Tôi với anh yêu nhau từ độ cuối thu. Lúc
tiết trời đỏng đảnh như cô gái mới dậy thì: mới trưa còn nắng như trút lửa,
cuối chiều đã lành lạnh heo may.
Nơi tôi ở là một xã nghèo miền biển. Nơi đất rộng, người thưa, đất đai
bị mổ xẻ dọc ngang, người ta đang tìm cơ hội làm giàu để thoát khỏi cái cảnh
vừa thiếu đói vừa thiếu nợ ngân hàng.Túng quẫn và bần hàn nên xóm tôi hay có
những cuộc cãi vã chẳng rõ nguyên do.
Tôi là một công chức nhà nước bình
thường. Tôi yêu nghề bằng cái cách tám tiếng làm việc cật lực nơi công sở đến
toát mồ hôi hột, rồi hỉ hả riêng mình vì đã có một ngày làm việc có ích, hỉ hả
vì trong ngày mình vui vẻ không bất an vì một điều gì.
Sự hẻo lánh, lạc hậu, tù túng dễ dẫn đến
cho con người ta bực bội rồi sinh lòng đố kị nhưng tận sâu thẳm tâm hồn mỗi con
người luôn chất chứa những nỗi niềm riêng và họ dễ dàng tha thứ cho nhau để rồi
sẵn sàng bảo bọc nhau mỗi khi hoạn nạn. Tôi thường bàng quan trước những cuộc
cãi vã của đồng nghiệp nhưng để khỏi bị cho là “chảnh” tôi lại tỏ ra là một
người tích cực, dốc lòng can ngăn, dàn hoà cho “Sự nghiệp đoàn kết” chung, rốt
cuộc tôi lại tự thấy mình vô duyên tệ. Cơ quan của tôi có vài cô gái gần đến
tuổi “băm”, nói theo các cụ là “quá lứa
lỡ thì” hay lục đục nhau. Tôi nhận ra trong cái vẽ tỏ ra kiêu kì của họ là lòng
khao khát yêu thương. Sự khao khát ấy bị nhốt trong không gian nhỏ hẹp, một nơi
dường như biệt lập cách xa thị trấn đến gần hai mươi km, một nơi người ta vẫn
gọi là “Năm Không” thì những chuyện ấy xảy ra cũng chẳng có gì là lạ..
Tôi cũng có những nỗi buồn. Tôi rất hay
thẩn thơ buồn là đằng khác. Đồng nghiệp tôi khi buồn họ thường rủ nhau bao một
chiếc xuồng ra thị trấn uống bia và hát karaoke inh ỏi. Những lúc ấy họ thường
rất chân thành, mọi va chạm nhỏ nhặt thường ngày như chưa từng xẩy ra. Một
thoáng chốc “giải ngố” ở thị trấn khiến họ vơi đi ít nhiều nỗi niềm dồn nén bao
ngày. Còn tôi, tôi thường không giải quyết nỗi buồn bằng cách ấy. Tôi không
uống được bia. Chỉ vài giọt đã say chếnh choáng và thế nào tôi cũng sẽ khóc
váng lên mà chính tôi cũng không rõ vì sao mình lại khóc và khi tỉnh dậy nghe
kể lại, thế nào tôi cũng mắc cỡ đến năm, bảy ngày chưa thôi. Biết thế nên tôi
tách mình ra khỏi những cuộc “giả ngố” ở ngoài
thị trấn, tôi tha thẩn lội men theo con đường bên các dòng kênh. Chân
trần đạp trên cỏ vô danh, miệng thầm thì gọi tên anh, tay bứt hoa dại ven đường,
rồi ngồi lại bên dòng kênh hiền hoà nghe gió lùa tóc rối. Con kênh gần trường
tôi có cái tên nghe cũng buồn buồn: kênh Cùng. Sau đó tôi trở về nhà, bình tâm
hơn và lao vào một ngàn linh một chuyện không tên trong nhà để quên buồn. Khi
buồn, tôi thường nghĩ đến anh, tưởng tượng có anh trước mặt để luyên thuyên với
anh mọi chuyện. Đôi lúc có người bắt gặp tưởng tôi mộng du cứ ra sức khuyên tôi
đi điều trị cho sớm để nhanh khỏi bệnh. Tôi cười khì gật đầu lia lịa tán thành
cho qua chuyện. Chỉ có tôi mới rõ, tôi không mộng du, chỉ vì tôi nhớ anh quá mà
thôi.
Mẹ sinh tôi ra vào cuối tháng tư, giữa cơn
mưa tầm tã. Mẹ kể: “Suýt nữa bé Cún bị đẻ rơi”. Hồi nhỏ tôi rất dễ nuôi chỉ
phải cái tội quá lí lắc, nghịch ngợm. Mẹ chưa bao giờ đánh tôi cả, lần nào tôi
phạm lỗi mẹ chỉ ôm tôi thật chặt, mắt ngấn nước bảo: “Có mình mẹ nuôi chị em
con. Con phải biết làm gương cho hai em nữa chứ Cún.”. Bé tí tuổi đầu thôi, tôi
đã biết lau nước mắt cho mẹ và hiểu mình
phải làm gì cho mẹ không khóc.
*
*
*
Tôi yêu anh từ độ cuối thu. Lúc tâm hồn
tôi hồn nhiên như cỏ non mùa xuân. Tâm hồn của một cô gái chưa tròn mười sáu
tuổi đã biết mơ những giấc mơ về hoàng tử. Lần đầu tôi gặp anh, anh mặc chiếc
áo màu xanh, tóc anh mềm và bồng bềnh. Anh nhoẻn miệng cười khi bắt gặp tôi vừa
làm bánh đa quế giúp mẹ vừa học bài. Anh gọi: “Bé ơi, cháy bánh bây giờ”. Tôi
ngước lên nhìn anh. Trời ơi, thiên sứ! Tôi lọt thỏm vào đôi mắt sáng trong chứa
cả một trời mộng mơ ấy để rồi gần 20 năm sau tôi vẫn không thể thoát ra được.
Anh gọi mẹ tôi bằng cô và gọi tôi bằng
“bé”. “Bé” học rất giỏi Văn nhưng rất “mít” Toán nên anh nhọc công giúp “bé”
học Toán. Nhà anh ở cuối làng, nhà tôi ở đầu xóm. Anh hay mang những quả khế
mọng vàng, những quả bưởi đào cho “bé”. Thỉnh thoảng anh chở “bé” trên chiếc xe
đạp Trung Quốc đi ăn kem bờ hồ. Lần nào bên anh tim tôi cũng đập chộn rộn. Tôi
vụng về như học sinh không thuộc bài bị cô giáo gọi lên bảng. Tôi ra sức chống
chế, trấn tĩnh bằng những câu chuyện luyên thuyên về ước mơ sau này tôi sẽ là
một luật sư thật giỏi. Anh hay nghiêng đầu chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại
mỉm cười, nụ cười làm tim tôi muốn ngừng đập.
Tôi qua cái tuổi mười lăm, rồi mười sáu tuổi. Mùa đông anh
thường hay mang cho “bé” những bắp ngô luộc nóng hổi và tẩn mẩn nặn bột cho “bé”
làm bánh đa quế giúp mẹ cho nhanh để học
bài. Mùa đông, anh thường chở “bé” thật nhanh qua triền đê lộng gió để đến
trường. Mùa đông năm ấy lạnh lắm, môi tôi tím đi vì lạnh, anh choàng cả chiếc
khăn lên rất dày lên cổ tôi vẫn không đủ ấm. Anh xoa xoa hai tay vào nhau áp
lên má tôi để tôi bớt lạnh. Bỗng dưng anh chăm chú nhìn tôi rồi bảo: “Giá mà bé
lớn thêm chút nữa nhất định chú sẽ ôm bé như người yêu người ta ôm nhau đấy.
Lạnh thế này…”. Nói rồi cả anh và tôi đều bật cười. Nhưng lúc ấy, kì lạ lắm,
tôi thấy lạnh lẽo tan đi đâu mất, tôi thấy rất ấm, dường như có ánh nắng rất
dịu dàng trong anh toả sang tôi, trong tôi như có mùa xuân, hồn tôi đã trổ
những bông hoa li ti thay cho đám cỏ mùa xuân hồn nhiên dạo nọ. Tôi luyến nhớ
anh từ hồi nào chẳng rõ. Từ khi gặp anh mặc chiếc áo màu xanh vào chiều mùa hạ
ấy hay một sáng mùa đông anh áp hai bàn tay ấm áp của anh lên má tôi.
Mẹ chuyển vào miền Nam xa xôi, tôi
ở lại học hết học kì một lớp mười. Thế rồi cũng đến lúc tôi xa anh. Lúc tôi vừa
bước sang cái tuổi mười bẩy, lúc tôi vừa kịp lớn để biết trái tim mình rung
động bởi anh. Năm ấy cũng vào một mùa đông… Anh lặng im ngồi nhìn tôi ăn kem ốc
quế. Trời tê tái lạnh nhưng tôi vẫn muốn ăn kem ốc quế. Anh hỏi :
- Bé còn muốn anh mang gì cho bé nữa không?.
- Bằng lăng, hoa bằng lăng trái mùa anh tìm được
không?
- Được. Bé ngồi yên đây chờ anh.
Tôi ngồi
yên trên sân ga chờ anh và suýt bật khóc khi người ta nói trên loa sắp tới giờ
soát vé mà anh chưa trở lại. Nhưng anh đã trở lại và trên tay ôm một bó bằng
lăng trổ muộn. Bằng lăng trổ muộn tím đến nao lòng. Cuối mùa hạ hoa đã tàn hết
nhưng anh đã tìm được hoa bằng lăng trái mùa vào mùa đông trên con đường đẹp
nhất Hà Nội mang tên Hoàng Diệu. Trời rét căm căm nhưng trên trán anh lấm tấm
mồ hôi. Tiếng còi giục giã, xé lòng. Anh xiết chặt tay tôi, đôi mắt ngấn nước.
- Bé đi mạnh khoẻ. Nhớ viết thư cho anh.
- Không, em sắp mười bảy tuổi, em không còn bé nữa.
Tôi nghẹn ngào.
- Ừ, em không còn bé nữa. Vậy anh ôm em được không?.
Ôm như người ta yêu nhau ấy?.
Nhưng anh
đứng lặng đó, tôi đứng lặng đó như tượng đá. Muốn lao vào anh mà chân như chôn
chặt… Anh chỉ kịp chạy theo và hét lồng lộng giữa sân ga khi tàu chuyển bánh:
- Em nhớ học giỏi. Sẽ là luật sư nhé! Anh sẽ tìm em.
* *
*
Anh chỉ dặn tôi học giỏi mai này làm
luật sư, không dặn tôi phải nhớ anh nhưng tôi đã nhớ anh đến thế này…
Bao nhiêu năm trôi qua. Chúng tôi đã đi
tìm nhau, đã yêu nhau trong bao cách trở. Những cánh thư màu mực tím vẫn đều
đặn gởi trao. Nhưng con thuyền tình yêu đã không bến đỗ. Chẳng phải vì tình yêu
chúng tôi không đủ nồng nàn, càng chẳng phải một trong hai người đã bớt yêu
nhau… Thế nhưng mãi mãi chiều đông trên sân ga ấy vẫn còn trong tôi một hối
tiếc rằng tôi đã không choàng ôm lấy anh thật chặt để cho đến bây giờ tôi vẫn
ngẩn ngơ đi tìm hơi ấm ấy. Chúng tôi đã đi tìm nhau trong chừng ấy năm để rồi
tôi đã lạc trong biển người mênh mông này mãi mãi. Để rồi tôi lạc bước rẽ trái
đi về phía không anh.
Đêm trăn trở, tôi nhớ quay quắt sắc tím
của hoa bằng lăng trổ muộn vào mùa đông năm ấy. Hoa trái mùa nên tím đến nhức
nhối, nhói lòng. Tôi nhớ cồn cào con đường đầy bụi đỏ anh chở tôi đi. Tôi thổn
thức nhớ cái rét cắt da cắt thịt mùa đông miền Bắc. Mà không, hình như tôi
không nhớ những thứ ấy nhiều đến thế. Tôi đã nhớ mọi thứ có liên quan đến anh.
Tôi đã trốn nỗi nhớ anh mà nỗi nhớ cứ cồn cào cháy bỏng.
* *
*
Tôi
có một câu chuyện chỉ có thể viết vào lúc giữa khuya khi tất cả mọi người đã
thảnh thơi ngã mình trong chăn êm nệm ấm, khi tất cả đã lắng dịu trả lại vẻ bí
mật cho màn đêm, khi mọi bon chen, đố kị hay bao dung, hoan hỉ đều trở thành vô
nghĩa chỉ có giấc ngủ cùng những cơn mơ… Còn tôi, tôi ngồi đây, viết nhằng nhịt
cho qua đêm, một máy tính, một tâm hồn trắc ẩn cùng màn đêm làm bạn.
Chúng tôi yêu nhau. Chuyện tình tôi cũng
như bao chuyện tình trên thế gian này: đầy nhung nhớ và khát khao được là của
nhau. Tôi nghe được cả nhịp tim mình đang rung lên thổn thức. Chuyện tình tôi
được kể không đầu không cuối trong khát khao vỡ vụn, trong nước mắt đong đầy mà
chẳng khi nào thành giọt để rơi ra, trong nỗi nhớ anh cồn cào, quay quắt…
Mỗi ngày, trên mảnh đất nghèo đi vì
chuyển dịch cơ cấu kinh tế không thành công nhưng thấm đượm nghĩa tình và cũng
chất chứa bao nỗi niềm riêng ẩn của mỗi con người này, tôi vẫn yêu nghề theo
cái cách làm việc cật lực trên công sở và tìm một ngàn linh một việc không tên
trong nhà để làm nhưng tôi vẫn không quên rằng tôi nhớ anh. Để mỗi khi buồn tôi
không cùng đồng nghiệp bao đò ra thị trấn “giải ngố” mà tưởng tượng có anh
trước mặt để hàn huyên mọi chuyện trên đời. Ai đó vô tình bắt gặp sẽ vẫn bảo là
tôi bị mộng du, chỉ có tôi mới biết rõ ràng rằng: Giá mà tôi bị mộng du thì có
lẽ sẽ tốt hơn cho tôi.
Tôi yêu anh vào độ cuối thu. Anh hẳn
rằng cũng yêu tôi tha thiết… Nhưng tôi đã rẽ trái và lạc mất anh… Lạc mất anh…
Cà Mau, đêm tháng 11. 2009
Nguyễn Thị Việt Hà
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét