Ngày
6 tháng 12 năm 2012, đúng vào lúc 12 giờ 10 phút theo giờ Paris (tức 18 giờ 10
phút giờ Việt Nam), tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ Di sản
văn hóa phi vật thể, diễn ra tại Paris (Pháp), tổ chức Unesco đã chính thức
công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ của nước ta là Di sản văn
hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sự
kiện trọng đại này, cho thấy tổ chức Unesco và cộng đồng thế giới đánh giá rất
cao việc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, cũng có nghĩa là thừa nhận
đời sống tâm linh của người Việt Nam. Từ bao đời nay, người Việt Nam không
những hiểu biết về thời đại Hùng Vương qua sử sách, mà trên thực tế hằng năm,
không chỉ ở trong nước mà cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng đều hướng về ngày
giỗ tổ Hùng Vương- nơi thờ Quốc tổ. Đây là giỗ chung cho toàn dân tộc Việt Nam,
dù có làm ăn xa, đi ngược về xuôi cũng cùng nhau nhắc nhở nhớ ngày giỗ Tổ, dẫu
không về Đền Hùng- Phú Thọ được thì cũng bằng tấm lòng thành kính với tâm niệm
hướng về giỗ Tổ. Đã là người Việt Nam, ai cũng nhớ câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ nhớ ngày giỗ Tổ mùng
Mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn
năm”. Không chỉ ở Phú Thọ mà thành phố Hô Chí Minh, Hà Nội và nhiều nơi
khác trong cả nước cũng tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương. Và, ngày mồng Mười tháng Ba
âm lịch hằng năm, được Nhà nước chính thức cho phép cả nước nghỉ một ngày như
các ngày lễ lớn trong năm. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là ý thức hệ cơ
bản của cả dân tộc, được hình thành từ buổi đầu trong quá trình hình thành và
định hình quốc gia tự chủ.
Tín
ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thế giới công nhận, chứng tỏ sức sống bền bỉ
của nền văn hóa Việt Nam
thống nhất trong đa dạng, gắn với dòng chảy văn hóa hội nhập vào thế giới. Đây
là nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn kết cộng đồng người Việt Nam trong ngôi nhà chung, tạo nên sức mạnh dân
tộc Việt Nam
qua mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước và không ngừng đưa đất nước phát triển
mạnh giàu, văn minh...
Tín
ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vượt ra khỏi tầm quốc gia, dân tộc, không còn là
chuyện riêng và khác với những di sản được công nhận trước đây, bởi tính độc
đáo của tín ngưỡng này là thể hiện thờ Quốc Tổ. Lịch sử lâu dài của dân tộc
Việt Nam, đã xây dựng nên một biểu tượng cội nguồn, vượt qua rào cản của mọi
chế độ xã hội, mọi sự khác biệt tôn giáo...tiềm tàng sức mạnh phi thường của cả
cộng đồng dân tộc trong suốt quá trình tồn tại và phát triển. Xác tín nền tảng
của việc thờ Quốc Tổ chính là tục thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam đã
có từ xa xưa. Đặc tính xã hội con người nước ta là ý thức quốc gia của người
Lạc Việt được hình thành rất sớm, vượt ra khỏi giới hạn bộ tộc, tạo nên sức
mạnh đủ sức chống chọi với thiên tai, địch họa để tồn tại và vững vàng đi lên. Người
Việt Nam luôn hướng về cội nguồn, đó là
gốc rễ, căn cơ của bản sắc văn hóa dân tộc Việt, là sức mạnh được bắt nguồn từ
gia đình- làng bản- đất nước. Trong lịch sử, có lúc chúng ta bị họa xâm lăng,
nhưng gia đình còn, làng còn thì sau đó giành lại được nước, giành được độc lập
dân tộc...
Từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương- Quốc Tổ đến
việc thờ cúng Tổ tiên, ông bà trong tổ ấm mỗi gia đình là một tín ngưỡng mang
tính tâm linh sâu sắc, ăn sâu trong tiềm
thức của mỗi người trong cộng đồng dân tộc về tuyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”. Một sự minh triết
được sàng lọc, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, cho đến thế hệ hôm nay
và sẽ mãi mãi về sau. Người Việt Nam lấy ứng xử trong gia tộc để ứng
xử với toàn xã hội, cư xử với nhau trong các dân tộc anh em như anh em trong
đại gia đình. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, người nào coi thường việc thờ cúng
Tổ tiên ông bà, bất hiếu với cha mẹ, gia đình không kỷ cương, tôn ti trật tự...thì
không thể có uy tín đối với xã hội.
Tín
ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể
đại diện của nhân loại, càng có cơ hội làm
cho thế giới hiểu rõ hơn cội nguồn và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, có sức
sống bền lâu và lan tỏa, đồng thời khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc
gia trên thế giới về lòng biết ơn Tổ tiên, thái độ tôn trọng sự đa dạng văn
hóa. Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là Phương Đông, coi trọng việc thờ
cúng Tổ tiên, tôn thờ những bậc vĩ nhân có công khai sáng dân tộc và Tổ quốc
họ. Thế nhưng, thật hiếm có nơi nào mà đông đảo các dân tộc anh em trên mọi
miền Tổ quốc, kể cả người Việt Nam
đang ở nước ngoài đều tự hào cho rằng mình có chung Tổ quốc, có chung một cội
nguồn như ở Việt Nam.
Đặc trưng nổi trội và biểu hiện cao nhất của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là
yêu nước, thương nòi.
Trong
tâm thức người Việt Nam, việc thờ phụng, cúng giỗ Tổ tiên trong mỗi gia đình là
quan trọng, có thể coi là “đạo” thờ
cúng Tổ tiên. Tín ngưỡng tôn giáo vẫn không thể thay thế tín ngưỡng thờ cúng Tổ
tiên, vậy nên có câu: “Tu đâu cho bằng tu
nhà/ Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”. Tùy theo điều kiện từng gia đình, nhà ở dù to hay nhỏ, rộng hay chật
cũng dành hẳn nơi đàng hoàng, trang trọng nhất để đặt bàn thờ Tổ tiên, ông bà. Gia
đình có thờ cúng gia tiên, nước có Quốc Tổ Hùng Vương dựng nước, đã trở thành
nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt. Nền tảng của việc thờ Quốc Tổ chính
là tục thờ cúng Tổ tiên của người từng gia đình người Việt Nam có từ ngàn đời nay.
Tuyệt
đại đa số người Việt Nam
đã ăn sâu trong tiềm thức việc thờ phụng, cúng giỗ Tổ tiên, ông bà quá cố. Một
người đàn bà nghèo, tảo tần hôm sớm, đến ngày giỗ cha mẹ chồng vẫn phải gánh
trên vai gánh nặng lo cúng giỗ “Tháng Tám
giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”... Mỗi gia đình Việt Nam, dù giàu hay nghèo, đến ngày
cúng giỗ người quá cố đều phải lo sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ
tươm tất, dâng lên hoa quả, mâm cỗ. Gia đình khá giả thì mua sắm đầy đủ, để sau
hậu kỵ là đãi đằng trong gia tộc, bạn bè lưu hữu mà dân gian gọi là “trả nợ miệng”. Nhà nghèo cũng sắm vài
ba món dâng lên bàn thờ, thể hiện lòng thành kính của người còn sống đối với đấng
sinh thành đã khuất. Thắp ba nén nhang khấn vái trước bàn thờ gia tiên, làn
khói hương ẩn hiện, lẩn khuất như đang hòa quyện hai cõi âm dương. Trong giây
phút thiêng liêng ấy, ta thấy lòng mình thanh thản và Tổ tiên, ông bà đang ở
cõi vĩnh hằng cũng như đang gần gũi với con cháu, người thân trên cõi trần...
Thờ
cúng Quốc Tổ hay thờ cúng Tổ tiên, ông bà trong mỗi gia đình Việt Nam là hoạt
động tâm linh, nét văn hóa tinh túy, gắn với quá trình khai mở, dựng xây, giữ
gìn và phát triển của đất nước và dân tộc. Đó là niềm tin thiêng liêng, là sức
mạnh gắn kết từ cá thể đến cộng đồng xã hội, là điểm tựa tinh thần: “Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ,
người có tông...”. Không còn là vấn đề chỉ có ta nói với ta, mà cộng đồng
thế giới đã đánh giá, công nhận giá trị tinh thần chứa đựng sức mạnh văn hóa
của dân tộc Việt Nam.
Vì vậy, mỗi người cùng cả cộng đồng đã và đang tiếp tục vượt qua mọi khó khăn,
thử thách để vươn lên phía trước, vì sự trường tồn của dân tộc và phồn vinh của
đất nước, nhằm không ngừng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tháng 6/ 2013
Trần Duy Đức
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét