Khi tôi dừng xe, anh chủ nhà ra ngõ chào
tôi và nhìn tôi có vẻ thảng thốt trong một thoáng chốc rồi quay lưng đi về phía
đường luồn sát hông nhà, bảo tôi đi theo ra chuồng heo. Như đã thống nhất thời
gian, giá cả giữa vợ anh và vợ tôi lúc sáng, tôi xách rọ bước vào chuồng. Một
tay tôi đưa rọ vào chận trước đầu, một tay cầm đuôi đẩy nhẹ thì con heo đã vào
rọ gọn gàng. Anh chủ nhà phụ tôi khiêng con heo ra trước sân, nơi có cái cân
treo và một khúc tre dài, thẳng để sẵn. Khi cân, dù cái đòn cân còn đang chổng
lên, anh không kéo trái cân ra nữa, mà anh lại nói với vợ anh đang đứng một
bên: 55 ký. Thực sự là tôi bị bất ngờ, bởi cái móc trái cân nằm ở vạch 58 ký. Đây
là lần đầu tiên tôi gặp phải trong nghề bắt heo. Tôi không tin vào tai của
mình. Tôi nhìn vào mặt anh như để tìm câu trả lời. Như để tránh ánh mắt thắc
mắc của tôi, bởi anh tin chắc như vậy, anh thản nhiên bước vào nhà, còn chuyện
tiền nong thì vợ tôi tính với vợ anh.
Tối về, tôi mới nhớ ra anh là học viên
lớp 7 bổ túc văn hóa ban đêm ở trung tâm thị xã, còn tôi là giáo viên môn ngữ
văn của lớp ấy gần 15 năm về trước. Có lần, trong một tiết học ngữ pháp, tôi
gọi anh lên bảng, bảo anh viết một câu có thành phần trạng ngữ chỉ nguyên nhân.
Anh lên bảng, sau một thoáng suy nghĩ, anh nhìn tôi rồi quay sang, viết: “Vì
muốn có thêm tiền, nên thầy đi dạy thêm bổ túc văn hóa ban đêm”. Và, anh lên mô
hình câu chính xác từ thành phần trạng ngữ đến cụm chủ - vị. Tôi thật sự bất
ngờ vì câu ví dụ này của anh. Lúc đó tôi lúng túng và chỉ biết mời anh về chỗ
với nụ cười gượng gạo. Anh đã xúc phạm tôi. Tôi không còn nhớ là mình dạy cái
lớp bổ túc văn hóa ban đêm này được bao lâu, nhưng qua bữa đó, tôi báo cáo với
người phụ trách là tôi không thể tiếp tục được nữa với lý do vì nhà tôi cách
chỗ dạy gần 10 cây số mà đường đi lại về đêm trong thời điểm đang mùa mưa nên
khá là vất vả. Tôi không muốn phân bua cùng anh học viên đó về nội dung của câu
ví dụ từ cách nhìn của anh. Bởi làm sao anh hiểu tôi thích cái nghề dạy học như
thế nào? Anh đã chạm vào nỗi đau của tôi. Hồi còn học vỡ lòng, tôi học giỏi
nhất lớp, nên thầy giáo tin tưởng giao cho tôi sửa, chấm bài cho cả lớp, khi
thầy mắc tiếp khách hay bận một công việc nào đấy. Mới chỉ năm, sáu tuổi mà đã
làm công việc của một ông thầy, thật thích. Lũ bạn cùng lớp biết thế nên thường
hay đem trái cây của vườn nhà “hối lộ” tôi. Đứa nào không có thì tôi ngang ngay
sổ thẳng. Đứa nào đưa cái khế thì tôi sửa lại một phần chỗ sai và cho 7 điểm,
còn ổi thì 8 điểm, mà xoài tượng thật ngon thì 9 điểm, 10 điểm…Đặc biệt là
không đứa nào dám hó hé với thầy, bởi sợ tôi thù vặt thì ngồi mãi cái lớp vỡ
lòng. Cái cảm giác vui sướng được làm thầy của tôi bắt đầu từ đó. Nghe những
người lớn tuổi trong làng thường nói với nhau, “mồng một tết cha, mồng ba tết
thầy”, tôi lại càng khoái trong bụng, cứ nghĩ mai này mình sẽ làm thầy thì oai
biết chừng nào. Lên lớp ba, tuy vẫn học ở trường làng, nhưng tôi may mắn gặp
một người thầy có kiến thức rất rộng, dù chỉ là một giáo viên tiểu học. Hình
ảnh của thầy thật đạo mạo và sang trọng, chân đi giày xăng – đan, áo sơ mi
trắng bỏ trong quần tây được ủi thẳng tắp, túi áo có hai cây bút, một cây
nguyên tử màu đỏ dùng để sửa bài, chấm điểm, một cây pilot màu xanh dùng để
soạn bài, ra bài tập. Và, tôi mê cái nghề dạy học bắt đầu từ đó. Nhưng người ta
thường nói, mơ ước là một chuyện, thực tế lại là một chuyện khác. Sau ngày giải
phóng, tôi được điều về công tác tại phòng thống kê của thị xã, ngày 8 tiếng bù
đầu với những báo cáo, con số, dự báo, và ước mơ làm thầy càng ngày càng lùi
xa. Năm này tháng nọ trôi qua. Đến những năm đầu của thập niên 80, do biết tôi
thích nghề dạy học, anh bạn rủ tôi đăng ký dạy bổ túc ban đêm, vừa thỏa mãn sự
ham thích, vừa có tiền phụ thêm vào cuộc sống sinh hoạt của gia đình…
Đúng là trái đất tròn! Ngày ấy tôi gặp
anh trên cương vị thầy trò, tôi kiểm tra bài, cho anh điểm 9; ngày nay, sau gần
15 năm, anh là người bán heo, anh tặng tôi, người mua heo 3 ký heo hơi. Nếu
không có cái ngày tôi rời khỏi cơ quan nhà nước vì nằm trong danh sách giảm
biên thì có lẽ tôi và anh không gặp nhau trong cảnh kẻ bán người mua chẳng dễ
chịu tí nào này. Dù sao tôi cũng cảm ơn anh vì đã nghĩ một chút nghĩa ngày xưa
tôi từng đứng trên bục giảng truyền đạt
những kiến thức cơ bản góp một phần nhỏ để anh có thể viết được một câu tròn
trịa, ít lỗi chính tả trong báo cáo công tác của cơ quan gửi lên cấp trên. Ngày
ấy hay bây giờ cũng thế, tôi không hề trách anh, bởi thực tế có rất nhiều thầy
cô giáo phải làm thêm nhiều việc để sống vì đồng lương quá ít ỏi, không thể
kham nổi, đến nỗi họ phải bán thuốc lá cho học sinh khi đến nhà mình học thêm,
và bí quá, họ nhảy tàu Bắc – Nam để mua bán hàng lậu, khi được nhiều, khi trắng
tay. Anh bạn tôi dạy phải môn sử địa, không buôn lậu, không bán thuốc lá cho
học sinh, cũng chẳng ai đến học thêm để mà dạy kèm, nên chuyển sang bốc vác
đường bột ở chợ để chia sẻ với vợ con, lo toan cuộc sống gia đình trong thời
buổi khó khăn. Riêng tôi thì nghề dạy học là nghề tôi yêu thích nhất từ hồi còn
bé nên tôi đến với cái lớp bổ túc văn hóa ban đêm ấy như là một sự hiếu kỳ pha
lẫn một chút thích thú muốn khám phá cái công việc mà từ nhỏ tôi yêu thích, chứ
không phải vì muốn kiếm thêm tiền, bởi
tôi đang là cộng tác viên thường xuyên, có uy tín với đài tỉnh, nhuận bút hàng
tháng tôi nhận còn khá hơn nhiều. Nếu ngày ấy anh hiểu được tôi, chắc anh không
đưa ra câu ví dụ làm tổn thương tôi, và vô tình anh đã đẩy tôi ra khỏi cái lớp
bổ túc văn hóa ban đêm ấy…
Sáng hôm sau, sau khi chở thịt ra chợ,
tôi xuống nhà anh vừa là thăm vừa là để cùng nhau chia sẻ, giải bày chuyện của
hôm qua và chuyện của gần 15 năm về trước. Vừa thấy tôi, anh ra mở cửa:
-
Như vậy là thầy nhớ tôi rồi, phải không? – Anh vừa
cười vừa bắt tay tôi, dắt vào nhà.
-
Chuyện đã qua lâu rồi. Bây giờ hai đứa gọi anh qua anh
lại là được.– Tôi nhìn anh nói một cách chân tình.
Anh lại tủ lạnh lấy một chùm nem Chợ
Huyện và vào phòng trong lấy một chai rượu đặt lên bàn sau khi đã lau sạch bụi
bám một cách kỹ càng.
-
Rượu Bàu Đá, lão tửu đó! Thầy…ờ mà… anh là khách đặc biệt nên hôm nay tôi mới
đem ra, tôi chôn dưới đất cũng cả năm rồi.
Tôi chỉ nhìn anh cười, chưa kịp nói gì
thì anh đã tiếp:
-
Tôi nhớ một hôm anh giảng về Nguyễn Khuyến, anh say
sưa phân tích hai câu: Rượu ngon không có bạn hiền / Không mua không phải không
tiền không mua.- Anh vừa nói vừa rót rượu vào hai ly nhỏ, sóng sánh, trong vắt,
vun hạt cườm, thơm lựng.
-
Bữa nay anh phải uống say với tôi một bữa nhé! Không
mấy thuở đâu!
-
Chắc cũng trên
năm mươi độ, phải không anh?
-
Chắc vậy. Uống ly rượu này tôi xin tạ tội cùng anh vì
ngày ấy tôi đã làm anh bị tổn thương.
-
Thôi bỏ đi, chuyện đã qua lâu rồi. Hơn nữa do anh bức
xúc thực trạng giáo dục lúc đó mà!
Rồi tôi kể
cho anh nghe, hồi tôi còn bé, ông ngoại tôi cứ nửa tháng hay 20 ngày là lên
thăm nhà tôi. Ông rất thương tôi, có lẽ do tôi là cháu ngoại trai duy nhất, bởi
các dì của tôi lúc đó đều sinh con gái. Ông hay giúp tôi làm thủ công như: cày,
bừa, cuốc, đũa, rổ…Tối tôi ngủ với ông và ông hay đọc cho tôi nghe các câu ca
dao, tục ngữ, rồi giải thích cặn kẽ cho tới khi nào tôi hiểu, hoặc là buồn ngủ
thì ông mới thôi. Có lần ông hỏi tôi, sau này lớn lên cháu thích làm nghề gì,
tôi nói ngay là tôi rất muốn làm thầy giáo. Nghe tôi nói vậy, ông rất vui và
bảo rằng, đó là những kỹ sư tâm hồn, mà để thực hiện được chức năng đó, không
phải ai cũng làm được. Phải học thật giỏi và phải đọc sách thật nhiều, tất
nhiên là phải có năng khiếu và đam mê nữa. Nghe lời ông, tôi cố gắng học và giảm
đi một ít thời gian đánh trổng, thả diều cùng lũ bạn để có thời gian đọc sách
nhiều hơn. Cũng may là thời ấy trong xóm có một nhà gần như có đầy đủ các loại
sách truyện Tàu, thấy tôi mê đọc sách, nên cho mượn, chỉ có điều là phải giữ
cẩn thận. Biết tôi vậy nên mỗi lần có công việc đi Quy Nhơn hay đi Sài Gòn, ba
tôi đều mua cho tôi rất nhiều sách. Sau này lớn lên, tôi tiếp tục xây dựng một
tủ sách khá đầy đủ, nhất là hai lĩnh vực văn học và lịch sử. Đặc biệt là tôi
chuẩn bị khá đầy đủ về những bài hát thiếu nhi và phương pháp, nội dung sinh
hoạt tập thể. Ngoài ra, tôi còn tập thắt châu chấu bằng lá dừa, làm lồng đèn
ông sao để sau này hướng dẫn học trò tham gia sinh hoạt cộng đồng…Nhưng oái ăm
thay, nghề thống kê lại chọn tôi. Bây giờ tôi không lý giải được vì sao nên cứ
nói là do số phận. Vì vậy, cái lớp bổ túc văn hóa ban đêm ấy là niềm an ủi còn
lại của tôi. Khi nghe tôi kể đến đây, dường như không thể nào chịu đựng được
nữa, anh chồm người ôm lấy tôi, nói
trong nước mắt:
-
Thầy ơi, sao tôi lại dốt thế? Đúng là tôi ngu như heo,
thầy ơi! Tội tôi lớn quá, thầy ơi!
-
Anh say rồi! – Tôi vừa nói vừa dìu anh lại cái phản gõ
kề bên để anh nằm nghỉ. Khi đâu vào đấy, anh kéo tôi ngồi một bên:
-
Sao anh lại chọn cái nghề bắt heo? Tôi nói điều này có
thể là anh không vui, nhưng nhờ có “thuốc gan”, nên nghĩ sao tôi nói vậy. Cái
anh “Bảy Đáp” là cái anh vai u thịt bắp, còn anh thì khác, thế sao anh lại chọn
cái nghề này để mưu sinh. – Tôi cười và nói:
-
Nghề nó chọn mình mà anh. Hồi nãy thì anh say, bây giờ
thì anh sai rồi! Nghề nào cũng có cái khó riêng của nó. Không có học thì không
làm tốt được. Theo tôi được biết thì xưa nay chỉ có một người không biết chữ mà
làm nên nghiệp lớn, đó là Trần Thủ Độ. Ông đã dựng nên Vương nghiệp nhà Trần -
3 lần chống quân Nguyên với những chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc
ngoại xâm của dân tộc.
-
Đ ã n h ậ u…mà
anh nói…giống như giảng bài vậy. – Anh lè nhè, mắt thì nhắm riết
Rồi tôi nói
thì nói mà anh thì ngáy khò khò tự lúc nào, nhanh thật. Tôi bước xuống khỏi
phản gõ, lững thững bước ra sân trước. Tôi hiểu sự suy nghĩ của anh, và đâu
phải chỉ riêng anh. Cái anh xách cái rọ đi mua heo thì có mấy ai tôn trọng. Lớn
hay nhỏ gì đi nữa thì người ta cũng gọi là thằng mua heo, ăn nói không thiệt,
gian xảo trong coi cân, tính ký, trả tiền…Ngày xưa tôi cũng nghĩ vậy nên khi vợ
tôi đặt vấn đề làm nghề mua heo, ban đầu thì tôi phản đối, nhưng “cơm áo không
đùa với khách thơ” mà, sau rồi cũng phải chấp nhận, bởi hai đứa con đang sức ăn
sức lớn, tiền học phí, tiền xây dựng trường, tiền học thêm ở lớp, ở nhà thầy,
cô bộ môn, vân vân và vân vân…Hơn nữa, tôi nghĩ điều quan trọng là chuyện đúng
sai, gian xảo hay không đều do bản thân của mỗi người tự quyết định lấy chứ đâu
phải do cái nghề, mà làm gì có nghề nào là sang, nghề nào là hèn. Thế là tôi
chọn nghề mua heo, mổ lấy thịt cho vợ
tôi bán. Đúng là có vô cuộc thì mới hiểu. Cái nghề đi mua heo cũng lắm chuyện
buồn vui. Người bán heo luôn cho ăn no để bán, chứ không đời nào để heo đói cả.
Nếu đến chuồng để ngã giá khi heo quá đói thì dù có trả đến rách miệng người ta
cũng không bán. Nhất là khi đến gần ngày tết hoặc ngày lễ, mua heo no, heo lưng
lửng về mổ để bán là điều không thể tránh khỏi. Bởi mình không mua thì người
khác cũng mua. Dân mua heo chuyên ngiệp thường mua bộ chứ không mua cân. Mà
quần qua quần lại, họ cũng mua được, vẫn có lời. Tôi vào nghề cũng được ba, bốn
năm, nhưng cái khoản ấy thì đành chịu. Có một lần, tôi cũng tập tò mua bộ một
cặp heo, về cân lại mới biết bị hố, mất đến 10 ký, lỗ nặng, tối về vợ tôi chỉ
biết khóc. Một anh mua heo biết chuyện nên mới kể cho tôi nghe câu chuyện thế
này: Hôm đó, anh gặp một con heo rất đẹp, chủ nhà là một phụ nữ khoảng trên 60
tuổi. Bà sợ mấy thằng mua heo vặn cân bẻ móc léo lận nên chỉ bán bộ mà không
bán cân. Vì cái chuồng sâu nên bà nghĩ con heo nhỏ chỉ độ 65 ký là cao nhất,
nhưng dưới cặp mắt nghề nghiệp của anh thì con heo phải đến 75 ký. Lúc ấy giá
thị trường một ký heo hơi là chín ngàn. Qua năm bảy lần định ký của con heo,
anh gút lại, 70 ký. Anh nhân luôn: bảy lần chín là năm mươi ba, tức năm trăm ba
chục ngàn đồng. Anh trả tiền và xúc heo vào rọ. Thế là kẻ bán người mua đều vui
vẻ. Và, hôm sau, người phụ nữ bán heo ngày trước chận đường anh và bảo rằng:
-
Hôm qua anh nhân sai rồi. Con gái tôi bảo, chín lần
bảy là sáu mươi ba, tức sáu trăm ba chục ngàn, chớ không phải năm trăm ba.
-
Con chị có học, nó khác. Còn tôi nhân chia đâu đã
rành. Hơn nữa, tôi mua bộ, chị đồng ý bán, chứ có tính cân tính ký gì đâu mà
nói chuyện nhân đúng nhân sai.
Khi kể xong
câu chuyện, anh nhìn tôi và nói như đinh đóng cột:
-
Tôi ở gần anh nên tôi biết, anh không thể tồn tại với
cái nghề này đâu. Đã cầm cái rọ đi bắt heo thì phải mua heo chết, heo bệnh với
giá rẻ như cho, mới có lời nhiều. Nhưng anh lại áy náy lương tâm vì sợ ảnh
hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Thế anh coi, người chăn nuôi vẫn bán được hết
đấy. Và, ngoài chợ đến chiều tối có còn miếng thịt heo nào đâu…Ngay cả gặp con
heo đẹp, anh không có thế để bắt, làm gãy một hay hai chân, thậm chí là bốn
chân của nó, thì chỉ có đường lỗ vốn, chứ không có đường huề. Thôi, anh hãy
kiếm chuyện khác mà làm. Tôi không hiểu sao anh lại chọn cái nghề này?
Hai người,
một bán heo, một mua heo, cũng đều có một câu hỏi dành cho tôi. Cái anh bán heo
vì sĩ diện cho tôi, bởi dù sao tôi cũng là người đã từng làm thầy. Còn anh bạn
đồng nghiệp thì cho rằng tôi sẽ thất bại bởi tâm thế của tôi không say mê với
cái nghề xách rọ đi mua heo. Riêng tôi, nghề mua heo cũng bình thường như bao
nghề khác. Bởi ngay từ còn học lớp 8, tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc sự nhận thức
“làm quan không lấy làm vinh, làm lính không lấy làm nhục” của Nguyễn Công Trứ.
Vấn đề là đừng làm điều gì trái với đạo lý ở đời là được. Nếu làm thầy mà cứ tìm
cách trù dập, moi tiền của học trò, cứ chạy sô như ca sĩ thì có đáng được tôn
trọng không?
Vợ tôi
thường hay hỏi, liệu tôi có kham nổi cái nghề này. Tôi bảo, việc gì cũng phải
có thời gian, rồi sẽ quen thôi. Vợ tôi cười, rằng tôi có thể quen với sự nặng
nhọc, nhưng không thể quen với mặt trái có tính đặc thù của nghề này. Bởi bao
năm chung sống với nhau, vợ tôi hiểu tôi sống ở đời có những nét giống như sống
với những nhân vật điển hình tốt đẹp trong phim ảnh, trong tiểu thuyết vậy. Vợ
tôi còn bảo, có khối người mới đó chỉ lớp 5, lớp 6, thậm chí viết một câu, giải
phương trình một ẩn cũng chưa nên mà nay đã có bằng tốt nghiệp phổ thông, bằng
đại học, đâu cần có thời gian…Tôi im lặng. Vợ tôi còn tiếp đòn, mấy người ra
nghề sau tôi nhưng tay nghề của họ, nay có thể nói là bậc thầy trong làng mua
heo. Họ cất nhà tầng, xe máy loại xịn, nội thất không thiếu gì…Còn vợ chồng
mình thì sao? Vẫn ở nhà của thiên hạ, hết chỗ này đến chỗ khác, không một tấc
đất cắm dùi…
Khi nghe những lời như vậy, tôi nhìn vợ tôi,
mắt tôi như căng cứng, cay rát như muối ớt xát vào…Tôi bước ra đường, đi như
người say rượu. Trước mắt tôi như một khoảng không vô định. Tôi chua xót với
chính mình. Tôi cũng đã đọc sách hướng dẫn về cách nhìn, cách đo chiều dài vòng
bụng, chân dài ngắn… của con heo để xác định trọng lượng. Anh em mua heo còn
mách nước, con heo nằm ở chuồng cao, khi nhìn cứ tưởng là nhiều ký nhưng thực ra không như vậy,
người mua bộ dễ bị đánh lừa. “Thức đêm mới biết đêm dài”, đó chỉ là lý thuyết.
Phải có cái nhìn mẫn cảm sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm về mua bộ thì phần
sai lệch sẽ rất nhỏ. Ngoài ra, việc nhìn con heo nạc hay mỡ cũng vậy, phải tìm
hiểu kỹ càng nhà đó thường cho heo ăn thức ăn gì, giống heo được mua về từ đâu,
nước da thế nào, cái lông ra sao, nếu không thì nhìn con heo mỡ mà cứ cho rằng
nạc thì chỉ có đường chết…Nếu sai sót là lần đầu tiên thì vợ con cũng chỉ buồn
mà không nói gì, nhưng lần 2 lần 3 thì chì chiết, nói những lời khó nghe, thậm
chí xúc phạm nặng nề: “ Ông học lớp này lớp kia làm chi mà tính không ra cân ra
ký, hơn nữa ông đâu có mù mà nhìn con heo mỡ thành nạc vậy.” Thật là đau xót
khi nghĩ lại mới ngày nào đó, cái hồi mới yêu nhau còn anh anh em em, còn tặng
hoa ngày sinh nhật, tặng một nụ hôn dịu ngọt, nồng nàn ngày 8/3…Thế mà bây giờ
mọi cái đã thay đổi. Bi kịch. Nhưng vẫn phải sống với nhau. Một sự thật tàn
nhẫn. Và tôi cứ ngẫm nghĩ mãi câu nói của Tô Đông Pha: “Bình sinh ngũ thiên
quyển / Nhất tự bất cứu cơ".
-
Nhìn anh từ nãy giờ, tôi biết anh đang hoài niệm,
nhưng anh ơi, mọi cái đã qua rồi. Như sáng nay anh xuống, giờ thì đã trưa. – Một
vòng tay nhẹ nhàng ôm lấy vai tôi. Thì ra, anh chủ nhà đã tỉnh rượu và đang
đứng bên cạnh tôi - Anh biết không, tôi thoát ly năm 17 tuổi. Chiến tranh kết
thúc, tôi là thương binh hạng 2/4. Gần 10 năm sau, tôi được phân công làm giám
đốc công ty xây dựng, một công việc vượt quá khả năng của tôi cả về chuyên môn
lẫn văn hóa. Tôi phải học bổ túc văn hóa từ lớp 3, cố gắng đến hết lớp 9. Tôi
dừng lại ở đó vì vết thương cũ tái phát hành hạ, cứ vài ngày lại phải nằm viện
để điều trị. Và, điều quan trọng là tôi không kham nổi cái việc được phân công.
Trong đơn vị, cứ bàn tán nói vào nói ra, bảo tôi là dân thoát ly, lại là thương
binh, có thành tích trong kháng chiến, nên mới được làm giám đốc, chứ thực ra…Dù
biết họ nói không sai, nhưng tôi thấy mình bị xúc phạm. Và thế là tôi xin nghỉ,
hưởng chế độ mất sức, về nhà nuôi heo, làm ruộng, như ngày xưa ba má tôi vẫn
làm, sống thanh nhàn cùng bà con lối xóm.
-
Phải chi anh còn làm, chắc sẽ khá hơn nhiều!
Anh cười
hiền.
-
Và, bây giờ tôi muốn hỏi anh, nếu có kiếp sau thì anh thích làm thầy giáo hay thích
đi mua heo?
-
Nếu được, tôi cũng chỉ thích xin như Nguyễn Công Trứ
đã từng xin:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!
N.H.D
Vào đọc truyện ngắn của anh! Cuộc sống quá khắc nghiệt đối với nhân vật " Tôi". May mà còn có người học trò có tình, có nghĩa. Nghề nào cũng vậy,không nên lừa người là tâm an vui rồi. Nhưng em cũng hi vọng nhân vật " Tôi" chọn cho mình một nghề khác. Chúc anh vui.
Trả lờiXóaChào Minh Nguyệt,
XóaCảm ơn em đã ghé thăm và chia sẻ! Cái thích của nhân vật "tôi" quá lớn, nên "Nếu được..."cũng chỉ là như của Archimet mà thôi! Và dù sao đó cũng là ước mơ, phải không em? Chúc vui!
Hôm nay tranh thủ ghé thăm anh và đọc truyện ngắn này của anh. Câu chuyện thật bình dị và dân dã, làm tôi nhớ đến ngày nhỏ ở VN. Ngày ấy, tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến cảnh nhà bán heo. Đọc câu chuyện này, thấy ngày ấy như sống lại. Lâu quá rồi, tôi không có dịp để nghe những câu chuyên đậm chất cuộc sống đời thường của người dân Việt như thế này. Thêm điều nữa là tôi có thể nhân ra giọng văn hiền lành quen thuộc của anh trong truyện.
Trả lờiXóaChào anh Jeffrey Thai,
XóaTôi rất vui vì anh đã ghé thăm, đọc truyện và chia sẻ. Riêng tôi thì bao năm qua phải làm rất nhiều nghề. Tôi đang cố gắng ghi lại. Chỉ sợ mình viết không nổi mà thôi. Chúc anh khỏe, vạn sự như ý! Thân mến!
Và, bây giờ tôi muốn hỏi anh, nếu có kiếp sau thì anh thích làm thầy giáo hay thích đi mua heo?
Trả lờiXóaNếu được, tôi cũng chỉ thích xin như Nguyễn Công Trứ đã từng xin: Kiếp sau xin chớ làm người...Lam cây thông đứng giữa trời mà reo.....Ta là chính ta tự do tự tại anh Duyên há
Chào Hậu Đậu,
XóaCảm ơn em đã chia sẻ với anh! Anh cũng muốn nhân vật "tôi" có một chút khí phách, nhưng biết làm sao được! Mong em thường xuyên ghé thăm và góp ý, em nhé! Thân mến!
Đúng là cuộc sống khắc nghiệt quá, ai cũng có ước mơ nhưng mấy ai thực hiện được ước mơ của mình.
Trả lờiXóaMình phải thích công việc của mình đang làm chứ không phải làm công việc mình thích.
Chú viết truyện rất hay và thực tế nữa, mong là con sẽ được đọc nhiều bài hơn nữa.
Con thì dở văn nên không thể góp ý hay chia sẻ với Chú nhiều được ..hì..hì. Mong Chú thông cảm nha ^ ^
Cháu ghé thăm và chia sẻ là chú vui rồi. Cảm ơn cháu đã động viên! Chúc cháu sức khỏe, vạn sự như ý!
XóaChao Duyen! Toi co viec phai " vang mat " o mang mot thoi gian. Nho, muon lapiop cua nguoi Ban Van vao tham chut! Truyen da nghe ke. nhung doc - van thay...ngam ngui!MN da moi het diwu toi muon noi roi! Chuc D & GD An Vui nghen? Se doc truyen D da goi nay mai vayj!MVL
Trả lờiXóaEm cảm ơn anh đã chia sẻ. Và, rất mong anh góp ý! Chúc anh luôn khỏe, vạn sự như ý!
XóaCông việc gì cũng là công việc. Miễn là mình yêu thích công việc ấy. Người thích nghề giáo, người lại thích nuôi heo. Em gái em nó cũng mê nuôi heo lắm, nó nuôi 200 con heo thịt, 10 con heo nái cơ. Chị em lại yêu nghề dạy học, anh em yêu nghề bác sĩ, em yêu nghề lao động phổ thông. hihi
Trả lờiXóaChào Hoàng Giao,
XóaVâng, nghề nào cũng có cái hay của nó. Vấn đề là sự yêu thích, đam mê với nghề. Cảm ơn Hoàng Giao đã ghé thăm và chia sẻ! Thân mến!
Truyện anh viết rất súc tích và giản dị, chân thực. Lột tả được nội tâm phức tạp và tính cách nhân vật. Làm cho người đọc phải suy nghĩ, dằn vặt rồi mới cảm nhận được. Chính điều này đã làm cho bài viết có hồn và đưa anh đi tới thành công!
Trả lờiXóaChúc anh vui, khỏe và có nhiều tác phẩm mới! Hẹn gặp anh vào một ngày không xa!
Chào anh!
Cường à, nói như Hòa Văn theo mình nghĩ là chính xác. " Truyện hay và đạt luôn ở phía trước..." Cảm ơn Cường đã động viên, nhưng mình phải cố gắng thật nhiều và thật nhiều. Anh em mình sẽ gặp nhau tại SG, sẽ có điều kiện hàn huyên nhiều hơn, Cường nhé! Mến!
XóaCâu chuyện rất thực tế. Tôi rất thông cảm với nhân vật "Tôi" trong truyện, và tôi vô cùng khâm phục tính cách của anh ta. Ai cũng phải có một cái nghề để kiếm kế sinh nhai dù mình chọn nó hay nó chọn mình, miễn sao trong sạch là được.
Trả lờiXóaTruyện rất hay! Tôi không có khiếu viết văn nhưng tôi thích văn và ... hơi biết cảm nhận. Cảm ơn anh nhiều.
Chào Hiền Lan,
XóaCảm ơn bạn đã chia sẻ! Chúc bạn và gia đình sức khỏe, vạn sự như ý!