BÁT CANH TÌNH NGƯỜI - Tạp bút Nguyễn Hữu Duyên
Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011
Đầu tháng 7 - 2001, có dịp vào Sài Gòn, tôi đến thăm anh, lúc ấy bệnh của anh đã quá nặng. Tôi cúi sát người anh và nói: “Anh Tám còn nhớ em không?”. Anh ôm chầm lấy tôi, một đứa em mà anh từng cưu mang ngày nào, nói một cách yếu ớt: “Sao anh Tám có thể quên em được!”. Rồi, hai anh em đều bật khóc.
Tôi khóc vì được gặp lại anh sau một phần tư thế kỷ, khóc vì những hình ảnh yêu thương bên anh ngày ấy ùa về, khóc vì không thể nào chịu nỗi sự kiệt cùng về thân xác của anh do bệnh tật gây nên, sự sống của anh chỉ còn được tính từng ngày.
Thể trạng như vậy nên anh lúc nhớ lúc quên, nhưng lúc tôi nhắc đến bát canh chua cá lóc khi xưa anh nấu cho tôi ăn, anh bóp nhẹ tay tôi và hiện một nụ cười trên đôi môi khô héo, gần như không còn một chút máu.
Ảnh minh hoạ: Internet
Và đến nay, tuy đã gần 10 năm anh từ giã cõi đời này, trái tim tôi vẫn lưu giữ mãi hình ảnh của anh, tấm lòng của anh, khí chất của một con người nghèo khổ nhưng nặng nghĩa tình, mà đặc biệt nhất là câu chuyện về bát canh chua cá lóc, món đặc sản của đất Nam Bộ.
Ngày ấy, khoảng đầu năm 1976, vì không chịu nỗi cách đối xử quá bạc bẽo của người chú họ giàu có ở Hàng Xanh, tôi tìm đến nhà một người bạn học trên đường Nguyễn Lâm ở tạm. Anh gặp tôi ở đó, nhận đồng hương Bình Định và đưa tôi về ở với anh tại số nhà 47 Vạn Kiếp thuộc phường 4, nay là phường 3 (Bình Thạnh).
Thực ra, đó là nhà của vợ chồng bà chị ruột của anh. Dù sao đi nữa thì chuyện ở cũng đã tạm ổn. Anh duy trì cuộc sống của hai anh em bằng nghề bốc vác và chạy xe ba-gác mướn bữa được bữa không. Còn tôi tham gia công tác Đoàn, hằng tháng được nhận 15 ký gạo và 6 đồng từ một phần ba định suất 20 đồng dành cho người phụ trách thanh niên khu phố. Thu nhập ít ỏi như thế nên tuy sống giữa lòng thành phố Sài Gòn nhưng thức ăn chủ yếu của hai anh em thường là mắm ruốc chưng hoặc cà tây hấp trong nồi cơm.
Riết rồi thành quen, nhưng không hiểu sao, bỗng dưng một hôm tôi nói với anh:
- Em vào Sài Gòn cũng được vài tháng, nhưng chưa ăn được món đặc sản Nam Bộ - canh chua cá lóc. Khi nào có điều kiện, anh…
Mặc dù vừa đi làm về còn mệt, nhưng anh vẫn cười và cắt ngang :
- Được rồi, ba bốn bữa nữa thôi. Anh sẽ cố gắng!
Không cần phải đến ba bốn bữa, khoảng 10 giờ trưa hôm sau, anh đem về một con cá lóc đã được làm sẵn, cùng với các loại rau như ngổ điếc, bạc hà, me… Anh không cho tôi nấu vì bảo rằng đây là món đặc sản nên không phải ai cũng có thể nấu được.
Khi nồi canh bắt đầu sôi, anh nếm và riêu lửa lại, rồi nói với tôi:
- Anh có tí việc phải đi, nếu quá 11 giờ mà anh không về thì em cứ ăn hết, không phải để dành cho anh đâu.
Tôi tin như vậy nên khi chờ đã quá 11 giờ rưỡi, tôi ăn hết bát canh một cách ngon lành. Mãi sau này tôi mới biết là hôm ấy anh ra ngoài ăn để tôi được ăn trọn vẹn bát canh mà tôi thèm muốn.
Trải qua bao năm tháng, dù đã đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của từng vùng miền, nhưng bát canh chua cá lóc ngày ấy đã in đậm vào ký ức tôi, không thể xóa nhòa. Với tôi, đó là bát canh của tình người trong lúc thiếu thốn, khó khăn mà vẫn san sẻ cho nhau.
Tôi còn nhớ ngày đó anh nói với tôi, nếu sau này tôi làm ăn giàu có thì đừng ngó lơ anh, nhớ mời anh một ly rượu nhỏ là được. Bây giờ và mãi mãi, dù rất muốn, nhưng tôi không còn cơ hội để làm điều anh tâm sự nữa rồi.
Tôi cũng không thể nào quên câu nói: “Anh sẽ cố gắng” (để có một bát canh chua cá lóc). Một câu nói rất đỗi bình thường, từ một con người lao động bình thường, nhưng với tôi, đó là chữ tình thật đẹp mà anh dành cho tôi.
Nhớ anh, tôi viết những dòng này xin được hóa thân thành những nén hương hằng ngày thắp trên mộ anh. Bát canh chua cá lóc, và câu nói “anh sẽ cố gắng” của anh ngày nào nhớ mãi, anh Tám ơi!
Nguyễn Hữu Duyên
Tags:
CHỦ BIÊN,
Văn
Van viet gon, chat, ghi duoc mot ky niem sau sac. Do la tinh nguoi qui hiem, dang tran trong, ko phai luc nao, voi ai cung co duoc! Chuc mung HD co bai viet chac tay nay!
Trả lờiXóaChào anh Huy,
Trả lờiXóaCảm ơn anh đã đọc và động viên! Thân mến!