1. Người ta đang giết rừng bằng cách đốn
trụi tất thẩy các loại gỗ. Rừng hấp hối trơ xương. Em đứng giữa rừng, em khóc,
áo sống em xộc xệch vật vã.
Ché Phương thoát khỏi rừng, lấy một ông Tây về thành phố ở. Có Hoài chiều nào cũng dựa vào gốc bằng lăng lão dưới đồi
thổi sáo, tiếng sáo buồn như chiếc lá rỗ vọng lên đồi nhà em nhức rát. Tiếng gió
núi, tiếng mây ngàn, tiếng dòng suối, tiếng thung sâu, tiếng chiều về, tiếng
trăng lên, tiếng lá rừng, tiếng sương khuya…. tất cả như dồn nén vào tiếng sáo
ấy. Gốc vải già mọc rêu. Váy áo ché treo đầy nhà ngang sẩm nhìn sẩm khóc, em
nhìn em nhớ, có Hoài đi qua con mắt dừng lại kiếm tìm. Cỗi bằng lăng làm em nhớ
tiếng sáo có Hoài, nghe được tiếng suối róc rách, mắt tưởng tượng thấy cối gạo
cụp cum cùng tiếng nước đổ òa, chỉ em về nhà, thấy mắt sẩm nước mắt sánh như
mật, thở hắt ra:
-
Tiếng sáo của thằng Hoài làm hoa bằng lăng sậm tím. Nhớ gì cái đứa bỏ đi…
Nhưng người ta đã xẻ thịt nó, chưa đầy 10p
cưa thân cây bằng lăng chừng hai người ôm đã nằm dài trên mặt đất, kéo theo
hàng chục cây khác cũng bị ngã. Em chạy quanh, gào lên, gã đàn ông bắp thịt
xoắn như thớ gỗ xà cừ trố mắt quát:
-
Con điên, phắn cho bọn ông làm. Mày điên à?
Con điên bứt nắm lá dập nát ném xuống suối
chạy ù trong mưa tóc rối. Em nhắn với ché Phương rằng người ta đã khai tử
gốc bằng lăng, ché hỏi: “Bằng lăng nào?”… Thì em biết ché Phương đã chôn
gốc bằng lăng từ dạo ché nói tiếng Tây nhiều hơn tiếng Việt. Thế nhưng cây bằng
lăng lão dưới đồi ngày ché đi hẵng còn xanh um. Duy nhất có Hoài héo như
cái mo cau. Tiếng sáo buồn như tiếng kêu con hoẵng lạc rừng.
Lòng Pá bạc như gốc cây hoa Đại. Pá bỏ sẩm
đi khi em đã có hai chị gái, một anh trai. Pá không hề biết em đang lớn dần lên
trong sẩm. Em ra đời không có pá, em gần bốn tuổi thì pá về mang về cho sẩm một
đứa em trai mới biết bò tên Thường giống pá như hai hạt mưa. Chưa được năm tuổi
pá bảo sẩm đưa em và ché Quyên cùng Thường về Hoàng Liên Sơn (ngày ấy chưa tách
tỉnh, giờ là Yên Bái) ở nhà chú Lợi. Nhưng pá không thật bụng, bụng pá như con
chim Trĩ, pá để chúng em ở nhà cô Liên rất xa nhà chú Lợi – phải đi bộ một ngày
đường và lội mười bảy con suối mới tới. Pá đi theo bố chồng cô Liên đánh sóoc
đĩa suốt ngày, có khi cả mười hôm liền pá mới về. Một lần đói rượu, pá đổi em
cho một người ở Quy Mông lấy một lít rượu. Từ chỗ cô Liên đi tới chỗ người Quy
Mông phải đi mất một ngày. Đường khó đi, nhiều suối, em cố nhớ được đường về mà
trốn. Em ghi vào óc từng mét đất, đi qua ba rừng giang, bảy con suối, nhiều
muỗi, vắt, rắn ghê lắm. Đường đến Quy Mông qua rất nhiều đồi bạt ngàn bông lau
và chuối. Lúc ấy em luôn sợ mình sẽ quên đường về với ché với sẩm nên tập nhớ
đường từ ngày ấy. Đến giờ thì tài nhớ đường của em như con nai nhớ lối về rừng,
hình như em chưa gặp được ai nhớ đường hơn mình dù đường xa, đường khó
đến mấy… Rồi cô Hà ở Hà Nội lên Hoàng Liên Sơn mua quế và đánh bạc, ché Quyên
nhờ mãi cô mới chịu gửi thư cho sẩm kể chuyện pá đổi em lấy rượu. May mắn là
thư đã tới tay sẩm. Sẩm mới sinh em út đặt tên Trường chưa được hai tháng Pá
cũng không hề biết. Sẩm bán thóc non lấy tiền đi tàu về Hoàng Liên Sơn đón
chúng em. Sẩm thả em Trường cho cô Liên đi tìm người Quy Mông, lậy họ, đền
rượu, đền gà xin mang em về. Pá đi đánh bạc, không biết sẩm như con trâu cái pá
cột bứt dây tìm con. Rồi sẩm đưa em và ché Quyên về, còn em Thường – con
trai của riêng pá, sẩm không đủ sức để đưa về nữa để lại cho cô Liên. Sẩm bế em
Trường còn ché Quyên ôm quần áo, em ôm mấy nắm cơm cô Liên nặn cho, và đi… Em Thường
chưa nói được nhiều nhưng lẫm chẫm chạy theo khóc gọi sẩm mãi, chân sẩm bối rối
như quấn dây mây nấp ở bụi cây, sẩm khóc như con khỉ bị người ta bắt con. Về
Yên Thế, những ngày em hạnh phúc nhất là những ngày vắng pá, em lớn theo cây
vải, đi học với chúng bạn và quên đi những điều về pá như quên đi những điều
xấu xa tồi tệ. Năm sau pá đưa em Thường về. Thường như người rừng và khờ khạo.
Đôi mắt Thường hoảng hốt như con thú nghe tiếng súng săn mỗi khi gặp người lạ.
Em không thể nói như một đứa trẻ bình thường mà nói rất khó khăn. Đến 15 tuổi
Thường vẫn còn nói lắp. Sáng khi con chim đập cánh đầu nhà cất tiếng gọi mặt
trời, sẩm đánh thức Thường dạy sớm, bảo Thường vục mặt xuống vại khô tập nói.
Thường tập nói mãi trong vại khô đỏ cả mặt cho đến khi nắng đã rõ sẩm mới cho
thôi. Rồi sáng nào cũng vậy. Phải đến ba mùa vải Thường mới không còn nói lắp
nữa, cũng không giống người rừng.
Pá chỉ biết uống rượu, đánh bạc, đánh sẩm
với chúng em thôi. Có lần pá lấy tiền đi đánh bạc sẩm không cho, pá cột tóc sẩm
vào chân giường mà đánh, bắt mấy chị em ngồi quỳ xung quanh cấm không đứa nào
được khóc hay la hét, nếu có tiếng kêu thì sẩm sẽ bị đánh tiếp. Chúng em chỉ
biết nhìn và sợ hãi thôi. Lấy được tiền, pá cười ngạo nghễ đi. Tháo dây
cho sẩm, sẩm ôm chúng em khóc. Có khi nửa đêm mấy sẩm con đang ngủ người ta đến
đuổi đi vì pá đã gạ nhà thua sóoc đĩa. Lúa gặt về mới suốt xong người ta mang
bao tới cân bảo pá thua bạc. Sẩm nhìn theo những bao lúa tươi, mắt loang nước,
giọng méo đi lẩm bẩm: “Giàng ơi, giàng cho ông ấy đi xa quả núi này, ngọn đồi
này, qua suối, qua khe tránh xa sẩm con tôi… Giàng ơi…”.
Em không biết người đó là pá của chúng em
hay là kẻ thù đáng căm hận nhất cuộc đời này. Pá để lại cho chúng em nỗi ám ảnh
sợ hãi bởi những trận mưa đòn, và sự nhục mạ khủng khiếp… Hồi ấy em luôn cầu
mong sẩm có thể mạnh mẽ để bỏ pá hay công an hãy bắt pá vào tù nhốt thật lâu
hay ai đó cứ mang pá đi thật xa, xa mãi không bao giờ trở về nữa. Nhưng không
phải vậy, pá chỉ đi lên Trại Cau – Thái Nguyên để đánh bạc và uống rượu, chơi gái,
lúc nào thích thì về nhà đòi tiền sẩm và đánh đập chúng em. Em mười một tuổi,
lần thứ hai pá bán em bên chiếu bạc lấy 140.000 đồng cho pá bạn Cần đưa đi Trung
Quốc để pá có tiền đánh bạc. Khi em bị đưa lên xe thì Cần - bạn học chung
lớp với em đã khóc xin pá bạn ấy đừng đưa em đi: “Thìn không muốn
có bố mẹ giàu hơn đâu, bạn ấy học giỏi lắm, cô giáo thương bạn ấy lắm, mẹ bạn
ấy đang làm cỏ lúa ngoài kia kìa, pá bán lại cho mẹ bạn Thìn đi”. Hồi ấy ở quê
luôn rộ lên chuyện đưa trẻ con ra Trung Quốc mổ lấy nội tạng mà thật hư
thì không ai biết. Pá bạn Cần mở cửa xe bế em sang xe Sim Son đưa về nhà. Sẩm
thương con như con mèo thương con, ai muốn bắt thì bắt không biết dành lại hay
bảo vệ. Có Hoài thương ché Phương, pá bảo có Hoài nuôi lớn hai con ghé thành hai
con trâu mộng sang đổi ché Phương thì pá cho không. Nhà có Hoài nghèo chẳng có
trâu, có nghé. Có Hoài đi rừng đi rẫy, trồng vải. Có Hoài quen thuộc từng gốc
măng, canh người lạ không chạm đến rừng. Người dân tộc chúng em yêu cái rừng,
cái rẫy như yêu cái nhà, cái bếp nhà mình không ai giết rừng đâu. Vải chín đỏ
cây nhưng rẻ như mớ củi bán được rất ít tiền. Chiều chiều có Hoài dựa gốc bằng
lăng thổi sáo, pá rú đông đổng :
-
Cái thứ cú vọ đang hú đầu ngõ nhà tao đi đâu thì đi đi. Tao lấy nỏ tao bắn
chết.
Ché Phương chạy vào nhà ngang bật khóc.
Ché đẹp nhất bản. Da trắng như hoa mận, môi thắm tươi như hoa đào nở hồng vách
núi, đôi cánh tay đánh đường xa dẻo như cơm nếp, tóc búi cao thành búi, váy áo
nồng nàn mầu mây núi. Sẩm đụn rơm quấn quanh nồi cơm, bê xoong cám lợn gấp đôi
người đặt lên bếp, em thấy sẩm khóc như thóc nở bắn ra từ đụn rơm bén lửa. Em
lén xuống đồi dối có Hoài rằng ché Phương không thích nghe sáo đâu, có Hoài mua
ghé về nuôi đi rồi sang đổi ché Phương. Bỗng thương cây sáo có Hoài cầm trên
tay. Tiếng sáo gọi chim rừng về tổ, gọi mặt trời xuống núi, gọi vải chín đúng
mùa nhưng không gọi được ché Phương xuống gốc bằng lăng với có. Mười lăm tuổi,
mắt em lúng liếng, nụ cười em thơm giòn như nắng nhưng có Hoài không
thấy, có Hoài chỉ biết mỗi ché Phương. Có Hoài buồn như đám lá mục trong rừng
bảo em mang túi quả trám cho sẩm kho cá diếc có vừa bắt ngoài suối. Em nom theo
bước chân có Hoài không về nhà mà lội ngược lên rừng. Sẩm với chúng em không
được ăn cá diếc kho trám đâu, pá nhắm rượu một mình một mâm. Em Thường chui vào
nhà ngang lắp bắp hỏi sẩm:
- S..ao..s…ao…
m..ình…khô..ng…được…ă…n ..cơ..m… c..á.. kho…hả…s…ẩ..m?
Pá ném hột trám vào em Thường gầm lên:
-
Tiên sư nhà chúng mày không biết ta đang nhắm rượu à?
Ché Phương bỏ nhà đi lúc nào trong nhà
không ai biết. Ché chỉ mang theo chiếc váy có nhiều dây đăng ten lần bán vải
dưới xuôi ché mua còn để lại hết váy áo của người Nùng. Sẩm chạy bằng bốn chân
hú gọi ché. Tiếng bước chân của có Hoài nện vào núi băng băng, tiếng có Hoài
xao xác như tiếng cánh chim thấy động bay lên. Pá dốc cút rượu vào miệng văng
lời:
-
Cái giống lợn cái đi tìm lợn đực, khóc gì? Đỡ tổn miệng ăn… Mất toi cặp trâu
mộng.
Có Hoài thổi sáo, tiếng da diết như con
hoẳng gọi rừng. Buổi chiều ấy. Mưa phùn. Gió bấc. Em tìm có Hoài. Có ngồi thổi
sáo bên đầu nguồn sông Thương. Có ngừng thổi sáo, hỏi em đầu ngõ bằng
lăng sáng nay còn trổ đoá hoa muộn, ché Phương có biết đường về? Em dằn dỗi bảo
ché Phương chẳng thèm nhớ hoa bằng lăng đâu, chẳng thèm nghe tiếng sáo vọng để
trở về. Có Hoài im lặng thổi sáo. Nước sông Thương vô tình ngủ lịm trong heo
may hiu hắt. Ché Phương đi độ ba tháng, có Hoài không thổi sáo nữa. Cũng không
ai đưa trám với cá diếc cho em đem về sẩm kho pá nhắm rượu còn em quét đít nồi
ăn với cơm. Người trong bản kháo nhau có Hoài bỏ đi làm ở Bình Phước lấy cớ tìm
ché Phương mặc cho ché Phương chê trai bản. Rẫy nương vắng có Hoài cỏ mọc lún
đầu, rừng vắng có Hoài bị chặt trơ gốc. Rẫy vải có Hoài lười ra quả, trổ chùm
thưa nhỏ như quả nhãn. Em đi qua gốc bằng lăng thấy có vết mòn lưng có Hoài dựa
vào, vắng tiếng sáo hoa bằng lăng đến mùa bớt tím. Em sờ tay vào vết lõm như
thấy còn ướt mồ hôi có Hoài, ướt nước mắt có Hoài khi không có trâu đổi ché
Phương. Bụng em nao nao nhớ tiếng sáo… Nửa năm thì ché Phương thư về bảo ở Sài
Gòn, có ông Tây cưới ché, thương ché lắm. Ché bảo em gặp có Hoài bảo đừng tìm
ché nữa, ché không bỏ phố về rừng đâu. Ché Quyên thở dài nói nhỏ như tiếng lá
khô vỡ:
-
Ché mà được người yêu như có Hoài thì chẳng bỏ rừng đi đâu…
Em nhìn ché Quyên lạ lẫm, cái hồn ché
Quyên chẳng nhẽ bị tiếng sáo có Hoài bắt đi ư? Tiếng hát ché Quyên chao nghiêng
sóng nước sông Thương Bằng tuổi ché, gái bản có con cõng sau lưng, con
dắt theo tay. Có Hoài ơi, theo con trăng về bản đi… Hoa nhà mình nở sàn nhà khác
mất rồi.
***
2. Sẩm như con hến, im lìm. Có lần em bị
pá đánh dập hai bắp chân vì tội không cho pá đem váy áo ché Phương mua cho em
đổi lấy rượu, sẩm trông thấy nhưng không dám ngăn pá, chỉ đỏ mắt như con nhím
xếp hết gai bất lực nhìn con bị đánh. Em giận sẩm rất lâu, ngoài mời sẩm trong
bữa ăn thì em không hề nói với sẩm điều gì, cả việc cô giáo nói mời phụ huynh
đi họp em cũng không nói…. Nhưng em thương sẩm lắm. Hồi em với ché Quyên đi học
về sẩm mới bừa xong bãi trước nhà để trồng lạc, khắp người sẩm ướt đẫm, mặt đỏ
bừng, sẩm chỉ kịp tháo bừa ra, gọi ché Quyên xem trâu vì trâu đi mượn. Sẩm vào
nhà không kịp bỏ nón ra ngã xuống. Em và em Thường, em Trường gọi sẩm mãi không
được. Em chạy sang nhà dé Tòng khóc gọi :
- Sẩm
cháu chết rồi cứu sẩm cháu dé Tòng ơi.
Dé Tòng chạy sang nói:
-
Sẩm mày cảm rồi, lấy thau nước nhanh lên.
Em chạy ra giếng múc nước chân vấp ngã
chảy máu, dé Tòng lột áo sẩm ra bẹo thâm tím hết lưng và trước ngực, ngực sẩm
beo như quả chanh héo thương ơi là thương, dé Tòng giục pha nước chanh. Nhưng
nhà làm gì có đường sẵn, em Thường chạy mãi vào làng xin đường về pha nước cho
sẩm. Một lúc sau sẩm tỉnh lại thấy mấy đứa em khóc, sẩm nói:
-
Sẩm không chết đâu, các con đừng khóc. Sẩm mệt nên ngủ tí thôi.
Em thấy thương sẩm hơn bao giờ hết
và ân hận vô cùng. Từ đó em biết rằng chúng em sẽ không thể lớn lên nếu thiếu
sẩm. Em càng căm hận pá, pá như con tinh tinh phát cuồng, như con hổ đói sẵn
sàng xé thịt bầy con, em chỉ ước có tay thợ săn nào giương nỏ cắm phập tên vào
ngực pá hoặc là chính em sẽ cầm rìu bổ vào pá. Ngày chủ nhật em đi bán củi rất
sớm, ra chợ em gửi ché ở xã bên bán giúp còn em đạp xe một mình đi tìm pá với
cái rìu chằng sau yên xe. Em đạp lên rất nhiều dốc, đường xa chín lần con ngựa
mỏi, gần trưa tới Trại Cau ( ở đó có rất nhiều người đi đào vàng từ khắp nơi đổ
về, có cả gái và thuốc phiện, để phục vụ cho những ông chủ có tiền, những con
nghiện thuốc, nghiện bạc và chiêu đãi cho lính đào vàng khi trúng quả
đậm). Em vào từng lán tìm pá, người ta không cho vào em cứ đi. Bị người
ta bạt tai, đá đít, đau lắm. Em vừa đi vừa khóc, vừa chửi, vừa gọi :
- Pá ơi về đi sẩm sắp chết rồi.
Người ta thấy tội chỉ cho lán có pá
ở trong. Thật khủng khiếp khi em nhìn thấy cảnh tượng pá em nhồng nhộng hì hục
cày lên người đàn bà to gấp hai sẩm em. Em bửa rìu lung tung trước cửa lán,
chửi ầm ầm:
-
Lũ chó chết chúng mày đáng chết hết!
Em quăng cái rìu vào trong đấy và
không biết làm gì nữa. Pá không cả kéo quần cứ thế gầm lên chạy ra ngoài tát em
mấy phát như trời giáng. Em đau. Khóc và bỏ chạy, pá lôi em lại xô em ngã chầy
mặt, dúi em vào cái nơi pá đã cùng sẩm sinh em ra, cái nơi pá vừa hì hục trồng
cây chuối nơi đám lầy của mụ đàn bà mà chửi, đuổi rồi ném em ra bãi đá gần suối:
-
Cút mau. Tao chém chết. Về với con sẩm già héo xơ mướp của mày đi.
Em bò dậy chạy vào lán, luồn qua háng pá
nhặt cái rìu. Mụ đàn bà hẩy vú, nhẩy đổng vỗ bồm bộp vào cửa mình hất về phía
em mỉa mai:
-
Sẩm mày bằng cái này của tao không? Pá mày bảo vú con sẩm già nhà mày phẳng như
đường cái quan ấy. Háng sẩm mày cạn như con suối khô ấy…
Bọn họ cười xồng xộc rất ghê rợn.
Hôm ấy rất muộn em mới về nhà, sẩm không
biết cứ tưởng em bán củi ế, thấy mặt em sưng, xướt xát sẩm nghĩ bị ngã xe. Sẩm
không hỏi em có đau không mà hỏi:
-
Xe có sao không?
Em thấy tủi thân nhưng không trách
sẩm, nhà cũng có cái xe là giá trị nhất nó hỏng thì tiền đâu sửa, xe đâu đi
bán? Em tự trách mình sao không khỏe mạnh để cầm rìu bổ chết những con người
đốn mạt đó. Treo cây rìu lên gác bếp, em nhủ sẽ có lúc em dùng rìu để băm nát
con tinh tinh phát cuồng Pá em.
***
3. Vài năm sau, Pá không dám về nhà đánh
sẩm, đánh chúng em nữa, vì có tài Giang ra quân đã là một đảng viên làm cán bộ
cho xã. Bãi vàng Trại Cau cũng hết rồi, pá vào Cây Vối sống với một người
đàn bà bất thường ( người ta nói bà ấy bị điên) với hai đứa con riêng của bà
ta. Nghe đâu sau này có với pá hai người con nữa. Người trong bản kể lại với
sẩm có trông thấy pá thất thểu xách chai rượu không lên rừng, định chào một
tiếng thì pá đã mất hút trong mấy rặng cây, nhìn thấy cái bóng mà không thấy
người. Pá như con ma xó mất rồi. Pá đã bị Giàng trừng phạt. Con ma nó
không cho Pá làm người đâu, phải bỏ đi không dám chạm mặt người ở bản đâu! Sẩm
nghe, mắt đỏ hoe không nói gì còn em thì lòng tịnh không chút xót. Từ đó, sẩm
cử động như một cái bóng âm thầm trong nhà ngang, em có cảm giác sẩm cố sống
cho hết kiếp người. Sẩm còn thương nhớ cái con người đã làm sẩm khổ cả đời ư?
Pá bị ma bắt rồi, sẩm ấm cái bụng, thảnh thơi cái đầu sao sẩm lại buồn? Sẩm đi
tìm pá, em thương sẩm đi theo. Nhưng ở Cây Vối người ta kể không ai biết người
đàn bà thất thường với pá đã bỏ đi đâu. Hỏi mãi mới có người ở cuối bản nói, pá
dắt người đàn bà nọ cùng bốn đứa con như búp măng ghẻ đi về phía dẫy đồi cao
nhất Cây Vối nhưng pá không phải là người đâu, pá không nói được tiếng người
nữa, con mắt pá như mắt mèo hoang rồi. Em về lấy cây rìu vẫn treo lên gác bếp
quăng xuống sông Thương… Hận thù trong em tan như đám mây trắng trên đỉnh đồi
kia rồi.
Mười tám năm em thấy ông mặt trời đi qua
đỉnh cây bằng lăng lão. Ba năm có Hoài bỏ đi. Rừng cũng chạy xa bản
khi người xuôi vào tìm gỗ, nhận đồi trồng vải, trồng bông. Chừng ấy năm,
con nai, con hoẳng nhớ rừng ra sao thì em nhớ tiếng sáo có Hoài bấy nhiêu.
Nhưng có Hoài như cái bóng của rừng, lùi xa, lùi xa mãi. Người ta không giữ nổi
rừng như có Hoài bỏ đi, như em ngày đó là đứa quay xa dẻo nhất, đứa dệt vải hay
nhất nhưng không thể nào giữ tiếng sáo bên gốc bằng lăng dưới đồi. Mà ngay cả
cỗi bằng lăng cũng đã bị người dưới xuôi biến thành cái bóng, nhựa trăm năm tứa
ra tràn trên mặt gỗ bị cưa…
Rừng có Hoài ngày đó trông giờ lởm chởm
như cái đầu trẻ con cắt đầu đinh bị hỏng… Rừng như cái bóng càng ngày càng lùi
xa pá em biết ẩn vào đâu…
Sẩm em, khi con chim đập cánh đầu nhà cất
tiếng gọi măt trời lủi thủi trồng những cây con trên đồi trọc.
Cà
Mau, cuối năm 2011
Nguyễn
Thị Việt Hà
* Chú thích: Có: anh; Có tài: anh cả; Ché
: chị; Sẩm: mẹ; Pá : Bố; Dé : Bác
(Phương ngữ dân tộc Nùng)
Truyện viết hay! Xin chúc mừng tác giả!
Trả lờiXóa