Câu chuyện bắt đầu từ những món quà nhỏ mà
tôi đã mang từ phố núi ra tận một vùng quê xa xôi ở miền Bắc thuộc ngoại thành
Hà Nội, một chuyến đi vì nghĩa tình chứ không là đi tham quan du lịch. Đây cũng
là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến vùng đất “nghìn năm văn vật” này và cũng
là lần đầu được biết mặt một bà bác dâu - theo cách gọi của người miền Trung
quê tôi đối với bà vợ của ông bác do ông đã làm rể ở đất này – còn bà bác thì
có lí do rất riêng để không theo về quê chồng như phần đông các bà vợ có chồng
tập kết ra Bắc.
Sau niềm
vui hội ngộ ban đầu, nhìn những món quà của tôi, bà bác nhỏ nhẹ bảo:
- Cà phê cho các anh chị thì bác xin, còn tấm vải này thì…
Bà đưa tay vuốt nhẹ lên
mặt vải gấm màu vàng đồng mà tôi đã cất công đi chọn để may áo cho bà - rồi vẫn
giọng nói ngập ngừng, bà tiếp lời:
- Cháu đã cho thì bác cũng xin nhưng…nói cháu đừng buồn, màu này ở đây không ai
được mặc cả.
Tôi tròn mắt lên
vì ngạc nhiên:
- Vì sao vậy hở bác?
- Vì đây là màu dành riêng cho bà chúa của làng, từ xưa đến nay dân làng không
ai được mặc cháu ạ.
Tôi thầm
nghĩ hẳn là bà chúa ở đây phải dính dáng đến một vương triều nào đó và thế là
trong tôi đã có một dấu hỏi, một bí mật về “bà chúa làng” mà tôi nhất định sẽ
khám phá cho bằng được mới thôi.
***
Tôi thả bộ dọc theo bờ đê sông Hồng, phóng tầm mắt về phía bờ bên kia còn chìm
khuất trong sương sớm và liên tưởng đến một đoạn văn tả cảnh- nếu tôi nhớ không
lầm là trong cuốn Đôi Bạn của Nhất Linh, một trong những con chim đầu đàn của
Tự Lực Văn Đoàn, một quyển tiểu thuyết mà tôi đã mơ mộng suốt một thời thiếu
nữ. Tôi chỉ nhớ mang máng “…Tôi đến một nơi gọi là Từ Liêm, xa xa một dòng sông
… giữa đôi bờ cát trắng…”. Lẽ nào quá khứ đã sống lại lần nữa và không biết nơi
tôi đứng đây có gần với chỗ ngắm cảnh của ông nhà văn cách đây gần một thế kỉ hay
không, chỉ biết chắc chắn dòng nước đang chảy kia đâu còn là dòng nước của năm
xưa mà cảnh và người cũng đã đổi thay khác trước. Con sông lịch sử đã từng là
nấm mồ vùi chôn bao xác giặc xâm lăng từ phương Bắc, cả một vùng đồng bằng
thuộc lưu vực của nó được xem như cái nôi của văn hóa Việt chính là đây !
Tôi vẫn đi men theo bờ đê. Trên mặt đê là con đường quốc lộ, đi qua nhiều
cổng làng được xây rất cổ kính, tên làng thường chỉ khắc bằng chữ Hán (hay chữ
Nôm). Một số ít làng làm lại cổng mới nên tên làng vừa là chữ quốc ngữ ở hàng
trên, lại thêm chũ Hán hàng dưới, trong đó có làng Yên Nội thuộc huyện Từ Liêm–
quê vợ của ông bác tôi.
Theo
lời những bậc cao niên và hiểu biết ở đây thì thôn Yên Nội và Cổ Nhuế ra đời
cách nay gần một nghìn năm, do công lao của Công chúa Trần Thị Túc Trinh- con
gái thứ tư của vua Trần Thánh Tông. Công chúa đã từ bỏ cuộc sống vàng son ở
kinh thành Thăng Long, hưởng ứng lời kêu gọi của vua cha để ra phía tây bắc còn
hoang hóa, chiêu tập dân nghèo, cấp vốn cho họ mua trâu bò, dựng nhà cửa, khai
khẩn đất hoang lập ruộng vườn, làng mạc. Dân làng ghi nhớ công ơn nên đã
lập đền thờ hàng năm đến ngày 8- 2 âm lịch đều có ngày giỗ bà rất trang trọng.
Dân làng cúng bà bằng cơm gạo xay với muối vừng để tưởng nhớ một bà công chúa
sống cuộc đời dân dã.
Tôi miên man nghĩ đến lẽ vô thường của tạo hóa và sự biến đổi của thời
gian. Sau gần một ngàn năm, bây giờ nét cổ kính còn sót lại ở ngôi làng
này chỉ còn ở ngôi đền thờ “Bà chúa làng”, nhưng chưa hẳn đây là ngôi đền đã có
từ đầu mà đã được trùng tu, làm lại sau những biến cố trong lịch sử. Ngoài ngôi
đền ra, còn có ngôi chùa cổ Thánh Quang, tương truyền là nơi tu hành cuối đời
của bà Túc Trinh và đã được tu sửa nhiều lần. Nét cổ xưa còn lại rõ nhất là quả
chuông đồng có khắc di chúc của bà và bức tượng của chính bà ở trong chùa ấy.
Còn lại là những đổi mới nhanh chóng của một làng vùng ngoại thành vì hầu hết
nhà cửa ở đây đều thi nhau mọc lên theo kiểu biệt thự cao tầng- chả là dân làng
được khoản tiền lớn đền bù đất cho một dự án khu công nghệ cao ở đây. Không còn
tìm đâu ra bờ ao, giếng nước, lũy tre…Tất cả đã lùi vào quá khứ!
Thế là rất may mắn, tôi đã tìm được câu trả lời trong một thời gian ngắn nhất
là tại sao dân làng ở đây từ xưa đến nay không ai được phép mặc trang phục màu
vàng (dành cho vua chúa) – phải chăng là để tỏ lòng kính trọng đối với một công chúa có công với làng. “Lệ làng” đã ăn sâu thành nếp tự lâu đời rồi, nếu
bây giờ ai mà phá lệ, cứ ngang nhiên làm theo ý của mình, chắc là sẽ chịu lắm
điều dị nghị, dèm pha và rất có thể bị người làng xa lánh.
Nhưng
“ lệ làng” sau hàng ngàn năm đâu phải chỉ có thế, nhất là khi có những “lệ” đã
trở thành phong tục tập quán ăn sâu tận trong nếp nghĩ lâu đời không phải
chỉ một vài làng mà cả một vùng rộng lớn, cả miền Bắc nước ta. Đó là tục
lệ cải táng mộ cho người thân và đó cũng là lí do để tôi có mặt ở ngôi làng
không thể nào quên này.
Cuộc
hôn nhân “tình Bắc duyên Nam”
của bác tôi cũng là một câu chuyện đáng nhớ. Hai người đã gặp nhau tại bệnh
viện Bạch Mai - Hà Nội khi ông bác bị tai nạn gãy ba chiếc xương sườn, còn bà thì
đi chăm mẹ đau ốm ở đây. Lúc này ông bác đang rơi vào trạng thái đau buồn thất
vọng về bà bác ở quê nhà qua Hội đồng hương đưa tin. Có lẽ đã không vượt qua
được nỗi cô đơn lẻ bóng khi phải nuôi con đằng đẵng hàng chục năm trời nên bà
đã trót có quan hệ với người đàn ông khác. Với tâm trạng ấy cộng với nằm viện
dài ngày mà không có người thân bên cạnh nên bác cũng dễ dàng đón nhận sự giúp
đỡ ân cần, dịu dàng của một người phụ nữ. Thế là nên duyên.
Nói thế nhưng hai người đã phải vượt qua rất nhiều trở ngại ở cả hai phía để
đến được với nhau. Mặc dù đã có hiểu biết từ trước nhưng phải đến khi tiếp xúc
với con người bằng xương bằng thịt tôi mới thật sự hiểu vì sao ông bác đã đánh
đổi mọi thứ để có được bà. Mặc cho Hội đồng hương can ngăn, mặc cho bà mẹ nuôi
ở nơi đang công tác mai mối cho một đám khác, ông chịu kiểm điểm nặng nề rồi bị
kỉ luật khai trừ khỏi Đảng khi đã kết hôn với một người thuộc thành phần đã
từng bị đấu tố trong cuộc cải cách ruộng đất, mang một vết đen trong lí lịch.
Còn bà, khi tôi hỏi tại sao vẫn lấy bác tôi khi ông bị buộc về hưu non,
cuộc đời gần như là tay trắng thì bà cười rồi bảo:
-
Ông ấy đã vì tôi mà ra nông nỗi ấy thì tôi còn sợ gì. Cái khó của tôi là sự
ngăn cản của gia đình, họ hàng, ai cũng bảo sau này khi hòa bình ông ấy lại về
miền Nam với gia đình trong ấy thì có theo về không- hay lại phải nuôi con một
mình. Nhưng đã quyết rồi thì tôi chấp nhận hết.
Bao giờ bà
cũng nói năng rất từ tốn, nhỏ nhẹ, đâu ra đấy, đôi lúc còn văn hoa tao nhã nữa
là khác. Bà vẫn giữ được cái cốt cách vốn có cho dù cuộc đời trải bao thăng
trầm, phải lam lũ vất vả kiếm sống cũng không làm cho mai một đi. Bà có đôi mắt
to đen, ánh nhìn hiền từ, sâu thẳm, sóng mũi thanh nhẹ, nước da trắng mà
thời gian vẫn chưa thể xóa mờ. Khi bà gội đầu, mái tóc vẫn còn đen nhiều chảy
dài trên lưng làm chúng tôi không ngớt trầm trồ. Ngần ấy đủ phác họa một chân
dung không đến nỗi nào của bà khi còn trẻ. Đối với bà con phía chồng từ trong
Nam ra bà đối xử rất chân tình nồng hậu, giản dị mà sâu sắc. Dù chưa về quê
chồng lần nào (vì ngại có bà vợ trước) nhưng bà vẫn không quên ân nghĩa đạo lí
( khi có những cái tang hay giỗ chạp lớn ). Khi còn sống, ông bác có lần viết thư
cho một người chú ở quê bày tỏ ý nguyện muốn về yên nghỉ nơi khu mộ của dòng
tộc, được nằm gần ông bà tổ tiên nơi bản quán. Đó là cái khổ của một cảnh hai
quê mà ông đã từng rất khó xử, day dứt khôn nguôi trong suốt những năm cuối
đời. Nhưng cái tình của ông cứ mãi quyến luyến ở nơi phương Bắc cho đến khi ông
qua đời đột ngột và an táng ở đây. Bà bác còn bảo ông từng hứa với bà rằng hai
người đã khó khăn lắm mới lấy được nhau nên lúc chết cũng không thể chia lìa.
Còn đối với bà vợ trước của ông trong này thì dù sao ông bà vẫn còn cái
nghĩa trong mối quan hệ với con cháu. Tuy nhiên bà lại hay hờn trách ông dù
chính bà cũng có lỗi, vì sau lần lỡ bước sa chân ấy đã ở vậy nuôi hai con khôn
lớn nên người, lại làm tròn bổn phận dâu con. Ôi, chiến tranh đã đi qua nhưng
hệ lụy của nó vẫn còn tiếp diễn và không có cái khổ nào giống cái khổ nào !
*
*
Thôn
Yên Nội đang chìm dần vào giấc ngủ.
Nhưng đêm nay có một vài gia đình vẫn chong đèn thao thức để chờ đến giờ theo
kế hoạch. Trong căn nhà rộng của anh con trai cả của bà bác ngoài này, những
người bà con từ trong Nam
ra cứ chạy lên chạy xuống giữa các tầng lầu để chia sẻ tâm trạng. Có lẽ với dân
làng, chuyện này đã quá bình thường, nhưng với những người như chúng tôi thì
không bình thường một chút nào. Cả nhà bác tôi đang rộn ràng chuẩn bị mọi thứ
cần thiết. Người anh thứ ba và thứ tư con bác được cho là hợp tuổi để trực tiếp
làm công việc gọi là bảo tồn hài cốt của người cha quá cố. Tất cả đã sẵn sàng.
Đến
12 giờ khuya, đoàn người bắt đầu rời khỏi nhà, kéo thành một hàng dài vừa đi
bộ, vừa đi xe máy với các dụng cụ, đồ đạc lỉnh kỉnh hướng về phía nghĩa trang.
Chị X, con dâu cả của bà bác- sau mấy ngày tất bật chuyện cỗ bàn khách khứa đến
phờ phạc cả người vậy mà vẫn thoăn thoắt gánh một đôi thùng nước dấn lên phía
trước. Người thì chở theo một can lớn đựng rượu pha hương thơm gì đó mà
tôi không biết. Và, để “thay áo quan”, nhà đã chuẩn bị đến hai lớp: lớp
áo trong bằng đất nung rất tốt, lớp ngoài bằng một quan tài hình hộp chữ nhật
được làm bằng loại gỗ cực tốt, nghe nói hàng trăm năm cũng không suy siểng và
chỉ dài bằng một nửa quan tài bình thường. Đoàn người lặng lẽ nối nhau đi qua
nhiều ngã ba, ngã tư, hết quẹo phải sang quẹo trái. Đi tới đâu tiếng chó sủa
vang đến đó, phá tan màn đêm tĩnh mịch nhưng không làm dịu đi nỗi lo lắng, hồi
hộp xen lẫn cả sợ hãi đang dâng lên trong lòng những người như tôi. Vì trước
khi đi, cô em họ đã chỉ cho tôi thấy những chiếc dao trong số dụng cụ phải mang
theo.
Đoàn người đi vòng vèo một hồi lâu rồi cũng ra đến rìa làng sau khi đi qua ngôi
chùa cổ Thánh Quang. Không khí lúc này nghe lành lạnh khi con đường băng qua
những cánh đồng trồng rau, trồng hoa với đèn điện thắp sáng từng hàng thẳng tắp
ở những loài hoa cần kích thích cho nở sớm. Quanh co một hồi nữa là đến một
trạm điện cao thế. Một tấm bảng cho biết “Nghĩa trang thôn Yên Nội” đây rồi.
Lần đầu tiên trong đời vào đêm hôm khuya khoắt tôi đi vào “thế giới của sự im
lặng tuyệt đối”. Nghĩa trang chia làm hai khu vực rõ rệt, một bên là khu mộ đã
được cải táng, xây nhỏ lại cùng một kiểu gần như giống nhau, bên kia là khu mộ chưa
cải táng mà đoàn người đang đi tới. Ẩn hiện theo hai bên lối đi đầy cỏ dại là
những ngôi mộ chỉ còn lại hốc huyệt sâu mà người ta chưa (hoặc không) lấp đi,
hoặc có mộ đã đào sâu cho tới quan tài có mắc sẵn bóng điện, đang chờ tới giờ G
trong đêm nay giống như chúng tôi. Một cảm giác sợ hãi xuyên suốt qua người tôi
nhưng tôi không thể quay lại được nữa. Cuối cùng thì đoàn người cũng dừng lại.
Tất cả vây quanh trên bờ ngôi mộ ông bác đã được đào sâu từ hai giờ chiều hôm
trước cho đến tận đáy, sâu đến hai mét rưỡi có nước xăm xắp, cạy nắp áo quan
hơi lệch qua cho bay hơi đi, đợi đúng một giờ đêm nay là mở hẳn ra để lấy
hài cốt và phải làm sao cho kịp giờ( ngày giờ đều do các ông thầy phán định).
Thời
gian nặng nề trôi qua. Một vài người lấy điện thoại ra xem giờ.
Tôi đã kịp nhìn thấy hai ông anh đứng dưới huyệt, hai bên quan tài. Lúc này
đây, một niềm thương cảm lẫn thán phục của tôi đối với hai anh vì họ đã vượt
lên chính mình để nhận lấy trách nhiệm, đã phải gồng mình lên trước sức
nặng của một phong tục tập quán tự nghìn năm còn lại- sức nặng của một
quan niệm về đạo hiếu và cũng là của lẽ sống chết, mất còn trong cõi đời này.
Tôi lùi lại đằng sau mọi người, cố trấn tỉnh .
Tất cả nín thở chờ đợi.
Bỗng nhiên tôi nghe nhiều tiếng khóc cùng òa lên một lúc. Nắp đã được mở ra.
Như có một sức lực vô hình đẩy tôi lên phía trước, chen vai mọi người, tôi
thoáng thấy một hình hài sát đáy áo quan nằm trong một lớp áo đỏ (áo mà bác đã
mặc ngày mừng thọ 80 tuổi). Tôi lùi lại rất nhanh, không đủ can đảm để xem
tiếp. Sau đó, trong một trạng thái như người đang mộng du, tôi chỉ nghe
loáng thoáng tiếng một vị trưởng lão có uy tín trong họ hướng dẫn hai ông anh
các thao tác cần thiết để đưa từng phần xương lên cho hai người đang chờ trên
bờ, một người rửa trước trong nước, một người rửa sau bằng rượu, sau đó
mới đặt vào cẩn thận trong lớp áo quan bằng đất nung gọi là tiểu sành. Vậy
là nỗi đau mất mát cách đây bảy năm trời tưởng đã nguôi ngoai thì bây giờ sống
lại, còn đau xót hơn khi phải tận mắt chứng kiến hình ảnh của người thân
chỉ còn lại nắm xương tàn kì dị. Rời rạc- vụn vỡ của sự hủy hoại. Biến
đổi và tang thương. Xót xa đến tột cùng. Tiếng khóc chỉ là bộc phát nhất
thời nhưng có lẽ nỗi ám ảnh sẽ còn mang theo suốt cả cuộc đời. Đó là chưa
nói không phải dùng đến các con dao để có thể lấy được hài cốt vì nghe kể có
người hoặc có chỗ đất khi chôn rất khó phân hủy tuy cũng sau ngần ấy năm. Chiếc
quan tài đưa lên còn nguyên vẹn nhưng sẽ được đốt đi.
Cuối cùng thì những gì cần giữ lại của ông bác tôi cũng đã nằm gọn
trong hai lớp áo quan mới, được chuyển ngay sang khu mộ đã cải táng. Đúng ba
giờ trong đêm là hạ huyệt (đã xây sẵn một cái huyệt mộ sâu khoảng gần một mét
khối). Tôi thấy một cái huyệt đã xây sẵn y như vậy bên cạnh để dành cho bà bác
sau này. Sau đó, xây lên ngôi mộ với tấm bia đá là hoàn tất.
Tôi bần thần với ý nghĩ sao gần hàng ngàn năm qua kể từ lúc ngôi làng này ra đời
mà chỉ còn có ngần ấy ngôi mộ? Biết bao nấm mồ đã bị xóa nhòa theo thời gian
không còn để lại chút dấu vết nào trên mặt đất, bởi nếu không thì đã không còn
chỗ cho người đời sau sinh sống và lại xây lên những nấm mồ mới như hôm nay. Vì
vậy mới có trường hợp trước đây, khi san ủi để làm thủy lợi trên cánh đồng huyện
Phù Cát- Bình Định, người dân phát hiện có một quan tài lạ bằng gỗ lim trong
một ngôi mộ cổ. Qua những vật tùy táng, các nhà khảo cổ đã cho biết đó là một
người phụ nữ thuộc hoàng tộc của nhà Tây Sơn ( Nhà Bảo Tàng Quang Trung, huyện
Tây sơn đã từng trưng bày những hiện vật này cho dân chúng xem).Qua những cuộc
thay chủ đổi ngôi, đâu chỉ có phần mộ của người dân mà cả những người giàu có
hay quý tộc cũng đã chôn vùi theo thời gian và đi vào quên lãng. Trong dòng
thời gian vô tận thì một ngàn năm cũng chỉ qua như một cái chớp mắt, rồi
tất cả cũng sẽ trở về với cát bụi hư vô!
* *
Sau
một đêm gần như thức trắng, cả nhà bác tôi lại bận rộn với việc chuẩn bị làm cỗ
bàn để mời bà con dân làng. Vì làng này rất đông dân, và cũng có thể do mối
quan hệ của nhà bác- mà cần chuẩn bị đến 70 mâm, mỗi mâm 6 người ( đó là chưa
kể ngày hôm trước đã làm 30 mâm cỗ để mời họ hàng thân thuộc rồi ). Tục
lệ của làng xưa nay vẫn thế. Tôi thấy khi đi dự cỗ, có người còn mang theo bó
nhang và phong bì giống như lệ thường đi phúng điếu cho một đám tang. Vậy là có
đến hai lần ăn cỗ và hai lần mang phong bì ( vì khi nhà có người qua đời thì
tang gia phải lo làm cỗ bàn linh đình để mời bà con đến viếng ). Đúng là “phép
vua thua lệ làng” mà bây giờ chính quyền cũng bó tay. Mà cỗ bàn ăn uống thừa ra
ê hề thì mới không bị chê cười. Tôi thở dài khi biết không những
các anh chị tôi mà đa số bà con ở đây đã phải chạy vạy tiền ăn học cho con em
không dễ dàng gì từ nguồn thu nhập trồng hoa, rau củ và buôn bán nhỏ. Cứ nhìn
vài ngôi nhà còn sót lại của người dân khi chưa nhận được tiền đền bù đất
thì đủ hiểu.
Đằng
sau bộ mặt khang trang với nhiều nhà cao tầng của một ngôi làng cổ đã
được đô thị hóa là cái hồn- nếp nghĩ xưa cũ vẫn còn lẩn quẩn đâu đây.
Hà Nội, tháng 11-2011
Một truyện ngắn viết công phu về một trong những nét nghìn năm văn vật của Hà Nội. Cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóaXin cảm ơn anh Nguyễn Hữu Duyên đã quan tâm và cho tôi một cơ hội để góp mặt với các "thân hữu yêu văn thơ" ở đây mà nếu tôi đoán không sai thì đa số đều cùng chung một"hương quê nhà" Bình Định
Trả lờiXóaHi vọng tôi sẽ không cảm thấy lạc lõng khi về "thăm lại cố hương"
Hương Quê Nhà rất vui vì sự góp mặt của chị. Đúng rổi, ban đầu là cái nền của HQN BĐ, nhưng HD lại mong muốn có nhiều thân hữu, mà đã có rồi đấy, để trang viết ngày càng phong phú, đa dạng. Chúc chị vui, khỏe! Mến!
Trả lờiXóaXin cảm ơn bạn Nguyễn Hoa( xin mạn phép được xưng hô như vậy vì tôi không biết nên như thế nào cho phải)đã đọc và chia sẻ cảm nhận
Trả lờiXóaChúc trang nhà ngày càng đông vui...
Một truyện ngắn đọc được, một giọng văn mới trên HQN, có chút hoài cổ, trăn trở, nhưng thật đáng quý.Chúc tác giả vui.
Trả lờiXóaCảm ơn Lê Thành với những cảm nhận.Đúng rồi, tôi là một người hoài cổ đến mức thấy mình như thuộc về... thời cũ vậy.Hi vọng chúng ta sẽ còn gặp lại nhau trên các trang viết của các thân hữu ở đây.
Trả lờiXóa