Nhà văn Võ Diệu Thanh
Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng
Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây...
Ông già đang đứng bên cửa sổ ngôi nhà sàn
ngọn khô, mắt chăm chăm hướng rẫy ngoài bãi. Là rẫy người ta. Cuối mùa, cả rẫy
chỉ còn trơ mấy gốc bắp khô đét. Có gì để nhìn đâu. Chắc ông nhìn sông, có khi
ông nhìn một khoảng hư vô. Kiểu nhìn xa xăm của ông như vầy ít khi gặp. Thường
thì người ta chỉ thấy ở ông nét thản nhiên như không có một lời mai mỉa đả kích
nào thấm được tới tâm trạng. Nhìn vẻ mặt trơ xương, đầy nắng gió, đầy thời gian
của ông, tôi thấy ứa nước mắt. Nhưng tôi không khóc, hỏi một câu thừa.
- Ông Hai ơi, ông dòm gì ngoài đó?
- Sắp chết rồi.
Tôi nhìn mặt ông tưởng như sau câu nói ấy
hồn ông bốc lên rồi tan vào hồn phách tổ tiên. Cái gì đó thênh thang ập vào
lòng tôi. Trong đó vốn đã nao nao một khoảng trống. Tỉ dụ ông Hai chết thiệt,
mấy lúc lòng cuộn uất ức tôi biết nói với ai. Chắc tôi phải rời khỏi nơi này về
sống với má, chắc phải lưỡng lự việc học hay nghỉ vì má không khuyến khích tôi
đi học: “Học cho cao như chú con mất hết tấm lòng, coi người ta như cỏ rác”.
Tôi thương cho ý nghĩ của má nhưng nghỉ học thì không muốn. Ông Hai cũng không
muốn.
- Trong mình ông Hai có sao không?
- Không có, chỉ là đứng tổng kết coi mình
đã đi qua được những đâu.
Tôi cười khịt một cái. Ông có đi đâu đâu
trừ khúc đường chưa đầy một cây số chạy dài theo bãi cặp mé sông. Hồi tôi năm
sáu tuổi ông đã có mặt ở xứ này, nổi tiếng với vai ông chồng khờ của bà Hai
Bành mập như thùng phuy, hung hãn như hổ xám. Không ai hỏi thăm ông thứ mấy, người
ta gọi ông là ông Hai chẳng qua là gọi theo bà.
Ông dường như không tên không tuổi, hềnh
hệch như con heo đất. Đứa con nít cỡ tôi có lỡ tay cốc đầu ông một cái ông cũng
khều trả đũa lấy lệ rồi cười. Vợ ông có lẽ hận mình lỡ thương “thằng” lớn người
mà tính trẻ con, không có chút gì uy nghiêm đáng có của một người nhiều tuổi.
Từ đó bà bực chồng, cứ réo tên tộc ba họ nhà ông đổ xuống con sông trước nhà.
Chú tôi nói ông “thực lộc chi thê” nên chịu nhục. Tôi thấy có thực lộc gì đâu,
đều phải bươn chải từng ngày.
Mỗi sáng vác cái chài vai trái, tay phải
xách thùng, đi bọc theo bờ sông. Từng nhát chài ông tròn quây trùm mặt nước.
Bầy cá hiền lành cũng dễ dàng ăn hiếp ông. Trong khi mấy họng đáy giữa sông cá
khẳm xuồng lớn xuồng nhỏ, thùng thiếc cũ sì của ông chỉ loe hoe mấy con cá trốt
cụt ngạnh, vài cọng cá sấu nhỏ xíu cứng đơ.
Đi ngang xóm, mấy ông già chặn lại xin mấy
con cá sấu đốt làm thuốc sức đẹn. Vậy là chỉ còn đủ một bữa kho tiêu. Lại nghe
vợ đùa hốt tổ tông đổ xuống sông. Hai chân mày ông nhướng lên, kéo mí mắt mở
tròn rồi tuột xuống thang nhà đi re lại phía nhà tôi, lôi tôi ra bãi cỏ chỉ
cạnh đám bắp. Chúng tôi lùng trong mớ rối nùi kiếm gà cỏ đá nhau. Tôi chơi với
ông, ít chơi với bọn con nít trong xóm. Tụi nó hung hăng lắm.
Mà trẻ con nào không hăng? Càng nhỏ càng
thấy mình chỉ một chút nữa đụng trời. Ví như cái thằng ăn nhờ ở đậu, nhỏ xíu
như tôi còn “đội trời đạp đất mặc dầu”. Chơi với mấy thằng bự con hơn gấp rưỡi
đâu có khi nào tôi nhịn, loay hoay một hồi thế nào cũng bị thằng kia đập nhừ
tử, lôi ngược chân trên rẫy, gốc đậu quào xước cả khúc lưng. Lần nọ, ông già đi
chài ngang nhìn thấy, kéo tôi ra sau một bờ chuối, thị phạm một đường quyền đầy
uy lực. Tôi không chớp mắt chờ đợi. Ông ngừng ngang đó, khòm lưng, hai tay
chống gối nhìn tận mặt tôi cười cười. Tôi vịn hai vai ông nhảy dựng:
- Hay quá, ông dạy con nghe.
Ông thả ra một dòng hơi thậm thượt, lắc
chầm chậm cái đầu:
- Thôi.
Mắt ông nhìn miết về hướng bắc, nói mình
tới từ hướng đó, tới đây đụng biên giới, nếu biên giới ở xa hơn có lẽ ông còn
đi nữa. Mà sao ông không qua tuốt bên Miên. Mà sao ông đi xa chi vậy. Ông từ
đâu tới. Cheo gì hả ông. Trời đất, có xứ đó thiệt sao. Gì mà Cheo Leo rồi còn
La Cu nữa (thật ra là Pleiku). Cả xóm cười ngất, bắt chước tôi kêu ông là Hai
Cheo Leo, ông già La Cu. Tôi thấy ông già khờ quá trời khờ.
- Ông có võ mà ông sợ bà Hai Bành sao? Đập
một trận cho bả đừng ỷ bự con ăn hiếp ông.
Ông so vai rùng mình giống như biểu ông
leo lên trời. Tôi khó nhịn ai. Chuyện chú thím thì khác. Chú vừa cho tôi ăn cơm
vừa nuôi dưỡng nội nên tôi nhịn. Chú chỉ không đếm xỉa tới tôi thôi chớ chú có
đánh tôi cũng nhịn. Còn ông là đàn ông, là chồng, cha mấy đứa con của bà sao
lại cứng mình cho bà xỉ vả. Nhịn vậy là nhục, là mắc tội với họ hàng, dòng tộc.
Ông lắc đầu:
- Đồ ranh con, đừng già trước tuổi. Bả
chửi nghe quen như người ta hát cải lương, bữa nào bả hiền tao bứt rứt lỗ tai.
- Trời ơi, ông khùng quá trời rồi.
Ông nhướng mày với tôi, cười nhăn đôi má
hóp, mốc cời. Người gì đâu mà xám như cục đất cày. Tôi hình dung ông thần đất
có gương mặt y hệt ông. Còn ông địa cười chành cái miệng ngoài tiệm tạp hóa thì
sạch sẽ quá, không có chút gì gần gũi đất đai.
Tôi cũng coi thường ông dù tôi cũng không
được mấy người quý trọng. Má về với cha không có đám cưới. Cha rượu chè bệnh
tật rồi sớm qua đời bỏ lại một bầy nheo nhóc, thất học. Nội đang ở với chú
nhưng muốn tôi được đi học đã bắt tôi về nuôi vì nội nói tôi sáng dạ nhất bọn.
Thím là người hay nói, chỉ xoay quanh mấy ý chẳng hạn tôi giống cha không chí
hướng, giống má không danh giá. Chú là một bác sĩ, làm việc ở bệnh viện huyện
nhưng mở phòng mạch tại nhà. Công việc nhiều nên chú nói một cách lạnh lùng. Có khi tôi ngồi tổng
kết một năm coi chú nói với tôi được mấy chữ, có năm được một chữ “không” khi
tôi xin phép chú đi trung thu, có năm dường như không có tiếng nào. Khi tôi làm
gì đó sai, chú lấy con mắt ghim một cái nhìn thẳng mặt tôi rồi thôi. Những bữa
cơm thấy chú chọc thím khi mặt thím dính lọ, cười với mấy đứa em khi tụi nó nói
bất cứ câu gì. Những câu chuyện trong bữa ăn dường như không dính gì tôi. Cơm
ơn cơm nghĩa từng bữa trôi qua họng tôi đắng ngắt. Có lần sau bữa cơm nuốt vội,
bỏ lại nhà mấy lời mai mỉa xỉa xói của thím, cái nhìn lừ đừ đầy ác cảm của chú,
tôi lang thang ra bãi, ngồi thừ bên bờ mẫu, bứt tá lả đám cỏ dưới chân, có khi
bứt nhầm mấy chồi đậu vừa mới nhú. Ông già xuất hiện như một anh hề, kéo tay
tôi tới bãi đất rối nùi cỏ chỉ, đưa tôi một nắm gà cỏ. Tôi thờ ơ cầm lấy. Ông
cầm một nhánh chìa ra, hất mặt thúc giục. Tôi uể oải phất nhẹ. Ông kéo tay tôi
đặt ngang ngực, quất mạnh tay. Con gà không cụt đầu mà tuột khỏi tay tôi. Ông
giậm chân giận dỗi. Tôi mặc kệ ông, ngồi bệt xuống cỏ.
Ông ngồi vuốt vai tôi:
- Quất một cái cho thẳng tay, cho cụt đầu
con gà rồi nghỉ buồn. Đi mày!
Đá gà cỏ chỉ khoái nhất là khi mình quật
mạnh tay con đối phương cụt đầu. Ruột gan cuộn từng đợt khi con gà mình đang cố
nâng thật nhẹ tay, truyền cho nó sức dẻo dai thì bựt một phát, nó cụt ngang cổ.
Và ngứa tay, ngứa bụng nhất là khi mình gồng gân quất mà con gà đối phương trơ
trơ trong khi đầu gà mình mất tiêu. Khi tôi đá ông, có khi thắng, có khi thua.
Nhưng khi ông quật thì trăm lần gà tôi cụt đầu. Tôi nói tại ông lớn, mạnh tay. Vậy
là ông không đá tôi nữa mà chịu trận cho tôi quất. Tôi vung mạnh tay sát phạt.
Mỗi lần gà ông cụt đầu, ông rút vai, nheo mày “Thằng cu này hung dữ quá” rồi
lủi thủi vạch cỏ tìm gà mới. Lúc đầu tôi khoái chí, nhưng sau thấy lưng trần
đen thui ốm nhom của ông giữa đám cỏ rối tôi lại thương. Nhớ mấy lúc ông bị
chửi, tự hỏi sao cái lão già này thích để người ta ăn hiếp. Tôi thấy tội nghiệp
không chịu để ông chấp nữa. Mắt ông sáng lên, lém lỉnh lấy mạng mấy con gà còi
của tôi. Tôi tưởng ông là một người bạn đồng niên. Khi thắng khi thua, khi trầm
lặng yêu thương, khi sục sôi sát phạt, tôi và ông đã đi qua thời thơ ấu của tôi
bằng những chùm gà cỏ. Có lúc giật mình, tôi đã bỏ quên những bạn đồng trang
lứa. Là tôi làm mình già đi hay là ông tự hạ mình trẻ lại. Có một lần tôi đã
lớn lắm rồi nhưng vẫn cùng ông đá gà. Chơi đã đời ông kéo tôi ngồi xuống cỏ,
mím môi thở chậm thiệt chậm một hồi rồi hỏi:
- Đá gà vui, cu mày nhỉ?
Tôi nhướng mày gật gù.
- Cu mày thấy thua hoài hay thắng hoài dễ?
- Thắng phải có gà cồ, phải biết cách đá,
dứt điểm gọn. Thắng sướng tay.
- Có những chuyện phải biết thua.
Tôi bắt đầu thấy trước mắt mình vùng Tây
nguyên cách đây hơn nửa thế kỷ. Tại một làng nhỏ chạy cặp ngoại ô Cheo Reo, mùa
giáp tết, mùa rẫy bái ngơi tay. Người ta quây nhau bên những đôi gà. Tụi gà vô
tư sát phạt, tụi người hăng máu hơn thua. Ông giỏi võ mê gà nhưng túi lúc nào
cũng trống không. Nhà nghèo lắm, cha mẹ chết chỉ để lại cho ông và anh trai một
cái chòi nhỏ. Hai anh em muốn có cái ăn phải làm bất cứ công việc gì người
trong làng thuê mướn. Mặc kệ cái nghèo luôn đeo đẳng, mặc kệ ai hò la được mất,
ông hiền lành ngồi bó gối thưởng thức từng bước nhảy tài hoa của những đôi giò
đầy vảy. Người cờ bạc mất tiền ghét hết thảy thiên hạ. Trong mắt chúng, một
thằng cùng đinh lại mê chơi nhìn chướng mắt. Ông kệ chúng nó. Là ông nể lũ gà,
gạt khỏi tâm trí những lời phỉ báng vô duyên cớ. Nhưng mà con giun xéo mãi cũng
quằn.
Chúng ỷ có tiền, ỷ cha chú là cường hào
của làng cứ nhè ngay đầu ông dang tay cú. Cái đau không ở chỗ đầu mà chạy rần
theo từng giọt máu tươi đang vận hành trong huyết quản. Ông không động đậy,
không nhìn mặt chúng, trầm giọng hăm he:
- Đầu để thờ cha mẹ, cấm rớ.
Chúng cười phá lên:
- Ối dào. Này nhé, ông leo lên bàn thờ nhà
chúng mày vừa đái vừa ỉa. Bẹt bẹt.
Một thằng lấy mông để lên đầu ông nhún
nhún, một thằng nhấc cao chân nện lên đầu ông, dằn mạnh ngay đỉnh. Ông xoay
người lại. Một cú đá được vận bằng tất cả sức mạnh của lực điền cộng với ngón
nghề được trau dồi bền bỉ... Tên cường hào giãy đành đạch giữa sân gà, máu trào
ra miệng. Không khi nào sống nổi.
Vậy là không kịp nói lời từ giã anh trai,
bỏ lại Cheo Reo sau lưng, ông đẩy xứ sở lùi dần về quá khứ. Nếu biên giới xa
hơn có lẽ ông còn đi nữa.
Ông hốt trước mặt tôi một nắm gà cỏ đã bị
cụt đầu, héo hắt mấy lá non.
- Một cái thắng, hơn nửa đời biệt xứ.
Thắng thua giữa đời như chơi chọi gà cỏ cu mày à, cuối cùng chỉ để lại một đống
rác. Tao nói cho thằng cu mày hay, ở đời đừng đòi hơn ai cái gì, cũng đừng nhịn
ai hết. Nhịn là dồn ép mọi tức tối. Cứ bụm đầy tay rồi thả cho nó bay về trời.
Ông không khuyên tôi ở hay đi khỏi nhà chú
mà chỉ khuyên ráng học: “Mày không học thì mày cũng như tao hồi xưa, chỉ biết
lấy nắm đấm để trả lời người ta”. Từ sau câu chuyện của ông, tôi không bận tâm
chú và thím nói gì. Mượn miếng cơm họ cho mau lớn đặng còn tới trường. Nhưng
không phải lúc nào cũng nghĩ được như vậy. Mấy lúc nghe thím nặng nhẹ má, máu
tôi lại sôi lên. Tôi phải đi kiếm ông Hai. Ông nghe như là nghe chuyện chơi,
kéo tôi về nhà ông.
- Bữa nay ở trường có gì vui kể tao nghe.
Tao mới chài được hai con tôm, trai út tao một con, cho mày một con.
Lòng tôi ấm lắm. Có khi tôi muốn lại ở nhà
ông luôn. Mà cũng không được, nghe bà chửi mắng ông, tôi ức cho ông còn mệt
hơn. Dù tôi biết ông không để bụng lời bà. Ông nặng lòng với mùa vụ.
Khi bắp Khánh An chính vụ trổ cờ, ông nói
ở làng ông mùa này còn hạn... Quê ông độ này nhà nhà đều đi rẫy... Cheo Reo
đang mùa thiếu đói... Mà không biết mùa màng ở đó có còn như xưa không nữa.
Thời tiết đổi nhiều rồi. Mấy mươi năm ít ỏi gì! Ông còn không nhớ đó là vùng
đất mưa nắng làm sao. Rồi không biết anh trai ông có bị tai họa gì sau ngày ông
bỏ đi, còn sống hay đã chết? Ôi Cheo Reo!
Một tối sau một phim tài liệu lướt qua xứ
cao nguyên, ông chạy qua tôi: “Út Thành ơi, ông nhìn thấy Cheo Reo lạ hết
biết”. Nhìn mắt ông ươn ướt lộ đầy hình xứ sở mà đứt ruột. Tôi cũng rưng rưng.
- Út Thành à... chắc ông phải về xứ thôi.
Ông kéo tôi ra bãi, vén vạt áo, lôi từ
lưng quần ra một lọn tiền. Những tấm tiền cũ mua được một gói xôi, những tấm
gần đây trị giá lớn hơn nhiều. Vé tàu đã tăng cao theo giá xăng dầu nên ông
phải để dành nhiều? Không phải, hình như ước muốn về xứ tăng theo tuổi.
- Tao bắt đầu để dành từ sau ngày giải
phóng. Sau hai đợt đổi tiền cái vé tàu tưởng đi đứt. Giờ thì đủ rồi Út à. Về
thôi.
Nói tới đó ông nheo nheo mắt với tôi. Mày
bạc, mi cụt ngủn nhưng mắt cười sao mà sáng. Tôi hiểu sức mạnh của một giấc mơ.
Nó dựng ông đứng thẳng trân giữa thực tại trơ trọi này.
Tôi háo hức với ý nghĩ được nhìn ánh mắt
ông ngày bước lên xe về quê, rồi đón ông trở về với bao nhiêu chuyện mới mẻ về
thời tiết Cheo Reo. Tôi nghĩ thù hận chắc đã tan rồi, hay là nơi đó người ta đã
quên có một người như ông, một cú đá, hay là người đàn ông đó không chết. Cái
gì sẽ đón ông?
- Cái gì cũng được cu à. Nếu là thù hận
thì tao đón thù hận gom đầy tay lại thả bay về trời, nếu là yêu thương thì đón yêu
thương, nếu là lạ lẫm thì làm quen lại mấy hồi.
Chiều đó, tôi đem thêm qua một ít tiền nội
mới cho mua áo mới đi học. Tôi muốn ông đi đường có tiền ăn gì đó. Nghe nói
khúc đó có vụ cơm tù ghê lắm. Tới nhà ông tôi gặp cả hai ông bà đang ghìm nhau.
Bà Hai ngồi vuốt bộ quần áo mới tinh trên
người. Những múi thịt đùn hai bên hông và lưng bà làm tôi hình dung mớ vải mới
không phải là quần áo mà chỉ là cái túi lớn đang bọc đầy mỡ nọng. Tôi nhìn mấy
cái bông trên người bà như méo mó đầy khổ sở. Đó là loại vải tốt mấy bà hay mặc
đi đám. Tôi không biết bữa nay bà Hai làm gì có nhiều tiền mà mua sắm như vậy.
Bà nhích một bên miệng ngó nghiêng mặt ông.
- Ông dòm cái gì. Nội hôm nay tôi mặc cho
hết mấy bộ đồ này rồi mai chết cũng hả dạ. Ghét lắm chớ gì, mà làm gì được
nhau? Ông tưởng tiền của ông hả. Không có tôi làm sao ông có số tiền này. Giết
người mà bày đặt đòi về xứ. Ai đón ông ở đó mà ông về?
Ôi, tiền ông Hai dành về xứ thành quần
thành áo quá khổ hết rồi. Tôi nhìn sâu vào mắt ông Hai. Hình như tròng mắt bắt
đầu ướt. Chạy từ mí mắt tới khóe miệng, những nếp nhăn chồng chất lên nhau, đan
xen thành mạng như không thể dày thêm nữa. Đó không phải là gương mặt nữa rồi,
đó là bản vẽ của thời gian. Mỗi đường nhăn như những khúc ngoặt, chạy mải miết
tưởng không có điểm dừng, tới độ tôi thấy ông thành ra chơi vơi giữa vô tận của
thời gian. Tất cả nỗi thống khổ của dương gian dường như đang hiện nguyên trên
đó...
Ông Hai từ từ đứng lên rồi đi về phía bà.
Mặt bà thoáng biến sắc. Tôi cũng nhanh chân chạy tới. Sợ nhất là một cú đá lấy
mạng của mấy mươi năm trước lại đáo về. Ông ngồi xuống cầm bộ đồ lên, tay vuốt
vuốt.
- Bà có thử bộ này chưa? Hay là vô buồng
thay luôn thể đặng tôi ngắm cho đã.
- ...
- Bộ đồ này mà người khác mặc chắc nhìn
ghê lắm. Bà mặc thì khỏi chê. Tiếc là mấy chục năm sống chung, tôi chưa lần nào
sắm được cho bà bộ nào cho ra quần áo. Thiệt... mình không xứng đáng làm chồng
chút nào. Bà cho tôi xin lỗi nghe.
Bà Hai ngồi chết trân, thoạt đầu hoài
nghi, kế tiếp là mắt rơm rớm. Tôi cũng không kìm được hơi thở nghèn nghẹn.
Từ sau ngày đó, chưa khi nào tôi nghe ông
Hai nhắc tới chuyện về xứ. Ông vác chài ra sông rình mò bầy cá nhiều hơn. Một
bữa ông móc ra mớ tiền nhờ tôi chở ông đi mua cho bà đôi dép đẹp nhất. Tôi cản
ông:
- Ông đừng sắm dép cho bà Hai. Nghe nói
mình tặng giày dép cho họ, họ sẽ chà đạp mình như chà đạp đôi dép dưới chân.
- Tao cũng đang muốn làm đôi dép cho vợ
đây. Hổng uổng mấy chục năm bả chịu đựng tao.
Ông toàn là nói ngược. Nhưng thật sự tôi
thấy ông vui y như đã toại nguyện được giấc mộng hồi hương. “Quê ở đâu mậy, ở
ngay dưới chân mình hà”.
Đôi dép, cái nón, những bộ quần áo mới đã
làm dáng vẻ bà gọn gàng tươi tắn lên. Chúng tôi chưa kịp kiểm chứng coi khi
được tặng dép, bà Hai có chà đạp ông không thì ông báo cho tôi một tin mới về
ông. Sắp chết rồi.
Vậy mà ông chết thật. Tôi thấy rõ ràng ông
đã nhắm được mắt, miệng còn mỉm cười nữa. Vậy mà bà Hai cứ than vãn:
- Tôi làm ông chết không nhắm mắt, tôi đã
cản đường về xứ của ông. Ông ơi là ông... đừng giận tôi nghe ông!
Ngày nào mấy đứa con cũng thấy bà xếp
những cái áo mới, mấy cái nón, đôi dép ông mua cho để vô giỏ. Họ hỏi má tính đi
đâu hả?
- Tao sửa soạn đồ đạc cho ba bây về Cheo
Reo. Bây lo đủ tiền chưa?
Mấy đứa con nói:
- Má đừng lo, đủ rồi. Bữa nào con đưa ba
về.
- Ừ, ráng mau mau nghe con. Ba tụi bây
chắc nôn gặp lại anh Hai. Mà không biết ảnh còn sống không nữa. Tội nghiệp,
phải về thôi con à. Xứ sở mình mà.
Em vừa lên chỗ ông già Cheo Reo ở, nghe kể thêm những câu chuyện thú vị về ông. Người đã trải qua quá nhiều cam go trong cuộc sông. Vốn sống đã chất đầy thành ra không còn thiết gì hơn thua được mất
Trả lờiXóaĐến chừng tuổi ấy, và trải qua bao biến động của cuộc sống, ông già đã chiêm nghiệm được cái lẽ vô thương thì chuyện hơn thua dược mất có nghĩa gì đâu! Thế là ông già đã về với Cheo Reo rồi!Chúc em sức khỏe, vui, và có nhiều truyện ngắn hay ! Mến!
Trả lờiXóaChị Võ thi xuân Hà vừa mới mail báo tin, ÔNG GIÀ CHEO REO được bình chọn là một trong năm truyện ngắn hay của tạp chí năm 2011 đó nha.
Trả lờiXóatạp chí của chị XUÂN HÀ là tạp chí Nhà văn
Trả lờiXóaChúc mừng em nhé!
Trả lờiXóa