CHUYẾN TÀU CUỐI NĂM - Truyện ngắn Nguyễn Quang Quân
Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012
Tàu đến Nha Trang vào lúc bảy giờ. Sân ga vắng vẻ. Nhân viên nhà ga có lẽ vẫn đông đủ, làm những công việc quen thuộc của ngày thường, nhưng hình như họ có vẻ trầm lặng hơn, khẩn trương hơn. Cái tất bật của việc đón đưa những chuyến tàu cuối năm đi qua, như những thôi thúc của tâm hồn. Người ta đang hối hả đi về và họ cũng đang hối hả đợi chờ đến lượt nghỉ, để về với gia đình trong đêm trừ tịch này. Tàu dừng lại ở ga mươi lăm phút. Hành khách đến ga vội vã bước xuống.Thực ra họ đã chuẩn bị cho bước chân xuống ga từ hơn nửa giờ qua. Quang ngồi im lặng nghe tiếng họ gọi nhau í ới, những động tác chuẩn bị rộn ràng, hành lí trên các giá được lôi xuống, ôm vào lòng, hay để dưới chân, dọc lối đi. Thực ra tất cả những việc này chỉ cần làm trong vài phút, nhưng cái nôn nao trong lòng đã thôi thúc họ. Có lẽ, đến giờ phút này, họ là những người vui sướng nhất. Chuyến tàu đi từ Sài gòn đến Hà Nội, đưa các vị khách cuối cùng của năm cũ về quê ăn tết, nhưng chỉ có họ là chắc chắn kịp về nhà, cùng người thân đón giao thừa. Nhìn họ rộn ràng chuẩn bị và giờ đây vui vẻ xuống ga, Quang thấy vui lây với họ, nhưng lòng vẫn thấy nao nao. Đường về của anh còn hơn hai trăm ki lô mét nữa, có đi kịp trong năm giờ còn lại?
Trên chiếc ghế sát bên khung cửa sổ, Quang đưa mắt dõi nhìn những hoạt động của sân ga trong cái giờ khắc lạ lùng này. Chiếc ghế bên cạnh anh vẫn bỏ trống từ ga khởi hành. Đó cũng là điều lạ. Dù rất bận rộn với công việc, anh vẫn cố gắng thu xếp thời gian nhiều lần đến nhà ga để kiếm một chiếc vé tàu về tết. Và mặc dầu được nghỉ từ 29, nhưng anh chỉ lấy được vé tàu chiều 30. Đã hai năm rồi anh không được về quê, vì phải vất vả kiếm sống, bây giờ có việc làm ổn định rồi, anh lại tối tăm mặt mày vì công việc. Làm việc ở một công ty liên doanh, anh có rảnh rổi chút nào đâu! Phải căng thẳng chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Đã thế, anh còn theo một lớp đào tạo sau đại học. Năm ngoái, anh đã xin phép cha mẹ không về, vì có vài việc trong ngày tết có thể kiếm thêm một ít tiền còm để sống, và giờ đây, anh đang chăm chắm nhìn quãng đường trước mặt, lẩm nhẩm tính toán từng ga một trên hướng về quê nhà.
Bỗng Quang giật mình quay lại. Một người đàn bà đang loay hoay tìm số ghế bên chỗ anh ngồi. Đúng là chiếc ghế bây giờ mới có chủ. Người khách vừa bước lên từ sân ga Nha Trang và cuộc hành trình của bà không biết đi đâu về phương Bắc. Bà khách với hành lí gọn nhẹ - chiếc va li giả da loại đắt tiền, mỉm cười với Quang và nhẹ nhàng ngồi vào ghế. Quang hỏi vài lời cho phải phép:
- Bà về đâu ạ?
- À, chào cậu, tôi về Diêu Trì !
A! Đúng là ga mình đến. Bà cụ đi đâu vào những ngày cuối năm này, và về đúng vào đêm 30 Tết như mình nhỉ?
- Bà đi đâu mà về tết muộn thế?
Bà mỉm cười, hỏi lại:
- Thế còn cậu?
- Dạ, cháu làm việc ở thành phố. Việc công ty bận rộn, nên về muộn!
Vẻ mặt tươi cười, im lặng hồi lâu, bà nói khẽ:
- Tôi từ Sài Gòn về thăm bà con ở Nha Trang ít ngày, bây giờ về quê đây!
Tàu chạy. Con tàu cứ xuyên màn đêm, lao vun vút trên đường ray. Đoạn đường trước mặt còn xa, Quang thiu thỉu ngủ trong mệt nhọc. Khi giật mình tỉnh dậy, Quang thấy bà khách bên cạnh vẫn đang thức, mắt đăm đăm những ánh đèn xa xa, ánh đèn từ những ngôi nhà, từ những chiếc xe trên đường quốc lộ, chạy song song với đường sắt. Thấy Quang tỉnh giấc, bà cười nhẹ, hỏi:
- Cậu có vẻ ngủ say nhỉ?
- Dạ! Bà không ngủ được sao?
- Không! Tôi chờ đợi những giờ phút này từ lâu lắm rồi! Vả lại, lỡ ngủ quên, tàu chạy luôn ra Bắc thì sao!
Quang vừa lấy khăn lau mặt, vừa nhẹ nhàng bảo:
- Không sao, bà cứ tranh thủ chợp mắt tí đi! Cháu cũng xuống ga Diêu Trì mà! Diêu Trì là ga lớn, tàu sẽ dừng lâu. Vả lại, có loa phóng thanh nhắc nhở hành khách chứ!
- Như vậy tốt quá! Đã hơn hai mươi năm rồi, tôi mới về lại nơi này, cứ sợ lúng túng khi xuống ga. Tôi đã điện cho mấy đứa cháu ra đón, nhưng không hiểu đêm hôm sẽ gặp nhau thế nào đây.Có gì nhờ cậu giúp cho nhé!
Bà khách có vẻ không muốn ngủ chút nào. Vài phút sau, tàu rầm rập đi qua chiếc cầu sắt dài. Quang chưa kịp nhận ra cầu ở vùng nào, đã nghe tiếng bà lẩm bẩm: "Cầu Đà Rằng! Thế là tới Tuy Hoà rồi!". Anh giật mình, nhìn kĩ những khung sắt thành cầu đang vun vút lướt qua. Tuy Hòa rực sáng ánh đèn trước mặt. Bà khách quay sang anh, bảo nhỏ:
- Cậu biết không, trước kia gia đình tôi ở Tuy Hòa hàng mấy chục năm. Vợ chồng tôi dạy học ở đây. Con cái chúng tôi cũng ra đời và lớn lên ở vùng đất này. Tôi quê ở Bình Định, nhưng Phú Yên cũng là quê hương thứ hai, gần gũi và gắn bó biết bao! Bây giờ thì xa cách rồi, bà con ở cả Bình Định, những người thân quen ở Tuy Hòa không biết còn ở đó không? Sau tết, có lẽ tôi sẽ quay vào nơi này bằng đường bộ,ở lại ít ngày. Nhưng chắc phải ở khách sạn, lạc lõng một mình nơi thành phố nhỏ quen thuộc này thôi!
Bà háo hức nhìn phố xá thấp thoáng trong đêm, không giấu nổi tiếng thở dài nhè nhẹ.
Nghe qua những lời tâm sự của bà, Quang nghĩ thầm:Chắc bà này là một Việt kiều mới về nước đây! Thường trong dịp tết, số lượng Việt kiều về nước rất đông. Ở Sài Gòn, từ giữa tháng chạp, bạn có thể dễ dàng gặp Việt kiều từ khắp nơi về nước. Thật ra thì Quang cũng không có nhiều thì giờ rảnh, nhưng vài tuần trước đây, anh cũng có lần đi cùng bạn gái trên đường phố Lê Lợi, vào vài cửa hàng, loáng thoáng qua câu chuyện của họ, cũng có thể nhận ra những Việt kiều đang đi dạo phố cùng người thân.
Tàu cứ lao vun vút trong đêm. Cảnh núi rừng, sông hồ, biển cả thỉnh thoảng lại hiện ra trước mặt. Những căn nhà với ánh đèn lấp lánh trong đêm. Trời tối đen, trên trời những ánh sao khi mờ, khi tỏ. Bà khách vẫn chăm chắm nhìn quãng đường trước mặt, thỉnh thoảng lại khe khẻ kêu lên một cái tên quen thuộc. Chí Thạnh...La Hai...Vân Canh....Cuối cùng cũng gần đến Diêu Trì rồi. Không hẹn mà cả Quang và bà cùng nhoài người ra nhìn và chuẩn bị hành lí.
Sân ga sáng trưng nhưng rất vắng. Quang nhìn đồng hồ tay: hơn 11.30. Khách xuống ga chỉ có hai người. Họ hấp tấp xuống tàu và nhanh chóng bước ra cửa ga, trong lòng lo lắng. Giờ này kiếm xe chắc khó. Mọi người đang quây quần bên nhau, chờ đón giao thừa. Nhưng kìa,có hai người trung niên đi nhanh về phía bà khách. Họ mừng rỡ kêu lên:
- Kìa thím, tụi cháu đi đón thím đây!
Chợt nhìn thấy Quang, họ ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, Quang cùng về với bà đấy à?
Thì ra đây là hai ông chú của tôi. Bà khách đi cùng tôi cũng ngỡ ngàng:
- Không, thím về một mình! Cậu này cũng là con cháu của mình à?
Hai ông chú của tôi bật cười:
- Đây là con anh Hoàng, cháu gọi thím bằng bà đấy! Hôm nay thím về là về nhà nó đấy! Anh Hoàng bận bịu chuẩn bị giao thừa ở nhà, nên cử tụi cháu đi đón thím. Thôi, mình cùng về đi!
Trời ơi! Tình cờ Quang đi về cùng người bà của mình mà không biết. Một bà thím mà cha anh rất thương kính. Gia đình ông bà định cư ở Úc từ sau năm 1975. Tuy vậy tấm lòng của ông bà vẫn hướng về quê nhà. Ban đầu, họ gửi tiền về cho dòng họ xây cất lại ngôi từ đường vốn bị phá hủy trong chiến tranh. Sau đó là những số tiền gửi giúp bà con nghèo ở quê. Mươi năm trước đây, ông chú bị bệnh ung thư, qua đời. Bà thím vẫn tiếp tục làm những gì mà chồng mình đã tâm nguyện. Chính anh đi học đại học được, cũng là nhờ vào lời hứa tài trợ của ông chú. Ông mất đi, bà thím thỉnh thoảng vẫn gửi về cho ba Quang một ít tiền cho Quang ăn học. Bà làm tất cả những điều đó, từ số tiền trợ cấp xã hội ít ỏi hằng tháng của mình. Ở nước ngoài, ông bà sống trong chắt chiu dành dụm để giúp đỡ bà con ở quê nhà. Lo toan lắm, tính toán mãi bà mới có điều kiện về nước, thăm quê hôm nay.....
Cũng thật may, hai ông chú đi hai xe, và thế là một xe chở bà, một xe chở cháu chạy nhanh về nhà. Và như có phép lạ, họ về đến nhà khi đồng hồ sắp điểm 12 giờ, và cả nhà ùa ra đón họ và cũng là đón giao thừa. Một mùa xuân mới vừa đến!
Tags:
Nguyễn Quang Quân,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét