Như đã giao hẹn, tuần cuối các tháng lẻ, tôi lên
Sài Gòn thăm Thương, ngược lại tuần cuối các tháng chẵn, Thương xuống Phú Mỹ
thăm tôi. Từ chiều hôm qua, Thương xuống Phú Mỹ, chúng tôi qua đêm ở căn phòng trọ
của tôi, và sáng nay tôi chở nàng đi Vũng Tàu chơi. Mấy lần Thương xuống thăm
tôi đều như thế. Mỗi lần như vậy, tôi đưa cô ấy đi chơi một thắng cảnh của Vũng
Tàu. Khi thì tôi đưa Thương đi Hồ Tràm ở huyện Xuyên Mộc, nghỉ ngơi trong cảnh
đẹp của rừng phi lao, thưởng thức những đặc sản biển. Khi thì chúng tôi đến
Long Hải với những bãi cát trắng tuyệt đẹp, nước biển lặng và trong xanh, những
hàng dương xanh mát. Mũi Nghinh Phong nằm ở phía cực nam, nhô ra biển như một
đầu cá sấu khổng lồ, với nhiều tảng đá hình thù kì dị; bãi tắm hẹp nhưng nước
rất trong, sóng gió dồn dập trên những vách đá cheo leo. Rồi Bãi Trước, Bãi
Sau, Bãi Dứa, Bãi Dâu... Những cảnh đẹp nổi tiếng của Vũng Tàu đều in dấu bước
chân hai chúng tôi. Đặc biệt, lần đi thăm thắng cảnh Dinh Cố ở Long Đất, tôi
giới thiệu kĩ cho Thương biết về Tổ đình Thiên Thai. Cụ tổ Huệ Đăng, tên thật là
Lê Quang Hố, người xã An Đông, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, tham gia phong
trào Cần Vương chống Pháp từ năm 17 tuổi. Phong trào Cần Vương thất bại, hàng
loạt cơ sở ở Bình Định bị phá vỡ, nhiều anh em bị bắt, ông tìm đường vào Nam và
đi tu, xây dựng chùa này từ năm 1925. Nhưng tinh thần yêu nước nơi ông vẫn còn
mãi và những vị sư trụ trì Thiên Thai đều thực hiện tinh thần đạo pháp gắn liền
với dân tộc. Lên Dinh Cố, tôi không quên đưa Thương vào miếu Hiền Nữ thắp hương
cầu phúc. Hai chúng tôi là dân Bình Định mà! Ở nơi tha phương, được thăm một
ngôi chùa mà người sáng lập là chiến sĩ Cần vương, một người Bình Định yêu nước
thì còn gì bằng! Lòng tôi lâng lâng tự hào khi nói với Thương điều này. Nàng
mỉm cười như chia sẻ cùng tôi. Những lúc như vậy, tôi thấy Thương đẹp và rất
đáng yêu.
Tôi và Thương đến với nhau đã hơn một năm nay. Nàng đang học năm thứ hai Đại
học Kinh tế. Tôi thì đã tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, về làm việc ở Khu công nghiệp
Phú Mỹ mới gần một năm. Năm ngoái, cùng trên một chuyến tàu Thống nhất vào lại
thành phố Hồ Chí Minh sau khi nghỉ Tết, chúng tôi quen nhau, và từ đó hò hẹn
gặp nhau trong những ngày nghỉ cuối tuần. Thực ra ban đầu tôi không thích
Thương lắm, vì tôi biết Thương chỉ có một bà mẹ nghèo ở quê làm ruộng, nhưng
Thương lại có vẻ đua đòi, ăn diện, chắc cũng làm khổ mẹ nhiều. Con gái thì cũng
phải trang điểm, ăn mặc tử tế, làm dáng một chút, nhưng ăn tiêu nhiều thì tiền
đâu! Tôi là kĩ sư điện mới ra trường, lương tháng cũng chỉ ba, bốn triệu, chi
phí riêng mình cũng đã khó khăn, bây giờ phải gánh vác thêm khoản tình phí
trong những lần đi chơi cùng Thương tại Sài Gòn hay Vũng Tàu thì lại càng khó
khăn hơn. Tôi đã phải tìm cách làm thêm để nâng cao thu nhập. Nhưng còn Thương,
ngoài tiền mẹ cho, cô chẳng làm gì để có tiền, mà cứ lên xuống Vũng Tàu thế
này, thì chỉ tiền xe cũng đã hết, nói chi đến việc làm đẹp với người yêu. Thỉnh
thoảng, Thương cũng khéo léo chi ra vài ba trăm ngàn trong những lần đi chơi,
khi biết tôi đang kẹt tiền. Tôi không muốn vậy, nhưng cản ngăn hoài sợ cô tự
ái. Tôi vẫn thường nhẹ nhàng khuyên nhủ:
- Em cố gắng học hành đi, chúng ta gặp nhau
đi chơi ít thôi!
- Nhưng em nhớ anh lắm! Sài Gòn - Vũng Tàu
thì cách có bao xa!
- Nhà chúng mình ở quê, làm ra đồng tiền khó
lắm, em chi tiêu thế này, làm sao mẹ lo cho nổi, trong khi em còn hơn hai năm
nữa mới ra trường!
- Không sao đâu! Gia đình em ở quê cũng đủ
sống. Tuy chỉ còn mình mẹ, nhưng mẹ rất cưng em!
Tôi dò hỏi và biết mỗi tháng mẹ chắt bóp gửi
cho Thương một triệu đồng. Số tiền này ở quê kiếm được thật khó, nhưng một sinh
viên học ở thành phố chi tiêu trong khoản đó, cũng khó đủ. Thương tính với tôi:
mỗi tháng phải chi ba trăm tiền nhà, sáu trăm tiền ăn, chỉ còn một trăm cho
tiền tiêu vặt, biết đủ thế nào đây? Thế mà áo quần Thương mặc cũng khá mốt, chi
tiêu cũng tương đối thoải mái, thì lấy tiền đâu ra, nếu không phải là tìm cách
nạy thêm tiền mẹ. Có những lúc hai đứa đi dạo phố, ghé cửa hàng thời trang,
thấy Thương thèm muốn nhìn những chiếc áo, quần vài ba triệu đồng, tôi cũng
đành phớt lờ, kéo Thương đi. Nhiều đêm nằm nghĩ ngợi, tôi cũng quí cái hồn
nhiên chân thật của Thương. Tôi thì quê mùa, thích sống giản dị, chân thành,
nhưng cũng rất dễ tự ái, và đôi khi cũng ngông nghênh một chút. Không biết giữa
tôi và Thương có hợp nhau không, nhưng hiện tại cũng có nhiều điều khiến tôi
phải suy nghĩ.
*
Một buổi chiều, có việc cần về Vũng Tàu, sau
khi làm xong công việc, tôi ghé đến Bãi Sau ngồi hóng mát. Biển ở đây xanh
thẳm, cát trắng mịn, gió mát lạnh. Bỗng một tiếng rao rất lạ lanh lảnh cất
lên: Bún chả cá Qui Nhơn đây!, và
từ xa một bà gánh gánh hàng đủ thứ lỉnh kỉnh đến gần chỗ tôi ngồi. Bà nhẹ nhàng
đặt gánh xuống, rồi lấy từ đầu gánh một chồng đòn ngồi bằng nhựa đỏ, đặt xuống
cát. Bà lấy một chiếc cho mình, ngồi quay lưng về phía tôi, sửa soạn lại đồ đạc
bán hàng từ hai đầu gánh. Bà ngồi xuống không bao lâu thì đã có khách đến mua.
Đầu tiên là một nhóm bảy tám cô mặc đồng phục nữ sinh đến ăn. Họ vừa ăn vừa ríu
rít nói chuyện. Năm mười phút sau, mấy thanh niên tắm biển, mình mẩy còn đẫm
nước, đến ăn bún. Tất cả ngồi bệt trên cát, ăn rất ngon lành. Nhìn các em ăn,
tự nhiên tôi thấy đói cồn cào. Ngày trước học ở Quy Nhơn, tôi thường ăn bún chả
cá. Nó rẻ thôi, rất hợp túi tiền của học sinh, nhưng đây là món đặc sản nổi
tiếng của miền Trung. Năm sáu năm sau, vào thành phố học, rồi đi làm, tôi dường
như quên bẵng món ăn này. Chờ các nhóm thanh niên ăn xong, kéo nhau đi dạo, tôi
đến ngồi cạnh gánh hàng:
- Thím ơi! Cho cháu bát bún cá!
Bà bán hàng chăm chú nhìn tôi. Trước mắt tôi
là một khuôn mặt quen quen, nét xương xương, gày gò, lam lũ của mẹ tôi. Tôi mỉm
cười, nhắc lại câu nói. Bà thong thả làm bát bún: một vốc bún bỏ vào bát, trải
bốn năm miếng chả cá chiên lẫn chả cá hấp lên mặt bún, chan nước dùng đang sôi
vào, cho thêm chút hành ngò đã xắt nhỏ, rắt ít tiêu và đưa cho tôi. Tôi bưng tô
bún, cho thêm chút chanh ớt vào, kề môi húp chút nước dùng thơm ngậy mùi cá của
ngày nào và sau đó dùng đũa ăn một lèo hết tô bún. Bà kín đáo nhìn tôi ăn, rồi
hỏi:
- Cậu là người Bình Định phải không?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao thím biết?
Bà mỉm cười, nhẹ nhàng nói:
- Giọng nói và cách gọi đó! Ở đây không ai
gọi tôi bằng thím cả!
Mấy đứa nhỏ ở đây chỉ gọi bằng dì thôi! Ngay cách ăn bún cá của cậu cũng rất
sành điệu. Cậu chỉ ăn kèm hành lá, hành củ tươi, chứ không ăn rau thơm, giá đỗ.
- Thím đoán đúng đấy! Người mỗi vùng có một
chất giọng riêng, những phương ngữ riêng. Nhưng không chỉ có thế, chỉ cần nhìn
thím, cháu cũng biết thím là người Bình Định rồi!
Bà nhìn tôi trìu mến, rồi nói:
- Đã thế, tôi xin tặng thêm cậu món này.
Nói xong, bà lấy chiếc đĩa , vớt cho tôi một
đầu cá thu đã hầm rục, làm cho tôi một đĩa nhỏ muối tiêu, chanh. Đây là món
thích khẩu của tôi. Tách đầu cá tìm những mẩu thịt còn sót, nhai khung xương
mềm ngọt , những miếng sụn dòn tan. Ngon quá! Giá có một cốc rượu Bàu Đá nữa
thì tuyệt!
Đã nhận nhau là đồng hương, câu chuyện giữa
chúng tôi trở nên cởi mở, thân mật hơn. Đã vài lần, tôi tìm bà Sáu bán bún chả
cá nói chuyện cho vui. Ở nơi xa này, có được một người quen cùng quê, kể cũng
ấm lòng. Tôi hỏi thăm địa chỉ và xin phép được đến thăm khi nào rảnh rổi. Bà
vui vẻ đồng ý và kể cho tôi nghe về gia đình, về cuộc mưu sinh vất vả hiện tại
một cách tự nhiên như cuộc đời là thế, vốn phải thế!
*
Tôi quê ở vùng Khu Đông, Tuy Phước.
Gia đình bao đời làm ruộng, vất vả lắm mới đủ ăn. Chồng tôi bị tai nạn mất, khi
tôi đang bụng mang dạ chửa. Sinh được đứa con gái, tôi tự hứa với lòng dù thế
nào cũng lo cho con ăn học tới nơi, tới chốn. Sau khi sinh con, vất vả trăm
chiều, tôi vẫn cố gắng lo cho con đầy đủ. Rồi con lớn lên, đi học. Bao năm
trời, từ tiểu học đến trung học, nó học ở quê, tốn kém không nhiều lắm, tôi lo
cho em nó đầy đủ, không thua kém bạn bè. Được cái, con gái tôi học cũng khá,
năm nào nó cũng có giấy khen. Rồi nó đậu tốt nghiệp phổ thông, tôi mừng lắm.
Định cho con học đến đây thôi, rồi bảo nó học một nghề nào đó, đi làm kiếm ít
vốn, lấy chồng cho xong. Nhưng em nó không chịu cậu! Nó nằn nì xin thi tuyển
vào đại học. Mấy năm nay, được cái thi cũng gần nhà, hội đồng thi đặt ngay
trường học của nó đấy. Thế là nó thi đỗ vào ĐH Kinh tế TPHCM. Ngày nó đưa khoe
giấy báo trúng tuyển, tôi mừng phát khóc luôn. Nhưng sau đó là những ngày lo âu
vô kể. Tiền đâu mà cho con ăn học đây. Giả tỉ mà nó học ở Đại học Qui Nhơn, thì
tôi còn lo được. Mình rau chuối qua ngày cũng được, miễn sao con có tiền nộp
tiền học, tiền ăn là tốt rồi. Nhưng nó phải vào tận Sài Gòn để học. Xa xôi, tốn
kém quá, làm sao tôi lo nổi, nội ngoại hai bên đều nghèo, không giúp đỡ gì được.
Nhưng tôi chỉ có một đứa con gái đó thôi, nó học được và mong muốn được học
tiếp, bắt nó nghỉ thì tội quá. Cuối cùng tôi nghĩ phải cố gắng lo cho con đi
học. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định rời quê, hai mẹ con cùng vào thành phố, tôi
tìm cách buôn bán, chắc cũng đủ nuôi con. Tôi cũng tính rồi! Nhà vườn ở quê tôi
nhờ vợ chồng anh tôi ở liền kề trông hộ, tối tối anh tôi qua ngủ, thắp hương
cho ba nó. Quê tôi ở ven đầm Thị Nại, tôm cá rất nhiều, những lúc nông nhàn,
tôi làm chả cá, bỏ mối ở các quán bún quanh vùng. Cậu biết đấy, chả cá ngoài
mình nổi tiếng ngon. Cá để làm chả thường là loại cá ngon và nhất thiết phải
tươi: Cá thu, cá mối, cá rựa.... Tôi làm chả cá hấp, cá chiên, tuy có tốn công,
nhưng cách làm cũng đơn giản. Vào đây, bán món bún cá này, cũng chính tay tôi
làm chả đấy! Cậu thấy ăn được không? Vào Sài Gòn, hai mẹ con tìm thuê một phòng
nhỏ ở khu Hoà Hưng và sau đó ngày ngày con đi học, mẹ đi bán hàng. Tôi sắm gánh
bún cá, đi bán quanh quẩn trong các hẻm nhỏ ở vùng mẹ con tôi ở. Mấy tháng trôi
qua, tôi buôn bán cũng được, ngày kiếm bảy chục, một trăm, hai mẹ con đắp đổi
qua ngày. Năm vừa rồi, lang thang buôn bán ở ga Hoà Hưng, tình cờ gặp một chị
bạn cùng quê, cũng dân lao động buôn gánh bán bưng, đang sống ở Vũng Tàu, chị
bảo Vũng Tàu là thành phố du lịch, buôn bán được lắm, chị ấy rủ tôi xuống đây
làm ăn. Tôi bàn với con, và nó thấy cũng được, nên đồng ý. Vả lại, nó học hành
ở đây, thỉnh thoảng bạn bè lui tới, biết nó là con bà bán bún cá, chắc nó cũng
phải xấu hổ thôi. Thế là tôi chuyển xuống Vũng Tàu với bộ đồ nghề buôn bán của
mình. Gia đình chị bạn tôi có một căn nhà nhỏ sâu trong hẻm ở Bãi Sau, nơi đây
toàn dân lao động ngụ cư. Ban đầu, tôi ở nhờ nhà chị. Sau đó, chị tìm giúp tôi
thuê một phòng nhỏ vừa đủ sinh hoạt cho một người cũng ở khu này. Ở đây làm
nghề này cũng khá cậu ạ! Đây là vùng biển, cá ngon có sẵn, rất tiện cho việc
làm chả cá, bán bún chả cá.Đối tượng chủ yếu là khách tắm biển. Buổi sáng, tôi
bày hàng từ sáu giờ và đến chín giờ đã hết veo. Chiều cũng chỉ bán từ ba giờ
đến sáu giờ. Đôi khi hết sớm hơn. Tiền tôi kiếm được gấp đôi ở Sài Gòn. Ở trên
đó, tôi bán bốn, năm ngàn một tô, ở đây thì phải bảy ngàn, mười ngàn đồng.
Không phải tôi bán đắt đâu! Tôi muốn lấy rẻ hơn, nhưng sợ bạn cùng nghề bảo phá
giá. Tuy nhiên nếu có lòng, mình vẫn có thể bỏ bún, chả nhiều hơn một chút.
Nghe chuyện, tôi mừng cho bà có được mức thu
nhập ổn định để nuôi con gái ăn học. Không biết cô bé nào có được một người mẹ
tốt như thế. Qua câu chuyện, tôi cũng biết thêm: để con gái tập trung tất cả
cho việc học, bà không cho con biết chỗ ở cụ thể của mình, chỉ báo địa chỉ nhà
người bạn, phòng khi cần có thể đến đó tìm. Cho đến nay, chưa một lần cô ấy đến
thăm mẹ. Hai mẹ con liên lạc với nhau qua điện thoại. (Nhờ con gái bày biểu, bà
mua được chiếc điện thoại di động cũ vài ba trăm ngàn, dùng bộ kít cà chua của
Viettel, mỗi tháng chỉ gọi cho con gái vài lần, cũng chẳng tốn kém bao nhiêu!)
Hằng tháng bà gửi tiền đều đặn cho con, trước là một triệu, bây giờ là triệu
rưởi, đôi khi nó còn xin thêm, bảo phải đóng tiền học ngoại ngữ, vi tính đủ
thứ. Bà sẵn sàng đáp ứng tất cả yêu cầu của con. Với mức thu nhập bây giờ thì
không lo. Chỉ lo dãi dầu mưa nắng thế này, lỡ đau ốm thì không biết thế nào!
Chỉ biết cầu Trời Phật thương cho thân cò mà không bắt ốm đau.
*
Gần như suốt buổi chiều, chúng tôi lang thang
thăm thú khu di tích nổi tiếng Bạch Dinh. Bạch Dinh nằm ở triền phía nam núi
Lớn, chỉ cách bờ biển Bãi Trước khoảng 100m. Nghe nói công trình này do Toàn
quyền Paul Doumer cho xây dựng để làm nơi nghỉ mát cho gia đình mình, nhưng
chưa xong đã phải rời Việt Nam.
Sau khi Bạch Dinh hoàn thành, thì đây là nơi quản thúc vị vua yêu nước Thành
Thái mười hai năm. Sau này Bạch Dinh là nơi nghỉ mát của các vua chúa, nhất là
Bảo Đại. Đến thăm Bạch Dinh, chúng tôi được chiêm ngưỡng một công trình kiến
trúc độc đáo và được tận mắt chứng kiến những di sản văn hoá quí hiếm, với hàng
ngàn cổ vật, với mười chín khẩu súng thần công uy dũng. Khi chiều đổ bóng đậm
các hàng cây của rừng sứ trắng ngát hương, chúng tôi vào ngồi ở quán cà phê
Bạch Dinh. Quán cà phê này rộng mênh mông, cũng đến ba bốn trăm chỗ ngồi, giá
cả cũng khá mềm. Chúng tôi uống cà phê, dõi nhìn biển xanh sóng vỗ dưới chân
núi, tận hưởng những luồng gió biển mát rượi . Đến bốn giờ, chúng tôi rời quán,
dắt tay nhau đi về chỗ gửi xe.
-Thôi, mình về đi em!
Thương uể oải ngồi lên yên xe. Thường lệ, đây
là lúc chia tay, kết thúc bữa gặp gỡ hằng tháng của chúng tôi. Tôi sẽ đưa Thương
đến số 2 Trần Hưng Đạo, nơi đây có xe khách Hoàng Sơn về quận I - trung tâm
thành phố HCM, tiện đường cho Thương về nhà trọ. Từ công viên Bãi Trước chỉ đi
một đoạn đường ngắn là đến Trần Hưng Đạo. Lần này, tôi đi theo đường Ba Cu, qua
Lê Hồng Phong, Thi Sách, chạy thẳng đến Bãi Sau. Thương chắc ngạc nhiên, nhưng
nàng cứ im lặng mặc tôi đưa đi, đến nơi nào cũng được. Có lẽ nàng chưa muốn rời
tôi lúc này.
Tôi chạy xe chậm, mắt dõi nhìn tìm kiếm gánh
hàng bún chả cá của Bà Sáu. Khi đã nhận ra nơi bà đang ngồi bán hàng giữa bãi
tắm đông vui, tôi dựng xe bên đường, cùng Thương tìm chỗ ngồi ngắm cảnh. Bãi
Sau giờ này rất đông du khách. Vừa ngồi xuống, Thương hỏi tôi:
- Mình đến Bãi Sau vài lần rồi, sao giờ này
anh còn chở em tới đây làm gì?
Tôi lặng thinh hồi lâu, rồi hỏi:
- Em có thấy đói không? Ở đây có một hàng bún
chả cá rất ngon, chúng mình xuống ăn đi!
Tôi chỉ tay về phía xa và nói tiếp: Em thấy
đằng kia có một bà bán bún đó không? Hay là thế này: Anh ngồi đây coi xe, em
xuống đó ăn đi, rồi mua cho anh một tô, bảo bỏ bì, anh mang về nhà ăn.
Thương có vẻ chẳng thích thú gì chuyện ăn bún
chả cá, nhưng chìu tôi, cô cũng bước xuống bãi, đi về phía bà Sau. Tôi dõi mắt
trông theo. Chưa đến nơi, chỉ còn cách gánh hàng bà Sáu vài mét, Thương dừng
bước, chăm chú nhìn và đột nhiên quay lại, đi như chạy về phía tôi. Vừa đến
nơi, cô giục:
- Thôi, ăn uống gì, mình về đi anh!
Tôi nhìn sâu vào mắt cô:
- Sao thế? Sao em không mua cho anh?
Cô có vẻ khổ sở, ấp úng trả lời:
- Đông khách quá, em không chờ được! Vả lại
đã muộn rồi!
Tôi quay xe, chở Thương về hướng trạm xe.
Trước khi cô vào lấy vé, tôi hỏi Thương lần nữa:
- Hôm nay em có thể ở lại được không? Nếu em
ở lại, chúng ta sẽ đến thăm một người thân. Chắc chắn em sẽ thích thú có một
đêm chuyện vãn cùng bà!
Thương im lặng, suy nghĩ, rồi nói nhỏ: Thôi, để lần sau anh ạ! Nói
xong, cô quay quả bước lên chuyến xe sắp chạy.
Tháng 6. 2009
Một truyện ngắn đọc được.
Trả lờiXóa