Tôi
chưa bao giờ học thầy trong những tiết học chính khóa, bởi thầy dạy lý
hóa cấp hai còn tôi lại học lớp mười hai, nhưng thầy là người thầy tôi nhớ và
kính trọng nhất. Tên đầy đủ của thầy là Hoàng Văn Xê, người Huế, năm một ngàn chín trăm bảy ba về dạy trường Trung
học Đào Duy Từ (nay là trường PTTH An Nhơn 1) thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình
Định. May mắn đã đưa tôi đến với thầy. Đó là một buổi chiều vào đầu tháng mười
một năm đó, sau khi tan học, tôi cầm còi điều khiển sinh hoạt vòng tròn và tập
hát cho một lớp bảy, giúp các em chuẩn bị đợt cắm trại của trường vào cuối năm.
Thầy đến bên tôi sau khi buổi sinh hoạt kết thúc.
- Em học lớp mấy?
- Dạ, em học lớp mười hai A2.
- Sao em không tập trung nhiều hơn vào việc học, em
không sợ rớt tú tài sao?
Tôi cúi đầu im lặng.
- Em có gì khó nói?
- Thưa thầy, em ham chơi nên bị hổng kiến thức cơ bản, đã tháng mười một rồi, có
tập trung cũng không kịp, thầy ạ!
Thầy nắm tay tôi, hai thầy trò bước chầm chậm trong
sân trường như hai anh em, bởi năm đó tôi mười chín, thầy khoảng hai ba, hai
bốn tuổi.
- Không có gì là muộn cả, cứ vô ở với thầy, thầy sẽ giúp.
Tôi thực
sự như người “buồn ngủ gặp chiếu hoa”. Bởi thời điểm ấy ở đất này không có
những lớp dạy kèm cũng không có những “cua” luyện thi, học sinh phải tự
học. Thế là tôi mang sách vở đến nơi thầy ở phía sau trường khoảng một trăm
mét, cùng với một thằng bạn nữa, cũng ham chơi như tôi, học lớp mười hai A1.
Buổi đầu tiên, thầy nói:
- Nhìn các em điều khiển vòng tròn sinh
hoạt, xử lý tình huống rất nhạy bén, thầy tin các em sẽ học tốt nếu tập trung.
Có thể nói, đây là lời
động viên thật quý giá giúp tôi và thằng bạn tự tin hơn. Sau khi kiểm tra kiến
thức cơ bản, thầy đã phải dạy lại từng bài toán lý hóa chương trình lớp mười
một, có khi phải rà lại chương trình lớp chín, lớp mười. Đây là những ngày học
tập thật vất vả, bởi cùng một thời điểm mà phải vừa hoàn thành các bài học trên
lớp, vừa phải tập trung ôn lại kiến thức lớp dưới để tiếp thu được kiến thức
lớp trên, nhất là trong thời gian nửa tháng đầu tiên. Nhưng vất vả nhất là
thầy. Vì thầy phải sinh hoạt chuyên môn, soạn bài, chấm bài, lên lớp các tiết
học chính khóa, rồi phải lục tìm sách vở liên quan, soạn bài giảng dạy cho hai
đứa nữa. Trong suốt thời gian dạy kèm, đâu phải thầy giảng một lần là hai đứa
hiểu liền, nhưng thầy không hề nhăn nhó, phàn nàn hay trách mắng. Ngược lại còn
kể chuyện vui khi thấy chúng tôi căng thẳng vì không làm bài được. Đó là chưa
nói trong quá trình dạy kèm chúng tôi, mỗi khi đứa nào giải được bài toán khó,
thầy thường thưởng năm chục hay một trăm đồng, có tiền sáng mai ăn bánh mỳ, ăn
chè. Bây giờ nghĩ lại tôi cũng không thể lý giải được vì sao thầy lại chịu khó
và thương hai đứa tôi như vậy. Hằng đêm sau khi học xong, khoảng mười giờ đến
mười giờ rưỡi, thầy ôm đàn măng-đô-lin, tôi cầm ghi-ta, ba thầy trò cùng hát
những ca khúc viết về đồng quê, sinh hoạt cộng đồng. Nhờ thầy nên chỉ sau nửa
tháng, tôi và thằng bạn đã cơ bản nắm được kiến thức, có chiều hướng theo kịp
các bạn trong lớp, nhất là môn lý hóa. Điều quan trọng nhất là thầy đã làm cho
tôi và thằng bạn tự tin, có động cơ học tập, không còn ham chơi, tập trung học.
Nhờ vậy nên kỳ thi năm một ngàn chín trăm bảy tư, tôi và thằng bạn đều đậu tú
tài toàn phần. Gần bảy tháng kèm hai đứa tôi học, đầu tư công sức rất nhiều,
thầy chỉ lấy hai bản sao văn bằng tú tài bằng thư bảo đảm của chúng tôi gửi ra
Huế vì lúc đó thầy về Huế nghỉ hè. Khi gặp lại, thầy ôm tôi như ôm một đứa em
trai bé bỏng, bóp bóp tay tôi và nói:
- Hai đứa đã không phụ lòng thầy.
Tôi biết thầy rất vui vì đã
thực hiện được lời hứa giúp đỡ trực tiếp hai đứa học trò đầu tiên của thầy đậu
tú tài.
Sau ngày giải phóng, thầy được phân công về dạy trường Trung học cơ sở xã Đập
Đá ( nay là thị trấn Đập Đá). Lúc đó tôi theo học trường Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn. Thỉnh thoảng, vào chiều thứ bảy, hoặc sáng
chủ nhật, tôi đón xe từ Quy Nhơn về thăm thầy đang ở trọ tại Đập Đá. Thầy đi
chợ nấu ăn, không cho tôi làm gì cả ngoài việc lặt rau, bởi với thầy thì tôi
như một cậu học trò nhỏ, được ưu tiên chăm sóc giống như ngày xưa thầy chuẩn bị
nồi chè hay bữa bánh nếu tôi và thằng bạn học khuya đói bụng. Rồi hai thầy trò,
một măng-đô-lin, một ghi-ta cùng hát những bài sinh hoạt cộng đồng, hoặc những
ca khúc của thầy viết vừa được giải ở tỉnh. Tôi ra trường, trở thành đồng
nghiệp của thầy, nhưng thầy mãi là người thầy mà tôi yêu thương nhất trong cuộc
đời mình. Năm hai ngàn linh năm, thầy định cư ở Mỹ cùng với gia đình. Thầy ở
cách xa tôi nửa vòng trái đất, và lâu lắm hai thầy trò không gặp nhau. Nhưng
với tôi khoảng cách địa lý không quan trọng, bởi tôi luôn mãi nhớ thầy.
Dù trước mặt thầy, chưa bao giờ tôi nói những lời biết ơn hay ngợi ca thầy,
nhưng làm sao tôi có thể quên những ngày bên thầy với chiếc đèn dầu hằng đêm
được nghe thầy giảng bài, nghe thầy hát của gần bốn mươi năm về trước. Thông
thường, thời gian làm cho trí nhớ người ta bị bào mòn, thậm chí mất hẳn, nhưng
với thầy thì ký ức trong tôi lại được lưu giữ mãi. Bởi thầy đã đưa tôi qua một
khúc ngoặt quan trọng nhất của đời học trò - một việc không thực sự dễ dàng đối
với một người thầy mới ra trường, vừa phải hoàn thành nhiêm vụ chuyên môn
ở cấp hai vừa phải dạy kèm hai đứa học trò lớp mười hai thuộc loại “ dốt đặc
cán mai”.
Lớn lên tôi đi đây đi đó, lập gia đình, có hai đứa con đi học. Tôi làm ban điều
hành hội cha mẹ lớp và nhà trường trong nhiều năm liền nên có điều kiện
tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo. Nhưng riêng tôi vẫn thấy ở thầy, hình ảnh thực
sự của một người thầy có tâm và có nghề. Thầy là người thầy duy nhất mà cả gia
đình tôi, từ ba má, đến các em tôi, vợ con tôi đều biết và kính trọng. Cuộc
sống luôn đổi thay, tôi cũng đã gần sáu mươi tuổi, nhưng trong tôi vẫn còn in
đậm hình ảnh rất đẹp của thầy với giọng Huế không trộn lẫn vào đâu được.
Và, thằng học trò ham chơi, biếng học ngày nào xin cầu chúc thầy mãi mãi sức
khỏe, hạnh phúc!
Nguyễn Hữu Duyên
- Câu chuyện của anh về người thầy thật đẹp và cảm động.
Trả lờiXóa- Giữa muôn ngàn bát nháo của xã hội hiện nay, những hình ảnh người thầy đẹp như thế này không còn dễ tìm nữa. Nhưng ở một thời điểm xưa hơn, thực sự là đã có những người thầy cô đã hết lòng sống với nghề, với những đứa học trò thân yêu của mình như thế đó. Họ sống chỉ cho đi và chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhận lại được những gì.
- Làm sao có thể quên được một người thầy như thế, như anh đã chẳng thể nào quên.
Chào anh Jeffrey Thai,
XóaCảm ơn anh đã ghé thăm và động viên. Chúc anh sức khỏe và nhiều niềm vui! Thân mến!
Cám ơn Anh Duyên với bài viết Chuyện Kể Về Một Người Thầy ...mình như được sống lại thời xưa cũ...thập niên 70 với những tấm lòng của Thầy Cô mà mình còn nhớ mãi!HHT
Trả lờiXóaChào chị Thanh,
XóaCảm ơn chị đã đọc và chia sẻ về một người thầy khó quên trong đời học sinh của tôi. Chúc chị vui, khỏe!