Huệ nói:
-
Ta nghe nói có hai cái đáng yêu và hai cái đáng ghét về xứ Bắc. Đáng yêu là món
ăn và con gái Bắc. Còn đáng ghét là con trai và rét Bắc. Ta ở Nam Hà ra đây đã
nếm thử các món Bắc. Rất ngon, làm kẻ dân dã này thấy đúng như lời truyền. Yêu
con gái Bắc thì đã có nàng ở đây. Còn nghe nói con trai Bắc thì trí trá, rét
Bắc thì rét đến thấu xương, phải vài tháng nữa ta mới biết...
Năm 1786, vị chúa cuối cùng
nhà Trịnh là Trịnh Tông chạy qua bên kia sông Hồng, bị bắt giữ rồi đâm cổ tự
sát. Chỉ trong vòng 10 ngày, Tây Sơn đã xóa sạch chế độ vương quyền nhà Trịnh
tồn tại 200 năm.
Kẻ sĩ Bắc Hà
Tháng 7 năm 1786, đại quân
Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Voi, ngựa, quân đi, giáo mác tuốt trần, khí thế
như thác lũ. Một màu đỏ sắc máu tràn ngập phố phường khiến dân kẻ chợ kinh hãi.
Bây giờ, Thăng Long như đàn
kiến vỡ tổ. Xao xác nhất là hàng ngũ tôn thất đại thần và quan lại. Người nào
không chạy hoặc không muốn chạy theo Trịnh, bèn gom góp của cải, chạy tản lạc
về thôn quê. Nhân cơ hội, bọn đầu trộm, đuôi cướp, bọn "không có tóc"
ra chận đường trấn lột. Không ít bọn quan lại, mất cả quần áo, ngựa xe, còn trơ
cái thân truồng chạy về quê.
Hai trăm năm đất nước bị
chia cắt, sỹ phu Bắc Hà đồng hóa chữ trung với võng lọng, cân đai của chúa
Trịnh, đã mụ mẫm đi trong nỗi "ngu trung" nên dưới mắt họ, Nguyễn Huệ
không hiện ra như người anh hùng mà là một tên giặc "man rợ", vì thế
không ít người đã tự sát để giữ vẹn chữ "trung". Lý Trần Quán tự chôn
sống để theo chúa Trịnh, Trần Phương Bình lên núi Hồng Lĩnh mổ bụng tự sát. Chữ
trung ở đây có nghĩa là bổng lộc, cơm áo. Mất nó là coi như cái chết đã tới.
Phần lớn người có học xứ
Bắc, chết không dám chết, theo Tây Sơn cũng không dám, sợ Tây Sơn như sợ cọp
nhưng lại chê bọn "hôi hám man di xứ Tây" đành ngồi nhà, vuốt râu chờ
thời. Sĩ phu Bắc Hà thường rêu rao "lễ nghĩa liêm sĩ" nhưng cặp mắt
láo liêng, khi có quyền ức hiếp thiên hạ, lúc thất thế, nhún nhường xưng
"tôi, tớ" để đảm bảo an toàn tấm thân.
Bọn công thần nhà Lê đã được
phong tước hầu như Lê Duy Phiên, Nhữ Công Chấn, Trương Đăng Quĩ, Uông Sĩ Lãng,
Trần Công Phước... nghe Tây Sơn tới, đều trốn ở nhà, không tới chầu vua, sợ vạ
lây. Xem ra bọn này cũng biết vua Lê không có thực quyền chỉ như là cái đồ chơi
bằng tre mà rỗng ruột. Khi bị mất bệ đỡ nó như một cái xác không hồn. Còn bọn
quan lại được phong tước "ngồi mát ăn bát vàng" gặp sự cố thì phủi
tay, bỏ trốn.
Lúc này, kinh thành đìu hiu
lắm. Trong cung, vua Lê Hiển Tông đang bệnh, chỉ có vài vị hoàng thân ở bên
cạnh vua. Đó là Lê Duy Tích và Lê Hữu Chiến đều là hạng người lêu lổng ở kinh
thành, vì cùng quá phải vào điện nương tựa.
Huệ vào Thăng Long, chưa
muốn gặp vua Lê vội bèn sai một tỳ tướng lĩnh quân đến giữ cung điện. Thấy có
binh lính xúm quanh điện, ngỡ giặc đến bức nhà vua, các vị hoàng thân hốt hoảng
dìu vua chạy trốn. Chợt thấy viên tỳ tướng quì ở cửa thành dâng lên một bản tấu
trình. Gia thần thấy vậy chạy ra đón lấy dâng lên vua ngự lãm.
Trong tấu trình Huệ xưng
thần, từ Nam đem quân ra Bắc để phò Lê, diệt Trịnh. Nay bận việc quân cơ, vài
ngày nữa sẽ vào chầu vua.
Xem xong, vua Hiển Tông mới
thở hắt ra, hết sợ.
Lúc này, trong nội thành, kẻ
sĩ Bắc Hà tụ tập đông đảo ở quán rượu. Rượu vào, lời ra, ỏm tỏi bàn việc thời
thế. Nói mà không làm hoặc nói nhiều, làm ít được coi là thuộc tính của sĩ phu
Bắc Hà lúc này. Cả hai thế kỷ rồi, thiên hạ dư biết là chúa Trịnh ức hiếp nhà
Lê nhưng kẻ sĩ vẫn câm miệng để hưởng bổng lộc. Phản ứng mạnh chẳng ai khác hơn
là bọn du côn xứ Thanh, Nghệ. Chỉ mười ngày, chúng đã đốt rụi phủ Chúa từ bên trong,
quân Tây Sơn không tốn nhiều công sức, chỉ đụng là tất cả vương triều đều
ngã sụp.
Có người cho rằng, Tây Sơn
chẳng khác nào Chúa Trịnh. Tròng này thay tròng khác mà thôi. Có người cãi lại,
cho rằng người cai trị xứ Bắc không ai khác là Nguyễn Hữu Chỉnh. Huệ đem quân
ra Bắc là nghe theo lời Chỉnh. Rồi đây quân Tây Sơn về Nam, Chỉnh sẽ làm trùm
xứ Bắc, thức thời là nghe theo lời Chỉnh. Rồi họ cùng ca bài con cá "khôn
chết, dại cũng chết, biết là sống".
Con "cắt nước"
Giảo hoạt nhất trong giới sĩ
phu Bắc Hà là Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh quê ở làng Đông Hải, huyện Châu Phúc,
trấn Nghệ An, là con một người lái buôn. Cha Chỉnh nhờ buôn bán trở nên giàu
có, gia tư kể hàng vạn bạc.
Chỉnh có dáng người nho nhã,
tuấn tú, nước da trắng, môi mỏng, khéo ăn nói, có thể chinh phục lòng người.
Nhưng đôi mắt như dao, lúc nào cũng láo liêng. Chỉnh là người có học, lúc nhỏ
đã thuộc làu kinh sử, năm 16 tuổi thi đỗ hương cống. Từ đó con đường đi lên của
Chỉnh như diều gặp gió. Mộng làm chúa xứ Bắc đã nhen nhóm từ lúc ấy.
Tính Chỉnh hào hiệp, rộng
rãi trong giao du. Trong nhà lúc nào cũng có vài chục người khách, mười lăm con
hát. Suốt ngày rượu chè, ca hát lấy làm vui. Chỉnh tự cho mình có chí của Lưu
Bang. Nay, mai có thể phất cờ khởi nghĩa.
Ban đầu Chỉnh theo Quận
Việp, được tin dùng. Sau Quận Việp qua đời, có người tố giác Chỉnh ăn cắp đến
mấy trăm vạn bạc. Trong đơn tố cáo có dính đến Quận Huy. Bị bắt vào ngục, Chỉnh
bị tra khảo đến gần chết, vẫn không khai. Chỉnh ý thức rằng sự gan lì của mình
lấy được cảm tình của Quận Huy - người được coi là rường cột của Chúa Trịnh.
Quả vậy, Quận Huy vô sự, đã tỏ ra tin dùng Chỉnh. Quận Huy dùng Chỉnh làm hữu
tham quân giao cho luyện tập thủy thủ, chống giặc bể. Vào nghề sông nước, Chỉnh
tỏ ra có nhiều tài về bơi, lặn được giới quan quân đặt tên cho danh hiệu
"con cắt nước".
Khi Quận Huy bị bọn kiêu
binh đánh hội đồng đến chết, tay chân của Quận Huy bị truy nã khắp nơi, Nguyễn
Hữu Chỉnh mang theo gia đình tiến vào Nam theo Chúa Nguyễn Nhạc. Nhờ tài
ăn nói, Chỉnh đã được Nhạc tin dùng. Ở phương Nam nhưng Chỉnh vẫn không nguôi nhớ
xứ Bắc.
Mất Chỉnh, nhà Trịnh lấy làm
lo, treo giải ai dụ được Chỉnh về, sẽ trọng thưởng. Một người em rể của Chỉnh
xin đi.
Gặp Chỉnh người ấy chưa kịp
nói, liền bị Chỉnh nạt ngang:
- Có phải ngươi định làm thuyết khách
cho chúa Trịnh không? Bay coi mặt ta từ thưở sinh ra đến giờ đã có khi nào nghe
ai xui khôn dại đâu, mà bay cả gan vậy.
Người ấy cả kinh, im lặng
cúi đầu, run sợ. Chỉnh bắt kể lại đầu đuôi chuyện xảy ra ở xứ Bắc từ khi Chỉnh
vào Nam.
Kể xong Chỉnh thét tả hữu đem người ấy ra chém. Chỉnh lạnh lùng ra tay để lấy
niềm tin của Tây Sơn. Quả vậy, nghe tin Chỉnh chém thuyết khách, Nhạc tỏ ra tin
dùng Chỉnh hơn.
Nhạc tin người nhưng Huệ thì
không! Nguyễn Huệ phát hiện ra tham vọng của Chỉnh từ khi Chỉnh muốn Huệ tiến
quân ra Bắc. Chỉnh bảo với Huệ:
- Trong phép dụng binh có ba điều
trọng yếu. Một là thời, hai là thế, ba là cơ. Hễ gặp được ba điều ấy thì đánh
đến đâu thắng đến đấy. Nay ông đánh một trận, đã lấy được Thuận Hóa, uy danh
vang lừng. Lúc này Bắc Hà tướng trễ, binh kiêu, tại sao ông không ra ấy mà bình
loạn.
Huệ nói lại:
- Bắc Hà là nước lớn, có nhiều nhân tài.
Cổ ngữ có câu "con ong có nọc", không thể khinh thường.
Chỉnh vốn loại "mục hạ
vô nhân" tự đắc nói:
- Nhân tài Bắc Hà chỉ có mình tôi thôi.
Tôi đi rồi nước Bắc trống không.
Huệ đùa mà rằng:
- Như vậy kẻ đáng sợ đang đứng trước mặt
ta, hay sao?
Chỉnh không ngờ "có Chu mà còn có Khổng", nghe Huệ nói mặt Chỉnh tái
ngắt không còn giọt máu. Thấy vậy Huệ an ủi, vỗ về cho qua cơn. Từ đấy Huệ biết
dùng Chỉnh, chỉ dùng nhất thời để "lấy người Bắc trị người Bắc'.
Vừa ra Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh
đã mật cho người theo quân Tây Sơn trên bước đường đuổi theo Chúa Trịnh là
Trịnh Tông. Chỉnh nghi Trịnh Tông đang giữ viên ngọc quý có tên là Ngọc Dạ
Quang. Đây là viên ngọc mà Chúa Trịnh Sâm đoạt được từ xứ Nam trên đường chinh chiến. Viên
ngọc to bằng quả trứng gà, có màu xanh lam trong veo như mắt mèo. Tương truyền
trong đêm tối, viên ngọc tự phát sáng như có chứa lân tinh. Một gã thầy bói ở
Bắc Ninh được vời vào phủ Chúa Trịnh đã nhận định: đây là viên ngọc có chân
mạng đế vương. Người nào sở hữu nó, chẳng chóng thì chày, sẽ lên ngôi thiên tử.
Được viên ngọc này, Trịnh Sâm như mở cờ. Từ lâu, ông đã có ý muốn đoạt ngôi nhà
Lê. Song chẳng may bị bệnh chết đi, ông mong mỏi con là Trịnh Cán sẽ thể hiện
mơ ước. Nhưng Trịnh Cán chết từ lúc còn nhỏ, bây giờ có thể Trịnh Tông đang
mang theo bên người. Sau khi Tông tự sát, người nhà của Chỉnh về báo lại: hắn
đã lục soát khắp cả hành lý cũng như trong cơ thể Trịnh Tông, không thấy dấu
vết gì của viên ngọc. Chỉnh tự hỏi: lẽ nào Ngọc Dạ Quang vẫn cón cất giấu ở phủ
Trịnh?
Cây quế giữa rừng
Bây giờ vào tiết cuối tháng
bảy, đầu tháng tám, cái nóng của miền Bắc đã dịu hẳn, mở lối cho mùa thu mát
mẻ. Phủ Chúa Trịnh - nơi ở mới của Nguyễn Huệ khi quân Tây Sơn ra Bắc - đang
chăng đèn, kết hoa mừng đám cưới của em vua Tây Sơn kết hôn với công chúa con
vua Lê. Một đám cưới được coi là môn đăng hộ đối. Nhưng người xứ Bắc vẫn khinh
rẻ người Nam Hà vốn ăn sóng, nói gió, không hợp với phong tục và lễ nghĩa miền
Bắc. Chế độ vua chúa phương Bắc đã có truyền thống hàng nghìn năm, Thăng Long
được coi là chốn kinh kỳ, còn Tây Sơn là vùng núi xa xôi, dù có vua, có chúa gì
đi nữa cũng là người "man di". Vì thế dân kẻ chợ vẫn kháo nhau câu
tục ngữ "Tiếc thay cây
quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo".
Công chúa Ngọc Hân được kiệu
rước về phủ Tây Sơn nhưng vui ít, lo nhiều. Ngọc Hân có lòng đôi chút tự hào vì
vua Hiển Tông có sáu công chúa nhưng Huệ chỉ chọn mình cô. Xem mắt Ngọc Hân,
Nguyễn Huệ khen cô có nhan sắc mặn mà. Quả đúng như trước đây vua cha thường
nói với nàng "ngày sau nên gả con cho vua chúa, không nên gả cho hàng phò
mã tầm thường". Ngọc Hân lúc ấy, chỉ bẽn lẽn, giấu mặt sau tay áo.
Trong hàng hoàng hậu, công
chúa, nghe nói Ngọc Hân về làm dâu cho Tây Sơn cũng không ít người nói ra nói vào. Họ
cho rằng tuy Nguyễn Huệ đứng đầu binh lực hùng mạnh xứ Tây Sơn song thực chất
chỉ là tên thô lỗ không phù hợp với lễ giáo nhà Lê. Vua Hiển Tông chịu làm
thông gia cho vua Tây Sơn nhằm mua lấy hai chữ bình an. Ông biết rằng mọi lễ
nghi triều đình với Tây Sơn là giả, chỉ có cuộc hôn nhân ấy mới gọi là thật.
Mồng mười tháng tám, Huệ sắp
hai trăm lạng vàng, hai nghìn lạng bạc, hai chục tấm đoạn, bày gươm giáo, cờ
quạt, sai viên hình bộ thượng thư dâng lễ và một tờ tâu vào điện Vạn Thọ.
Vua Hiển Tông sai hoàng tử
đón nhận lễ vật, định đến hôm sau rước dâu. Rồi ngài truyền cho các vị hoàng
thân, hoàng phi, công chúa và các quan văn võ, ai nấy đều phải sắm sửa xe ngựa
để chuẩn bị đưa Ngọc Hân về phủ Tây Sơn.
Sáng sớm hôm sau, Huệ lại
sai quan thảo tờ tâu vào triều xin cho làm lễ nghinh hôn. Binh lính Tây Sơn sắp
hàng đỏ đường từ cửa điện đến cửa phủ. Trai gái Thăng Long rủ nhau đi xem lễ
rước dâu đông đến nỗi dẫm đạp vào nhau, như chuyện là từ trước đến nay chưa có.
Khi công chúa đến cửa phủ,
Huệ ngồi kiệu rồng ra đón, nghi lễ rất long trọng. Hoàng thân, hoàng phi và các
quan đi đưa dâu được dự chiêu đãi và được tặng vàng, bạc lúc ra về. Ai nấy đều
mãn nguyện, công chúa Ngọc Hân cũng vui lây.
Khi nghi lễ đã qua, đến giờ
hợp cẩn, Huệ đã cởi bỏ nhung phục, mặc bộ đồ áo dài xếp nếp, tay rộng thong thả
bước vào phòng.
Bây giờ Ngọc Hân mới được
nhìn tận mặt vị hôn phu. Đó là một chàng trai mới ba mươi ba tuổi, nước da hơi
ngâm, tóc quăn, đôi mắt sáng rực và giọng nói rổn rảng. Khuôn mặt Nguyễn Huệ
hình chữ điền có râu mép và râu chòm lún phún trông rất uy nghi. Mới nhìn, Ngọc
Hân cảm thấy e sợ, nhưng Huệ bước lại gần nhìn nàng, mỉm cười, Ngọc Hân thấy
thân thiện hơn. Huệ nhẹ nhàng rót chén rượu giao bôi mời nàng. Trước mặt là mâm
tiệc cho hai người, toàn là món ngon của miền Bắc.
Huệ nói:
- Ta nghe nói có hai cái đáng yêu và hai
cái đáng ghét về xứ Bắc. Đáng yêu là món ăn và con gái Bắc. Còn đáng ghét là
con trai và rét Bắc. Ta ở Nam Hà ra đây đã nếm thử các món Bắc. Rất ngon, làm
kẻ dân dã này thấy đúng như lời truyền. Yêu con gái Bắc thì đã có nàng ở đây.
Còn nghe nói con trai Bắc thì trí trá, rét Bắc thì rét đến thấu xương, phải vài
tháng nữa ta mới biết. Nàng nghĩ xem có đúng không?
Ngọc Hân cung kính thưa lại
- Cảm tạ phu quân đã quá khen. Còn hai
chỗ phu quân chê, cũng nên xem lại. Con trai Bắc cũng có người tốt, người xấu.
Nếu không có người tốt, lấy ai giữ được xã tắc cho đến hôm nay. Vài tháng nữa,
phu quân có thể xem và thích cái rét miền Bắc. Có cái lạnh, con người mới thấy
cái ấm là đáng quí. Cái ấm của tình cha con, nghĩa vợ chồng...
- Trả lời hay quá!
Huệ cười vỗ tay, rồi nói
tiếp:
- Ta nghe nói nàng có ăn, có học vậy hãy
đọc ta nghe bài thơ cổ nào nàng thích.
Ngọc Hân cất giọng ngâm,
thanh tao, ngọt ngào
Từ mậu thư trung tuyển
Du tử thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng
Ý khủng, tri tri quy
Thùy ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tạm xuân huy (*)
Ngâm xong Ngọc Hân thưa
- Đây là bài Du tử ngâm của Mạnh Giao để nhớ ơn người sinh
thành
- Đúng, công chúa vừa có sắc vừa có nết.
Lúc về nhà chồng, vẫn nhớ cái ơn cha mẹ. Vậy, công chúa nghĩ trong các hoàng
tử, công chúa có ai được sướng như công chúa không?
Ngọc Hân thưa lại:
- Nhà vua ít lộc, chỉ lấy thuế từ một
nghìn xã nuôi cả hoàng tộc cho nên con trai, con gái ai cũng thanh bạch, nghèo
khó. Riêng thiếp được duyên lấy ông lớn, cũng như hạt mưa, bụi ngọc, bay giữa
trời, được sa vào chốn lâu đài này, là sự may mắn của thiếp thôi.
Ngọc về Nam
Suốt hai thế kỷ, việc lập
thế tử của triều Lê luôn phụ thuộc vào quyết định của Chúa Trịnh. Đời vua Lê
Hiển Tông đã lập Lê Duy Vỹ làm thế tử nhưng Vỹ vốn không được lòng Trịnh Sâm
ngay từ lúc chưa lên ngôi chúa. Bởi vì Vỹ ưa xem kinh sử, thích học trò nên
được hào kiệt xứ Bắc ưa thích. Mặt khác, Vỹ thấy vua cha mất hết quyền hành,
muốn khôi phục lại nên Trịnh Sâm rất tức tối.
Đến khi Sâm lên làm chúa,
bàn mưu vu cho Vỹ thông dâm với cung nhân phủ Trịnh, đem tôi đó tâu lên với
hoàng thượng bắt Vỹ bỏ ngục. Sâm ép vua Hiển Tông phải dựng người con thứ tư là
Lê Duy Cẩn lên làm thái tử. Nhưng sau đó, do dư luận phản ứng nên Sâm buộc phải
đưa Lê Duy Kỳ là con trai của Lê Duy Vỹ lên làm thái tử. Còn Cẩn được hạ xuống
thành Sùng Nhượng Công.
So với Kỳ, Cẩn là người đoan
chính, ngay thật. Còn Kỳ tính nết hơi lươn lẹo, chỉ thích dựa hơi người khác.
Về với Huệ, Ngọc Hân công
chúa thường được hỏi thăm về tâm tính các vị hoàng tử. Bình sinh, Ngọc Hân vẫn
thích anh hơn là cháu, khi được nghe Huệ hỏi về Hoàng Tự Tôn Lê Duy Kỳ, Ngọc
Hân sợ Kỳ cướp ngôi của Sùng Nhượng Công, bèn đáp
- Nhân phẩm của tự tôn vào hạng tầm
thường.
Nghe thế Huệ đã không thích
Lê Duy Kỳ lên ngôi.
Đến lúc bệnh của hoàng
thượng đã nguy, triều đình bàn nhau lập Lê Duy Kỳ lên làm vua, rồi sai sứ giả
đến báo cho Huệ.
Huệ tức giận nói với Chỉnh:
- Ta đem mấy vạn quân ra Bắc, chỉ đánh
một trận là dẹp yên cả thiên hạ. Một hòn đất, một tên dân của xứ Bắc đều là của
ta. Ta muốn xưng đế, xưng vương gì mà không được. Sở dĩ vua Lê còn ngôi là vì
ta có hậu với nhà Lê mà thôi. Thế mà, lập ai lên ngôi vua, không bàn với ta một
tiếng. Coi khinh như thế ư?
Huệ giam luôn sứ giả không
cho về.
Mấy ngày ở cung vua là mấy ngày
đau khổ của công chúa. Các hoàng tử, công chúa xầm xì là Ngọc Hân đã làm cho
Huệ căng thẳng về việc Kỳ lên ngôi. Họ cho rằng: công chúa "vui duyên mới
mà quên tông đường".
Trong một buổi họp triều
đình, một người đứng lên nói lớn:
- Hoàng tự tôn không được làm vua, thiên
hạ ắt loạn họ Lê sẽ mất, ấy là lỗi tại công chúa. Công chúa đã làm hại đến việc
lớn của xã tắc, thì nên xóa sổ trong họ, để cho công chúa về nước Tây Sơn hưởng
phú quí.
Công chúa Ngọc Hân nghe vậy
khóc tức tưởi. Cô đâu muốn có sự bất hòa giữa chồng với hoàng tộc nhà Lê. Chiều
hôm ấy, Ngọc Hân tức tốc lên xe trở về phủ Tây Sơn.
Ngọc Hân quì phục dưới chân
Nguyễn Huệ nước mắt lai láng
- Ơn nghĩa của phu quân đối với đất Bắc
rất lớn. Nhà Lê có tồn tại cũng do phu quân. Nhưng nay thiếp sắp bị khai trừ ra
khỏi họ. Dám xin phu quân rũ lòng thương mà chấp thuận cho Hoàng Tự Tôn.
Nước mắt đàn bà đã khuất
phục được vị tướng tài ba Nguyễn Huệ. Huệ bước xuống, nâng Ngọc Hân công chúa
dậy mở lời an ủi. Sau đó, Huệ đã sai xứ giả đến triều Lê báo tin mừng đã chấp
nhận cho Lê Duy Kỳ lên ngôi.
Đây nói về việc của Nguyễn
Hữu Chỉnh. Khi Nguyễn Huệ trẩy quân ra Bắc, Vũ Văn Nhậm được phong tả quân còn
Nguyễn Hữu Chỉnh được phong hữu quân.
Khi Tây Sơn lấy được đất
Bắc, Chỉnh và Nhậm đều ở trong lầu Ngũ Long; Nhậm đóng trước lầu, Chỉnh đóng
sau lầu. Dù hai quan chức ngang nhau nhưng Chỉnh là người xứ Bắc nên quan lại
sĩ thứ tới thăm đều đi cửa sau. Sau lầu thường đông như chợ mà phía trước lầu,
nơi Nhậm ở vắng như chùa Bà Đanh. Chỉnh thấy vậy lấy làm tự đắc.
Chỉnh biết sớm muộn rồi quân
Tây Sơn cũng về Nam.
Mà quân đi, Chỉnh không thể ở phía Bắc một mình. Chỉnh lên tâu với hoàng thượng
nhà Lê
- Tôi đem hắn (Nguyễn Huệ) ra chỉ có việc tôn phù. Bây giờ việc đã xong rồi, tôi quyết
không theo hắn nữa. Khi hắn đã đi rồi Nghệ An là bức tường ngăn cách. Xin bệ hạ
cho tôi vào đó để trấn thủ.
Thế nhưng khi Nguyễn Nhạc ra
Bắc, Chỉnh nghĩ rằng thế nào quân Tây Sơn cũng cướp ngôi nhà Lê nên muốn dựa
vào Tây Sơn để tránh tai họa. Chỉnh liền khuyên vua Lê Chiêu Thống đem dâng
ngọc tỷ và xúi triều đình thảo gấp tờ biểu xin hàng. Nào ngờ chúa Tây Sơn
Nguyễn Nhạc lại có ý muốn chia làm hai xứ: Nam và Bắc sống hòa bình với nhau
nên vua Lê không bàn đến việc hàng nữa.
Huệ từ lâu đã biết đến sự
giảo hoạt, hai lòng của Chỉnh nên đã tính đến việc rút quân mà không cho Chỉnh
biết.
Ngày 17 tháng tám, chúa Tây
Sơn mật sai quan quân sắm sửa nai nịt chờ hiệu lệnh. Nguyễn Nhạc cho đòi Chỉnh
vào hầu, bắt ở từ sáng đến tối. Đến khuya Tây Sơn mới cho thả Chỉnh ra. Có người
báo Chỉnh, chúa Tây Sơn sắp về. Chỉnh không tin, bảo "ta ngồi suốt ngày,
trò chuyện rất nhàn hạ, có ai nói gì đâu?".
Trước đó mười ngày, mỗi đêm
cứ đến canh một, chiêng trại quân nam chiêng trống vang trời, sang canh hai chỉ
còn thưa thớt vài tiếng, từ canh ba trở đi tuyệt nhiên không có tiếng nào. Mấy
đêm đầu, người trong kinh tưởng là quân Tây Sơn đã đi từ lúc nửa đêm. Sáng ra
vẫn thấy dinh trại như cũ. Rồi ai đấy cho là sự thường, không ai để ý.
Đêm ấy, vào khoảng canh năm,
một số dân kẻ chợ đi chợ sớm, ngang qua doanh trại Tây Sơn, khắp nơi yên ắng
không có tiếng người. Qua đến cửa phủ, khắp bốn mặt cũng chẳng thấy bóng người.
Giáo vỡ, nồi nẻ lổn ngổn vất đầy đường.
Ở bến sông, chỉ có trời nước
mênh mông, trăm vạn thuyền chiến không biết đi đâu hết cả.
Bọn thuộc hạ vội vã báo tin
cho Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh vội vàng mang theo một số tay chân thân tín chạy
đến phủ Chúa Trịnh. Tất cả chỉ còn là ngôi phủ hoang, màn chiếu, tường phủ vẫn
còn nhưng không có một bóng người.
Chỉnh cho thủ hạ gỡ từng
viên gạch để tìm ngọc. Ròng rã suốt ba ngày, vẫn không tìm thấy gì. Phủ Trịnh
hoang phế càng điêu tàn thêm.
Tâm trạng Chỉnh rối bời,
không biết nên ở hay đi. Ở lại,
không có quân Tây Sơn làm điểm tựa, lỡ bè đảng nhà Trịnh nổi lên thì
"không có đất chôn thây". Còn đi, không biết đi về đâu?
Ra bờ biển, nhìn về phía
Nam, trời nước thăm thẳm. Không còn một chiếc thuyền Tây Sơn. Chỉnh ngửa mặt
than trời:
- Nguyễn Huệ đã mang ngọc về phương Nam rồi!
7-2008
L.X.T
..............................................................
(*) Bài "Nỗi lòng con
xa" bản dịch của Nguyễn Tiến Cử
Chiếc áo mẹ hiền khâu
Con mặc muôn dặm trải
Đường kim chỉ trở lại
Tấc lòng con cỏ dại
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét