“Em ơi ! Thằng con anh nó chết
rồi”
Đang lơ mơ trên chuyến xe đêm từ Sài
Gòn về Banmê, tôi giật mình thức vì tiếng nhạc điện thoại, nhìn tên người gọi
tôi đã đoán chừng lý do, và lời thông báo không ngoài dự đoán ấy vẫn làm tôi
bàng hoàng. Phía bên kia, lời người anh vẫn như đang cơn mê mị nào đó “Con anh,
con trai anh đó em, nó chết rồi, chết rồi em à”. “Anh T, em biết, em biết mà,
em đang trên đuờng về, mai em ra liền, anh nha.” “Ừ, mai em ra liền nha”. Tôi
dạ rồi cúp máy. Thừ thẫn mấy giây, tôi bấm tin thông báo cho những người anh
em. Và rồi những cuộc gọi ngược, cũng như tôi, tuy đã biết truớc ngày này sẽ
đến, nhưng nỗi hơ hoảng, bàng hoàng thì như nhau.
“Cái chết được biết truớc” nay không
còn là chuyện khó tin, mà nó đã đầy rẫy mọi nơi. Khi một ai đó, bỗng nhiên một
ngày phát hiện ra một khối u, và kết quả sinh thiết báo rằng đó là u ác, thế là
bản án được tuyên với “tội danh ung thư” chỉ còn được tính với một con số thời
gian ngắn ngủi. Với một cuộc sống ngày càng vội vã, ngày càng tât bật, ngày
càng tích cóp vào cơ thể rất rất nhiều thứ độc tố từ không khí môi trường, từ
các loại thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng những hoá chất và sự vô
lương, thì chuyện bệnh hoạn là chuyện sớm muộn. Khi các độc tố tụ vào bất kỳ bộ
phận nào đó, phát triển thành một khối u và đến một kích cỡ báo động, vấn đề
chỉ có thể phụ thuộc vào bản lĩnh, nghị lực, sự ứng xử với tình huống xấu nhất
của người bệnh lẫn người thân. Và hầu hết, ai cũng phải trải qua hai lần sốc.
Khi mới nghe, và khi người bệnh tắt thở.
Anh T đã ngoài bảy mươi tuổi. Điều
khắc nghiệt trong trường hợp này là anh chỉ có một cậu con trai, tuy còn bốn cô
con gái với bốn chàng rể cũng thuộc hàng hiền lành, tử tế, gọi là được. Nhưng
cái nếp người Việt, chuyện hương hoả lâu dài vẫn trông vào con trai, nhất là
con trai trưởng, cậu con trai anh đứng cả vào hai nấc này. Không những thế, đau
lòng hơn là, con dâu anh, mắc chứng bệnh teo dây thần kinh thị giác, đã mù hẳn
từ bảy năm nay, hai đứa cháu, một gái một trai đang khấp khểnh tuổi thiếu niên.
Con trai anh, một người đàn ông mới ngoài bốn mươi tuổi, không chỉ là chỗ cậy
nhờ của mẹ cha khi xế bóng, mà còn là cái trụ chính cho một gia đình nhỏ bé bốn
nhân khẩu, đời sống kinh tế cũng chỉ ở mức tàm tạm. Do công việc thường ngày
vất vả, nhiều lần cậu cảm thấy đau ở bụng, ở lưng, lại cho rằng đau dạ dày và
cột sống, thuốc men qua loa lại lăn lưng vào việc. Cho đến khi đau quá không
chịu nổi, đi khám, siêu âm thì một khối u đến 10cm đã chình ình trong bộ gan tự
bao giờ. Cộng thêm cậu có tiền sử siêu vi B, u xơ, dù cậu không bia rượu là
mấy. Khi kết quả được thông báo, cũng đồng nghĩa ai cũng biết thời gian còn lại
của cậu chỉ vài tháng. Những thang thuốc nam từ những chỉ dẫn cũng chỉ mang tính
cầm cự, vỗ về đôi chút. Những ngày gần về cuối, anh T chạy ngược chạy xuôi tìm
mua morphine để cố gắng giảm nhẹ sự đau đớn vật vã cho con. Cũng chỉ được một
ít, cuối cùng thì cũng đến lúc…Còn may mà hơn hai tuần trước là đám cuới con
gái út của anh, cậu anh trai khi quá đau đớn và tuyệt vọng, đã nghĩ đến chuyện
chết, nhưng kịp nhớ đám cưới em gái nên đã hồi lại. Bây giờ thì…
Vuông sân nhỏ trước ngôi nhà cũng nhỏ,
mấy bộ bàn ghế và ly cốc để tiếp nước cho khách đế viếng, một cái trống treo
trên một cành cây, thi thoảng cất lên ba tiếng thùng thùng thùng. Bàn thờ Phật
kê ngoài hiên, vì gian phòng chỉ đủ cho cỗ quan và bàn thờ vong. Túc trực bên
cỗ quan là những bộ áo sô khăn trắng. Tiếng khóc của người quả phụ của rưng rức
rưng rức. Cô khóc với tất cả sự bất lực của mình. Những công việc tang gia cô
không thể mó tay vào được việc gì. Ai dắt đến đâu thì đến đó, bảo ngồi thì
ngồi, bảo quỳ thì quỳ, bảo đứng thì đứng. Không thể làm được gì hơn là khóc,
khóc cho hôm qua, hôm nay và khóc cho cả ngày mai. Người vắn số yên phần mãn
cuộc, cái khổ đau dai dẳng còn để cho người ở lại. Những ngày sắp tới là cả một
nỗi lo toan đau thương và vật vã, không chỉ vấn đề kinh tế mà quan trọng hơn là
chuyện chăm sóc giáo dục con cái. Những đứa trẻ đã bắt đầu bước vào giai đoạn
“trổ cờ”. Chúng cần được tiếp nhận biết bao sự uốn nắn dạy bảo từ cha mẹ. Nay
cha đã không còn, mà mẹ thì có cũng không hẳn có. Đành rằng còn ông bà, còn các
cô các chú, nhưng đâu thể sát sao mọi nhẽ được. Những đau đáu trong lòng người
mẹ mù loà chỉ có thể rưng rức qua tiếng khóc não nùng. Tiếng khóc như trào đổ
cả tâm can. Tiếng khóc dội vào tai người người nghe nhức nhối. Và cả những
tiếng khóc rền rĩ của người mẹ và các em gái của người đã mất, tuy không nghe
ra những chất chứa thống thiết như tiếng khóc người quả phụ, nhưng cũng dậy lên
âm hưởng của cuộc âm dương tử biệt. Nhưng dẫu sao, tiếng khóc cất lên được là
cũng thoát trút được phần nào nỗi đau cuộn sôi trong lòng. Còn một tiếng khóc
khác đang bị nén chặt, nén chặt đến tận cùng tâm thức, vì nó không được phép
thoát ra, không được phép thoát ra vì một trọng trách không ai có thể gánh
thay. Đó là Tiếng khóc Người Cha.
Anh T. Vóc người cao ốm vốn dĩ, nay
trông càng lau sậy hơn với mái tóc bạc trắng, tât tả ngược xuôi lo việc tang
ma. Nào là mời sư thầy,các ban nghi lễ, đặt dịch vụ xe tang, đi lo đất huyệt
mộ, cúng thổ địa, lo xe đưa rước, tiếp đón khách viếng, làm giấy báo tử…Không
việc gì là không đến tay anh. Không có thời gian để buồn và cũng không cho phép
mình đổ xuống. Anh đã gồng mình chịu đựng nỗi đau từ khi nghe con mình bạo
bệnh. Đã bao ngày tháng lăn lóc tìm thầy tìm thuốc, giờ bao vất vả thành một
chiếc xe tang, anh lại cố gồng để chu toàn tang ma cho con. Nhìn anh hốc hác,
đôi lúc thất thần mà xót dạ. Ai cũng thế, sinh con ra, biết bao âu lo dưỡng
dục, từ khi chập chững bước đi, đến khi phương trưởng đình đoàn, gửi gắm bao
ước vọng, nhen nhóm những trông mong, rồi bất thình lình…cơn bão gió cuốn đi
tất cả. Như một cái gì bị dứt đứt ra từ gan ruột vậy. Sao không đau?! Đau lắm
chứ. Đau tận cùng. Đau hơn ai hết. Đau mà vẫn phải cố nén. Đau mà vẫn phải tỉnh
táo đến từng chi ly nhất. Bởi biết không ai có thể lo thay mình được cả. Bởi biết mình đang là trụ cột duy nhất cho
một đại gia đình. Bởi biết mình bây giờ không chỉ là ông mà còn phải là cha. Và
còn một cái bởi nữa, đó là tóc trên đầu bạc hết rồi, sức lực của tuổi tác cũng
không còn bao nhiêu, ngày tháng giã từ cuộc sống cũng không biết sẽ đến bất cứ
lúc nào, mà vẫn phải…Thà không biết gì cả, cứ ngây ngô đến đâu thì đến, nhưng
khốn nỗi lại biết tất, biết rõ, thế mới đau, đau không chịu nổi cũng phải ráng
chịu. Cái đau này sẽ còn mãi, dai dẳng và chất chứa…chất chứa…
Tiếng kinh ê a chuẩn bị cho giờ di
quan đã đến hồi thu mõ. Người đầu đoàn khiêng quan mặc chiếc áo thụng đen, thắt
lưng đỏ đã cầm hai ngọn nến, dẫn đội khênh quan đi hàng đôi vào nhà. Anh T đột
nhiên như một ông lão lẩn thẩn, anh đi đến chỗ này nhặt một đôi giày của ai đó,
đến chỗ kia nhặt một đôi dép của ai đó, rồi lại cầm mép chiếu trải cho ban nghi
lễ, một người nhanh tay đỡ cho anh. Những người bạn trang lứa đến cạnh anh,
không nói gì, chỉ nắm chặt tay anh. Anh như tỉnh lại, khẽ nhắm mắt, cụng đầu
vào bạn rồi quay ra với những việc còn đang chờ. Vòng vèo con đường sâu thẳm
hun hút đến nghĩa trang. Sâu thẳm hun hút không chỉ vì đoạn đuờng, nó chỉ hơn
hai kilomet tính từ nhà đám. Mà sâu thẳm hun hút vì người đi sẽ không bao giờ
trở về nữa. Những tờ tiền vàng bay bay trong gió rồi tấp vào bên vệ đường, một
thủ tục truyền thống, chẳng biết nó có lý giải được gì không, nhưng nhìn nó,
một cảm giác bổi hổi mênh mang, ngơ ngác giữa chuyện ở đi chớp mắt của đời
người. Con người, một thực thể nhiều cảm niệm, có khi rất mạnh mẽ to lớn, rất
vững trãi hiên ngang, nhưng rồi cũng có lúc rất mỏng manh yêu đuối, rất nhỏ bé
bụi bặm. Chỉ một thoáng thôi là thành cát bụi hư vô, chỉ một thoáng thôi là tất
cả trở thành ảo ảnh. Tưởng chừng như đã đó mà không phải đó. Một đời người như
một giọt sương. Tan….
Huyệt mộ của người bạc mệnh nằm chung
trong một cụm huyệt gia đình, nơi đã có bốn ngôi của ông bà nội ngoại. Cỗ quan
được từ từ hạ xuống trên hai thanh gỗ bắc ngang. Bà con cô bác đi đưa đứng chung
quanh trong tiếng kinh chờ hạ huyệt. Tiếng khóc nổi rậm ri cả một vùng trời.
Anh T ôm ngực liêu xiêu. Những người bạn dìu anh đứng tựa vào thành một ngôi mộ
sát cạnh. Tôi nắm chặt tay anh “Ráng lên đi anh, một chút nữa thôi, cho cháu
yên nơi đã, anh hãy ráng thêm một chút nữa thôi” “Em ơi. Chỗ này là của anh mà
nó giành mất rồi em ơi…” “nó giành mất rồi” nghe mà ai oán quá. Lá vàng khóc lá
xanh. Cuộc đời vẫn luôn những chuyện tưởng thế mà không phải thế. Anh T lại cố
gượng gọi tìm người để nhờ đọc lời cảm tạ. Và khi có người hô “hạ huyệt” thì
cái khối nén trong anh đã không còn sức chứa nổi nữa nó đã vỡ ra “Con ơi!”
Tiếng kêu thét trong thanh âm khàn đục cùng thân hình già sọm của anh đổ xuống.
Những vốc nước mát vã vào mặt anh, những cánh tay bạn bè nâng anh, những tiếng
ân tình chia sẻ vực anh dậy. Nước mắt anh đã chảy, chúng chảy khi không còn có
thể lặn ngược vào trong được nữa. Gương mặt nám sạm nhoè nhoẹt, những sợi tóc
trắng bết vào vầng trán nhăn nheo. “Con ơi..con ơi!” Không có gì hơn ngoài một
tiếng gọi thống thiết xót xa. Nhìn anh, tôi nhớ đến một người anh ở Hà Nội.
Cách đây mấy năm anh ấy cũng phải chịu một nỗi đau tương tự, chỉ khác người mất
là con rể chứ không phải con trai, nhưng tuổi tác, cương vi, trọng trách thì cả
hai như nhau. Phải mất một thời gian khá dài anh ấy mới đi qua được câu chuyện
buồn. Ôi số phận sao mà khốc nghiệt, khi vào tuổi xế chiều, điều mong ước duy
nhất là được nhìn con cháu mạnh khoẻ, sum vầy, được có cảm giác yên hàn nếu một
khi mình có ra đi, thì lại phải đem trái tim già cỗi ra mà gánh chịu sự đau
đớn, để thấy một ngày mai chống chếnh, bập bềnh trên những mái đầu non tơ. Ngẫm
ngợi và chợt thấy “Đường đời là một cuộc
đua nghịch lý, vì người đến trước lại là người thua cuộc”. Sự tuần hoàn
sinh hoá của cuộc sống thì vẫn cứ tiếp nối theo tính dây chuyền, và cứ mỗi mất
mát xảy ra lại để lại bao hệ luỵ. Cho dù bằng cách nào thì người trong cuộc
cũng phải đi qua, khi cái gọi là định số không thuộc trong quyền chủ quản của
mỗi người.
Nấm mộ đã được vun cao, những vòng hoa
dựng chung quanh, chiếc camera ghi lại hình ảnh cuối cùng của một đời người khi
ngọn lửa đốt những vật dụng của người mất bùng lên. Ngọn lửa hạ dần hạ dần, rồi
le lói le lói, cuồi cùng chỉ còn lại một sợi khói mỏng manh tản vào không
trung. Cậu con rể ôm dìu cha vợ ra xe. Mái tóc bạc nhô về phía trước, cái đầu
cúi gục với những bước chân thất thểu. Gió đầu đông thêm chút buốt giá vào hồn
người.
Tôi ước giá đây là một câu chuyện tôi
sáng tác trong lúc ngắm chiều đông buồn trong sương lạnh, nhưng buồn quá, lại
là một câu chuyện tôi ghi chép lại, và tôi biết, những ai đọc câu chuyện này
chắc sẽ trách tôi, cuộc đời còn thiếu chuyện buồn lắm sao mà còn bắt người ta
phải buồn thêm chút nữa. Biết làm sao nhỉ, ta là một trong tất cả, ta vui cùng
người và cũng buồn cùng người. Những nỗi buồn không muốn mà nó vẫn đến. Thôi
thì…
Đ.L
(Đăk Lăk)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét