Hoàng Tuấn Sơn
Một giờ đêm
ông vẫn không tài nào chợp được mắt, ông cố nhắm mắt, nhắm mắt, nhắm đến nỗi
đuôi mắt, sống mũi hằn lên những nếp nhăn. Rồi ông lại làm theo người ta mách bảo:
nhắm mắt và đếm một, hai, ba, bốn…, cứ thế ông đếm đều đều đến một nghìn lẻ năm
mà chẳng ăn thua gì. Mắt thì nhắm, đầu lại tỉnh như sáo. Ai đời, mắt mà bảo được
đầu. Và thế, quãng đời tưởng là dài lại vèo một cái, rất ngắn hiện lên rõ mồn một.
Những dấu ấn lam lũ, cực nhọc vất vả vì miếng cơm manh áo lo cho con một gái một
trai sau này nên người đã vạch ngang, vạch dọc trên thân thể ông những đường
nét chấm phá lồi lõm đậm nét. Ông đã gầy lại cao lêu nghêu, trông càng vêu vao,
hốc hác.
Ông mới sáu
mươi, người ta bảo ông ngoài bảy mươi. Sáu mươi hay bảy mươi thì làm sao? Càng
hay! Người đời trọng người già, hơn nữa người ta đang sợ vòng bụng càng to,
vòng đời càng ngắn, vì thế họ làm hết cách này, kiểu nọ. Nào sáng dậy đi bộ, tối
lại đi bộ hàng tiếng đồng hồ cho gầy đi. Các cô thanh nữ, nhiều cô còn bỏ bữa,
ăn kiêng, uống dấm cho bụng bé đi, mông đỡ phình ra, giữ eo, những mong kéo
vòng đời dài ra. Họ luyện tập công phu lắm. Còn ông, ông chẳng làm gì mà vẫn gầy.
Chỉ tội ông làm việc nhiều quá, làm tối ngày. Mà nào có việc gì to tát đâu. Lúc thì xây bức tường,
chữa cái cửa, lần thì đóng cái chạn bát, kê lại cái giường, cái tủ rồi xây bệ rửa
mặt, giặt giũ chữa cái kè khỏi đất màu trôi đi mỗi trận mưa to… cứ thế, ông làm
việc liên miên chẳng ngơi tay. Hàng xóm bảo ông: “Lúc nào cũng thấy ông lọ mọ
mà chẳng ốm đau”. Ông nói vui với họ:
- Tôi chưa được
phép ốm, nhiều việc quá, các cháu còn nhỏ ai làm cho mà ốm.
Lúc ngồi một
mình, ông ngẫm: Mình làm nhiều thật, làm như “trâu húc nhà táng” thì còn gì là
hình hài, tướng mạo phong độ nữa. Biết người đời quen nhìn nhau bằng con mắt mẽ
ngoài mà nhờn nhau đấy.
Mặc họ, mình
phải lo cho con cái mình. Con cái ông, những lúc gần ông chúng nói nịnh: “Bố
ơi, bố hy sinh đời bố để củng cố đời cho chúng con bố nhỉ?”. Chúng biết ông hy
sinh cả đời ông cho chúng nó. Ông nghĩ mà mát lòng.
Thế mà…, giá
như ông cứ ăn nhờ, ở đậu, cứ nghèo và chẳng ai thèm dòm ngó đến mảnh đất trên đồi
hoang này… thì làm sao ông phải ra tòa.
***
Ông hồi tưởng
lại…
Mới đầu, hai
vợ chồng ở quê dắt díu nhau ra khu mỏ, nơi đây nhiều việc tìm kiếm miếng ăn
không đến nỗi khổ. Có bà con cùng quê ở cọc 3 Hòn Gai giúp đỡ. Ông bà nương nhờ
mấy tháng rồi ông lên đồi phát cây, san đất làm được túp lều gọi là nhà để vợ
chồng con cái ở tạm. Đường dốc, lại ngoằn ngoèo nhưng chẳng sao. Phải cái, điện
đóm thì chưa với tới, xa quá. Lại dầu đèn, ông bảo vợ con: “Mình ở quê quen rồi,
sau này sẽ liệu”.
Nhà cửa như vậy
cũng gọi tạm ổn. Còn công việc, đứa lớn trông đứa bé, bà chạy chợ. Nói là chạy
chợ, chứ thực ra với đôi quang gánh, hai cái sảo sáng sớm bà lần xuống ruộng lấy
cất rau muống, rau cần, cải xoong, mùa nào thức nấy, gánh đi khắp phố bán rao.
Sáng một gánh, chiều một gánh. Bán rau thì bán, nhưng lòng dạ bà lại lo các con
ở nhà.
Còn ông, có
tay nghề thợ may ông đi làm thuê cho một hiệu may dưới phố. Với tính cần cù, chịu
khó sẵn có của người nhà quê, lại thêm ý nghĩ: mình làm tốt rồi dần dần ông chủ
sẽ trả thêm lương.
Không ngờ, ở
quê ông chẳng làm nên trò trống gì, phải đi kiếm ăn nơi đất khách quê người. Ra
đây, non năm ông đã nổi tiếng. Thì ra, nhà quê lấy đâu sẵn tiền mà may vá kiểu
này mốt nọ. Ông tinh ý, nhanh nhẹn học lỏm các mốt, các kiểu thêm phần “cải biến”
cho hợp với phố phường, đơn giản mà thanh lịch, khách hàng ưng ý. Cửa hàng ông
chủ ngày một đông khách, công việc nhiều, ngày nào ông cũng về muộn.
Về đến nhà,
đèn dầu, nhà tối, hễ đi một bước phải cầm đèn đi theo. Mãi khuya ông mới đi ngủ.
Thời gian rỗi rãi, ông biết làm gì? Trời tối đen như mực. Ông nghĩ: Hay là mai
thử hỏi ông chủ, giật tạm ít tiền rồi xin nhờ đường điện từ nhà bà con dưới phố
kéo lên.
Nghe ông nói,
ông chủ trố mắt ngạc nhiên:
- Chết! Ở đất
Hòn Gai này mà nhà cô chú lại không có điện à?
- Nhà chúng
cháu trên đồi, ở quê mới ra, làm gì có tiền mà kéo đường điện xa thế!
- Chú cầm ít
tiền, về chôn cột gỗ, cột tre kéo điện nhờ bà con quanh đấy. Có thế thôi mà chú
không nói với tôi. Rõ khổ!
Từ hôm có điện,
ông thắp một bóng đằng trước, một bóng đằng sau nhà, sáng trưng. Đi làm về, ông
cởi quần áo, cầm dao phát quang cây cối xung quanh. Ông làm cật lực, có hôm đến
nửa đêm. Nhiều buổi đã muộn, mải làm, bà gọi năm lần bảy lượt ông mới chịu vào
ăn cơm. Ăn xong, ông lại ra làm.
Bà chạy ra cầm
tay ông kéo vào:
- Ông làm cả
ngày, tối lại làm suốt, bây giờ lại làm, nhỡ ông ốm, vợ con nương nhờ trông cậy
vào ai?
- Tôi cả ngày
ngồi trong nhà, đạp đạp, cắt cắt, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, mệt gì?
Ông nói đùa:
- Bà chỉ được…
Muốn đấm bóp cho tôi chứ gì?
Bà giúi vào
trán ông:
- Phải gió
nhà ông này!
Thế là hai
ông bà cười với nhau. Đêm khuya, dưới ánh trăng thượng tuần, hai ông bà hì hục
làm. Trong nhà, hai đứa con yên giấc. Cứ thế, tối nào, đêm nào ông bà cũng làm
tới khuya. Gần năm trời, ông bà khai phá được ngót ba nghìn mét vuông đất đồi.
Một hôm, ông
bảo bà:
- Thôi, mình ở
nhà trồng rau, trồng sắn, chăn nuôi, trông nom con cái. Ở chỗ tôi dạo này có
hai cháu học việc, tôi dạy chúng được ông chủ trả thêm lương, nhà mình cũng đỡ,
không phải lo cái ăn cái uống nữa.
Bà làm như lời
ông nói. Bà trồng thêm cây lâu niên xen kẽ. Bà là người tần tảo tham việc, bà nấu
cả rượu mang xuống phố giao cất, bã nuôi lợn, phân lợn bón cây, tiện cả đôi đường.
Còn gio bếp bà gom đống lại, tối về hai ông bà cặm cụi đóng gạch. Quay đi ngoảnh
lại mới vài năm, ông bà xây được ba gian nhà cấp bốn, mái lợp bằng tôn phi-brô
xi-măng. Lại xây được cả bể chìm bốn mươi khối nước, nắp đổ bê tông chẳng còn cảnh
gồng gánh nước lên đồi. Cuộc sống gia đình ông bà khá dần lên trông thấy. Ông
bà bảo nhau: ở đời chỉ chết anh lười.
Đứa con gái lớn
của ông bà bây giờ học trường cấp ba, năm nào cũng đạt học sinh xuất sắc, được
giấy khen. Nó thông minh, lại khéo tay. Nó bước chân vào trường Đại học khoa Quản
trị kinh doanh. Còn em nó học cấp hai, mải chơi, lêu lổng. Càng nghĩ ông bà
càng buồn. Có mỗi thằng con trai lại thế!
Hôm tiễn chân
con gái lên Hà Nội nhập trường, ông dặn đi dặn lại:
- Đất Hà Nội
là đất thị thành, đất ăn chơi, “người khôn của hiếm”, con phải giữ lấy cái gốc
nhà mình, không dễ hỏng người lắm con ạ.
Hai ông bà lại
còng lưng làm ngày làm đêm lo cho con ăn học. Ở đâu chứ đất Hà thành chi tiêu đắt
đỏ, ông chẳng quen biết ai, chẳng họ hàng gì trên ấy. Thân con gái, một mình đất
khách, nên ông bà cố gắng chu cấp cho con ăn học. Chỉ mong con mình thành đạt.
***
Thời mở cửa
bung ra, thị xã Hòn Gai được chuyển lên thành phố: Thành phố du lịch Hạ Long.
Người tứ xứ ùn ùn kéo đến, đất đai đắt đỏ, nhiều khu đô thị mới hình thành.
Trên đồi cao, người ta cũng tranh nhau mua đất để xây biệt thự, khách sạn, nhà
hàng kiểu như ở Hồng Kông. Đất đai cứ mỗi ngày một thay đổi, tăng nhanh đến
chóng mặt. Có người lên cả khu đồi ông ở hỏi mua.
Ông bà bảo
nhau không bán. Nhờ mảnh đồi này, vợ chồng con cái mới sống được, bao nhiêu mồ
hôi công sức đổ ra ở đây.
Sau 4 năm học
tập, tốt nghiệp ra trường, con gái ông xin được việc ngay ở Hà Nội, nó không về
Hạ Long nữa. Bà buồn. Ông an ủi bà:
- Làm thân
con gái sau này dâu con nhà người, nó ở nhà mãi với bà à?
Nó làm thủ
kho xuất nhập hàng cho một công ty chăn bông gối đệm. Ông chủ là người Hàn Quốc,
vợ Việt Nam.
Người nước ngoài tinh tường về đường kinh doanh, lại được vợ Việt Nam cố
vấn. Họ lấy tên công ty là Công ty TNHH Việt Hàn để được ưu đãi. Làm hơn năm,
con gái ông lấy chồng. Chàng rể là người miền Trung xa lắc, làm việc gì ở ngoài
sân bay Nội Bài. Có bận ông trêu bà:
- Con bà lấy
chồng xa, bà mất toi “bát canh cần” nhé!
Bà lườm ông:
- Có mà vạn
“bát canh cần” ấy chứ!
Từ hồi nó làm
thủ kho ở Công ty chăn bông gối đệm Việt Hàn, ông bà ở đồi cao, trời rét chả sợ
gì nữa. Nào là đệm mút bọc vải hoa Hàn Quốc, ga trải giường có rèm phủ quanh. Rồi
chăn mùa đông, không biết làm bằng gì mà nhẹ tênh, đắp ấm lắm. Không như cái
tang chăn bông ta đắp ấm thật, phải cái khí nặng. Còn gối một, gối đôi, lại cả
gối ôm để trẻ con ôm tưởng như đang ôm mẹ mà ngủ. Nó chuyển về cho ông chẳng
thiếu thứ gì. Ông hỏi con:
- Tiền đâu mà
con mua nhiều thứ thế?
Nó bảo ông:
- Bố chả bảo
“người khôn của hiếm” thì con phải biết “thiên biến vạn hóa” chứ!
Không biết
nghe phong thanh từ đâu nói, bố mẹ nó định bán đi một nửa đất đai rồi chuyển về
quê. Nhà và đất còn lại bố mẹ cho thằng em trai ở để tự lo liệu mà làm ăn, cứ dựa
dẫm vào bố mẹ mãi thì hỏng người. Vợ chồng con Bích nghe tin, chưa biết nếp tẻ
thế nào, vội vàng về Hòn Gai ngay. Mới về đến nhà, con Bích đã vội khoe:
- Chúng con mới
mua được ngôi nhà cấp bốn ở quận Long Biên, gần chín chục mét vuông, trăm lẻ
năm triệu bố ạ.
Ông bà trố mắt
ngạc nhiên:
- Các con làm
thế nào mà phát đạt nhanh thế? Đời bố mẹ chả bao giờ mơ đến số tiền to ấy.
Anh chồng đỡ
lời vợ thưa với ông:
- Nhà con
tính toán giỏi nên trúng quả bố ạ.
Cô vợ nghe chồng
khen mình liền nguýt yêu chồng sung sướng. Bà mẹ mừng ra mặt. Ông ngồi lặng đi,
đăm chiêu… Không biết nó “thiên biến vạn hóa” thế nào, có làm gì khuất tất
không? Ông lo lo…
Cơm trưa
xong, con gái và chàng rể rủ nhau ra xem vườn tược, nhà cửa. Gần chục năm, bố mẹ
đã biến mảnh đất đồi ngày xưa cây cối, bụi rậm un tùm, giờ thành vườn cây hoa
quả tốt tươi, đủ loại như một điền trang. Anh chồng bảo vợ:
- Đất đai của
bố phải đến mấy nghìn mét vuông. Khu này xây được bốn, năm biệt thự nhà hàng chứ
ít à! Được giá phải biết!
Cô vợ ngắt lời
chồng:
- Đắt thì bán
lấy tiền chứ ở đây làm gì? Thành phố Hạ Long chỉ để dịp hè vợ chồng con cái về
nghỉ ngơi, xả hơi, tắm biển dăm bữa nửa tháng rồi về Hà Nội sống. Anh xem có ai
bỏ Hà Nội về tỉnh lẻ sống đâu? Họa có là đồ dở hơi!
Tối đến, con
Bích nói với bố:
- Con xuống hỏi
thăm bà con quanh xóm, bố nhé?
Con Bích xuống
một nhà gần đấy hỏi thăm qua loa chiếu lệ rồi nói bâng quơ:
- Chả hiểu thế
nào, bố mẹ cháu lại bán nhà đất rồi về quê ở không biết?
Bà hàng xóm
mau mồm:
- Một dạo thấy
ông trên nhà bảo con trai ở lại, ông bà về quê gì đó. Hình như ông buồn lắm…
Con Bích nghĩ: Đúng rồi… Nó vội về. Bố mẹ cùng chồng
đang ngồi uống nước ở sân. Nó sà vào ngồi cạnh mẹ, nhỏ nhẹ:
- Bố ạ, bố mẹ
già rồi. Con nghĩ, bố mẹ bán hết đất chuyển lên Hà Nội ở với vợ chồng con cho
nhàn nhã tuổi già.
Ông bố sững
người, ngạc nhiên khi con gái nói thế.
- Bố mẹ lên
Hà Nội ở với các con làm sao được! Lên đấy, bố mẹ lấy gì mà sống, hay lại sống
nhờ vào con gái, con rể? Mà còn em con nữa, nó có như đứa khác đâu, học hành chẳng
ra sao, xin đâu được việc mà làm? Hơn nữa, bố mẹ ở đây còn bà con chòm xóm.
Đứa con gái cầm
tay mẹ:
- Nhưng mà… Bố
mẹ chỉ có hai chị em con, em con lêu lổng cậy nhờ làm sao được nó lúc bố mẹ về
già. Con ở Hà Nội, nhỡ bố mẹ làm sao, nó được hưởng nhà cửa đất đai này cả à?
Nói xong, nó
ôm ghì lấy mẹ, sụt sịt khóc. Ông nghe con gái nói thế lẳng lặng bỏ vào nhà.
Mình đang sống sờ sờ ra đây, con gái đã nghĩ đến chuyện chia chác tài sản của bố
mẹ. Bao nhiêu hy vọng, mong ngóng các
con đừng bao giờ quên cái gốc nhà quê mình. Thế
mà giờ đây, nó được học hành hẳn hoi ở đất Hà thành sao lại nói những lời
như vậy? Nó thay đổi tính nết, mất gốc rồi.
Sáng hôm sau,
hai vợ chồng nó trở về Hà Nội. Trước lúc đi, nó nói với ông:
- Bố viết giấy
cho con một nửa đất đai của bố, em con một nửa. Phần của con, con bán đi lấy tiền
xây nhà trên Hà Nội. Nhà con dột nát lắm rồi, như vậy tiện cả đôi đường, lúc bố mẹ ở quê hương, lúc bố mẹ lên Hà Nội với
chúng con.
- A! Con này
điên hay sao? Bố mẹ đang ở Hạ Long lại cứ sồn sồn giục bố mẹ lên Hà Nội hay về
quê ở là thế nào? Lại còn đòi chia tài sản nữa, bố mẹ đã chết đâu mà đòi chia với
chác? Tệ quá!
Ông bực mình
bảo nó:
- Con gái đi
lấy chồng là hết phận. Tao không cho gì hết!
Anh chồng
nhìn vợ. Con Bích mặt đỏ bừng, bốp chát lại bố:
- Bố không
cho nó cả được đâu! Trai gái bình đẳng. Bố sống không công bằng, con khiếu kiện
ra tòa án để tòa phân xử!
Nói rồi nó
vùng vằng xách túi, vợ chồng dắt nhau đi. Ông choáng váng cả người. Bà mẹ sửng
sốt, ngạc nhiên:
- Quái lạ!
Không biết nó khiếu kiện bố nó ra tòa về tội tình gì? Mà có tội gì chăng nữa,
nó lại nỡ lòng nào? Con cái bây giờ chẳng hiểu ra làm sao!
Bà nói để ông
đỡ phiền lòng:
- Nó nóng nảy,
ăn nói không kịp suy nghĩ, ông chấp con cái làm gì?
- Thôi, bà đừng
nói nữa! Con hư tại mẹ!...
***
Nửa tháng
sau, có một cháu gái khoảng ngoài hai mươi, từ Hà Nội về Hạ Long, dò la từ sáng
đến chiều mới tìm được nhà ông. Cháu gái vừa nói vừa khóc:
- Ông ơi, chị
Bích bảo cháu làm. Bây giờ xảy ra chuyện chị bắt cháu chịu tội hết ông ạ. Mà chị
ấy cho cháu được bao nhiêu đâu. Bây giờ không hoàn trả được tiền cho Công ty Việt
Hàn, họ sẽ đưa cháu ra tòa.
Nói xong,
cháu gái quỳ lạy dưới chân ông như tế sao. Ông chẳng hiểu đầu đuôi, vội đỡ cháu
gái đứng dậy:
- Cháu bình
tĩnh. Có chuyện gì cháu kể đầu đuôi cho bác xem nào. Khổ quá! Sao lại thế này?
Thút thít một
lúc lâu, cháu gái mới hồi tâm kể lại:
- Cháu và chị
Bích học cùng trường. Cháu học kinh tế, chị Bích học quản trị kinh doanh. Sau
khi ra trường, hai chị em cùng làm ở Công ty TNHH Việt Hàn. Cháu ở Phòng Kế
toán, chị Bích là thủ kho xuất nhập hàng của Công ty. Đầu năm vừa rồi, anh trai
cháu đi lao động ở Hàn Quốc gửi về một trăm bốn mươi triệu, bảo cháu xem có ô đất
nào vừa tầm tiền ở Hà Nội thì mua. Hai, ba năm nữa anh cháu về, làm nhà rồi
chuyển mẹ cháu dưới quê lên. Nhà cháu chỉ còn ba mẹ con, bố cháu đi bộ đội hy
sinh ở chiến trường miền Nam
rồi. Cháu chẳng biết gì về đất cát. Chị Bích lại thông thạo, nên cháu nhờ chị
xem mua giúp. Hai tháng sau, chị Bích mua hộ cháu một lô đất gần bốn chục mét
vuông, hết bảy mươi triệu. Số tiền còn thừa, chị Bích bảo mượn lại để mua một ô
đất cho chị. Kỳ thực, khi cháu gửi tiền chị Bích đã mua ngay một ngôi nhà cấp bốn
gần chín chục mét vuông to lớn, rộng rãi hết một trăm lẻ năm triệu. Số tiền còn
lại chị vội tìm mua một lô đất trong hẻm cho cháu. Thiếu tiền, người yêu chị phải
cầm cố cả xe máy và vay mượn thêm cho đủ. Mãi sau này cháu mới biết. Chuyện đã
rồi, cháu tảng lờ như không để giữ trọn tình chị em. Hơn tháng sau, chị Bích
bàn với cháu: Chị em mình cùng làm vài vụ kiếm tiền xây nhà. Em có nhà, đón mẹ
dưới quê lên thì tốt quá, đúng ý nguyện của anh trai. Cháu sợ, do dự. Chị Bích
bàn thêm: “Giai đoạn này, cơ chế thị trường mới mở cửa, nhiều công ty, xí nghiệp
quản lý còn sơ suất, nhiều kẽ hở. Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm em ạ. Chị
làm dưới kho, xuất nhập chị biết, tuồn hàng ra ngoài dễ ợt”. Sợ thì cháu có sợ
nhưng nghĩ lại, mẹ cháu một mình dưới quê, những lúc trái nắng trở trời khổ lắm,
cháu đành liều. Thế là mỗi khi giám đốc đi công tác hay những đợt vợ chồng giám
đốc đi Đà Lạt, Sầm Sơn, cháu lại ký phiếu xuất lưu không một vài phiếu, giữ lại
một thời gian nghe ngóng rồi đưa cho chị Bích. Hàng hóa của Công ty này bán rất chạy, hàng xuất
đi vơi, xưởng may lại nhập vào, kho lúc
nào cũng đầy ắp. Sau những phi vụ làm ăn thế, chị Bích đưa cho cháu năm mười
triệu và bảo hai chị em cùng chuyển sang công ty khác xa hơn, mãi Bắc Ninh. Người
làm kế toán, người thủ kho, hai người cùng bỏ công ty đi một ngày, họ nghi… Đợt
này, họ tổng kiểm kê kho và phát hiện ra bị thất thoát mất hơn ba trăm triệu từ
phiếu ký lưu không. Họ buộc tội cháu. Cháu lạy ông vạn lạy. Ông nói với chị
Bích trả lại cho người ta, phần cháu cháu trả. Ông thương cháu với! Anh cháu ở
xa, mẹ già yếu một mình ở quê, cháu đi tù thì không phải chỉ mình cháu khổ mà mẹ
cháu cũng khổ theo.
Ông nghe rõ đầu
đuôi, nghĩ bụng: “Con Bích, con Bích! Nó lại thế nữa!”
Ông an ủi
cháu gái:
- Cháu yên
tâm, tuần sau cháu quay lại vào đúng ngày mười ba tháng này, chị Bích cũng về
đây, chiều cháu hãy đến nhà bác. Nếu đúng sự thật như vậy, bác hứa không để
cháu phải thiệt, phải đi tù.
***
Ngày ra tòa
đã đến.
Con gái ông về
từ chiều hôm trước. Nó nói như thanh minh với ông:
- Con nói với
bố, bố không tin con. Bây giờ nam nữ bình đẳng, con trai, con gái quyền lợi như
nhau. Bố lạc hậu quá, con muốn bố tư duy đổi mới đi, vì vậy con nhờ tòa nói để
bố tin.
Tòa án mời
ông bà và con Bích đến phòng họp của Tòa án thành phố. Ông thẩm phán nói:
- Tôi nhận được
lá đơn của chị Bích và một “phong bì” trình bày về quyền lợi và sự đối xử không
công bằng của bố mẹ với con cái. Về pháp lý, lá đơn này không đủ điều kiện để mở
một phiên tòa, nhưng nghĩ về tình, về đạo lý làm người nên tôi mời hai bác và
chị Bích đến phòng họp này để nói cho chị Bích rõ.
Nói đến đây,
ông thẩm phán quay sang bố mẹ con Bích. Ông cụ cúi đầu, mặt nhăn nhúm, đau khổ.
Ông thẩm phán nói tiếp:
- Khi bố mẹ mất,
không có di chúc để lại thì tài sản chia đều cho con cái, không kể gì trai hay
gái. Nhưng, bố mẹ còn sống mà tài sản của bố mẹ làm ra con cái không có quyền bắt
bố mẹ phải chia cho các con. Chị Nguyễn Thị Bích là con đẻ của hai bác, chuyển
cho Tòa án lá đơn khiếu kiện kèm theo một “phong bì”. Trong đơn chị trình bày:
“Bố mẹ tôi chuyển giao quyền sở hữu nhà và một phần hai đất đai của bố mẹ tôi
cho một mình con trai. Còn một nửa đất, bố mẹ tôi bán đi chuyển về quê hương ở,
không nghĩ gì đến tôi. Như vậy, bố mẹ tôi sống không công bằng, tước bỏ quyền lợi
làm con của tôi”.
Nói rồi, ông
thẩm phán quay sang con gái ông:
- Chị Bích
nên nhớ, bố mẹ chị có làm như vậy cũng không phạm vào điều luật gì. Tôi nhắc lại,
vì toàn bộ tài sản đấy là do bố mẹ chị làm ra. Còn “phong bì” ư? Giữa thanh
thiên bạch nhật này, không một “phong bì” nào làm thay đen đổi trắng, đảo lộn
luân thường đạo lý được. Đành rằng, trong góc tối, ai đó đôi khi vẫn còn làm những
điều trái với luật định.
Ông thẩm phán
nói chưa dứt lời thì cánh cửa phòng bật mở. Một chàng thanh niên xồng xộc chạy
vào:
- Cháu xin
phép quý tòa, mong quý tòa bãi miễn phiên xét xử này đi. Nhà cháu quê mùa không
có thói phép con cái kiện cáo bố mẹ.
Nói rồi,
chàng thanh niên chạy đến quỳ dưới chân ông bà:
- Bố ơi! Con
có lỗi với bố mẹ! Con là đứa con hư, nhưng con chưa hỏng. Từ nay, con không lêu
lổng nữa. Bố mẹ hãy tin con. Còn chị con muốn bán bao nhiêu đất, bố mẹ cứ cho
chị ấy bán, để chị ấy sớm đi khỏi đất này!
Nói xong với
bố mẹ, vẫn tư thế quỳ, chàng thanh niên quay đầu về phía ông thẩm phán:
- Cháu xin
phép quý tòa cho bố mẹ cháu về, nhà cháu ở đây xấu hổ lắm!
Ông bố nâng
con đứng dậy, ôm chặt lấy nó:
- Bố tin con!
Bố tin con!
Rồi ông nhìn
sang phía con gái. Nào đâu, ông bán chác đất đai gì để về quê! Đợt trước ông buồn
rầu nói với thằng con trai: Con mà lêu lổng, chơi bời thế này, bố đành bán đi một
nửa đất rồi về quê sống, còn nhà cửa và nửa phần đất để lại cho con tự lo liệu
lấy cuộc đời của con. Coi như bố không còn con nữa. Thế mà nghe ai thêu dệt
chuyện nọ xọ sang chuyện kia để đến nông nỗi này? Thật là đau đớn!
Ông đành im lặng,
chả nhẽ lại “vạch áo cho người xem lưng”. Nước mắt ông chảy ra, tràn gò má hốc
hác. Ghế bên kia cô con gái nhìn cảnh tượng ấy quay đi, tảng lờ như không.
Ông thẩm phán
rời ghế xuống tận chỗ ông bà:
- Hai bác ạ,
đây không phải là phiên tòa xét xử gì, tôi nhã ý mời hai bác và cháu Bích đến
đây để giúp cháu Bích nhìn ra mà giữ lấy cái tình, cái nghĩa. Đừng để đến lúc bố
mẹ mất đi mới nhận ra thì đã muộn.
Rồi ông thẩm
phán đến trước mặt Bích:
- Cháu đã qua
trường đại học, được học hành tử tế, sao lại xử sự thế này? Đây là lần đầu dại
dột, bác tha cho cháu tội hối lộ, cháu cầm lấy phong bì rồi về với bố mẹ.
***
Tối hôm ấy, lại
một cuộc phân xử tại nhà ông. Cuộc phân xử này có thêm cháu gái từ Hà Nội về. Cháu
gái Hà Nội kể lại đầu đuôi không sót một chi tiết nào. Con gái ông ngồi cúi mặt
chẳng nói năng gì. Cả nhà im lặng, chỉ có tiếng tắc tắc lưỡi của hai con thạch
sùng đang đuổi nhau ở mái hiên.
Cô con gái đến
bên mẹ, vừa khóc vừa nói:
- Với bố, chỉ
có con trai mới là người nối dõi tông đường và chống gậy tre đi giật lùi cho bố
là con của bố thôi.
Bà mẹ cau mặt
mắng con gái:
- Con chỉ được
cái ăn nói hàm hồ!
Cháu gái Hà Nội
đến bên hai mẹ con, quỳ xuống:
- Cháu lạy
bác! Em lạy chị! Chị giúp em trả tiền cho Công ty Việt Hàn, không thì họ bỏ tù
em. Em bị tù, mẹ em chết mất.
Con Bích quay
ra, xoay vai cháu gái Hà Nội lại để đối mặt với nó, rồi dằn giọng từng tiếng một:
- Mày xem,
tao đào đâu ra tiền? Mà về lý, tao dính líu gì? Cứ có phiếu xuất đầy đủ chữ ký,
dấu má là tao xuất hàng!
Hai đứa lời
qua tiếng lại đối đáp nhau. Ông ngồi đấy nghe rõ tường tận. Với cung cách của
con ông, viết đơn lại kèm theo “phong bì” đưa cho ông chánh án thì cháu gái quê
mùa thật thà kia “bị” với nó là dễ dàng. Ông lẳng lặng bỏ vào buồng, trong lòng
nặng trĩu. Cô con gái nhìn theo bố thất vọng, mặt nó đanh lại. Bà mẹ nhìn thấy con gái thế, bảo nó:
- Mày đừng mở
mồm nữa, để yên bố mày nằm nghỉ. Rõ khổ vì con cái!
Một lúc sau lại
thấy ông lững thững đi ra, tay cầm một hộp sắt con có khóa cẩn thận. Ông chẳng
nói chẳng rằng, định ngồi xuống ghế. Chưa kịp ngồi đã ngã giúi về phía bà, mặt
tái xanh, ngất xỉu. Hộp sắt văng khỏi tay ông rơi vào gầm bàn. Bà ôm ghì lấy
ông, cả nhà cuống lên. Anh con trai khom người ghé lưng cõng bố, mọi người vừa
đỡ dìu ông xuống đường gọi xe cấp cứu.
Xuống đến đường,
con Bích nói với mẹ:
- Thôi mẹ và
hai em đưa bố đi viện, con lên nhà không lại chẳng có ai.
Nói rồi nó vội
vàng chạy lên nhà, cúi xuống gầm bàn lấy hộp sắt. Nó nghĩ: Chắc có gì quan trọng
trong đấy. Nó tìm búa đập khóa. Chiếc khóa Trung Quốc cỏn con mùi mẽ gì với tay
búa thẳng cánh của nó. Chỉ một nhát búa, khóa đã văng ra, hộp sắt bẹp dúm lại.
Nó chạy xuống bếp lấy dao lên, cậy nắp hộp. Toàn là giấy tờ trong đấy, không biết
giấy tờ gì lắm thế, trong đầu nó lóe lên một tia hy vọng: Hay bố có sổ gửi tiết
kiệm? Nó bới tìm, giở từng quyển sổ nhỏ, từng tờ giấy một. Chỉ rặt giấy khai
sinh của chị em nó, mỗi tờ khai sinh gốc lại kèm theo hàng năm bảy bản sao có
công chứng. Lại cả bằng khen, giấy khen của nó hồi còn học phổ thông. Cả giấy
đăng ký kết hôn của bố mẹ nó từ năm nảo năm nào đã ngả màu vàng và rồi bao
nhiêu thứ giấy ghi các khoản chi tiêu lớn nhỏ trong gia đình… Nó chán nản, thất
vọng khi thấy dưới đáy hộp chỉ còn tờ giấy học sinh gấp làm tư. Chắc lại như những
tờ giấy ghi các khoản gì đấy mà nó đã xem. Nó cầm lên, hờ hững giở ra. Nó sững
người: thì ra tờ di chúc viết tay của bố nó chia đều tài sản cho hai chị em.
Tính bố nó cẩn thận lo xa, phòng khi bất trắc.
Vừa vặn lúc ấy,
cháu gái Hà Nội ở bệnh viện hớt hơ hớt hải chạy về. Nó đã kịp ấn hết giấy tờ
vào hộp sắt cất đi.
- Chị Bích
ơi! Chị Bích ơi! Bố chị…
Mới gọi được
thế, cháu gái Hà Nội không nói được gì thêm, đứng im thở dốc, hai tay vuốt vuốt
ngực. Có lẽ cháu gái chạy vội vã lên dốc. Con Bích nghe tiếng gọi giật giọng và
cử chỉ cuống cuồng của bạn trong đầu lóe lên một linh cảm chẳng lành. Không kịp
hỏi han gì, nó nháo nhào chạy bổ xuống đường gọi xe ôm, luôn mồm giục anh ta chạy
nhanh. Đến bệnh viện, nó lấy tiền ấn vào tay xe ôm, chẳng biết là bao nhiêu. Nó
chạy vào bệnh viện, lên phòng cấp cứu, xô hết vào người này người kia đang đi ở
hành lang.
Cô y tá giúp
việc bác sĩ đang cấp cứu bố nó ngăn lại. Ông bác sĩ sờ nắn chân tay, ngực bố
nó, ông vạch vành mi mắt ông cụ, rồi quay lại bảo cô y tá:
- Cứ để cháu
gái vào gặp ông cụ.
Tay bố nó huơ lên như muốn với về phía con Bích, không được,
rơi thõng xuống, nước mắt ông trào ra. Nó lao đến, hai tay ôm chặt lấy đầu bố,
lay lay:
- Bố ơi, bố
ơi!
Ông thều thào
đứt quãng:
- Bố… bố
thương… các con. Bố… không thể… ở lại được nữa để dạy… dạy dỗ… các con. Các con…
đừng, đừng khóc… Bố đã khóc… rồi. Bố mong… mong… các con sau này không còn phải…
phải khóc như bố nữa…
Nói đến đây,
tay ông quờ quạng, cố giơ lên. Lần này, ông giơ về phía vợ. Bà vội vàng nắm chặt
lấy bàn tay ông đã lạnh ấp vào ngực mình. Ông lại cố, cố lắm mới nói được đứt
quãng từng lời một:
- Bà hãy… hãy
dạy… con…giữ lấy… “cái gốc”…
Bà gật đầu
lia lịa ra chiều hiểu ý ông. Ông hơi nhếch môi cười rồi ngật đầu về một phía.
Bà vẫn ấp chặt bàn tay ông ở ngực mình, gục xuống người ông.
Nhìn cảnh tượng
ấy, con Bích không gào khóc gì mà cứ đứng ngây ra, mồm há hốc, mắt trợn ngược.
Rồi bất thần nó sờ nắn khắp người. Nó móc hết túi này, túi khác chẳng thấy, cuối
cùng nó lần vào trong coóc-xê lấy ra mảnh giấy gấp làm tư. Nó xé, xé giằng xé vụn
thành từng mảnh nhỏ để giữa lòng bàn tay nhìn, rồi lâng lâng lên. Những mảnh giấy
nhỏ rơi lả tả xuống nền nhà, nó di chân lên những mảnh giấy, mồm mếu máo. Nó
khóc không ra khóc, cười không ra cười, như một người điên.
Hạ Long, 19.8.2005
H.T.S (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét