QUỐC TỔ
Nét độc đáo đặc sắc của
người Việt là có một ngày Quốc giỗ chung cho vị Quốc tổ - vua Hùng (10.3 âm
lịch). Đạo lý của người Việt là luôn tôn kính, tưởng nhớ không chỉ với Quốc tổ,
mà còn thờ phụng cả cha mẹ vua Hùng là Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, thờ tổ tiên
và các anh hùng dân tộc.
Từ thời nhà Lý (thế kỷ 11)
đã cho xây đền Vệ quốc, thờ các anh hùng dân tộc; đền thờ Đồng Cổ ở Thăng Long
được Lý Thái Tông cho xây dựng năm 1028 và được lấy làm nơi để bách quan triều
thần hằng năm đến đây thề hiếu, trung vào ngày 25.3 âm lịch. Đền Hùng (Phú Thọ)
- nền móng kiến trúc bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, đến
thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh. Vua Lê Thánh Tông cho lấy giỗ
Quốc tổ làm quốc lễ và từ đó ngày mùng 10.3 là ngày giỗ Quốc tổ.
Cũng thật hiếm thấy nước nào
như Việt Nam có ngày giỗ Quốc tổ với truyền thuyết họ Hồng Bàng, cả dân tộc
Việt có cùng cội nguồn, là con cháu Tiên Rồng (đồng bào); cùng với những truyền
thuyết đầy tính nhân văn như bánh chưng bánh giầy: vua coi trọng ẩm thực của
ngon vật lạ với ý nghĩa sâu xa triết lý vuông tròn, của đạo hiếu đối với cha mẹ
tổ tiên nhằm chọn người kế vị ngôi báu.
Cũng hiếm có nước nào thời
lập quốc có những truyện cổ tích như truyện Thánh Gióng với tinh thần thượng
võ, tự hào dân tộc; truyện Trầu cau với tình chung thủy; truyện An Tiêm với
tinh thần khai phá khẩn hoang, tự lập, không phân biệt sắc tộc màu da hay
truyện Chử Đồng Tử đề cao tình yêu không phân biệt giai cấp...
Việt Nam thật sự đã có triết
lý sống từ khi lập quốc cho đến nay và nó càng ngày càng phong phú, rất đáng tự
hào, như: “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “thương người như thể thương thân” hay
“ở đời muôn sự của chung”, “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà
thay cường bạo” khiến cho người Việt luôn giữ được độc lập dân tộc, luôn giữ
được bản sắc văn hóa dù phải trải qua bao cuộc xâm lăng của kẻ thù nhằm chiếm
đoạt nền độc lập, nhằm đồng hóa dân tộc Việt.
Xã hội ngày càng phát triển,
công nghệ ngày càng hiện đại, thế giới trở nên phẳng thì sự giao thoa, va chạm,
thậm chí thôn tính văn hóa là một thách thức. Nhưng càng thách thức lại càng có
thời cơ, nhất là khi nhà nước chủ trương xây dựng một nền văn hóa tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc. Việc đề cao, coi trọng trở về nguồn cội, đại hòa dân
tộc, thờ Quốc tổ, thờ anh hùng dân tộc, thờ tổ tiên tại các đền, các đình khắp
nơi cùng các triết lý sống của người Việt Nam rất đáng tự hào và là cốt lõi giữ
gìn bản sắc Việt để đất nước phát triển hùng mạnh.
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
(Tiến sĩ sử học)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét