T Ì N H Y Ê U K H Ô N G B A O G I Ờ C Ũ
Mang Vien Long
Cách đây hai năm, trong một lần phone về thăm, nhà thơ Hoàng Lộc có nói
ý định, đang chuẩn bị “ý tưởng” cần thiết cho tập thơ thứ 4 của anh.
Dịp này, anh cũng cho biết sẽ chọn lại trong hơn 500 bài thơ đã viết
trước và sau 75 - ở quê nhà hay lúc tha hương, và chỉ lấy khoảng 100 bài
cho tập thơ tình này. Nghe tin vui – tôi đã luôn động viên, nhắc nhở HL
là nên có một tập thơ sau hơn 12 năm ( tập Qua Mấy Trời Sương Mưa XB ở Hoa Kỳ năm 1999) để ghi dấu kỷ niệm một chặng đường dài sống gắn bó với Thơ!
Trong hai năm – chúng tôi thình thoảng tiếp tục trò chuyện về “ đứa
con” sẽ chào đời này, dầu tôi vẫn biết HL rất kỹ tính, thận trọng – và
không có gì tỏ ra vội vã! Nhưng, nếu nói theo lý “nhân duyên”– thì năm
2012 là năm “đủ duyên” cho tập thơ thứ 4 được ra đời – đỉnh đạt đến với
người yêu thơ tình Hoàng Lộc từ gần nửa thế kỷ qua…
CHO DẪU PHÙ VÂN
đã được phát hành đúng ngày Lễ Tình Nhân ( Valentine 14 th 2 – 2012) là
một sự trùng hợp thú vị. Cho Dẫu Phù Vân gồm 107 bài thơ tình đã được
HL sáng tác trong nhiều chục năm; được họa sĩ Đinh Cường ưu ái vẽ tranh
bìa và minh họa; nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trong Tạo tình nguyện trình
bày bìa – do nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp giấy phép. Sách dày 200 trang,
in trên giấy trắng láng, bìa cứng dày mầu nâu sáng nhũ chữ vàng, và lớp
bìa áo ngoài trên giấy satine láng cứng…Tất cả đã làm nên một tập thơ
tình thật trang nhã, mỹ thuật – nhưng giản dị. Có thể nói – đây là một
tập thơ quá đẹp!
Trong lời “ Cảm Tạ “ được đưa lên trang Blogs Thơ Tình HL – nhà thơ đã ghi: “…Đến
hôm nay, thi phẩm “ Cho Dẫu Phù Vân” cũng đã ở trên tay một số bằng hữu
và độc giả thơ tình Hoàng Lộc. Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân tình với
các bạn rất xa của tôi:
Nhà
báo Biki Bùi (Mascow), Nhà Văn Trần Thùy Mai (Huế), chuyên viên XB Đức
Bình (Sài Gòn) – là những người tôi chưa gặp bao giờ, đã hổ trợ cho tôi
một cách vô tư nhất để tác phẩm thơ Hoàng Lộc được ra đời. Chính những
người bạn này là những người đầu tiên nêu ý tưởng về việc in thơ Hoàng
Lộc tại Việt Nam- Quê hương tôi. Và với trách nhiệm trong công việc, các
bạn đã tận tình giúp tôi, nên tuy xa đến nửa vòng trái đất, mà chỉ
trong một thời gian kỷ lục, tôi cũng kịp có thơ tình tặng bạn đúng vào
dịp Lễ Tình Nhân năm 2012. Tôi cũng xin tạ lòng những bạn hữu khác đã
chăm lo cho sản phẩm văn hóa này: Họa Sĩ Đinh Cường (Hoa Kỳ), nhà thơ –
nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (Việt Nam), nhà thơ Phan Xuân Sinh ( Hoa Kỳ),
kỹ thuật viên nhà in Mỹ Ngọc ( Sài Gòn) (..) “.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc “Cho Dẫu Phù Vân”
không khác với ghi nhận lúc đọc tập thơ thứ 2 ( Trái Tim Còn Lại –XB
năm 1971 tại Sài Gòn của Hoàng Lộc qua bài viết được đăng trên tuần báo
KH lúc bấy giờ) : Hoàng Lộc chỉ “thích hợp” với thơ Tình! Qua hơn 40
năm, trang thơ tình Hoàng Lộc đã dần dần hình thành một “phong cách thơ tình HL riêng”
– ngày một phong phú, rõ nét và sâu sắc với nhiều cảm xúc mới, nhiều
tâm trạng lạ, nhiều ý tưởng rất tiêu biểu cho một phong cách “ thơ tình
rộng lớn” trong cõi tình riêng của đời mình! (Trong cõi tình riêng “anh &em”
này luôn bàng bạc cái tình chung của quê nhà, của số phận, của đời sống
quanh ta – đã đẩy những dòng thơ tình HL lên cao hơn, mạnh mẽ và mới lạ
theo từng biến đổi của nhịp sống, của sự từng trải, dày dạn thăng
trầm…)
Thơ tình HL không bay bướm, không gắng gượng tạo cái mới để hấp dẫn
đánh lừa người đọc – nhưng tự những cảm xúc chân phác, tự trái tim thao
thức trăn trở bao năm – đã bật nên những dòng thơ không thể đè nén, khỏa
lấp, hay quên lãng: Đọc thơ tình HL tôi luôn cảm thấy thật thoải mái,
gần gũi, cuốn hút thú vị vì sự giản dị chân tình, vì cái hồn nhiên trong
Tình Yêu, vì chính cuộc đời quá đổi phong trần của nhà thơ ! HL đã
sống & viết thơ tình cho chính cuộc đời mình bằng một ngôn từ không
mới, hình tượng không lạ – nhưng cái chính cái được xem là bình thương
kia đã làm nên sự phi thường trong thơ anh vì tính rất chân xác được
trải nghiệm, được ấp ủ bao năm - ( mà không thể có ngôn từ & hình
tượng nào thay thế được) – và không phải người làm thơ nào cũng nhận ra,
và làm được…
Ví dụ: Bài “Chổng Mông Trông Người “ ( trang 55 dài 6 đoạn – 24 câu). Xin lược ghi 3 đoạn :
“quần thủng đít ngó trời, trán vùi xuống gối
mẹ phá lên cười thấy anh nằm chổng mông
bảo: chỉ mình mi mẹ nuôi chưa nổi
em út làm gì –đừng con, đừng trông!
… mẹ nuôi một anh ra ngày khôn lớn
kể mấy mươi năm thôi nằm kiểu ấy
nghi hoăc người xưa nói lời xằng bậy
chứ thế nằm nào là thế trông em?
…như phép mầu rất kì diệu linh thiêng
hễ anh vừa chổng mông là em vừa ghé
anh muốn nói một điều riêng với mẹ:
con chổng mông nằm để trông tình!(..)
Trong bài “Vang Động”
( tr 7- dài 4 đoạn) đã được HL viết từ rất lâu – nhưng quả thật “âm
vang” bao năm ấy vẫn còn kéo dài suốt cuộc đời thơ anh – xin trích đoạn
cuối:
… “ lòng vẫn thế cứ theo cùng mây nổi
biết trong ta chẳng vắng được quê nhà
em vẫn thế của những ngày xưa cũ
là những ngày vang động mãi trong ta”
Đọc thơ HL – tôi cũng dễ nhận ra sự vi tế hòa hợp tự nhiên của nhạc
tính & ngôn từ - cho dầu là trong bất kỳ thể thơ nào! Âm nhạc nằm
trong ngôn từ, cách diễn đạt ngắt câu rất bất chợt, đầy tính sáng tạo.
Điều này đem lại nhiều thú vị cho người đọc thơ.
“ đã biết rằng yêu nữ sinh rất khổ
nào hay yêu cô giáo lại khổ hơn
ta, trái đất – một đời quay lảo đảo
một đời yêu mà chẳng thể tròn vòng (..)”
( Gởi Cô Giáo – tr 19 )
“ mời em chút rượu mừng sinh nhật
chắt ở đời ta – chắt của thơ
em thắp trăng thề khêu hẹn ước
yêu thương nán lại đến bao giờ?
…. đã chắt đến khi không thể chắt
chỉ bấy nhiêu - thơ cỗi, đời già
tưởng khóc, mới hay không thể khóc
ngồi giữa ngày sinh nhật một bóng ta(...)
(Rượu Mời Sinh Nhật – tr 32)
Và một đoạn trong “ Bữa Rất Buồn” ( tr 148):
“ đã buồn không bữa nào hơn
ngoài kia gió thổi
đêm trường
ủ ê
ra đi để trở lộn về
yêu em
để một đời nghe tồi tàn
…ta thèm được một cơn say
mà con sâu rượu lâu ngày đi đấu?"
Thơ lục bát thường được HL sử dụng, nhưng sự cách tân trong cách ngắt
câu, cách dùng ngôn từ bất chợt đầy sáng tạo – đã đem lại một sinh khí
mới cho thể thơ dễ làm, nhưng khó đạt nay.
“ hạt lệ ta, hạt lệ người
kể như đã thấm vào nơi tuyệt tình?
hạt lệ em hạt lệ mình
có khi rớt ở biển xanh mất rồi?
…sao không úp hạt lệ gần
lên vai nhau khóc một lần rồi thôi?"
( Nổi Chìm Hạt Lệ - tr 62)
“ anh đi về phía niềm vui
hỉ thần
ôi, hỉ thần ngồi tủi thân
anh đi về phía tình nhân
thì em vừa đủ mấy lần đổi thay
có không về một ngày xưa
là em
và thuở mình chưa có gì?
đã đời một đứa tình si
trang thơ bèo bọt từng khi trắng lòng (...)"
( Bài Xuất Hành - tr 158)
Là thơ tình – HL viết rất nhiều ( trên 500 bài) – nhưng mỗi bài, người
đọc luôn cảm thấy rất mới! Mới, vì nhiều lẽ : Trái tim yêu thương nhạy
cảm quá đổi chân tình ( cho dầu có nhiều cuộc tình khác nhau đi qua đời
thơ). Có thể nơi bản chất mầu nhiệm của Tình Yêu là không bao giờ cũ với
những trái tim thương yêu chân thành. Và – như một độc giả đã nhận xét:
“ .. Anh luôn chỉ viết về một chữ tình mà thơ của
anh đặc biệt hơn những người khác : Anh có viết bao nhiêu năm, tứ thơ
từ bao nhiêu người - thơ anh vẫn chuyên chở một khối thất tình dường như
chỉ với một người vậy. Khác là ở chỗ đó, và thơ anh có thể hay cũng ở
chỗ đó. Và ai đọc, họ cũng có thể nghĩ trước sau những bài thơ ấy chỉ
viết dường như với một .... mình (anh)”.
Tôi nghĩ thêm, thơ tình HL còn canh cánh đau đáu cái tình của quê hương
xa cách, của cõi đời vô thường biển dâu đầy hệ lụy của kiếp nhân sinh,
nên TY ở thơ anh rất rộng lớn, có thể bao dung được tất cả chăng? (Ví dụ
như bài thơ “ Lạc Địa” ( tr 16) mà tôi rất yêu thích - đã có
lần bày tỏ trước đây. Xin mời đọc trên vanchuongviet.org hay trên các
trang Website khác).
Có quá nhiều bài thơ tôi đã yêu thích từ rất lâu – nhưng trong giới
hạn của một bài giới thiệu – không thể bày tỏ cho thật đầy đủ. Chỉ xin
ghi nhận đôi điều tiêu biểu để kịp chia vui cùng nhà thơ & chia sẻ
cùng bạn đọc thân mến.
CHO DẪU PHÙ VÂN nhưng Tình Yêu vẫn mãi sống trong lòng mỗi chúng ta cho đến ngày tận thế?
Quê Nhà, đêm 18 th 02 năm 2012
MANG VIÊN LONG
Cùng tác giả
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét