“Tui già rồi còn mơ mộng nỗi gì”. Cái câu
đó của chị Lan tôi nghe không biết bao nhiêu lần, nhiều tới mức mỗi khi chị
định nói câu đó tôi cướp lời nói tiếp chị luôn để khỏi phải nghe. Chị nói y như
chỉ lụm khụm dữ lắm. Mà kì, chị đâu có già, mới chừng đâu 22, 23 tuổi, tóc xanh, mắt trong, thân hình tròn trịa nuột nà
thì già nỗi gì. Mà kêu chị lấy chồng chớ có kêu đi thi hát, nhẩy đầm, mần thơ
đâu mà kêu mơ với mộng.
Chị gánh rau, cá đi bán. Chưa đi tới chợ
hàng của chị đã hết. Người đẹp đến cái dáng gánh đôi quang gánh cũng đẹp. Đường
kênh nhỏ xíu lô nhô chỗ thấp chỗ cao mà chân chị rảo dẻo quẹo đều ran. Hồi đó
tôi mới học đâu có lớp 9 hà, mà ngó chị đi ngang thấy gió ngược lật xéo tà áo
bà ba của chị, tui xém lọt sông. Người gì đâu mà trắng dữ thần. Cái eo cong như
khúc cua quẹo ngoài ngã ba. Chị bán không giống người ta. Người ta mua cá, chị
cho thêm miếng hành, thêm lọn rau nhỏ cho đủ bộ. Người ta mua rau, chị bốc thêm
4 hay 5 con tôm gì đó biểu cho ngọt canh. Của nhà làm ra, lời lỗ đâu mà sợ. Má
tui chậc lưỡi: Thấy con gái người ta mà thèm. Vừa đẹp vừa giỏi giang, hiền thảo
có đâu như đám con gái xóm này. Trời ơi ta nói nó tức trong mình gì đâu. Tối
ngày se sua quần này áo nọ tóc vàng tóc đỏ theo mấy cô gơ gơ gì đó. Nuôi trọng
trọng chút là đòi lên Sài Gòn hết ráo. Nghe nói lên trển mấy nó bán rau sạch. Mắc
cười hôn bán rau sạch thì ở quê cũng bán được chớ mắc mớ gì lên tới Sài Gòn.
Cái chuyện con gái xứ Lung Cùng đi lên
thành phố bán rau sạch ra sao thì tôi không biết, hồi đó tui còn nhỏ chưa hiểu
chuyện đời nên cũng thắc mắc như má với chỉ: Sao chị không lên Xì Gòn bán rau
sạch cho có giá hơn dưới quê mình như mấy chị trong xóm. Chị Lan kí đầu tui đau
muốn nổi u: Biết rau sạch là cái thứ chi không mà xúi chị? Là cái thứ chi? Tôi
ngóc cổ lên hỏi. Con nít hỏi chi mấy thứ đó không biết nữa. Rau sạch là… là… là
cái thứ không sạch, biết hôn. Ngộ heng! Rau sạch là cái thứ không sạch là sao?
Chị Lan không nói gì nữa cắp cái rổ đựng mớ tôm mới lặt râu ra phía đằng sau kho
với nước dừa. Đứng kế lửa má chị ửng hồng, mấy lọn tóc mai lòa xòa trước trán.
Giờ tui mới biết sao con trai xứ này biết mình ên chị Lan để mấy đứa con gái
mới nhổ giò trổ mã tức cành hông. Chị đẹp. Đẹp lạ lùng mà tôi không biết đường
tả mà chỉ có thể nói chị đẹp như… má tôi vậy. Má tôi hồi đó cũng đẹp nhứt nhì
cái xóm Lung Cùng này…
***
Cũng như mấy đứa con gái trong xóm, chị
Lan học hết lớp 7 rồi nghỉ. Nhà tôi cách nhà chị miếng vuông nên hay chạy qua
chạy lại. Bác Ba Phỉ (ba chị Lan) ở đâu xứ Trần Văn Thời chuyển qua Lung Cùng
cỡ chục năm có ngoài. Bác Ba có hai người con chị Lan là út, trước chị Lan là
anh Minh. Ảnh học giỏi lên Cần Thơ học lâu lâu mới về một lần. Là anh em ruột
chớ chị Lan với anh Minh hai mặt khác nhau mà chị Lan cũng không có giống ba má
chỉ. Má tôi ngó sang bên nhà bác ba Phỉ thấy chị Lan gánh nước tưới mấy liếp
rau thở dài: Ờ má thấy con Lan nó cũng khác mặt với anh chị Ba bên đó. Sanh
được đứa con như vậy có phước quá, đâu cần mai mốt mới được nhờ. Con nhỏ vừa
đẹp vừa siêng mà uổng cái… Má bỏ lửng câu nói kéo cái lú lên đổ tôm. Tôi hỏi
dồn: Uổng cái gì má? Sao đẹp mà uổng. Cái thằng này, má gắt lên, tao biểu mày
đi nhúm lửa bắt cơm ngheo, chiều dữ rồi.
Anh Minh về bác ba Phỉ nấu cháo vịt kêu
ba má tôi qua chơi. Chị Lan chừa cho tôi cặp chân vịt ngon xớt. Rồi bác Ba gái
đốt mấy cặp vỏ dừa um muỗi trải cái chiếu ra hàng ba đặng bày đờn ca. Chị Lan
ca bản “Hoa nở về đêm”, bác Ba trai đệm đờn Sến, còn anh Minh thổi sáo nối câu.
Chị Lan đôi mắt buồn thăm thẳm ca tới đâu thấm tới đó. Đương lúc hay má bấm
chân biểu tôi về học bài, con nít con nôi ở đây phiền người lớn. Con 16 tuổi
rồi ngheo, người ta được vô Đoàn, học tới cấp 3 rồi mà má kêu con nít hoài. Tôi đợi chị Lan ca
hết bản rồi về, lúc dợm bước ngoái lại tôi thấy chị với anh Minh dòm nhau. Không
biết do tôi giỏi tưởng tượng hay tại cây đèn bão nó sáng trưng rọi tạng mặt hai
người nên tôi thấy ánh mắt họ nhìn nhau kì lắm. Cũng không biết tả sao nhưng
anh em người ta không dòm nhau tình tứ như vậy. Chị Lan, hổng biết sao mắt ươn
ướt cất giọng ca giọng buồn não nùng như ướp muối vô lòng.
Mấy ngày ảnh ở nhà, chị Lan lui cui lo
làm món này món nọ, săm soi coi áo quần anh Minh có vết chàm vết thâm nào không
đem vò tẩy tới trắng thiếu điều mòn vải. Chiều chiều chị Lan gánh nước tưới đám
hẹ hành, anh Minh kê hòn đá đầu bờ ngồi đọc sách. Anh Minh thả lưới, chị Lan
xách cái xô kè kè đi theo đựng cá. Anh em người ta thương nhau vậy đó, ai như
hai anh em bây như chó với mèo – má tôi chỉ tay sang bên bác ba. Ngoài vườn anh
Minh khum khum vun đất thành liếp còn chị Lan rãi hạt ở liếp kế bên. Anh em như
vậy mới kì đó – tôi làu bàu, chợt nhớ tới ánh mắt anh Minh chị Lan nhìn nhau
đêm hổm. Tôi tót qua bên nhà bác Ba, phía sau má còn nói cái gì đó tôi nghe
không rõ.
Sao chị không đi lấy chồng cho phức?
Vừa hái đọt lang tôi vừa hỏi. Ờ, già rồi... chị nói lửng câu tôi cướp lời: Mơ
mộng nỗi gì phải hôn?. Bày đặt mới có 21, 22 mà già. Chớ hổng phải chị chê anh
Tuấn con thím Bảy không cao dàn tốt tướng sao? Người ta đi coi mắt mà chị từ
chối đó. Chị nín thinh không nói gì. Xếp đôi thùng vô nhà để mình ên tôi với
mấy cọng rau xanh ngắt vô duyên.
Quang nhiêu tuổi rồi? Mười sáu tuổi
mấy rồi chị? Nhanh thiệt Quang hé? Hồi đó nhớ chị còn cõng Quang đi vòng vòng
xóm chơi mà giờ sắp tới tuổi lấy vợ rồi.
Chị Lan vuốt mồ hôi trên mặt. Tôi đờ
ra mấy giây bởi cái cổ áo trễ nãi của chị. Trắng ngần và sâu hun hút. Tôi vội
ngoảnh mặt ra sông, cảm giác nóng bừng như đang ngồi bên hầm than.
Chị lấy chồng đi. Chế Huệ, chế Mai
bằng tuổi chị mà con người ta đi học mẫu giáo rồi đó. Chị đừng có nói “Tui già
rồi mơ mộng nỗi gì” nghe. Thì già thiệt mừa có trẻ trung với ai hả Quang. Như
cái đám bắp này nè, chị mà không khử cờ, tỉa chồi để lâu bắp lép hột vô duyên
lắm. Nói tới đó chị dừng lại ngó vô trong nhà, bác Ba trai đang vá lú, mái tóc
muối tiêu đổ lệch che khuất cả khuôn mặt.
Mơi mốt Quang ít qua đây chơi thôi
he! Mười sáu tuổi mấy rồi đâu còn con nít. Để người ta nói kì – Chị Lan nói mà
không thèm ngó tôi để coi cái bản mặt tôi nó sưng như ong chích. Tôi nhẩy dựng:
Có gì đâu, em với chị thân nhau từ cái hồi cởi truồng tắm mưa mừ. Chị sợ kì, em
không sợ kì. Chị cười nhẹ tênh: Người ta nói đờn ông đờn bà ở không càm ràm với
nhau dễ sinh chuyện. Chị nói kì là kì, Quang dzìa đi.
Em với chị mà kì cái gì. Có anh em
mấy người mới kì – Tôi bực dọc chạy xuyên qua rẫy bắp, gió xô đẩy, lá bắp chạm
vô chân tay cắt cứa, đầu óc như đám cỏ lóc chóc hươ rối loạn trong gió. Chị Lan
ngước lên nhìn tôi mắt ướt rượt như mới khóc.
***
Con Lan nó chết rồi. Người ta mới
vớt nó dưới sông lên hồi 9 giờ. Nó kẹt ngay dưới chân cầu. Hờn oán gì mà đi tự
tử không biết... Tôi không nghe hết câu nói của má quẳng cái cặp chạy sang nhà
bác Ba Phỉ. Tôi sợ bất kì ý nghĩ, phỏng đoán nào nhẩy vào đầu óc tôi lúc này.
Lá bắp xô đẩy ràn rạt, thấp thoáng đôi mắt ướt rượt của chị Lan chiều qua.
Người ta để chị nằm đó. Trời ơi chị
Lan ơi chị nói chuyện đi. Chị nói gì cũng được. Sao không ai thay đồ cho chị để
chị Lan nằm trên chiếc chiếu cũ giữa sân vầy nè. Trên huyện người ta nói còn
khám nghiệm tử thi – ba tôi vừa nói vừa lui cui thu dọn cái bàn đặt nải chuối
thẻ nhang. Người ta lô nhô xung quanh chị. Anh Minh, bác Ba trai ngồi im lặng
như tượng còn bác Ba gái ôm chân chị Lan khóc hụ hụ…
Tôi không biết mình chạy đi đâu
giữa bạt ngàn xanh bắp. Sống chết có nghĩa gì đâu hả Quang mà em khóc chi? Tôi
ngu ngơ: Ơ chị đi đâu ra chỗ này, mới thì em còn nhìn thấy chị nằm trên chiếc
chiếu giữa sân. Chị tắm sông thôi mà chết làm sao được. Chị còn chừa cặp giò
vịt cho em nè. Tôi cười như khóc: Thôi, em không ăn giò vịt nữa, chị làm em sợ
muốn chết hà. Tưởng chị chết sông rồi chớ. Chị Lan lại cười hất ngược mái tóc
dài ra phía sau, chị gầy, da xanh, trong suốt: Sống chết có nghĩa gì đâu. Em về
đi, tới giờ chị đổ lú rồi. Cầm cho chị cây sáo này. Ơ chị… đợi em đã… Tôi hớt
hải gọi chị nhưng chị xua xua tay biểu tôi về đi rồi chị trôi vụt qua, nhanh
lắm. Tôi chới với mắc đám rễ cây sanh té sấp mặt xuống đất. Rờn rợn lạnh. Trên
tay tôi là cây sáo của anh Minh.
Mày không đáng để tao gọi bằng anh!
Thằng khốn nạn. Anh Minh loạng choạng sau cú đấm của tôi, liếp bắp đang mùa thu
hoạch rạp xuống. Anh lau máu trên khóe miệng rồi nắm lấy vai tôi lắc: Mày nghe
được những gì mà đánh anh. Nghe gì hả - tôi gằn giọng – cả cái xã này nói chị
Lan không có nhảy cầu tự tử đâu. Chị đẹp vậy, yêu đời vậy làm sao nhẩy cầu.
Công an người ta nói chị bị hiếp trước khi chết. Sao anh không ở luôn Cần Thơ
đi về hại chỉ làm chi? Chỉ là em gái ruột anh mà – Tôi vùng dậy hét lên, đấm đá
túi bụi. Anh Minh cũng nổi khùng lao vào tôi đánh loạn xạ cho đến khi cả hai
thằng đàn ông nằm vật ngửa ra đám bắp. Không phải anh, anh không phải là thằng
khốn nạn như thế mày biết không? Tôi hét lên: Làm sao tôi tin cái thứ loạn luân
như anh đây! Mày phải tin. Anh yêu Lan, Lan không phải là em gái ruột của anh.
Lan là đứa con hoang của dì ba em má, dì ba sanh Lan xong băng huyết mà chết,
má anh nhận về nuôi từ đó… Anh Minh khóc rống lên đau đớn. Tôi chết điếng nằm
xuôi xuội có cảm giác tôi đang trôi theo chị Lan trên con sông Lung Cùng đầy
rác rưới. Sóng lớp lớp dồn đuổi vần vũ quanh tôi.
Tiếng bác Ba gái thất thanh: Minh ơi,
con ơi… Mày cản ba mày cho má… Ổng chạy xuồng ra huyện đầu thú kìa Minh ơi…
Anh Minh dựng dậy nhảy xuống dòng
Lung Cùng tính níu chiếc xuồng bác Ba Phỉ nhưng xuồng đã vọt trên sông đi về
phía huyện. Bác ba gái đổ sụp xuống hàng ba: Ông ơi, con Lan chết đã chết rồi. Giờ
tôi ăn làm sao, nói làm sao với vong hồn má nó, sống làm sao với bà con cô bác
ở đây… Trời ơi, Lan ơi phải chi má sửa cái buồng sớm cho con thì đâu có ai oán
như vầy. Minh ơi, cản ổng cho má, ông ơi…
Ba ơi… Lan ơi…. Tiếng kêu cô độc của anh Minh chìm nghỉm trong tiếng
xuồng máy kêu giòn rã lan trên mặt sông. Dòng Lung Cùng bỗng dậy lên tiếng sáo
réo rắt sầu ai bi thảm. Chị Lan đi từ phía sông về nhà, tóc chị vẫn bới cao,
đôi mắt ướt rượt nước mắt. Hai dòng đỏ như máu tươi đổ ra từ khóe mắt…
Nguyễn Thị Việt Hà (Cà Mau)
Có phải hồng nhan phận không nhỉ ? Truyện viết lôi cuốn người đọc .Cảm ơn tác giả !!!
Trả lờiXóaViệt Hà cám ơn bạn Trần Quốc Tiến đã đọc và cảm nhận nhé!
Trả lờiXóaTruyện rất hay. Đặc biệt là giọng văn Nam bộ. Nói vui nhưng không có nghĩa là không thực: nếu lão tiền bối Bình Nguyên Lộc sống lại chắc cũng phải khen thôi.
Trả lờiXóa