Rất
tình cờ, tôi đã đọc được tạp bút của Lê Minh Quốc trên báo Phụ nữ Chủ nhật, tựa
đề Dạy con. Đọc đi đọc lại nhiều lần,
thật lòng mà nói - tôi chưa hiểu một cách thấu đáo, nhưng tôi lại nhận thức
được một điều mình còn quá kém cỏi trong việc dạy con, thấy xấu hổ với những
người được gọi là mù chữ, ít học. Họ quá giỏi trong giáo dục con cái. Và, điều
tôi muốn nói – qua chuyện của Tổng đốc Hoàng Diệu và chiếc roi của người mẹ, là
vai trò của người thầy trong sự nghiệp trồng người. Cách đây gần năm mươi năm,
thầy giáo dạy lớp ba của tôi đã kể câu chuyện ấy. Thầy còn kể cho lũ học trò
nhỏ chúng tôi về chiến lược sử dụng con người của Quang Trung-Nguyễn Huệ khi để
Ngô Thì Nhậm ở lại Bắc Hà cùng với các Đô đốc Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn
Văn Tuyết… Và chính vì thế nên khi hai mươi chín vạn quân Thanh tràn qua biên giới vào nước ta, cuộc rút quân
về Tam Điệp với mưu lược của Ngô Thì Nhậm đã ghi vào lịch sử như một chiến công
tuyệt vời của trí tuệ, giúp vua Quang Trung ổn định tình hình, bài binh bố trận
làm nên trận chiến thắng Ngọc Hồi – Đống
Đa mùa xuân Kỷ Dậu năm một ngàn bảy trăm tám mươi chín lẫy lừng. Về thế giới,
thầy kể chuyện Ga-li-lê, nhà thiên văn học, vật lý học người Ý đã nói quả đất tròn, chứ không phải là
hình vuông hay mặt phẳng, vân vân và vân vân…
Qua
bao năm tháng của cuộc đời, chúng tôi càng nhận ra thầy đã dạy rất nhiều điều,
đặc biệt là lòng tự hào dân tộc, lòng hiếu thảo…Có một lần, tôi về thăm nhà,
nghe đứa em cãi lại với má mình, tôi nghiêm khắc nhắc nhở - má chỉ tính rợ, ba
thì chỉ hết lớp ba, nhưng chưa bao giờ tôi cãi lại ba má dù điều đó nằm trong
chương trình cấp hai, cấp ba mà chúng tôi đã được học. Phải nói rằng, nhận thức
ấy tôi có được là nhờ người thầy dạy lớp ba ở trường làng. Thầy thường nhắc học
trò về ý nghĩa của câu ca :
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong
nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là
đạo con.
Và
tôi nhớ nhất là câu chuyện thầy kể về sự hiếu thảo của vua Tự Đức. Là quân
vương nên quyền lực đứng trên hàng triệu người, nhưng vua Tự Đức luôn kính
trọng, yêu thương, chăm sóc và nghe lời chỉ dạy bảo ban của mẹ là thái hậu Từ
Dũ. Và cũng phải nhận hình phạt từ mẹ nếu làm sai, như một lần ông đi săn không về kịp ngày giỗ cha. Thầy còn kể rằng-
nếu hôm nay nhà vua thiết triều, thì ngày mai ông vào cung vấn an mẹ. Cứ vậy,
không thể khác được.
Ông
cha ta có câu : “Không thầy đố mầy làm
nên”. Tất nhiên, là cha mẹ ai chẳng dạy con, mong muốn con ngày mai bằng
chị bằng em. Nhưng ngày xưa các bậc cha mẹ đều tin tưởng giao cho người thầy
dạy con em mình từ chữ nghĩa đến đức hạnh, hiếu thảo. Nên, hư là ở thầy. Tất cả
những quan điểm, nhận thức và cách ứng xử trong cuộc sống của mỗi người không
phân biệt giàu nghèo và vị trí xã hội đều có bóng dáng rất quan trọng của người
thầy. Không có người thầy tận tâm với nghề và có kiến thức chuyên sâu thì làm
sao đào tạo được những con người hiểu biết về đạo lý, làm sao bồi dưỡng được tâm
hồn con người về lòng tự hào dân tộc, sự hiếu thảo ...
Thân
Nhân Trung, một thức giả thời Hậu Lê đã có một câu nói bất hủ : “Hiền tài là nguyên khí quốc gia.” Mà để
có hiền tài thì phải có người thầy. Đã có rất nhiều người thầy thầm lặng ươm
mầm vun đắp để có một giáo sư Ngô Bảo Châu hôm nay. Những bó hoa, những quà
tặng đắt tiền nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 hằng năm của các em học
sinh, sinh viên và các bậc cha mẹ chỉ là một phần mang tính hình thức của sự
tôn vinh. Điều cốt lõi là sự trân trọng trong nhận thức, trong tâm khảm của mỗi
chúng ta, không phải chỉ một ngày. Ngược dòng lịch sử, chúng ta đều thấy- nếu
không có người thầy thì làm sao có một Chu Văn An dâng sớ chém bảy nịnh thần,
một Lý Thường Kiệt với Nam quốc sơn hà
nam đế cư, một Trần Hưng Đạo với Hịch
tướng sĩ, một Nguyễn Trãi với Bình
Ngô đại cáo…
Thời
đại ngày nay, khoa học phát triển đến chóng mặt. Chuyện dạy con càng không thể
thiếu những bà mẹ tuyệt vời như trong Tạp bút Dạy con của Lê Minh Quốc đã
viết- để giữ được nếp nhà, một nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt. Và cũng xin
nói thêm là- cũng rất cần những người thầy thông tuệ góp sức để đất nước mình
cất cánh bay lên cùng bè bạn trong tương lai không xa.
Nguyễn Hữu Duyên
(*) Tạp
bút của Lê Minh Quốc
đăng trên Phụ nữ Chủ nhật TPHCM
ngày 20/03/2011
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét