Tôi đã nắm bàn tay ấy. Lần
đầu tiên cũng là lần cuối cùng. Hối hận.
Gần hai mươi năm qua tôi chỉ
nắm bàn tay ấy một lần duy nhất. Nhưng sao nó không nảy lửa, không dữ đòn,
không ghê sợ mà chỉ là cảm giác chai sần và lạnh buốt.
Tôi vẫn còn nhớ như in bàn
tay ấy không biết bao nhiêu lần đã túm tóc mẹ tôi buột vào chân giường. Rồi
cũng bàn tay ấy đã tát mẹ tôi những cái tát nảy lửa. Vẫn bàn tay ấy khiến mặt
mày, thân thể mẹ tôi bầm xanh bầm đỏ nhưng mẹ chưa một lần hé răng với người
ngoài rằng bị đánh mà chỉ nói là bị vấp té. Rồi bàn tay ấy hơn một lần đã hơn
một lần bóp cổ thằng em út của tôi khi nó chỉ là đứa bé tròn tháng tuổi. Thằng
bé hơn mười tuổi trong tôi đã biết ghê sợ đôi bàn tay ấy như ghê sợ một hung
thần dù lờ mờ trong trí nhớ khi tôi lúc ba, bốn tuổi bàn tay ấy cũng đã từng
róc tàu dừa thắt cào cào, con rít, đồng hồ đeo tay… cho tôi trong tiếng cười
thơ ngây nắc nẻ.
***
“Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Vậy mà mẹ tôi sinh tòan
con trai. Năm “trự” một lèo chứ không phải một, hai đứa như người ta. Chủ nhân
bàn tay ấy chửi “Đồ cái thứ đàn bà hư! Ăn rồi chỉ việc sinh một đứa con gái
“cơm cháo” cho chồng mà cũng không biết sinh! Nhà tao một bầy tám thằng con
trai, má tao cực như chó dòi rồi mà mày còn đẻ con trai làm chi vậy?”
Mẹ tôi “hư” ư? Mà hư là thế
nào tôi cũng không biết nữa. Sáng sớm ông mặt trời chưa dậy đã thấy mẹ lui cui
dưới bếp rồi. Khói lửa bập bùng vây quanh tấm thân gầy của mẹ, đôi vai nhỏ gục
xuống hai đầu gối như tìm thêm phút nghỉ ngơi cho đôi mắt trong những dề khói
nặc nồng. Ông rửa mặt, mẹ đã khăn gói ra đồng đến đứng bóng mới tất tả về lo
cơm cho bầy “ngũ quỉ” (mà hổng chừng lá “lục quỉ” đó chứ). Trưa, khi bầy con đã
nằm im xếp lớp như cá mòi hộp trên chiếc giường tre xiêu vẹo thì mẹ lại cùng mê
nón tơi ra đồng đến chạng vạng mới về. Mẹ có bài bạc, ngồi lê đôi mách, vụng về
bếp núc, kém cỏi việc chăm con đâu mà chủ nhân đôi bàn tay ấy gọi mẹ là “đàn bà
hư” nhỉ?
Nhưng cũng không thể phủ
nhận tôi và thằng em kế được hưởng chút “ân sủng” của đôi bàn tay ấy. Là lúc mẹ
chỉ mới sinh hai đứa đấy. Hai anh em tôi cũng từng được ngồi lên cổ, lên lưng
của chủ nhân đôi bàn tay ấy làm trò “ngựa ông nhong nhong”, rồi cũng được ngồi
lên chân để chơi trò “xích đu tiên” (cam đoan “xích đu tiên” là ông tổ của trò
chơi thú nhún đấy!) chắc chắn đôi bàn tay ấy đã nhiều lần nắm tay tôi, nhưng
tôi nhỏ quá, tay nắm chỉ là để vịn cho đừng té, chứ làm sao cảm nhận được điều
gì.
Rồi bi kịch bắt đầu khi mẹ
tôi sinh đứa con thứ ba. Lại cũng là “đực rựa”. Chủ nhân đôi bàn tay ấy bảo
rằng cả đời ông chỉ mong một đứa em gái mà không có. Giờ thèm một đứa con gái
lẽ nào lại không được? Bà ráng (?) sinh cho tui một đứa con gái đi rồi muốn gì
tui cũng chìu! “Làm sao tôi biết được hả ông? Trời cho con gì nuôi con nấy.
Trai gái gì cũng là máu mủ của mình mà!”. “Nhưng tui không ưa con trai nữa, tui
sợ con trai lắm rồi! Tui chỉ cần một đứa con gái thôi, bà biết không? Hu… hu…”.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy chủ nhân đôi bàn tay ấy khóc, khi mẹ tôi sinh đứa
con thứ tư. Đôi bàn tay to sầm, đen sạm rất dữ đòn ấy đưa lên quẹt nhanh nước
mắt chứ không thèm dùng khăn tay hay vạt áo gì cả.
Hai mươi tám tuổi, bốn đứa
con cách nhau mỗi đứa hai tuổi. Sinh nở nhiều và cuộc sống cực khổ đã khiến mẹ tôi
già trước tuổi, dáng mẹ gầy còm còn da mặt thì vừa nám vừa tàn nhang. Mùi mồ
hôi của mẹ không còn thơm thơm như ngày nào tôi còn bé nữa, mà chỉ nồng một vị
khói và chua lóet mùi quần áo vài ngày chưa giặt. Nhưng tôi còn nhỏ quá, mười
tuổi thì có thể làm gì ngòai việc làm “thủ lĩnh” của bầy em ba đứa mà có khi
chúng còn ráp nhau đè “thủ lĩnh” súyt ná thở để giành một món đồ chơi?
Bốn anh em tôi được chủ nhân
đôi bàn tay ấy đặt cho những cái tên rất kiêu. Nghe là biết ngay tâm huyết của
ông với cuộc sống. Mà cảnh nhà đông người từ đời này sang đời khác bởi quan
niệm “con cháu đông đúc là nhà có phúc”, “thêm con - thêm của - thêm chén đũa”
thì cuộc sống có mấy khi khá giả. Giàu, Có, Tiền, Dư là tên của các anh em tôi.
Tưởng đâu sẽ dư được của tiền sau khi “khóa sổ” ở đứa thứ… tư vậy thằng Dư lên
bốn tuổi thì mẹ báo tin nhà sắp có thêm thành viên mới!
Mười hai tuổi, phần nào tôi
hiểu sự nhọc nhằn của mẹ khi có một bầy con trai. Hết ra đồng thì về nhà dọn
dẹp mọi thứ mà bọn chúng tung hê cả ngày. Quần áo, sách vở, chén bát, đồ chơi…
tất cả cứ lộn xộn như bãi xà bần, ngày nào cũng như ngày nấy. “Phải chi là con
gái thì nhà cửa sẽ không bày bề bộn như vầy!”. Có vài lần vì quá mệt nhọc và
bực bội anh em tôi, mẹ đã mắng như thế. Lời mắng mỏ mang cả ước mơ và dội vào
lòng những thằng con trai ý nghĩ “mình chỉ là kẻ không cần thiết?”
Vậy mà lần thứ năm mẹ lại
sinh thêm một “dây rơm mũ bạc”. Ngày đầy tháng thằng nhóc nhỏ, người ta khen ba
tôi khéo sinh, mẹ tôi khéo đẻ được cả một bầy “ngũ hổ”. Mai đây nếu ông bà ngó
lại chúng sẽ thành bầy “ngũ hổ tướng” cho vợ chồng ngồi không đếm tiền. Lời
khen có thể là chân tình nhưng đã chạm vào nỗi khát khao để hiểu thành “nói
móc” khiến chủ nhân đôi bàn tay ấy bất chợt vung tay đổ cả mâm chè đang cúng
“mụ bà” chửi đổng:
- Tụi nó là ngũ quỉ chứ ngũ
hổ cái giống gì! Tối ngày chỉ biết ăn rồi phá, ăn lủng nồi trôi rế chứ có pha
được cho tui ấm nước trà nào đâu! Tui không cần!
Và trong phút mất bình tĩnh
ông đã lao đến bên chiếc giường nhỏ- nơi thằng em út tôi đang say sưa ngủ. Ông
tốc nhanh mớ mền gối và bóp cổ thằng nhỏ trong tôi bàn tay to bè cứng như gọng
kìm. Tiếng khóc trẻ thơ hét lên rồi tắc nghẹn. Cũng may có bà con cô bác can
ngăn nên thằng bé còn sống. Chỉ có mẹ tôi chết cả tâm hồn.
***
- Cốp! Chỉ có bình trà mà
cũng không pha cho coi được! Đẻ cho tao đứa con gái đi rồi nó làm cho mà học
hỏi!
Chủ nhân đôi bàn tay ấy ném
nguyên bình trà nóng vào người mẹ tôi. Chả là ông ưa trà đậm, nhưng nhà tôi
luôn luôn trong tình trạng “thứ gì cũng có, chỉ thiếu tiền”.
Mẹ không còn nước mắt để
khóc nữa. Mẹ gầy như con cò già xơ xác cả lông cánh. Khuôn mặt trái xoan của mẹ
gầy thóp, vẩu xuống còn da bọc xương như những bức ảnh sọ người trong sách báo.
Chỉ thiếu hai hốc mắt sâu hoắm, hàm trắng ởn nữa mà thôi.
Đứa con thứ năm ra đời,
không đơn thuần là thêm chén thêm đũa mà còn thêm cả thức ăn, cơm gạo, áo
quần... Ấy là do ông muốn kiếm một đứa con gái mà ra cả. Nhưng bây giờ chủ nhân
đôi bàn tay ấy không còn quan tâm đến chuyện gì nữa, suốt ngày đôi bày tay quen
cày cuốc ấy chỉ cầm chiếc ly bé bé chứa thứ nước trong veo cay nồng trút miết
vào miệng. Say thì cầm cây đi tìm vợ con mà đánh chửi. Ông gọi vợ là “đàn bà
hư”, con là “lũ quỉ”. Và đứa con út bị đặt tên là Nợ. Trần Văn Nợ.
Rồi không biết mấy nay ông
học ở đâu những câu Nho đầy tâm trạng. Cứ nghe giọng ông khè khè rền rền từ
ngòai ngõ là thằng em út của tôi khóc thét. Nó khóc thế thì khác nào “lạy ông
tôi ở bụi này” chứ? Mẹ đã cố ép nó im bằng đôi bầu ngực teo tóp ấn sâu vào
miệng nhưng nó vẫn nhòai ra khóc.
- Vô oan gia bất thành phu phụ/ Vô oan nghiệt bất nên phụ tử… Ử… ư… nhưng sao oan nghiệt
đời tui nặng quá vậy trời? Muốn có một đứa con gái mà cũng không có được? Ọe…
ọe… Oan gia đâu rồi, ra dìu tao vô coi! Còn mấy thằng oan nghiệt kia, lấy cho
tao tô cháo, ly nước chanh coi! Đó… đó… có ai làm được đâu… vậy mà không đẻ cho
tao một đứa con gái “cơm cháo” hè… hụ…hụ… hụ…
Tôi thương ông lắm nhưng làm
sao có thể dìu nổi ông. Ấy là chưa kể mùi rượu, mùi thức nhắm từ người ông tóat
ra làm tôi nôn tới mật xanh mật vàng. Nhìn kìa, dáng ông liêu xiêu chực ngã
trong nắng chiều đang tắt. Chiều của đất
trời sắp tàn hay một đời người sắp hết mà chỉ có một ước vọng duy nhất
vẫn chưa thành? Ông lập gia đình muộn lắm, là anh của bảy đứa em trai, gia đình
nghèo phải phụ giúp cha mẹ nuôi em. Ai cũng có tư có riêng hết rồi ông mới lo
cho hạnh phúc riêng tư. Ba mươi tám tuổi mới nghe tiếng khóc con mình với khát
vọng cháy bỏng “có một đứa con gái cơm cháo” thì hỏi sao không chán nản khi năm
“trự” đều là đực rựa?
Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn
ghét sợ ông. Hình ảnh đôi bàn tay to bè bóp cổ thằng con nhỏ xíu, rồi đôi tay
ấy từng tát mẹ tôi, ném cả bình trà nóng và người mẹ đã khiến tâm tư tôi dày vò
đau xót.
Mọi sinh họat trong gia đình
tôi đều cố tránh mặt ông, càng cố phải tránh thốt ra tiếng “ba” khi cần gọi ông.
Vậy mà…
- Mẹ con thằng Giàu đâu!? Ra
ngòai kênh coi ai như ông Hai té kìa!
Tiếng kêu của người hàng xóm
nào đó làm mẹ con tôi như bị phỏng. Bỏ thằng Nợ xuống với tiếng kêu gấp gáp
“Coi em nghe Dư”, mẹ tôi bươn bả chạy đi khi áo xống còn chưa kịp cài hết nút.
Đó là một buổi chiều tang
thương của gia đình tôi.
Sự tang thương mất mát vĩnh
viễn chứ không phải là những câu chửi mắng, đánh đuổi tan tác một lúc rồi đâu
về yên đấy.
Đó là lần cuối cùng mẹ tôi
khóc. Nước mắt như nước kênh ngập tràn cuộn réo.
Ông không chết hẳn, chỉ vừa
té xuống thì được vớt lên nhưng chất men quá độ trong người đã không làm ông
tỉnh được dù bà con chòm xóm đã cấp cứu hết cách.
Đi bệnh viện ba ngày. Bác sĩ
nói không cứu được.
Người ta chụp lên đầu tôi
chiếc mũ rơm rồi tiếng ai đó thoảng bên tai “Con trai, nắm tay ba lần cuối đi”.
Ơ… tôi định cãi, tôi đã từng nắm tay ông lần nào đâu mà lần đầu hay lần cuối.
Nhưng bây giờ không có thời gian nữa. Tôi làm theo lời ai đó. Lần đầu tiên
thằng con trai cảm nhận được thế nào là tay cha của nó. Nhưng không ấm áp hay
nảy lửa, dữ dằn mà lạnh buốt và chai sần. Tôi muốn gọi “Ba ơi!” nhưng tất cả đã
muộn rồi.
Đào Phạm Thùy
Trang (Tây Ninh)
đọc truyện vừa xót xa, vừa xúc động.
Trả lờiXóađau đớn đến nghẹn ngào
Trả lờiXóaTruyện hay và buồn...
Trả lờiXóaTruyện đầy cảm xúc, một bi kịch đến nghẹn ngào. Khát vọng một hạnh phúc cho mình mà cũng không có được. Cám ơn tác giả Phạm Thùy Trang.
Trả lờiXóarất cảm ơn các bạn đã đọc tác phẩm của Trang. Nhưng buồn thay đây là một câu chuyện có thật ngoài đời. Mình muốn qua trang viết sẽ mang lại một thông điệp gì đó cho người ta đừng làm khổ nhau trong cuộc sống này nữa
Trả lờiXóa