Quán
về khuya thưa khách, tôi ghé vào chọn một bàn trống bên cửa sổ. Cô tiếp viên
tiến lại :
- Anh dùng gì?
- Một ly cà phê đen.
Cô tiếp viên đi khuất
sau quầy bán. Tôi đổi lại tư thế ngồi thoải mái. Mấy đêm nay, vào giờ này, tôi
thường tới đây thư giãn ít phút. Tổng biên tập phân công tôi đến thị trấn Bình
Giảng viết về vụ tiêu cực xảy ra tại công ty xây dựng X. Công việc hết sức căng
thẳng. Ngày đi thu thập tư liệu, đêm cắm cúi viết. Tôi thích đến cái quán nhỏ
này. Cảnh bài trí thật đơn sơ, vài chậu cây cảnh, mấy bóng đèn màu dịu dàng…
Nhưng hấp dẫn với tôi ở chỗ những bài hát trữ tình từ giàn âm thanh tương đối
tốt. Đây là những bài tôi yêu thích nhất hồi còn học trường cao đẳng sư phạm,
quãng đời đáng nhớ của tôi. Bởi vậy, nhân một lần có việc đi ngang qua, tiếng
nhạc dìu dịu ấy đã kéo tôi vào quán.
- Sao ngồi một mình thế
này?
Tiếng phụ nữ nói rất
gần. Một thiếu phụ tự nhiên kéo ghế ngồi trước mặt tôi. Cách ăn mặt kín đáo và
nụ cười đôn hậu đã làm cảm giác bực bội vì sợ quấy rầy đường đột nhanh chóng
tan biến. Người phụ nữ tôi đã thấy loáng thoáng mấy lần khi đến quán ấy.
- Hình như cô là chủ quán? Tôi hỏi.
Thiếu phụ gật đầu rồi lại cười:
Ngỡ ngàng, tôi nhìn kỹ,
ngờ ngợ… Nụ cười… Đôi mắt… Nét đẹp chưa tàn phai trên gương mặt qua tuổi xuân
thì. Có thể nhầm lẫn được chăng? Tôi kêu lên.
- Cẩm Chi ! Có phải là
Cẩm Chi không? - Đàn ông mau quên thật, nhưng rất mừng anh vẫn còn nhận ra.
- Cẩm Chi mở quán ở đây
lúc nào? Đã ổn định cuộc sống ở thành phố rồi mà.
Lời tôi nói như vô tình
chạm vào nỗi niềm thầm kín trong lòng. Cô lắc đầu, dáng vẻ ngao ngán:
- Biết nói thế nào cho
anh hiểu đây ! Số em lận đận thế nào ấy.
Tôi và Cẩm Chi cùng học
chung một lớp ở trường cao đẳng. Cách đây chừng hơn mười năm, vừa tốt nghiệp ra
trường, chưa lên bục giảng, Cẩm Chi đã lên xe hoa với tay trưởng phòng văn hóa
huyện. Đó là người đàn ông lịch lãm, hơn cô mười tuổi, kinh tế khá giả. Người
chồng của Cẩm Chi chuyển công tác về tỉnh. Cô theo chồng về thành phố. Từ đó,
tôi bặt tin cô…
- Anh hiện sống thế
nào? Em để ý thấy mấy đêm rồi, anh cứ đến quán ngồi một mình?
Cẩm Chi nhìn tôi dò
hỏi. Tôi nói về mình, dạy học vài năm, nhờ năng khiếu viết lách và được người
quen giới thiệu chuyển về công tác ở tờ báo tỉnh.
- Chỉ có tuổi đời ngày một
nhiều thôi. - Tôi đùa.
Cẩm Chi cười gượng gạo:
- Bây giờ em mới thấm thía
cảnh sống một mình. Cuộc sống có bao giờ luôn theo ý mình mong muốn đâu. Tôi
hiểu. Hồi đó, Cẩm Chi là hoa khôi khoa văn. Tôi quen thân với cô vì cùng trong
đội văn nghệ trường.Tôi chơi đàn ghi ta. Còn Cẩm Chi vừa là người dẫn chương
trình vừa là thành viên đội múa. Một lần, đội văn nghệ chuẩn bị tiết mục hội
diễn chào mừng Cách mạng Tháng Mười Nga, tôi và Cẩm Chi múa đôi bài tình ca
trên sông Von-ga. Đến đêm công diễn, dù không xa lạ với ánh đèn sân khấu, tôi
vẫn hồi hộp khi cùng Cẩm Chi bước ra sàn diễn. Tôi dìu cô bước theo điệu nhạc.
Động tác múa của Cẩm Chi thật mềm mại, uyển chuyển. Thỉnh thoảng, Cẩm Chi ngước
nhìn tôi với ánh mắt say đắm nồng nàn. Tôi như chơi vơi trong sóng mắt đắm đuối
ấy. Loang láng trước mắt tôi dòng sông, cánh đồng, hoàng hôn… cả một thế giới
huyền ảo, quyến rũ từ những giai điệu mượt mà và hương thơm thoang thoảng của
cơ thể cô đang áp sát vào tôi. Bài múa kết thúc rồi, tôi vẫn còn luyến tiếc
nhưng không muốn mất đi những giây phút kỳ diệu trong đời… Sau đêm hội diễn ấy,
tôi trở thành con người khác hẳn. Thấp thỏm, hy vọng, lo âu, nghĩ ngợi mông
lung… Ánh mắt của Cẩm Chi đêm đó đã dày vò tôi suốt năm học cuối cùng ở trường
cao đẳng. Thế nhưng, tôi không thể thổ lộ với Cẩm Chi vì thái độ cô đối với tôi
vẫn vui vẻ, thân mật, hòa nhã, không có biểu hiện gì khác lạ. Tốt nghiệp xong,
chúng tôi cùng nhận quyết định phân công về huyện miền núi. Cẩm Chi trả quyết
định. Cô về nhà ở thị trấn Bình Giảng. Lúc tôi thu xếp đồ đạc đến nơi công tác
thì nhận được thiếp mời đám cưới của Cẩm Chi. Tôi đến dự. Trong trang phục cô
dâu lộng lẫy, gương mặt Cẩm Chi rạng rỡ, đẹp như thiên thần. Tim tôi đau nhói
khi biết rằng thiên thần ấy đã vĩnh viễn không bao giờ đến với cuộc đời tôi…
- Em và anh ấy đã chia
tay, Cẩm Chi nhỏ nhẹ nói, em về thị trấn mở cái quán này. Anh ấy không hợp với
em. Nhưng… Chắc còn lý do sâu xa nào khác nữa. Trong lời của cô, tôi cảm nhận
được cả sự xót xa, nuối tiếc. Cẩm Chi kể tiếp:
- Anh biết không? Anh
ấy đối xử với em cũng không tệ lắm chỉ có điều yêu một thứ thật say mê. Tiền
bac, thời gian, công sức đều đổ hết vào đấy. Tôi không kềm được thắc mắc bởi
một liên tưởng vội vàng:
- Anh ấy sa vào các tệ
nạn xã hội à?
- Nếu như thế em chẳng
có gì ân hận. Anh ấy vẫn đứng đắn, mẫu mực như hồi em mới quen. Nhưng, cái làm
cho anh ấy mê say lại là các bức tượng, phù điêu, tranh ảnh… của nền văn hóa
Chămpa. Nhà em trưng bày đầy những thứ đó. Anh ấy bỏ việc nhà nước vì đề xuất
một dự án nào đó về mỹ thuật Chămpa nhưng không được cấp trên xét duyệt. Về
nhà, anh ấy luôn buồn bã và thay đổi lối sống. Có lần, anh ấy vào cộng đồng
người Chăm sống gần một năm. Em nhiều lần khuyên can nhưng anh ấy chỉ im lặng
tiếp tục làm công việc của mình. Như bị mê hoặc, anh ấy bất chấp tất cả. Cuộc
sống mỗi lúc một thêm khó khăn. Cho tới ngày em bị ốm nặng mà nhà chẳng còn lấy
cắc bạc để mua gạo nấu. Rồi … Gặp gỡ tình cờ với Cẩm Chi, nghe được chuyện đời
cô, tôi rất băn khoăn. Với Cẩm Chi, mơ ước chỉ dừng lại một cuộc sống gia đình
bình thường, đầy đủ tiện nghi vật chất, an nhàn, không lo lắng nhiều. Cô đã
thất vọng… Còn người chồng của cô? Quả thật, anh ta đã khơi gợi trí tò mò của
tôi . Một con người kỳ lạ, hiếm thấy. Xong công việc tổng biên tập giao, theo
địa chỉ Cẩm Chi đưa, tôi tìm đến nhà anh ta ở thành phố. Đó là căn nhà gác nhỏ
nằm sâu trong một con hẻm. Tôi gõ cửa. Một người đàn ông thấp, đậm tóc lốm đốm
bạc, gương mặt khắc khổ ra mở cửa.
- Có phải anh là Tùng
không?
Người đàn ông lịch sự đáp:
- Tôi là Tùng, xin lỗi
cậu hỏi có việc gì? Đã có sự chuẩn bị từ trước, tôi nói:
- Tôi tên Dũng, công tác
ở tòa soạn báo tỉnh. Thế này anh à tôi dự định viết về sự xuống cấp của các tháp
Chàm. Có người giới thiệu anh rất am tường lĩnh vực này. Nhờ anh giúp thêm tư
liệu cho bài viết.
- Mời cậu vào- người chủ nhà
tỏ thái độ niềm nở- liệu xem thử giúp được gì cho cậu đây.
Thật tình, từ câu
chuyện với Cẩm Chi, tôi đã nảy sinh ý định viết về đề tài đã nói với Tùng. Căn
phòng ngăn nắp, gọn gàng. Tùng loay hoay pha trà. Ngồi trên chiếc ghế tựa chỗ
bàn nước kê ở góc phòng, tôi kín đáo quan sát. Đúng như Cẩm Chi nói. Ngay bức
vách đối diện là các giá lớn lồng kính. Bên trong các ô đầy những pho tượng,
những tấm phù điêu bằng đá có, gỗ có. Chỗ trống trên các bức tường còn lại đều
có treo khung ảnh. Toàn là ảnh tháp Chàm được chụp nhiều góc độ. Tôi hỏi anh về
lai lịch các tấm ảnh, Tùng đứng dậy, bước tới chỉ từng tấm ảnh, giọng say sưa
giải thích:
- Đây là ngôi đền đầu
tiên của người Chăm ở Mỹ Sơn do vua Ba-dơ-ra-vac-man xây vào thế kỷ VII để thờ
thần Xi-va. Kia là tháp Vàng, tháp Bạc, tháp Đồng được xây từ thế kỷ XI.
Cậu thấy đấy, dáng vẫn đồ sộ, uy nghi nhưng đã mất đi cái duyên dáng đầy nhựa
sống như ở Mỹ Sơn. Mấy cái tháp này thờ các vị thần ở Ấn Độ giáo như Xi-va,
Xkănđa, Lanh Ga. Còn cái tháp mé bên kia hình dáng nặng nề song vẫn có vẻ đẹp
riêng, tên tháp Pô-Kơ-Long-ga-rai có niên đại thế kỷ XIV. Tôi chỉ vào khung
hình để trống treo ở vị trí trang trọng trong phòng hỏi :
- Khung hình kia sao
vẫn còn bỏ trống ?
Tùng ngước nhìn rồi liền cúi
mặt xuống. Ánh mắt linh hoạt bỗng trở nên buồn rười rượi. Giọng anh thật não
nề:
- Đó là khung hình để
đặt tấm ảnh vợ chồng tôi chụp trong ngày cưới. Nhưng cô ấy đã bỏ đi rồi. - Tôi
lúng túng:
- Xin lỗi anh, thật… tôi vô tình…
Tùng không nói gì thêm nữa.
Nét mặt đầy u uất. Thời gian sau, khi đã quen thân, tôi biết anh thường có những
lúc trầm uất như thế. Anh như đắm mình vào cõi xa xôi nào đó quên cả người đối
diện. Khi ấy, tôi thường ngồi lặng yên mà nghĩ ngợi không làm ảnh hưởng đến
khoảnh khắc riêng tư cuả anh. Có lần, khi tôi vừa đến nhà, anh đem hai pho
tượng đá hình vũ nữ đặt lên bàn, rồi nói:
- Vương quốc Chămpa tồn
tại mười hai thế kỷ. Trong ngần ấy thời gian, họ đã tạo ra một nền văn hóa đầy
bản sắc, phong phú vô cùng, từ hệ thống đền tháp, âm nhạc, đến vũ điệu lễ hội…
Cậu nhìn kỹ xem, đây là bức tượng vũ nữ Ấn Độ vì theo quan niệm về nhục cảm nên
vú và mông đều phát triển khác thường. Tuy chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ
nhưng tượng vũ nữ Chăm đây lại thể hiện sự sáng tạo độc đáo, giống người phụ nữ
Chăm trong cuộc sống bình thường, gương mặt trái xoan, môi dày, mũi không cao.
Nói những lời ấy, anh cứ nhìn
chăm chăm vào điểm vô hình nào đó trong khoảng không trước mặt. Ánh mắt ngời
lên niềm đam mê thánh thiện, tha thiết, chân thành. Tôi hỏi anh về các bức
tượng:
- Đây là những pho tượng anh
mới sưu tầm phải không? - Tùng cười hiền hậu:
- Toàn là phiên bản do tay
mình làm. Ngày trước, mình có học qua khoa điêu khắc. Cũng giống phải không
cậu?
Anh đưa tôi xem quyển sách có
in hình hai pho tượng. Đúng là một tài hoa… Dần dần, tôi thấy ở Tùng có hai
con người. Một con người kiến thức uyên bác hiểu biết sâu rộng cuộc sống và văn
hóa người Chăm thời cổ xưa. Và một con người thứ hai với tâm hồn ủy mị, luôn
mang tâm trạng tự lưu đày mình vào thứ thế giới chỉ còn trong tâm tưởng. Có lẽ,
trong thế giới tưởng tượng đó, anh tìm được ý nghĩa sống cho riêng mình nên
thường nói về nó bằng một tình cảm đồng bóng không sao hiểu nổi. Bởi vậy, những
điều anh nói với tôi có khi làm tôi không hình dung được, cứ vời vợi, mênh mông
như một khao khát cháy bỏng chưa hề xảy ra ở nơi mặt đất này. Tôi biết trong
cuộc sống cũng có không ít người không bằng lòng với hiện tại, tự huyền hoặc
mình để rồi phí hoài cuộc đời trong thứ thế giới tưởng tượng, hoang đường.
Nhiều lần, tôi muốn nói với Tùng nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Vâng,
tôi muốn nói là cuộc sống của tôi, của bao nhiêu người khác nữa tuy vẫn còn
quanh quẩn chuyện gia đình, cơm ăn, áo mặc và vẫn còn kia không ít nỗi trái
ngang, nhưng đó là cuộc sống thật với tất cả giá trị của nó, cuộc sống mà anh
gần như chối bỏ. Và một lần, tôi đã nói với anh tất cả những suy nghĩ đó. Tùng
nhìn tôi, mỉm cười và hỏi:
- Cậu muốn nói tôi là
kẻ hoang tưởng ư ?
Bất giác, tôi giật mình
nhìn chiếc khung hình bỏ trống vẫn được đặt ở một nơi trang trọng trong căn
phòng đầy những pho tượng, phù điêu và khung ảnh, những tháp Chàm cổ kính, uy
nghiêm.
Phạm Hữu Hoàng
***
Cùng tác giả:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét