Cô
làm quen với ông hoạ sĩ vào một buổi chiều mưa bay nhưng bầu trời lại
sáng lạ thường. Ông là một người luống tuổi, gầy gò; thể chất yếu đuối,
khoác chiếc áo dạ cũ và đội chiếc mũ nồi ố màu dính bẹt vào đầu. Khuôn
mặt ông teo tóp, đôi mắt mờ đục. Bước chậm rãi lên cầu thang, ông thận
trọng đẩy cánh cửa căn phòng chung một lan can với căn hộ của cô. Cô
đứng tựa vào lan can, vẩn vơ nhìn xuống mặt sông như một chiếc gương
khổng lồ. Còn chiếc gương của cô? Nó không lung linh huyền ảo, gợi cảm
như mặt gương kia, không có màu biếc của nước, màu thẫm của rong rêu hay
những đám mây vàng, mây trắng buông mình. Nó dị ứng với đôi mắt cô. Bởi
chính đôi mắt ấy là chiếc gương phản chiếu lại khuôn mặt của chính cô,
và điều ấy làm cô đau khổ. Đối với một thiếu nữ vừa bước vào tuổi mười
bảy, sự đau khổ về một gương mặt xấu xí cứ bám rễ dai dẳng. Do đó nét
duyên dáng của cảnh vật được phản chiếu trên mặt sông kia, len vào trong
cô như là sự gia tăng thêm nỗi đau mà những bạn gái ở lứa tuổi cô không
phải gánh chịu.
- Cháu ở cạnh đây phải không?
Giọng
nói khê khàn nhưng dịu dàng cất lên làm cô giật mình quay lại. Ông hoạ
sĩ cũng đang đứng tựa vào lan can tự bao giờ. “Vâng!”, cô gái đáp lí
nhí. Rồi cả hai người lại im lặng nhìn mưa bay.
* * *
Về
sau cô biết ông là hoạ sĩ tài năng. Chất liệu tạo hình của ông rất đa
dạng: Sơn dầu, màu nước và gần đây ông còn say mê tạo hình bằng rễ cây.
Từ những rễ cây mà số phận đáng lẽ phải dành cho nó sự mục nát, qua bàn
tay ông đã trở thành những hình hài sống động. Ông làm việc miệt mài.
Tính ông thất thường như thời tiết của xứ sở. Vui đấy, cởi mở đấy mà
cũng cáu giận , hờn dỗi đấy. Nhưng cô không quan tâm.
Ông
sống cô độc không người thân thích. Chính điều đó làm cô mơ hồ cảm thấy
cô sẽ là người thân của ông, hay ít ra là cô mơ hồ ước được như thế.
Bởi cô để ý thấy rằng, lần đầu tiên trông thấy khuôn mặt xấu xí của cô,
ông không có cảm giác ngỡ ngàng. Có thể, ý nghĩ ấy cũng chẳng có cơ sở
gì và chẳng có gì đặc biệt, nhưng tự nhiên cô thấy xúc động. Trước đây,
có vài người nói với cô bằng một ngữ điệu cũng dịu dàng nhưng cô không
tin, “họ chỉ thương hại mình!...”. Có lẽ, cái nhìn ngỡ ngàng hoặc cái
chau mày của buổi đầu họ gặp cô đã để lại một ấn tượng nặng nề. Còn với
ông, giọng nói khê khàn ấy không hiểu sao cứ ngân nga trong lòng cô.
- Cháu có nhiều bạn không?
Cô
lặng người trước câu hỏi của ông. Nói thế nào đây? Cô mà cũng có bạn ư?
Ai mà muốn kết bạn với một cô gái xấu xí như cô? Ở trường, cậu con trai
nào phải ngồi cạnh cô là vùng vằng, mặt đỏ lừ lên cứ như chạm phải
bỏng. Bọn con gái không ghét cô nhưng không đứa nào chịu sóng đôi với
cô. Cô không giận, bởi vì họ dễ thương, họ xinh đẹp. Ngay cả khi họ hờn
dỗi hoặc cãi vả nhau trông vẫn rất đáng yêu. Giữa cô và họ là một sự xa
cách vời vợi. Cô nhút nhát, không dám nhìn thẳng ai. Giờ ra chơi, cô
ngồi một mình trong lớp với quyển sách trên tay. Cô đọc không sót một
dòng một chữ nhưng lại chẳng nhớ gì cả. Tâm trí cô đang hướng ra ngoài
cánh cửa, nơi có tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa của họ.
Không
phải bây giờ mà ngay từ thuở bé, cô đã quen sống cô đơn. Tuổi thơ của
cô không hề biết đến sự ngọt ngào. Với cô, cha cô bao giờ cũng chỉ một
điệp khúc: “Cần gì? Thiếu gì? Muốn gì?... Cha cho...”. Mẹ cô, một người
đàn bà duyên dáng và cầu toàn, cũng chẳng bao giờ biết âu yếm, vỗ về cô.
Chỉ có một lần, cô bị ốm nặng, sốt li bì, thuốc gì cũng không thuyên
giảm. Lần ấy mẹ cô lo lắng ngồi bên cô, bà đặt bàn tay mát rượi, mềm mại
lên trán cô, rồi cúi xuống gần cô thì thầm: “Tỉnh dậy uống tí nước cam
đi con ơi!”. Chỉ có bấy nhiêu thôi mà cô suýt oà lên khóc. Lúc đó , cô
chỉ muốn ôm choàng lấy mẹ mà hôn để tỏ lòng biết ơn. Nhưng cô không thể,
cô đang rất mệt. Hơn thế, cô sợ nếu mở mắt ra, cái điều vừa diễn ra sẽ
không có thực. Và như thế, cô sẽ đau đớn. Cô nhắm nghiền mắt, nhưng nước
mắt cứ chảy thành dòng chan chứa, mũi cô đỏ lừ, cổ họng tắc nghẹn đến
nghẹt thở. Cô ho sặc sụa.
Cũng
có lúc tâm hồn cô nổi loạn. Một gương mặt xấu xí ư? Đấy đâu phải lỗi
tại cô. Đấy là những gì buồn bã và nhác nhớn của tạo hoá mà cô phải gánh
chịu. Cô đem lòng oán trách cha mẹ đã sinh ra cô. Nhưng khi trò chuyện
với ông họa sĩ già, cô hiểu thêm rằng chẳng ai là không gánh chịu một
nỗi đau nào đấy. Đêm đêm, cô thường trở về với thế giới cổ tích. Đâu rồi
lọ nước thần mầu nhiệm? Đâu rồi chàng hoàng tử của Lọ Lem?
* * *
Buổi
tối, ông họa sĩ thường đứng tựa vào lan can với đốm lửa lập loè trên
tay. Ông ngắm trời đêm… Thỉnh thoảng cô vẫn xem những tác phẩm do ông
vẽ, cô thấy ở đó ẩn giấu một niềm cảm thông mãnh liệt với cuộc đời. Và
chỉ trong khoảnh khắc ấy thôi, cuộc sống xung quanh cô như biến đổi hẳn.
Một
hôm, khi nhìn ông vẽ, cô chợt phát hiện mắt ông rất kém. Làm sao ông có
thể vẽ với đôi mắt như vậy? Trực giác chăng? Cô không hiểu lắm những
tác phẩm của ông. Cô biết rất ít về hội họa. Cô không thể lý giải mà chỉ
cảm nhận. “Tranh của ông rất đẹp!”, cô khen chân thành. Ông hoạ sĩ buồn
rầu: “Ông chưa có một bức nào ra hồn cả”. Cô ngạc nhiên. Giọng ông thì
thầm: “Cần phải vẽ ý nghĩ cháu ạ!”. Có thể vẽ được ý nghĩ sao? Câu nói
ấy quả là sự thách đố đối với cô. Cô chỉ cảm nhận được rằng đó là một
công việc khó khăn, một điều bí ẩn ngay cả với chính ông. Cô lẩm nhẩm:
“Giá mà ông có thể vẽ được những ý nghĩ của mình...”. Và cô tưởng tượng
chắc đó phải là bức tranh toàn những gam màu xám xịt, tẻ nhạt và u tối.
Một buổi sáng, cô gõ cửa phòng ông và thì thầm với ông một điều gì đó.
- Sao cháu không cho ông biết trước? Ông hoạ sĩ nhíu mày.
- Dạ, cháu chỉ nói để ông biết thế thôi chứ không có ý định tổ chức sinh nhật.
Ông
ngạc nhiên, còn cô buồn rầu im lặng. Được tổ chức sinh nhật là điều cô
ao ước, nhưng chưa bao giờ cô có được niềm vui đó. Đối với cha mẹ cô,
ngày đó là một ngày nặng nề. Hơn nữa, cô cay đắng nghĩ, nếu có tổ chức
chẳng qua cũng chỉ là sự hài hước, giễu cợt. Và bạn bè, ai là người đến
dự sinh nhật cô?
Cô
đã nói tất cả những điều thầm kín đó với ông như nói với một người đáng
tin cậy duy nhất. Ngay ngày hôm sau, khi cô đang đứng tựa vào lan can
ngắm nhìn chiếc gương khổng lồ của cảnh vật thì ông họa sĩ đến bên cô.
Ông đưa cho cô một cuộn giấy. “Tặng cháu đấy. Chúc mừng sinh nhật!”. Cô
vẫn im lặng. Ông nhắc lại: “Của cháu đấy!”. Cô đón nhận nó và từ từ căng
cuộn giấy ra. Và kìa... Cô đấy ư? Làm sao có thể tin được rằng gương
mặt dễ thương của người thiếu nữ mặc áo dài trắng, đang mải nhìn xuống
mặt sông tím biếc của trời chiều kia là chính cô? Cô bỗng có nhu cầu
được tự ngắm mình. Nhưng còn những chiếc gương?
Cô
chạy ra bờ sông, ngoài đó có một chiếc gương lớn. Cô nhìn xuống mặt
sông. Cô ngắm nhìn khuôn mặt của chính cô. Những đường nét xấu xí dường
như biến mất. Và chiếc gương khổng lồ của mây đang lung linh mơn trớn
làn da tươi trẻ của cô. Cô ngắm mình trong nỗi đam mê. Dòng nước lặng lờ
như chứa đựng trong mình nó một sự quyến rũ bí ẩn. Cô cúi thấp xuống
nữa, nhưng cô không thể ngã. Cô xúc động đến lặng người, một điều gì đó
mới mẻ đang thắp lên trong tâm hồn cô.
Điều
gì đã làm cô biến đổi trong chốc lát? Khung cảnh tuyệt vời của thiên
nhiên? Hay ông họa sĩ? Điều đó thật khó tách bạch. Nhưng trong những
giây phút diệu kỳ đó, cô bỗng nhớ đến ông họa sĩ. Cô sải những bước chân
dài lên cầu thang. Phòng ông vẫn hé mở như bao giờ. Một sự yên tĩnh đến
lạ lùng. Ông họa sĩ bất động trong chiếc ghế bành cũ, chiếc mũ nồi kéo
trễ xuống che khuất đôi mắt. Ông sẽ thức giấc hoặc vĩnh viễn không bao
giờ nữa? Cô không thể biết, nhưng cô không dám chạm vào người ông. Cô
đứng lặng ngắm nhìn ông. Trong mờ tỏ của hoàng hôn, cô bỗng cảm nhận con
người ông giống như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình bằng rễ cây. Và cô
thoáng thấy chút làn khói còn vương lại trên chiếc tẩu cầm tay của ông,
như thoang thoảng một mùi hương huyền ảo. Cô chợt hiểu ra, cô vừa trải
qua một giấc mơ, một giấc mơ có thật. Và chính ông là người đã vẽ nên
giấc mơ ấy để tặng cho cô. Cô mỉm cười và bỗng thấy lòng thanh thản lạ
lùng...
N.T.X
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét