Nó cố gắng lết từng bước một
đến phía sau nhà bếp của nhà hàng. Đây là nhà hàng lớn nhất phố huyện, vốn luôn
đông khách, nên mỗi khi đói quá, nó lại mò đến để tìm chút thức ăn thừa. Lần
này, nó phải lết là vì nó đã đói lã đến nỗi chẳng còn đủ sức để bước đi nữa. Đã
ba ngày nay nó chẳng có gì để bỏ vào bụng, ngoại trừ mấy củ khoai sượng mà nó
tình cờ nhặt được. Chưa bao giờ nó bị đói như thế này. Dẫu nghề ăn xin của nó
chẳng dư giả gì, nhưng thường thì nó cũng xin được đủ tiền để có thể mua được
hai bữa ăn mỗi ngày. Thỉnh thoảng khi may mắn, nó lại có dư tiền ra, đủ để mua
được một bịch chè đậu trắng (có nước cốt dừa) - loại chè mà nó thèm đến nhỏ dãi
mỗi lần nhìn thấy. Nhưng những ngày may mắn như vậy không nhiều, cứ vài ba
tháng mới có một hay hai lần. Bên cạnh những ngày may mắn đó thì cũng có những
ngày xui xẻo nó chẳng kiếm được xu nào cả, như ba ngày vừa qua. Những ngày
như thế đó thì nó lại về, ăn ké vào phần của bà nó. Vì bà nó đã quá già
yếu, hom hem, nên thường thì người ta thương tình, bố thí tiền nhiều hơn.
Bà nó chẳng phải là bà con
ruột thịt gì với nó, nhưng lại là tất cả những gì nó có được trên cõi đời này.
Bà đã nhặt nó cạnh thùng rác, bên cạnh nhà hàng này, đem về nuôi dưỡng. Ngày
đó, nó chỉ là một đứa bé gái sơ sinh còn đỏ hỏn, được quấn sơ sài trong một cái
khăn tắm, đang khóc thất thanh vì bị kiến cắn. Bà lúc ấy, đang ăn xin cạnh nhà
hàng, đã nghe thấy và đem nó về nuôi dưỡng. Tội nghiệp bà! Đã bước
qua tuổi 60 mà còn phải sớm khuya chăm sóc nó. Chỉ cho đến khi nó lớn
lên một chút, có thể theo bà đi xin ăn, thì bà mới đỡ vất vả phần nào. Cũng
giống như nó, bà không có tên, cũng không có họ. Mỗi khi muốn nhắc đến bà,
người ta gọi là "bà già ăn xin", cũng như người ta gọi nó là "con
nhỏ ăn xin", trước mặt hay sau lưng nó. Nó càng lớn lên thì bà càng trở
nên già yếu đi thấy rõ.
Cách đây ba ngày, bà bỗng
không đi xin ăn nữa mà đột nhiên bảo nó đến gần bên, rồi cố hết sức để thều
thào vào tai nó:
- Con à... nếu
lỡ bà có... mất đi, thì con nhớ... lo cho mình... nghe con.
- Sao bà
lại nói như vậy?
Nó nói với một giọng hoảng
hốt, rồi bật lên khóc nức nở. Nó chưa bao giờ dám nghĩ đến cái ngày không
còn bà nó nữa, rồi nó sẽ sống sao đây, sống với ai đây. Tiếng khóc của nó càng
lúc, càng lớn, không kìm lại được. Đợi một lúc lâu, cho đến khi nó không còn
khóc nữa, bà mới thều thào tiếp:
- Con nhớ giữ lại...
cái mền và cái chiếu... để ngủ nghe con. Cứ chôn bà... mình không cũng...
được...
Đó là tất cả những lời sau
cuối mà bà có thể nhắn nhủ lại với nó.
Đêm đó, trong túp lều tồi
tàn, bà âm thầm ra đi mà nó chẳng hề hay biết. Sáng sớm thức dậy, nó cố lay bà
tỉnh, nhưng bà vẫn nằm bất động, xác bà lạnh tanh. Hoảng sợ quá, nó bật lên
khóc, kêu gào thảm thiết. Mấy người đàn ông trong xóm nghe tiếng nó khóc, vội
chạy đến. Sau khi hay chuyện, họ lặng lẽ giúp nó đem chôn bà ở một nghĩa địa bỏ
hoang trong làng. Thương bà, nó không nỡ giữ lại cái mền và cái chiếu như lời
bà dặn. Nó bảo họ hãy dùng chúng cuốn xác bà để bà đỡ lạnh. Thế là, nó phải bắt
đầu cuộc sống mới chỉ còn lại trơ trọi mình nó, không còn có cả mền, chiếu để
ngủ về đêm.
Cơn đói càng lúc càng trở
nên cồn cào và hành hạ nó nhiều hơn. Cái bụng lép kẹp của nó đã sôi lên sùng
sục vì không còn gì trong đó nữa. Nó cảm thấy chóng mặt quá, trước mặt nó mọi
vật trở nên nghiêng ngả, lắc lư. Nó té xuống, nằm dài trên mặt sân ẩm ướt, sát
với nhà bếp. Chỉ cách đó vài bước, ngăn cách bởi một lớp hàng rào dây kẽm, là
một con đường khá đông đúc người qua lại. Bỗng nó thấy dường như có một ai đó
đến vuốt ve nó và nâng nó dậy. Nó cố mở mắt ra và reo lên vui sướng, trong khi
nước mắt không ngừng chảy xuống mặt nó, làm hình ảnh trước mặt nó trở nên lung
linh và mờ ảo:
- Mẹ..., mẹ đó...
hả mẹ? Con... đói bụng... quá... mẹ ơi!
Vừa thốt lên những tiếng kêu
ngắt quãng, rời rạc, nó vừa cố vươn tay ra để chạm vào hình bóng lờ mờ trước
mặt. Nhưng bàn tay nhỏ bé, gầy trơ xương và sạm đen của nó cứ sờ soạng
mãi trong không khí mà chẳng chạm vào ai cả.
Hóa ra cái hình bóng trước
mặt nó chỉ là do nó tưởng tượng ra. Cứ khi nào buồn quá, đói quá hay khổ quá
thì nó lại mơ về mẹ nó - người đàn bà đã nhẫn tâm bỏ rơi nó ngay khi nó mới
chào đời. Dẫu rằng bị bỏ rơi, nó chưa bao giờ có ý nghĩ buồn giận gì mẹ nó cả.
Nó luôn nghĩ rằng mẹ nó chắc hẳn có nỗi khổ riêng nào đó, chứ nếu không thì có
khi nào mẹ nó đành bỏ nó như thế được. Nghĩ như vậy nên nó cứ ôm ấp mãi cái
hình bóng của người mẹ mà nó tự mình vẽ ra trong đầu óc non nớt của nó. Để
rồi cứ mỗi khi bị ai ức hiếp hay khi gặp nạn nó lại bất giác kêu lên
"Mẹ ơi!" như muốn tìm một sự an ủi, chở che. Giờ đây, trong cơn
đói đang làm hoa cả mắt nó, môi nó không ngừng mấp máy và bật ra những thanh âm
rời rạc: "Mẹ... ơi, mẹ ... ơi!"
Chợt trong cơn mê sảng vì
đói, những thanh âm của tiếng người thật lớn từ nhà bếp vang dội vào tai nó. Nó
nghe loáng thoáng giọng hống hách của một người đàn ông lớn tuổi, đang nói
chuyện với một người đàn ông khác trẻ hơn mà giọng điệu nghe có phần quị lụy,
chiều lòn:
- Ê mậy, mấy bữa nay
nó hoành hành dữ quá, tao kêu mày trị nó hoài, mà mày có làm chưa?
- Dạ, em vừa mới làm
đó, anh hai. Kỳ này, nó khó lòng mà thoát.
- Chắc hông mậy?
- Dạ chắc mà anh
hai. Anh hai tin em đi. Kỳ này, nó không qua nổi đâu.
- Để rồi coi. Nếu
không đúng như lời mày nói thì mày chết với tao.
Những thanh âm sang sảng ấy
đã vô tình đánh thức nó giữa cơn mê sảng. Nó dáo dác nhìn quanh và mắt nó bỗng
chợt sáng lên khi nhìn thấy một miếng thịt nướng nằm gọn lỏn trong lòng một cái
bẫy chuột được đặt trong một góc kẹt của nhà bếp.
Miếng thịt thật to và trông
béo ngậy. Cố gắng hết sức, nó mới với tới được một thanh gỗ nằm cạnh đấy. Dùng
thanh gỗ, với chút sức lực còn sót lại, nó cố để khều chiếc bẫy chuột về phía
nó. Từng chút, từng chút một... Nó tưởng chừng như vừa trải qua một thế kỷ. Rốt
cuộc, chiếc bẫy chuột với miếng thịt nướng thơm phức treo tòn teng ở giữa cũng
nằm trước mặt nó. Tay run lẩy bẩy, nó cố hết sức để kéo miếng thịt nướng ra. Cầm
trong tay miếng thịt mà nó có cảm giác như nó đang cầm nắm một cục vàng ròng.
Không kịp xé miếng thịt ra từng mảnh nhỏ để dễ ăn, nó vội vàng nhét cả miếng
thịt vào miệng và nhai ngấu nghiến. Chưa bao giờ nó có cảm giác ăn một cái gì
mà ngon đến như vậy. Vị ngọt và hương thơm của thịt như ngấm vào tận từng chân
răng của nó. Nó cứ tiếp tục nhai ngấu nghiến như vậy và cảm nhận sức lực của nó
đang trở lại sau khi chất nước dinh dưỡng ấy chảy xuống vào dạ dày của nó.
Bỗng nó đột ngột dừng nhai,
khi lưỡi nó chợt nhận ra có một vị gì đó hơi khác lạ - cái vị này đắng quá làm
nó cảm thấy buồn nôn. Bình thường thì có lẽ nó đã nhả ra, nhưng vì đang quá đói
nên nó bấm bụng nuốt vội tất cả những gì trong miệng nó vào bụng. Có chút thực
phẩm vào bụng, nó thấy đầu óc nó tỉnh táo đôi chút. Nó nghĩ có lẽ nó nên lết
tới cái vòi nước gần đấy để uống chút nước, vì mãi đối phó với cái đói mà cũng
đã khá lâu nó chẳng uống ngụm nước nào cả. Vừa dự định nhõm dậy để lết đi, nó
bỗng chợt nghe có những thanh âm kỳ lạ đang sôi sục trong bụng nó. Rồi nó có
cảm giác như có ai đó đang châm lửa thiêu đốt ngay trong bụng nó. Trên đầu nó
dường như có ai đó vừa đập một cú thật mạnh. Bọt trong miệng nó không ngừng
tuôn ra xối xả tựa như dung nham đang phun ra từ miệng núi lửa. Nó ngã vật
xuống ngay trên nền đất ẩm ướt, đầu dội vào tường. Cơ thể nó giật lẩy bẩy như
có gắn một cái lò xo. Sau một lúc, nó nằm im bặt không nhúc nhích nữa, trong tư
thế của một con cuốn chiếu.
Mùi thơm từ nhà hàng tiếp
tục tỏa ra thơm nức cả một góc phố. Sau lớp hàng rào kẽm gai, người người
vẫn qua lại tấp nập, nhưng không ai chú ý đến một cái xác trơ gầy, nằm bất động
trên mặt đất với một tư thế thật kỳ dị. Thảng hoặc có một vài đôi mắt vô
tình nhìn thấy cảnh tượng ấy thì chúng vội quay đi rất nhanh như để chối bỏ
những gì chúng vừa bắt gặp. Bước chân của chủ nhân của những đôi mắt ấy dường
như càng trở nên hấp tấp và vội vã hơn ngay sau đó ...
18/11/2011
Jeffrey Thai
Cùng tác giả J.Thai
Một truyện ngắn xúc động, buồn, như một hồi chuông cảnh tỉnh về sự vô cảm của con người trước nỗi đau của đồng loại. Cái miếng thịt nướng thật nghiệt ngã...
Trả lờiXóa