đằng khác, nhưng những lời cầu xin dứt ra từ tâm can của chị đâu có thấu đến được
các Đấng thần linh, hoặc giả các Đấng không muốn giơ tay cứu vớt chị? Cho đến một
hôm, nỗi hoang mang của chị dâng lên cực độ khi chị phát hiện ra rằng, cái lọ đậu
của chị ít ỏi quá. Chị cố tích luỹ nhiều phúc đức nhưng gắng mãi vẫn chỉ được bấy
nhiêu thôi. Phải chăng, vì lẽ ấy mà chồng chị không có con nối dõi, để rồi
chính anh cũng không giữ được mạng sống của chính mình?
Chị bỏ ăn, biếng ngủ. Dần dà,
người chị như xác ve. Nhiều đêm, chị thảng thốt bật dậy giữa đêm khuya, thất thần.
Mùi hương khói vẫn bảng lảng đó đây, từ chính trong căn nhà mà chị có cảm giác
như từ cõi hư vô hay từ cõi âm thẩm thấu về vậy. Trong giấc ngủ chập chờn, chị
thường mơ thấy Thân. Lần nào anh cũng tươi cười với chị, trò chuyện cùng chị.
Nhưng, khi chị lại gần thì anh lùi xa hơn, không thể nắm bắt được. Chị bất ngờ
ôm chầm lấy anh, ngay lập tức, anh tan biến đi. Cuối cùng, chị bàng hoàng khi
nhận ra trong vòng tay mình không phải là Thân mà chính là những bộ quần áo màu
xanh công nhân dấp dính máu lẫn lèo tèo những hạt đậu màu đỏ tía!
Chị ho. Những cơn ho khan dứt ra
từ lồng ngực lép kẹp. Sau mỗi lần như vậy, lòng bàn tay chị nhuốm đầy máu. Mỗi
khi mẹ ho, bé Mai ôm chặt lấy chị và giàn giụa nước mắt. Mai thương mẹ lắm. Kể
từ dạo chị sinh ra ốm yếu, nó không còn ham chơi nữa. Nó cứ quẩn quanh ở nhà,
chờ mẹ sai vặt. Và mỗi lần được mẹ sai, gương mặt nó rạng rỡ hẳn lên. Xong việc,
nó thường nằm ôm lấy mẹ rồi thầm thì hát cho mẹ nghe tất cả những bài hát nó
thuộc. Có bài, nó phải hát đi hát lại hàng chục lần bởi “vốn liếng” của nó ít
quá. Nhưng chị vẫn cố nhếch miệng cười để nó vui.
Cuối cùng, có một lần như thế,
khi Mai vừa kết thúc bài “Mẹ hiền như cô giáo” thì bất ngờ cơn ho dữ dội ập đến
với chị. Chị gắng gượng ngồi dậy nhưng không thể nào nhấc nổi tay chân. Da mặt
chị tái mét. Chị thấy lạnh. Đầu tiên, chị thấy lạnh từ lồng ngực, tiếp đó nó
lan dần khắp cơ thể và sau cùng đọng lại ở mang tai. Chị bỗng thấy Thân, nhưng
lần này anh không nói cười với chị nữa. Anh đang cầm tay bé Mai và ra sức kéo
nó đi. Bé Mai giơ cao tay, chấp chới về phía chị. Chị kêu to với Thân: “Mình
ơi, em đã gắng hết sức hương khói và làm việc thiện, nhưng mãi chỉ được ngần
này thôi! – Chị giơ cao cái lọ thuỷ tinh lên – Em có lỗi với mình. Mình và
con... chờ... em... v... ớ... i...”
Chị đâu biết rằng, những lời hấp
hối của chị bé Mai đã nghe được hết. Và khi chị buông tay trút hơi thở cuối
cùng, không biết từ đâu cái lọ thuỷ tinh lăn ra, quay như con cù mấy vòng rồi nằm
im ở một góc giường. Những hạt đậu màu đỏ tía rắc zich zắc theo đường lăn của
nó như một biểu đồ tâm linh của chị. Và lạ thay, càng về cuối, những chấm đỏ
càng thu dần khoảng cách, dày hơn...
Khổ thân bé Mai. Nó chợt hiểu ra
một điều hệ trọng, liền gào khóc như mưa. Dòng nước mắt giàn dụa ngắt quãng lời
nó: “Mẹ ơi, con... đã... lấy trộm... Con... đã... lấy trộm... Con biết lỗi rồi...
mẹ ơi. Mẹ ơi...”
*
Kể từ đó, trước sân của căn nhà
cấp bốn có dáng dấp như ngôi chùa ấy, người ta thấy một bé gái ngày lại ngày lặng
lẽ chăm sóc một vuông đất rộng bằng cái nia. Dưới vuông đất ấy là những hạt đậu
màu đỏ tía nó gom lại từ cái đêm bất hạnh nhất của cuộc đời. Nó xới đất, tưới
nước rồi lấy sách báo che chắn ánh mặt trời với một mong ước cháy bỏng. Song,
chờ mãi vẫn chẳng một mầm xanh nào nhú lên cả. Có thể con bé gieo giống không
đúng quy trình chăng?
Sau ngày
chị Liên mất khoảng một tháng, vào một buổi chiều, đúng ngày Thân lâm nạn, xuất
hiện một người phụ nữ dáng dấp kiêu sa, mặt che nón, bế một đứa con trai đến
nhà bé Mai. Sau khi thắp hương lên bàn thờ tổ và điện thờ, người đàn bà ấy dập
đầu khấn rằng: “Chị Liên ơi, chị đừng trách em, bởi lẽ em không mặt mũi nào dám
đến thăm chị và cháu. Chín năm trước, vì cớ sinh nhai, em đã trở thành gái bán
hoa. Cơ cực và nhục nhã lắm chị ơi. Em cứ nghĩ chẳng bao giờ mình được làm người
đàng hoàng nữa, nào ngờ...”.
Người đàn bà ngừng lời, đôi vai
chị nấc lên bần bật. Đợi khi cơn xúc động lắng xuống, chị lại lầm rầm: “Một lần,
vào dịp công an truy quét, em được anh ấy cứu và cho ở tạm tại xưởng máy. Anh ấy
khuyên em nên trở về quê hoặc buôn bán vặt, sống bằng chính mồ hôi của mình.
Nhưng chị ơi, ngựa đã quen đường cũ... Lần khác, em nhìn thấy anh ấy bế thốc một
người phụ nữ bị nạn đưa đi cấp cứu, trong khi có không ít những con mắt chỉ mở
to mà nhìn. Kể từ đó, không hiểu sao em thường để ý đến anh ấy với tâm trạng vừa
quý mến, vừa cảm phục. Chị ơi, người đâu mà hiền khô nhưng khi đã ra tay thì
quyết liệt, dứt khoát đến sợ. Mỗi lần như thế, ánh mắt của anh ấy căng mọng như
hai giọt chì. Em hỏi vì sao anh hay giúp đỡ người khác, anh chỉ gọn lỏn: “Anh ghét
kẻ ác, những kẻ thích bắt nạt người lương thiện. Hơn nữa, là việc tốt, sao
không nên làm?”. “Nhưng, việc anh cứu em dạo trước đâu phải là việc tốt?”- Em vặc
lại. Anh khẽ cười: “Có khi, việc không tốt với kẻ này lại tốt với người kia.
Quy luật bù trừ mà. Em hiểu chứ?”. Cho đến hôm, có một bé trai không may té
ngã, chảy máu, khi mọi người đang bàn tán nên giải quyết ra sao thì anh đã rẽ
đám đông vào bế cháu. Anh gò lưng ôm lấy đứa bé và cứ thế lao như điên về phía
bệnh viện. Chị ơi, mãi tận bây giờ em vẫn không sao quên được hình ảnh ấy của
anh. Còn em, lại thêm lần nữa được anh ấy cứu. Có mấy thằng say ngủ xong thì nó
quỵt. Em giằng co với chúng, chúng đánh toạc cả đầu em, mặt đầy máu. Nghe tiếng,
anh lao đến tay bo với chúng. Cứ thế, cờ-lê, mỏ-lết trên tay anh bay vẹt mặt đường,
khiến bọn chúng chạy toán loạn...”
Người đàn bà lại ngừng lời. Chị
ôm mặt khóc thành tiếng bởi không kìm giữ được nữa. Thật lâu, đôi vai thon thả
của chị mới xuồi xuống để lộ cái cổ cao trắng ngần. Chị trân trân nhìn lên tấm ảnh
của Thân rồi thả mình vào dòng ký ức...
... Đêm ấy, không kìm được lòng
mình, chị xăm xắm đến với Thân. Chị quyết định bằng mọi giá phải “đánh cắp”
anh. Và, chẳng khó khăn gì, chị đã thực hiện được nguyện vọng. Sau đó không
lâu, chị phát hiện mình có thai. Chị mừng còn hơn bắt được kim cương. Chị bỏ hẳn
nghề, nghỉ ở nhà chăm chút cái thai. Vậy là, rồi chị sẽ có con. Đời chị đã chẳng
ra gì, chị hy vọng con chị sẽ có một tương lai sáng lạn. Chị định bụng nói với
Thân, nhưng không hiểu sao, mỗi lần sắp mở miệng thì hình bóng của Liên và bé
Mai ập đến, chị lại thôi. Cho đến khi Thân tử nạn, việc chị có thai vẫn còn là
điều bí mật đối với anh. Mấy thằng say bị anh đuổi đánh dạo trước đã tìm anh trả
thù. Điều này cũng không một ai biết, ngoài chị. Chính vì thế, nỗi đau của chị
như nhân lên gấp bội.
*
Sau ngày chị Liên mất, có nhiều người tiếc thương chị đã đến
phúng viếng. Nhưng với bé Mai, nó thờ ơ tất cả. Ai đến cứ đến, đi cứ đi, mặc!
Hàng ngày, nó dồn hết tâm sức vào vuông đất đang ươm những hạt đậu của nó. Chẳng
ai rỗi hơi để ý đến việc nó làm.
Bên ngoại có dự định sẽ bán ngôi
nhà rồi đưa bé Mai về nuôi. Nhưng khi biết tin, nó kịch liệt phản đối. Nó bảo rằng,
nó không đi đâu cả. Nó chỉ ở nhà của bố mẹ nó thôi. Ai thương thì đến ở với nó.
Chỉ có chị quan tâm đến vuông đất
nó đang dày công chăm sóc. Chị bảo nó đừng tưới nhiều quá, hạt đậu sẽ thối mất.
Ban ngày che nắng, còn ban đêm gỡ sách báo ra để hạt còn hứng sương. Thật lạ,
chị bảo gì nó làm theo nấy với ánh mắt vô cùng biết ơn.
Một buổi sáng, đang khi chị cắm
hoa để chuẩn bị thắp hương, chị bỗng nghe cái Mai reo lên:
- Cô ơi, đậu nảy mầm rồi! Cô
ơi...
Chị lao ra. Bé Mai ôm chầm lấy
chị. Rồi cứ thế, nó đứng yên cho chị vỗ về.
P.T.B (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét