VƯƠNG PHÁP - Truyện ngắn Phạm Hữu Hoàng
Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011
Ngày khánh thành cầu ông Chất, làng Nam Hạ vui như mở hội. Sau mấy tháng thi công, cây cầu bê tông ba nhịp bắc qua sông nối con đường liên xã đã hoàn thành. Chiếc cầu tre lát ván ọp ẹp chỉ còn là hình ảnh trong kí ức mọi người. Đêm ấy, tại nhà ông Cả Vị, đông đảo người tụ họp. Ông Cả Vị là trưởng tộc họ Dương, một tộc họ lâu đời ở Nam Hạ. Đã thành lệ, khi có chuyện trọng đại , người làng thường tới nhà ông để bàn bạc, trò chuyện. Ý kiến của ông luôn được tôn trọng. Ông Cả Vị năm nay đã ngoài bảy mươi, râu tóc bạc trắng nhưng trông hãy còn tráng kiện, giọng nói sang sảng. Ai nấy đều vui vẻ. Chuyện về cây cầu kéo dài đến tận khuya. Trăng lên cao, ánh trăng chiếu sáng khoảng sân rộng lố nhố người ngồi. Thoang thoảng hương thơm của khóm hoa nhài mé hiên nhà. Rượu vơi, chuyện vãn, người lục đục ra về. Tôi vẫn ngồi lại. Lúc này đây, ông Cả Vị thường kể cho đám hậu sinh nghe những chuyện lý thú lưu truyền từ đời này sang đời khác ở Nam Hạ. Chúng tôi thường bảo nhau ông là kho tư liệu sử của làng. Quả nhiên chỉ lát sau, ông nói :
- Các cháu có biết vì sao cầu lại có tên là cầu ông Chất không?
Tôi đáp :
- Thưa không ạ! Ông kể cho chúng cháu nghe đi.
Ông Cả Vị cầm ly rượu uống một ngụm rồi khề khà:
- Tên cây cầu này gắn với một câu chuyện cảm động ông được nghe người đời trước kể lại. Nó cũng chỉ là chuyện quanh quẩn về cuộc sống bình thường của những người từng sống trên mảnh đất này thuở mới lập làng mà thôi...
Hồi ấy có một thầy đồ trẻ đến làng Nam Hạ dạy học. Thầy tên Bân. Cụ Tổ họ Dương thấy thầy thuộc hàng khoa bảng, dáng dấp nho nhã, dung mạo thanh tú, đối đáp lưu loát văn chương thi phú nên cảm mến bèn mời về nhà mình tiếp đãi nồng hậu. Cụ cho sửa sang lại căn phòng lớn làm phòng học. Đây là thư phòng cụ thường đọc sách, uống rượu, ngâm thơ với bè bạn khi rỗi rảnh. Cụ bảo với người nhà :
- Kính thầy là trọng đạo. Muốn con ta thành người thì phải lo cho thầy chu đáo đấy.
Cụ dặn đi dặn lại người con trai út :
- Các anh con đã nên danh phận, tạo dựng được sự nghiệp riêng. Giờ ta chỉ còn mình con, hãy lo học hành tử tế đặng sau này mở mặt mở mày với đời nhé.
Chất, tên người con trai,vòng tay cung kính đáp:
- Con vâng lời cha ạ!
Cụ tổ gật đầu. Song tận thâm tâm, cụ vẫn chưa yên lòng. Cụ biết Chất thông minh, lanh lẹ nhưng tính tình nóng nảy, liều lĩnh. Có lần, chỉ vì lời nói khích của đám bạn lêu lỏng, Chất cưỡi ngựa phi qua sông chỗ nước xoáy dưới chân cầu. Cả người lẫn ngựa đều bị nước cuốn trôi. Nếu không có ông già đi câu gần đó kịp thời bơi sõng đến cứu không biết sự thể đã ra thế nào rồi.
Đến Nam Hạ dạy học một thời gian, tiếng tăm thầy Bân bay xa, học trò theo học rất đông. Chất nghe thầy tu tỉnh, chăm lo trau dồi kinh sử, việc học ngày càng tấn tới khiến cụ Tổ rất hài lòng. Học giỏi nhất là nàng Hân, con gái một thương nhân khá giả. Cha nàng hay vắng nhà, đem hàng hóa lên trao đổi, buôn bán với người dân miền ngược. Hân là con gái duy nhất nên rất được cưng chiều. Năm lên mười bảy, nàng đẹp lạ thường làm không ít các chàng trai đồng học mơ tưởng nhưng nàng vẫn chưa tỏ ý ưng thuận ai.
Bấy giờ ở Đàng Trong, triều chúa Nguyễn Phúc Thuần rối ren, tham quan lộng hành, dân tình loạn lạc. Trường thi thành chợ thi. Kẻ vô học bất tài lại vênh vang mũ áo. Học trò chán nản, nhiều người không chuyên tâm vào việc học. Biết vậy, một lần, thầy Bân khuyên đám môn sinh:
- Học là để hành đạo giúp đời chứ không chỉ là danh lợi. Các trò hãy chọn nẻo chính mà đi, chọn chân chúa để thờ. Nay ta nghe anh em ông Nhạc ở đất Tây Sơn khởi nghĩa, lấy của người giàu chia cho người nghèo, giúp dân trừ bạo. Phải chăng đó chính là chân chúa của thời nay đó.
Vốn có ý từ trước, lại được nghe chính lời thầy dạy, số môn sinh có tâm huyết đều đến tụ nghĩa dưới lá cờ Tây Sơn. Chất mấy lần định thưa cụ Tổ xin đi nhưng ngặt vì còn mang một nỗi niềm riêng trong lòng chưa dứt ra được. Chàng đã thầm yêu trộm nhớ nàng Hân. Mối tình ấy ngày càng sâu nặng, chưa có dịp nào để thổ lộ. Ngày mùng ba Tết năm đó, học trò làm lễ mừng thầy, bày tiệc vui đến tối. Tiệc xong thầy Bân bảo Chất đưa Hân về vì đường nàng đi phải qua một quãng đồng vắng. Trên đường, không biết hai người nói gì với nhau mà hôm sau Chất rất buồn. Chàng ở lì trong phòng. Người nhà lo lắng, không ai biết nguồn cơn. Thầy Bân lấy làm lạ, đến gặp Chất gạn hỏi:
- Chuyện gì xảy ra với em ? Có thể thầy giúp được chăng ?
Vốn gần gũi và tin cậy thầy, Chất không giấu giếm kể cho thầy Bân nghe tất cả... Rồi chàng nắm chặt tay thầy :
- Em không thể mất nàng. Giờ phải làm gì đây ?
- Em hãy bình tâm lại, thầy Bân nhẹ nhàng nói, bao giờ cũng có cách tốt nhất để giải quyết sự việc. Buồn như thế liệu có ích gì.
Cách nào thầy Bân cũng không hình dung ra được. Bởi thầy chưa bao giờ nếm trải chuyện tình yêu lứa đôi. Ngoài ba mươi, thầy vẫn sống một mình. Nhưng lời thầy vừa nói làm cho Chất diệu cơn xúc động, nét mặt bớt đi phần nào vẻ căng thẳng, sầu muộn... Những ngày tiếp theo, mỗi lần lên lớp, không hiểu sao thầy Bân lại chú ý đến Hân. Lòng thầy chợt nao nao khi bắt gặp ánh mắt đăm đắm nồng nàn của nàng. Ánh mắt có sức cuốn hút kì lạ và cứ ám ảnh tâm trí thầy không sao dứt ra được. Nhiều đêm, trở mình trên chiếc giường đơn trong căn phòng rộng mênh mông, thầy tự hỏi lòng, hay là... nhưng thầy liền giật mình thở dài, cố quên đi ý nghĩ ấy.
Quân khởi nghĩa Tây Sơn chiếm thành Quy Nhơn, thanh thế rất lớn. Làng Nam Hạ vui như ngày hội. Người làng kể cho nhau nghe không biết chán chuyện ông Nhạc dùng kế hạ thành... . Cha nàng Hân mở tiệc ăn mừng. Thời gian đi buôn bán lên vùng Tây Sơn thượng đạo, ông gia nhập nghĩa quân, đã đóng góp không ít công sức, tiền của cho phong trào khởi nghĩa. Thầy Bân được mời dự. Thầy dẫn Chất đi cùng. Tiệc bày trong gian phòng rất đẹp. Thấy thầy vừa bước qua ngạch cửa, cha nàng Hân đích thân ra mời thầy ngồi vào bàn đặt ở vị trí trang trọng cùng với mấy người khách lạ. Họ rất tự nhiên, cởi mở, cười cười nói nói với gia chủ tựa như đã quen thân từ lâu. Người nào cũng có vẻ dạn dày sương gió. Tiệc đang vui bỗng một người hầu bàn đến trao tận tay thầy Bân tờ giấy gấp hai. Đọc xong, tuy chếnh choáng hơi men, thầy vẫn xin phép những người ngồi cùng bàn rôì đứng dậy đi dọc theo hành lang. Người hầu bàn đưa thầy đến một căn phòng nhỏ. Xong, anh ta quay lại. Thầy hồi hộp bước vào. Căn phòng xinh xắn dìu dịu hương thơm, ánh nến bập bùng. Thầy còn đang nhìn dò hỏi chợt có tiếng động chỗ tấm rèm. Một thiếu nữ vén rèm bước ra e lệ nhoẻn miệng cười. Không tin vào mắt mình nữa, thầy Bân lắp bắp :
- Hân ! Là em đấy ư !
Thiếu nữ chớp chớp mắt, gật đầu:
- Vâng, em đây ạ!
Xiêm y thướt tha, mái tóc cài trâm buông xõa, gương mặt trang điểm phấn son... trông nàng đẹp quyến rũ tới mức thầy Bân sững sờ như thể mới gặp lần đầu. Trong lúc thầy còn đang bối rối, Hân nhẹ nhàng bước tới gần, thoáng ngập ngừng rồi tự nhiên nép đầu lên vai thầy. Men rượu tan biến hết. Một cảm giác êm ái, ngọt ngào lan nhanh làm xao xuyến cả người thầy. Vòng tay ôm lấy Hân, thầy Bân nghe trong lòng tràn ngập niềm hạnh phúc chưa từng có ở đời ... Qua khe cửa, Chất thấy rõ mồn một. Miệng Chất lẩm bẩm điều gì có vẻ hằn học. Bàn tay gân guốc nắm chặt...Từ đó, Chất đi khỏi Nam Hạ, không ai biết đi đâu ...
Mấy mươi năm sau, triều Tây Sơn sụp đổ. Nguyễn Ánh lên ngôi vua. Những biến động lịch sử đã làm xáo trộn cuộc sống bình yên của người dân Nam Hạ. Không ít người làng bị hành hình vì trước kia đã đi theo phong trào Tây Sơn. Một số nhanh chân hơn kịp bỏ trốn biệt tăm để tránh sự trả thù tàn khốc của nhà Nguyễn. Trong lúc đầu rơi máu chảy đó, dân làng nghe tin Chất đang làm quan trong triều. Hóa ra ngày ấy, Chất trốn vào Nam theo chúa Nguyễn, bôn ba, chinh chiến, lập được nhiều công lao. Biết tin Chất như thế, cụ Tổ hết sức buồn bã. Cụ tâm sự với thầy Bân:
- Thằng nghịch tử ấy làm nhục nhã thanh danh nhà ta. Còn mặt mũi nào nhìn người làng đây !
Rồi cụ lâm bệnh nặng. Trước lúc qua đời, cụ cầm bút gạch tên Chất ra khỏi gia phả họ Dương và căn dặn người nhà không cho Chất để tang khi cụ mất. Thầy Bân vẫn dạy học ở làng. Thầy sống một mình trong ngôi nhà riêng ở gần cầu Nam Hạ. Viên quan phủ sở tại và đám thuộc hạ lăm le bắt thầy vì tội xúi giục học trò theo Tây Sơn nhưng chúng còn ngần ngại. Chúng sợ uy tín lớn lao của thầy trong thời gian dài dạy học ở đây. Chúng sợ quan lớn Dương Chất ở triều bởi chúng thấy với thầy, quan là người học trò thân thiết. Tính đi tính lại, viên quan phủ viết một bản tấu gởi về triều, một mặt viết thư sai người hỏa tốc đem đến tận tay quan Dương Chất kể rõ mọi chuyện thăm dò ý quan. Người làng Nam Hạ rỉ tai nhau :" Truy bắt thầy là đến thời mạt pháp rồi"... Thầy Bân biết hết, xong không nói gì, ngày càng chìm trong nỗi buồn thầm lặng. Thầy thường có những lúc buồn vời vợi như thế từ khi nàng Hân chết. Người làng kể rằng năm nào cũng vậy, vào đúng cái ngày nàng Hân gieo mình xuống dòng nước xoáy dưới chân cầu quyên sinh, khoảng sâm sẩm tối, thầy Bân đi ra cầu Nam Hạ. Thầy mặc áo trắng, bày biện ít đồ cúng, đốt hương khấn vái rồi thả tất cả xuống sông. Còn thầy, cứ đứng trầm mặc nhìn đau đáu dòng nước thăm thẳm kia mặc cho sương đêm rơi ướt cả áo ...
Hôm quan lớn Dương Chất về làng đường đột làm tất cả xôn xao. Không ghé phủ đường, Chất đi thẳng về nhà. Tới cổng, Chất không vào, quỳ sụp xuống chắp tay lạy bốn lạy rồi khóc thảm thiết. Quân hầu không dám lại gần. Người nhà không dám ra bởi lời trối lại của cụ Tổ trước khi nhắm mắt là cấm cửa đứa con út cụ rất yêu thương nhưng cũng căm giận nhất. Lát sau, Chất gạt nước mắt, đứng dậy, đi về phía cầu Nam Hạ. Đến nhà thầy Bân, Chất ra hiệu cho đám lính hầu lui ra xa, một mình bước vào. Trong thư phòng, thầy Bân ngồi trên tấm phản gụ đen, tay cầm quyển sách đọc. Thấy vậy, Chất liền hỏi :
- Thầy vẫn còn cái thú đọc sách như ngày nào ư ?
Đặt quyển sách xuống một bên, thầy Bân nhìn người học trò cũ rồi đáp :
- Ngày trước, ta đọc sách để mở mang hiểu biết, rèn giũa tâm hồn. Giờ ta đọc cốt để quên thời gian mà thôi. Ta không còn lạc thú gì ở cõi đời này nữa.
Chất hỏi tiếp :
- Sao Hân lại chết như thế ?
Thầy Bân nói chậm rãi, giọng thật buồn :
- Do lỗi của ta.
- Thầy đã làm gì ? Giọng nói của Chất đã nặng nề hơn.
Khóe mắt thầy Bân ươn ướt.
- Hồi ấy, ta biết em đau khổ đến nhường nào. Ta đành phải từ bỏ mối tình riêng và thầm mong em về. Hân sẽ là của em. Nhưng ta không ngờ tình yêu nàng dành cho ta quá đỗi lớn lao... Cái đêm định mệnh đó, nàng đến đây gặp ta ... Trời ơi !... Sao ta có thể nhẫn tâm đến thế... Ta không sao quên được nét tuyệt vọng trong ánh mắt nàng. Ngay trong đêm, nàng từ biệt ta và ra đi mãi mãi... Ta thật hối hận vô cùng ... Ta biết em rất căm giận ta. Bây giờ, em có quyền hành động sao cho thõa ý mình. Ta không trách gì em đâu.
Thầy Bân ngồi im như pho tượng. Khuôn mặt thanh thản nhẹ nhàng như vừa trút xong gánh nặng. Chất lặng lẽ lấy trong người ra một đạo thánh chỉ màu vàng. Bàn tay gân guốc nắm chặt đạo thánh chỉ mấy lần đưa lên giữa chừng rồi lại hạ xuống ...Mắt đỏ hoe... Bỗng Chất thét lớn bằng giọng khàn khàn :
- Vương pháp ! Vướng vào vương pháp rồi, không còn gỡ được nữa... Thầy ơi !
Thầy Bân mắt nhìn xa xăm, miệng mỉm cười như vừa bắt gặp một cái gì rất êm dịu trong dòng suy nghĩ của mình. Lời Chất nói như gió thoảng bên tai ...
Qua một đêm mưa tầm tã, sáng hôm sau, dân làng chợt thấy áo mũ Dương Chất nằm trên cầu Nam Hạ. Đạo thánh chỉ ướt nhẹp tả tơi bên cạnh, nét chữ nhòe nhoẹt. Hoảng hốt mọi người đổ xô tìm kiếm. Mãi tới trưa, người ta mới vớt được xác Chất dưới dòng nước xoáy cuồn cuộn. Người làng bàn tán xì xào, họ cho rằng Chất sợ lỗi đạo nên không bắt thầy nhưng không dám làm trái ý chỉ của vua vì sợ vương pháp. Chất chọn cái chết để bảo toàn... Thầy Bân không nói gì. Điều thầy biết cũng chính là điều chưa ai biết được thầy chép tỉ mỉ vào cuốn sách lưu lại cho làng. Người làng gìn giữ cẩn thận qua mấy đời thì thất lạc. Nhưng chuyện ghi trong những trang sách ấy, dân làng kể cho nhau nghe như một huyền thoại đẹp đẽ không thể mờ phai. Và từ đó, dân làng quen gọi tên cầu là cầu Ông Chất ... Riêng thầy Bân không còn ai thấy ở làng nữa. Thầy đến và đi âm thầm như dòng sông Nam Hạ êm đềm chảy mãi theo thời gian .
Phạm Hữu Hoàng
***
Cùng tác giả:
Tags:
Phạm Hữu Hoàng,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét