Rồi xuân đang nhẹ nhàng đến. Trong lòng thấy có cái gì hơi lay động… Xuân lại về. Cứ mỗi mùa xuân đến rồi lại vụt qua nhanh. Trong lòng vừa rộn ràng xen lẫn đâu đó chút buồn. Cái cảm giác xa nhà khuấy động trong tim, bỗng dưng rơi nước mắt. Ta vẫn đếm từng ngày từng tháng trôi qua trong cuộc đời với bao nỗi lo toan, tiếc nuối. Sao không cho ta quay về xuân của ngày xưa!
Cho ta quay về Xuân của ngày xưa, ngày mà ta được mẹ may cho cái áo đầm màu hồng nhạt. Ta được cha thắt cho hai cái bím tóc xinh xinh được buộc một dây nơ màu hồng. Ngày đó mẹ bảo “Con gái mẹ sẽ có một cuộc đời đầy màu hồng của hạnh phúc”. Ta nhớ cái đêm giao thừa, hai tay ta được hai bàn tay nóng ấm của cha của mẹ dắt tung tăng trên phố. Ta nhảy chân sáo, miếng líu lo, hỏi thứ này thứ khác. Con bé 5 tuổi đầu hồn nhiên, ngơ ngác trước những sắc màu tràn ngập bên ngoài. Đi được một lúc ta lại được Cha cổng trên đầu, ta được ngồi vắt vẻo trên vai Cha. Tay chỉ trỏ nói luyến thoắng. Nhìn cái gì ta cũng hỏi “Cha ơi! Cái con Rồng đó làm bằng gì? Nó có khè được lửa không?”, “Mẹ ơi! Con muốn chơi nhà banh”. Mùa Xuân rồi Hạ rồi Thu rồi Đông... rồi lại Xuân. Rồi những bàn tay nắm tay ta tụt mất dần.Không còn ai nắm tay con bé này đi công viên, chơi nhà banh, không còn ai thắt hai bím xinh xắn. Con bé ngơ ngác như gà con lạc mất đàn. Hai cánh tay nâng ta từ ngày cất tiếng khóc đầu tiên đã để lại bên đường một nỗi buồn chới với. Ôi! cái ngày xuân của ngày xưa.
Cho ta quay về xuân của ngày xưa, ngày mà ta căm cụi bên Ngoại cạo vỏ từng củ gừng sau đó lại cắt thành từng sợi như sợi chỉ. Món mứt gừng dẻo là món đặc sản mà hơn 5 năm kể từ ngày Ngoại mất. Ta chưa một lần nếm lại. Nhớ dáng Ngoại còng lưng ngồi sên từng mẻ mứt gừng, mứt tắc, mứt dừa khi xuân đến gần. Ngày đó, con bé này chỉ được cái trèo dừa thì hay khỏi chê. Năm nào cũng được phân công hái dừa cho Ngoại. Ngày bé ta cứ như một thằng con trai, quần đùi, tóc tém, da đen nhẻm. Suốt ngày chỉ chơi với bọn con trai cùng sớm, từ việc bắt ốc mò cua, giăng câu bắt cá, leo cây… chẳng có trò nào ta chừa.
Cứ khoảng tầm ngày 20 là Ngoại bảo: “Mai con móc cho Ngoại khoảng 20 dừa để làm mứt”… Nó như nhiệm vụ mỗi năm của ta, ta thích thú vì có thể làm những việc đỡ đần cho Ngoại. Nhà có cây móc dừa nhưng ta nào thích. Cái cảm giác ngồi ung dung trên ngọn dừa thì mới thú vị. gió mát lay những tàu lá xào xạc, ta có dịp nhìn khắp nơi... Xa xa những dãy nhà thấp lè tè sau hàng dừa. Những căn chòi tạm bợ của xóm nghèo hiện lên. Hình như Tết chưa về trên cái xóm này. Nhiều người vẫn còn đang chạy vạy từng bữa cơm thì còn thời gian đâu mà nghĩ đến Tết. Ngày đó ta chưa biết gì gọi là buồn, chỉ thấy háo hức khi Tết đến sẽ được mặc đồ đẹp. Cả năm trời chỉ khoác một vài bộ đồ cũ kỹ, có khi là những bộ quần áo của mấy chị cho lại. Cái tay dài quá, cái quần phải cắt lên 3-4 lần mới mặc được. Ta cứ nhờ Dì cắt bớt, tháo chỗ này, may chỗ kia... miễn sao lành lặn và vừa với cái thân hình “gió qua chưa đến hiên nhà, mà thân em đã là đà bay đi” của ta.
Những năm không còn 2 bàn tay đã dắt ta như trước, thì chỉ có duy nhất bàn tay gầy guộc của Ngoại bên mình. Đôi bàn tay đã chăm chút, đã vỗ về, ôm ấp cho cuộc đời ta bao năm qua. Mỗi năm đôi tay ấy lại hằn thêm những đường gân guốc chằng chịt, hai vai dường như quằn thêm những nỗi lo cho con cháu. Mắt Ngoại càng mờ dần đến nỗi nhìn không rõ ta là ai. Thương lắm Ngoại ơi! Những năm tháng qua đi của đời người. Mỗi năm nhìn nồi thịt kho béo ngậy và hủ dưa cải muối góc nhà. Con lại nấc lên nghẹn ngào nỗi nhớ Ngoại. Nồi thịt kho vẫn đầy đủ cho tất cả 13 đứa cháu của Ngoại ăn hết 3 ngày Tết. Nhưng còn đâu dáng người Bà yêu quý của con. Ngày trước mỗi khi kho thịt là Ngoại dạy con từng chút một. Phải chọn miếng thịt ba rọi và thịt đùi như thế nào? Lớp mỡ bám miếng thịt ra sao? Dừa kho phải là loại dừa có cháo hơi dày không nên dùng dừa non vì như thế nước thịt sẽ ko ngọt? Thịt được trần qua và phơi nắng bao lâu thì đem ướp,… mọi thứ con vẫn còn nhớ rõ, vẫn còn cảm nhận sự béo ngậy của miếng thịt mỡ tan trong khoang miệng khi cắn nhẹ miếng thịt kho. Con thường nói món thịt kho của Ngoại là số một… mà có lẽ đúng vậy. Hơn bao năm qua, bao mùa Tết từ ngày Ngoại đi xa... con chẳng bao giờ nếm lại được cái vị này. Nhớ lắm Ngoại ơi! Xuân của ngày xưa đâu?
Cho ta quay về Xuân của ngày xưa! Ngày mà ta bỏ rồi cái quần đùi cộc, bỏ rồi cái trò leo dừa, bỏ rồi những ngày theo chân những thằng con trai trong xóm đi bắn bi, bắn sung. Ngày mà má ta biết ửng hồng khi nghe một câu ai đó vô tình khen: “dạo này T đẹp dữ bây”, hoặc một câu trêu “T đây hả? tui có nhìn lộn không trời!”,… Cái cảm giác biết thế nào mà mắc cở ngượng ngùng cứ theo ta cho đến bây giờ. Ta nhớ cái ngày được đi chơi Tết với một người con trai, ta vẫn không bỏ được cái tính cách đã ăn sâu của mình. Đi như chạy, nhảy chân sáo, miệng líu lo làm cho người đi cùng không còn chỗ chen vào để nói. Ta nhớ mãi cái bao lì xì đầu tiên ta nhận được từ một người bạn, trong đó chỉ có vỏn vẹn một chữ được viết nắn nót có phần hơi màu mè đó là từ “Nhớ”… Ta vẫn còn giữ cho đến hôm nay. Dù đôi lúc ngược xuôi, thời gian rồi sẽ trôi đi một cách nhanh chóng... Nhưng những thứ mà ta cảm nhận đầu tiên là những gì tinh khôi đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Xuân ơi! Còn xuân ngày ấy cho ta gặp lại người để nói một lời rằng ta cũng nhớ lắm!
Cho ta đi nhẹ nhàng trên xuân của hôm nay. Từng cánh mai đang bắt đầu chớm nở. Nhà nhà người người vẫn đang hối hả tất bật với những việc còn dang dở trước khi xuân về. Ai ai cũng cố hết sức để chuẩn bị chào đón một năm mới với hy vọng có những đổi thay tích cực hơn. Ta vẫn nhẹ nhàng đi trên xuân và mơ về xuân xưa ấy.Mãi miết nhưng một cánh én lẻ loi cuối ngày. Dù ta đang báo hiệu xuân về cho nhà nhà, báo hiệu những niềm tin hạnh phúc nhưng lòng sao như nặng trĩu. Chiều nay gọi về nhà mẹ, đầu dây bên kia “Khi nào con về?”, gọi về nhà Cha “Khi nào con về?”… Hai câu hỏi từ hai gia đình nhưng có chung một câu trả lời “Con cũng chưa biết!!!”… Gác điện thoại xuống, ta cứ hỏi ta “Về đâu hỡi, khi xuân đang về?”
Hậu Đậu
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét