Tôi thường nghe thơ Đào Viết Bửu. Thơ anh có chất hào sảng của người trí thức lỡ vận, cái giọng chân chất, ngậm ngùi của người nông dân một nắng hai sương, và cả tính đằm thắm ngọt ngào của người đang yêu và được yêu! Đào Viết Bửu hát và ngâm thơ đều hay. Cuộc rượu nào mà có anh, thì thế nào cũng có tiếng Đào Viết Bửu ngâm thơ sang sảng và sau đó là tiếng cụng ly ào ào tán thưởng. Tôi thì không biết uống rượu, chỉ nhấm nháp ly bia, nhưng thường ngồi chơi với anh em, và nhìn Đào Viết Bửu uống rượu, ngâm thơ cũng hào hứng và thầm nghĩ: Các nhà thơ sống khí khái, cao sang thật! Nhiều lần như thế, nghe Đào Viết Bửu đọc bài thơ “Con chó lên rừng” mà rưng rưng trong dạ!
Ấy là vào năm 1990, sau khi nghỉ dạy vì đồng lương không đủ sống, “về với ruộng” thì ruộng đày ải xót xa, Đào Viết Bửu lên Tây nguyên kiếm sống. Anh làm rẫy, trồng cà phê ở Ea H’leo - Đắk Lắk. Một hôm đang cuốc đất, xa trông trên tảng đá to một con chó nằm đó, tưởng hòn thạch cẩu. Anh bỏ cuốc xăm xăm tìm lối đến gần, ngắm kỹ. Nghe tiếng động, con chó nhỏm dậy, cất tiếng sủa. Thì ra đó là con chó của một người ở quê đem lên rừng cho có bạn. Nhìn con chó, ngẫm phận mình, nỗi đau xót, nhớ thương, cay đắng trào dâng. Và bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đó.
Khổ đầu là lời thơ tự sự, nhưng đã thoáng trữ tình:
Con chó dưới quê lên rừng nằm đá
Tiếng sủa tẻ buồn đá dun dún tìm hơi
Thoáng xa trông ngỡ nó – hòn thạch cẩu
Cơ hồ sơn khê đổi dạng thay hình.
“Tiếng sủa tẻ buồn đá dun dún tìm hơi” - câu thơ gồm hai nửa tự sự và trữ tình. Đá vốn là thứ vô tri, nhưng nghe “tiếng sủa tẻ buồn” của chó, cũng khẽ rung động, muốn chia sẻ với người “đá dun dún tìm hơi”. Một cảm quan tinh tế xuất hiện từ khổ thơ đầu, chứa đựng nỗi niềm của người trong cuộc!
Khổ thơ thứ hai cũng là sự trộn lẫn giữa tự sự (1,5) và trữ tình (2,5), nhưng tỉ lệ cao hơn, nghiêng về phía trữ tình.
Tôi khựng khịu qua con mắt chó nhìn
Những đám khói bạt sương cháy lòng đất thức
Cuộc mưu sinh cơn lốc
Cây cà phê Badan háo hức con người
Theo hướng “con mắt chó nhìn” mà gợi lên trước mắt và nôn nao (khựng khịu) trong lòng cuộc sống vật vã của mình và bao người hôm nay. Tất cả như một cơn lốc: nhiều người rời đồng bằng tìm lên cao nguyên, rời đất ruộng trồng lúa chật hẹp, mà lên vùng đất badan rộng lớn trồng cà phê, “háo hức” đợi chờ những thành quả tốt đẹp. Bốn câu thơ chứa đầy hình tượng, vẽ ra cuộc sống lao động vất vả trong đợi chờ, hy vọng, khao khát đến “cháy lòng”. Người viết lấy cụ thể để nói trừu tượng, mượn hình ảnh để thể hiện tấm lòng. Ảnh và tình trộn lẫn vào nhau trong những câu thơ dùng nhiều thanh trắc để nói cái tình đau xót (khựng khịu, đất thức, háo hức).
Khổ thơ thứ ba chỉ còn lại trữ tình. Không còn hình ảnh con chó buồn bã trước cảnh lạ núi rừng, mà là nỗi thổn thức nhớ quê trong lòng kẻ ly hương.
Và cũng ngậm ngùi em lấp trong giọt mồ hôi
Thương nỗi làng mỗi ngày thêm người vắng
Cây lúa xưa nay chẳng làm ai nghèo ngặt
Mà không thể nào giữ lại kẻ xa quê
Hiện thực cuộc sống vất vả mưu sinh là thế! Chó và người đều buồn trong cái hoang sơ nơi xứ lạ, hy vọng đợi chờ những gì tốt đẹp, nhưng tất cả đang còn phía trước. Nỗi nhớ quê khơi dậy bất ngờ. Đó đâu chỉ là hoài niệm, mà là sự lắng đọng nghĩ suy.
…ngậm ngùi em lấp trong giọt mồ hôi
Thương nỗi làng mỗi ngày thêm người vắng
Nhớ người vợ chờ trong cuộc sống vật vã nơi quê, thương xóm làng hiu quạnh vì bao người ra đi kiếm sống. Hai câu cuối lắng đọng chiều sâu suy nghĩ, để càng buồn thêm, bật lên như một lời than:
Cây lúa xưa nay chẳng làm ai nghèo ngặt
Mà không thể nào giữ lại kẻ xa quê
Ruộng đồng vẫn phì nhiêu, tươi tốt. Cây lúa vẫn đem lại hạt gạo nuôi sống con người. “Cây lúa xưa nay chẳng làm ai nghèo ngặt”- chân lý hiện hình trong câu thơ. Liền theo đó là một nghịch lý bày ra như một sự thực trần trụi đến xót xa: Mà không thể nào giữ lại kẻ xa quê
Tôi nghĩ rằng từ “xa” trong ngữ “kẻ xa quê” ở đây dùng chưa thật đắc. Người ta xa quê có nhiều lý do, có thể buồn nhưng chưa hẳn là đau. Nhưng thương làng, yêu đồng ruộng, mà phải ra đi kiếm sống, thì mới là đau thật! Nếu sửa chữ “xa” thành chữ “yêu”, để diễn được ý đó, chắc câu thơ sẽ có chiều sâu hơn: Mà không thể nào giữ lại kẻ yêu quê! Tất nhiên đó là nghệ thuật dùng từ của người viết, nó là một thứ công phu khổ luyện, tôi chỉ lẩn thẩn nghĩ thế thôi! Tôi là người không viết nổi một câu thơ, thì biết làm sao được chuyện bếp núc của nhà thơ!
Tập thơ “Ngày rêu xanh” (Đào Viết Bửu ) có nhiều bài khá, nhưng tôi thích nhất bài này. Mượn hình ảnh con chó ngơ ngác buồn trên rừng, mà nói chuyện con người bơ vơ, thẫn thờ trong cuộc sống gieo neo cũng là giỏi. Bài thơ đọc thoáng thì như trúc trắc, đọc to hay ngâm lên sang sảng như Đào Viết Bửu, thì thấy mạch thơ tuôn chảy như dòng nước đi qua bao ghềnh thác cheo leo. Chất hiện thực và lãng mạn trộn vào nhau, như cuộc đời Đào Viết Bửu cũng là một bài thơ khó đọc! Nhưng đẹp và hay! Vì thế, lâu lâu không gặp Đào Viết Bửu cũng nhớ, phải “đội nón đi mời” anh uống rượu, để được nghe anh đọc thơ. Thích lắm thay!
27.3.2012
Huy Nguyên
Con chó lên rừng
Đào Viết Bửu
Con chó dưới quê lên rừng nằm đá
Tiếng sủa tẻ buồn đá dun dún tìm hơi
Thoáng xa trông ngỡ nó – hòn thạch cẩu
Cơ hồ sơn khê đổi dạng thay hình.
Tôi khựng khịu qua con mắt chó nhìn
Những đám khói bạt sương cháy lòng đất thức
Cuộc mưu sinh cơn lốc
Cây cà phê Badan háo hức con người
Và cũng ngậm ngùi em lấp trong giọt mồ hôi
Thương nỗi làng mỗi ngày thêm người vắng
Cây lúa xưa nay chẳng làm ai nghèo ngặt
Con chó dưới quê lên rừng nằm đá
Trả lờiXóaTôi khựng khịu qua con mắt chó nhìn
Cuộc mưu sinh cơn lốc
Cây cà phê Badan háo hức con người
Cây lúa xưa nay chẳng làm ai nghèo ngặt
Mà không thể nào giữ lại kẻ xa quê
==================================
Buồn cho những người phải sống xa quê. Mà nơi nào sống tốt là quê hương đó anh Duyên ơi! Chúc anh Duyên khỏe, vui nhiều
Chào anh Phương,
Trả lờiXóaCảm ơn anh đã ghé thăm và chia sẻ! Rất mong những sáng tác mới của anh cộng tác với Hương Quê Nhà!Chúc anh nhiều niềm vui trong cuộc sống!