Ngày 28/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP
thành lập thị xã An Nhơn và thành lập 5 phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh
Bình Định.
Theo đó, thị xã An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định được
thành lập trên cơ sở toàn bộ 24.264,36 ha diện tích tự nhiên và 178.817 nhân
khẩu của huyện An Nhơn. Đồng thời, thành lập 5 phường thuộc thị xã An Nhơn, gồm:
- Phường Bình Định trên cơ sở toàn bộ 612,27 ha diện
tích tự nhiên và 17.408 nhân khẩu của thị trấn Bình Định.
- Phường Nhơn Hưng trên cơ sở toàn bộ 833,42 ha diện
tích tự nhiên và 12.386 nhân khẩu của xã Nhơn Hưng.
- Phường Đập Đá trên cơ sở toàn bộ 507,13 ha diện
tích đất tự nhiên và 16.785 nhân khẩu của thị trấn Đập Đá.
- Phường Nhơn Thành trên cơ sở toàn bộ 1.269,27 ha
diện tích tự nhiên và 15.605 nhân khẩu của xã Nhơn Thành.
- Phường Nhơn Hòa trên cơ sở toàn bộ 2.792,58 ha diện
tích tự nhiên và 18.017 nhân khẩu của xã Nhơn Hòa.
Như vậy, sau khi thành lập, thị xã An Nhơn có 15
đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường nêu trên và 10 xã: Nhơn An, Nhơn
Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn
Tân, Nhơn Thọ.
Được biết, tỉnh Bình Định có 11 đơn vị hành chính
trực thuộc gồm: Thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và 9 huyện: An Lão, Hoài
Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Tuy Phước.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
******
Nhân
dịp này, Hương Quê Nhà xin chuyển đến các bạn bút ký của Trần Quang Khanh viết trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện An Nhơn lần thứ 22, tựa đề: ĐẤT THÀNH LÊN
THỊ
"Thị xã An
Nhơn", cụm từ này được đọc lên ở ngay thời điểm này vẫn cứ thấy ngờ ngợ,
lạ lẫm. Nhưng chắc rằng chỉ sau một năm nữa nó sẽ trở nên quen thuộc và khi
ấy An Nhơn sẽ khác, rất khác. Tôi sinh ra và có hộ khẩu thường trú 20 năm đầu
đời ở mảnh đất này; 30 năm sau, tháng tháng năm năm vẫn về quê mà không sao
cảm nhận hết "sức lớn" của quê mình...
Nếu như người cố đô Tràng An (Hoa Lư - Ninh Bình)
có câu ca tự trào: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch
cũng người Tràng An thì
người dân An Nhơn cũng tự hào về vùng phát tích văn hóa của mình không kém: Có
dở cũng ở Đất Thành/ Phèng la có bể cũng còn cái vành keng keng...Ngày
nay, người ta có thể dùng nhiều mỹ từ thay thế tên gọi An Nhơn mà đọc lên ai
nghe cũng hiểu được: Đất Vua, Kinh xưa, Bàn Thành, Bình Thành, Đất Thành...
Bởi nơi đây từng là đất thánh của của Vương quốc Champa xưa
và sau này là kinh đô của Vương triều Tây Sơn. Mảnh đất có thành Đồ Bàn,
thành Cha, thành Hoàng Đế, thành Bình Định và từng là nhân chứng của nhiều sự
kiện lịch sử, văn hóa lớn của đất nước.
Thâm hậu một nền văn hóa
Tôi "cuồng
tín" mảnh đất An Nhơn của mình đến mức chọn một cô vợ cũng đặt tiêu
chuẩn có quê quán An Nhơn; rồi sau khi đã định cư ở thành phố Quy Nhơn, dẫu
biết vợ sinh khó, phải mổ, tôi vẫn chọn An Nhơn làm nơi sinh cho con đứa con
đầu lòng chứ không phải là Bệnh viện đa khoa Bình Định, nơi có dịch vụ sinh
tốt gấp nhiều lần!
Tôi có lý do để tự
hào về nơi chôn nhau cắt rốn của mình bởi ấy là nơi có lịch sử và một nền văn
hóa thâm hậu. Trong 5 thế kỷ (938-1470), An Nhơn là kinh đô Vijaya của Vương quốc Champa; rồi hơn 10 năm (1778-1789),
An Nhơn là đế đô của nhà Tây Sơn; từng là lỵ sở của phủ Hoài Nhơn sau là phủ
Quy Nhơn của Chúa Nguyễn rồi thành tỉnh lỵ Bình Định (1838-1934) thời nhà
Nguyễn. An Nhơn một thời là trung tâm học vấn của tỉnh Bình Định, có Văn miếu, có Trường
thi..., nơi sản sinh ra nhiều chí sĩ yêu nước qua các thời đại như Nguyễn
Trọng Trì, Võ Duy Dương, Võ Duy Tân, Hồ Sỹ Tạo... Chính vì là Đất Vua, Đất
Thành nên người An Nhơn có truyền thống hào hoa, thanh lịch. Và có lẽ thế mà
An Nhơn có truyền thống chơi mai, chơi cây kiểng thuộc vào hàng số một của cả
nước; là nơi luôn có đông người làm thơ, viết văn. Cả tỉnh Bình Định chỉ có
An Nhơn là thành lập được Hội Văn học - Nghệ thuật ở cấp huyện. Cũng có lẽ
các bậc tiền bối xưa đã chọn phong thủy An Nhơn để dựng nên "Đất
Thành", "Đất Kinh xưa" nên nơi đây thế đất ôn hoà, núi sông
hùng vĩ lại không hề hiểm trở, đã hội tụ được khí chất của bốn phương. An
Nhơn hiện đã có 7/30 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, đáng kể là thành
Hoàng Đế, tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc, di tích khảo cổ gốm sứ Gò Sành, chùa Thập Tháp.... Một
nét văn hóa vượt trội khác của An Nhơn là có nhiều làng nghề truyền thống. Có
người đã gọi An Nhơn là "Đất Trăm nghề" cùng với những "Đất
Thành", "Đất Kinh xưa". Trong rất nhiều làng nghề ấy có những làng nghề độc đáo, nức tiếng
trong cả nước: Làng rượu Bàu Đá, Làng nón Gò Găng, Làng mai Háo Đức,
Làng tiện Nhạn Tháp, Làng rèn - đúc Phương Danh,...
An
Nhơn có một nền văn hóa thâm hậu bởi nó kết tinh từ sự giao thoa giữa các dân
tộc sống trên địa bàn cùng với những làn điệu hát bội,
những lễ hội đậm đà bản sắc, những kiến trúc cổ xưa.
Năng
động cùng thời cuộc
Tôi
còn nhớ như in giai thoại về bài hát "Hát về Nghĩa Bình" của nhạc
sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác từ những năm 80 của thế kỷ trước lan truyền trong
văn giới; khi ấy tỉnh Nghĩa Bình còn chưa được chia tách. Bài hát bắt đầu từ "Anh
đưa em đi về thăm Sa Huỳnh..." đến An Nhơn nhạc sĩ dành cho đúng 2
câu: "Đất An Nhơn quê hương của lúa/lúa trải dài
quanh những xóm nhà...". Nghe câu hát trên giới văn nghệ sĩ ở An Nhơn
không mừng mà tỏ ra giận dữ.
"Sao lại lúa? Vật chất thế à? Đất An Nhơn là quê hương của thơ, thơ chớ!".
Và họ đã toan làm đơn kiện nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Nhưng dù sao thì bài hát
đã phản ánh đúng thực tế của một thời. Không chỉ phạm vi ở Bình Định mà cả
Nghĩa Bình cũ, An Nhơn từng dẫn đầu về cây lúa, nhất là khi hồ Núi Một hoàn
thành, giải quyết về căn bản khâu thủy lợi. Bất kể ở vào vị trí chiến lược
thuận lợi tới đâu; bất kể có đường sắt, đường hàng không, có Quốc lộ 1, Quốc
lộ 19... một khi "nông nghiệp là mặt trận hàng đầu" thì An Nhơn
phải đi đầu về cây lúa. Xã Nhơn Khánh được phong Anh hùng Lao động trong bối
cảnh ấy, một số cán bộ lãnh đạo huyện cũng trở thành người hùng trong bối
cảnh ấy.
Và
rồi thời cuộc thay đổi. Chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn
đưa ra, An Nhơn lại nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, xác định phát
triển CN-TTCN là nòng
cốt. Đồng nghĩa với việc chuyển đổi này là sự ra đời của một loạt các điểm,
cụm công nghiệp (CCN). Đi đầu
là CCN Gò Đá Trắng (thị trấn Đập Đá) rồi các CCN: Thanh Liêm (Nhơn An), thị
trấn Bình Định, Tân Đức (Nhơn Mỹ), Nhơn Hòa... cùng một các cụm CN-TTCN sắp
ra đời ở Gò Ổi (Nhơn Lộc), Thắng Công (Nhơn Phúc), Gò Cây Sanh (Nhơn Thọ),
Nhơn Phong, Vân Sơn (Nhơn Hậu)... Nhờ thế giá trị sản xuất CN-TTCN củaAn Nhơn
những năm gần đây tăng trưởng không ngừng, bình quân trên 10%/năm, chỉ đứng
sau TP Quy Nhơn (mục tiêu 5 năm đến tăng trưởng 15-16%/năm! Và trong tương
lai không xa thị xã An Nhơn sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh.
Cùng với sự phát
triển CN-TTCN và dịch vụ, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Các khu dân cư: Thanh Niên, Vĩnh Liêm
(thị trấn Bình Định); khu đô thị mới Đập Đá, Bả Canh, Khu Bàn Thành... lần
lượt mở ra đã tạo nên diện mạo mới cho An Nhơn.
Trăn trở với quê
hương
An Nhơn giờ đây đang
ở gần với thời điểm "nâng cấp" tên gọi hơn bao giờ hết. Ông Ngô
Thanh Tùng, Phó phòng Quản lý đô thị huyện An Nhơn, cho biết: Đề án thành lập
thị xã An Nhơn đang được xúc tiến để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mọi thứ
sẽ hoàn thành vào trước quý II năm 2011. Mặc dù vậy, An Nhơn vẫn còn nhiều
việc phải làm để hoàn thiện theo chuẩn đô thị loại 4. Trong đó cần ưu tiên
xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ cho cả khu đô thị cũ và khu ngoại thị; nỗ lực
trùng tu và phát huy các di tích; có phương án xây dựng quỹ nhà ở cho người có thu
nhập trung bình và thấp; tăng cường nguồn lực cho đầu tư và phát triển tương xứng với yêu cầu
phát triển đô thị...
Tôi trở về thăm quê
trước ngày Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện An Nhơn lần thứ XXII diễn ra và
dùng chung bữa trưa đạm bạc cùng Bí thư Huyện ủy Trần Kim Hùng và Phó Bí thư
Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Châu(*). Cả hai đều là cán bộ cấp tỉnh
tăng cường nên đều ở nhà công vụ và góp gạo nấu cơm chung hằng ngày, cuối
tuần mới trở về thành phố đoàn tụ gia đình. Anh Trần Kim Hùng, sau gần 3 năm
rưỡi về làm Bí thư Huyện ủy đã thôi không tham gia cấp ủy khóa này để trở về
tỉnh. Anh chân tình tâm sự: "Trong suốt thời gian công tác ở đây, tôi đã
phải tiêu tốn quá nhiều thời gian phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra,
điều tra trên lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản và quản lý khai thác tài
nguyên... Những sai phạm do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ
Huyện ủy, sự quản lý điều hành của UBND huyện và chính quyền ở một số địa
phương trước đây đã được xử lý nghiêm túc, đến nơi đến chốn mà kết quả là gần
30 cán bộ bị kỷ luật, có người bị cách chức. Trong tình cảnh ấy, không khí
làm việc của các ban, ngành ở huyện có lúc giống như người ốm dậy; một số
chương trình, dự án triển khai chậm chạp, trì trệ. Bản thân tôi đã nỗ lực
động viên tinh thần đoàn kết, tinh thần vượt qua khó khăn của anh em để hoàn
thành tốt nhiệm vụ chính trị...".
Tôi hiểu những nỗi
khó khăn, vất vả của anh Trần Kim Hùng và sự tiếp nối sau Đại hội Đảng bộ
huyện là anh Trần Châu. Tôi mừng vì Đại hội Đảng bộ huyện An Nhơn lần thứ
XXII đã thành công tốt đẹp về
nhiều mặt. Và sau đại hội, nhất định sẽ có một sự sắp xếp tổ chức mới, một
không khí làm việc mới trong đội ngũ cán bộ để cùng với người dân An Nhơn
"tự nâng cấp mình" thành công - dân - thị - xã - An - Nhơn...
Trong mọi tình huống
tôi vẫn tin người An Nhơn "Có dở cũng ở Đất Thành..."
T.Q.K
(*)Ông Trần Kim
Hùng, nay là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Bình Định, và ông Trần Châu, nay
là Bí thư Huyện ủy An Nhơn.
Cùng tác giả:
|
Hảy để người dân An Nhơn viết cảm nhận về Thị xã của mình nếu chủ Blog luôn tôn trọng sự thật!
Trả lờiXóa