Đột nhiên thằng cháu 20 tuổi mang hộp
quà sính lễ của bà nội cho nó ra hỏi tôi:
“Cây mù u là cây gì? Có quí không mà hình dạng bông của nó được người xưa
dùng làm đôi bông tai vậy chú?” Nghe nó hỏi mà tôi giật mình. Lâu nay, vì hoà
chung với cuộc sống đô thị, hay nói đúng hơn đầu óc tôi lúc nào cũng lẩn quẩn
quanh việc buôn bán mà tôi quên bẵng đi cây mù u. Nếu cháu tôi không hỏi thì có
lẽ cây mù u chỉ còn nằm trong ký ức.
Hồi ấy quê tôi còn rất nhiều cây mù
u, thứ cây vỏ xù xì, đen mốc, bông của nó không đẹp, chỉ tròn tròn đơn giản vậy
mà thơm một cách lạ lùng. Nó thường trổ bông vào mùa cấy. Mà rất lạ, trời càng
nắng mùi thơm càng nồng nàn. Giữa trưa, mấy cô thợ cấy mồ hôi nhễ nhại vậy mà có
cơn gió thổi đến mang cái mùi thơm đặc trưng của bông mù u đậu xuống từng tấm lưng
thon thả của mấy cô thì nỗi mệt nhọc kia dường như biến mất. Mấy bác cày ruộng
còn cho rằng, mùi thơm của bông mù u giống mùi thơm bánh thuẫn, giữa trưa đói bụng
ngửi được thì thấy no liền! Tuổi thơ quê mùa của tôi rong chơi cả ngày cùng đám
bạn. Thấy gì ăn nấy có khi là trái khế chua, củ khoai lùi… rồi uống nước lã, đêm
về chọt bụng ôm đau. Với vỏ cây mù u má tôi trở thành thầy thuốc.
Trong lam lũ của miền quê, cây mù u gắn
với bao việc đồng áng, suốt đời chung thuỷ bên bờ mương thửa ruộng. Còn tôi, cũng
sinh ra và lớn lên từ ruộng đồng, vậy mà chỉ mấy năm xa quê tôi đã quên đi những
nụ hoa tròn tròn chân chất. Chẳng trách gì cháu tôi, những đứa trẻ từ nhỏ sống
giữa đô thị náo nhiệt làm sao biết được cây mù u? Thôi thì để nó tự suy diễn vậy!
Vì tôi biết chắc rằng, dù thế nào đi nữa thì thằng cháu ngoan của tôi cũng đeo đôi
bông tai mù u cho cô dâu trong ngày cưới.
Thôi cứ để cây mù u mãi mãi sống giữa
êm đềm của miền quê hay âm vang trong từng câu ca, điệu hò dân dã. Để khi giật
mình nhớ đến, ta chợt thấy ngậm ngùi…
Đào Văn Đạt (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét