Tai nạn xảy ra với tôi hồi tháng ba, năm
chín sáu. Liệt hai chân do chấn thương cột sống. Phải trên hai tháng, sau cú
ngã kinh hoàng đó, tôi mới có thể vịn tường đi lại quanh nhà. Thêm vài tuần
nữa, tôi mới lết bết ra được biển. Lần đầu hãi quá, nhất là lúc sang đường.
Phải nhờ người giúp và cứ thế mà bấu lấy họ bất kể là đàn ông hay đàn bà. Cứ
vai rụt, vai co. Chân xiêu, chân xọ. Người co rúm lại đến là thảm.
Ở biển suốt nửa tháng liền, tôi chỉ lẫm
chẫm bước dọc mé nước. Ngán nhất là đoạn băng qua bãi cát để đến gần hơn với
sóng. Lần nào cũng ngã. Ngã chúi đầu chúi óc. Có hôm uất quá, ngồi phịch xuống
giữa bãi khóc như trẻ con. Nghĩ bố mẹ đẻ mình ra tay chân đâu có… “dở hơi” như
thế này. Thế là cố gượng dậy và tập bước tiếp. Thích lắm, khi được đi trở lại
và thích hơn, khi đặt chân mình lên cát ẩm và dẫm ngập trên sóng. Đi như thế,
nghe ra cũng là quá sức với một người vừa khỏi bệnh như tôi và, cũng do cố quá
nên bị mất thăng bằng. Có lần, không làm sao nhấc nổi cái chân mà cơn co giật
lại ập đến. Tôi đứng luống cuống, run rẩy, giữa cát và nước. Chỉ sợ người mình
đổ sụp xuống và sóng cuốn ra mãi ngoài khơi. Cuống quá, đành quơ đại một người
đi ngang, không ngờ, cả mình và người ấy ngã dúi vào nhau. Ngã, nhưng tôi vẫn
được giữ chặt và ôm cứng. Qua lúc hoảng loạn, tôi nhìn lại và giật mình: thì ra
là một bà cụ, chắc tuổi cũng cao lắm rồi. Tôi ngao ngán cho tình cảnh của mình
nhưng rất sung sướng vì được giúp đỡ kịp lúc và mừng hơn vì đó là đàn bà. Cứ
hình dung là một ông nào đấy thì… dị hợm biết là dường nào. Tôi chưa kịp nói
lời cảm ơn, cụ đã lên tiếng trước:
- Cháu có làm sao không? Khổ thân!
- Dạ. Không sao. Cháu làm cho bác cũng bị
ngã theo.
- Có hề gì! Chỉ lo cho cháu. Thôi thế này,
nhé! Bây giờ hết co giật rồi, bác buông cháu rồi gượm đã, hãy gượng mà đứng dậy
cháu ạ! Để bác đỡ cho.
Trong câu chuyện sau đó giữa hai bác cháu,
lúc tôi và cụ đã lên được trên bãi và ngồi cạnh nhau, tôi mới biết cụ cùng một
tuổi với mẹ tôi. Cách đây mấy năm, bị tai biến, liệt nửa người phải nằm một
chỗ. Sau, thuốc thang và châm cứu mãi mới đỡ. “Bác đi hãy còn yếu nên cháu đụng
vào là lăn quay ngay thôi”. Cụ bảo thế và cười rõ to nhưng chùng giọng ngay:
- Bác nhìn mày bước như thế là, biết ngay
cháu ốm. Lúc mày đang co giật, bác có thấy đấy chứ! Cũng gắng mà đi nhanh lên
xem có giúp được gì chăng?
- Thì bác đã giúp cháu đấy thôi.
- Giúp gì. Nếu khỏe, bác đã đỡ được cháu
rồi. Có đâu…
Sau hôm ấy, sáng sớm nào hai bác cháu cũng
gặp nhau ở biển. Cùng đi lẫm chẫm với nhau dưới mé nước. Tôi tiến bộ thấy rõ
còn bác chỉ túc tắc vậy thôi! Kể ra, cũng có nhỉnh hơn một tị nhưng nào
đáng kể gì. Tôi cứ phải luôn khuyến khích, giục giã: “Đi thêm một chút nữa đi
bác. Đi với cháu mà. Đi nhanh lên bác”. Những lúc mồ hôi ướt đẫm hết cả áo xống,
mệt đến bã cả người vì phải quay cuồng, vật lộn trong những giờ tập tành như
thế này. Mới hay, cái việc được đi thẳng thớm như trước đây và bình thường như
mọi người, là khó nhọc đến đâu. Và, tự đó mới thấm thía được nhiều điều vỡ ra
lắm lẽ đời mà, bấy lâu nay tôi chưa có cơ hội thấu hết. Mới biết đến giá trị
của những chuyện, xem chừng, rất đổi tủn mủn, cỏn con… Nghĩ lại hồi còn nằm một
chỗ. Nóng quá, khát nước đến khô cả họng mà chẳng dám chiều cái xác vì sợ uống
vào, phải đi tiểu làm phiền người nhà. Thế là, chỉ dám nhấp vừa đủ ướt môi. Có
một trưa, thấy đứa em bê nguyên ca trà đá, tu từng ngụm lớn. Uống ham hố, nước
tràn ra hai bên mép đổ trào xuống cả cằm cả cổ. Tôi nhìn không nháy mắt hình
ảnh ấy. Thấy đẹp quá và… thèm quá! Giá mà được uống nước, thật thỏa thuê.
Uống đã đời. Rồi từ chuyện nước nôi lại cảm hết cái sung sướng tột cùng của
việc đi lại. Nằm bẹp người trên chiếu mà khao khát… Giá mà được tự đi, tự tìm
nước và cứ thế, tha hồ ừng ực thì hạnh phúc đến là ngần nào hở trời! Có phải
trải qua mấy lúc này, mới cảm thông sâu sắc cho những ai rơi vào cảnh ngộ như
mình.
Như trường hợp của tôi và bà cụ, do cảnh
ngộ mà dúi dấp vào nhau.
Nhưng không nhờ biển, nhờ những câu chuyện
chắc chẳng thể nào gần gụi thêm. Sớm nào cũng gặp. Cũng hỏi cũng nói mà không
sao chán nổi, mới thật hay. Những câu chuyện ngày một dài ra… Luôn, là dở dang
bởi, sao có thể kết thúc. Chuyện ngày hôm sau chập vào chuyện ngày hôm trước.
Chuyện ngày hôm trước có gì thiếu sót, bẵng quên, ngày hôm sau bổ sung. Cứ thế!
Hai bác cháu tha hồ thủ thỉ và rầm rì. Giữa khi đang tập luyện giữa khi ngồi
nghĩ trên bãi và cả nữa, trên đường về. Sự gặp gỡ và những cuộc chuyện trò
nhiều thú vị khiến, tôi thấy thời gian đi qua thật nhanh. Nhoáng cái đã hết một
tuần, một tháng và một mùa. Hè, rồi cũng qua và mùa thu, chừng như sắp hết.
Nắng đã bớt chói gắt và cơn mưa đầu mùa, không hề đợi trông, rồi cũng đến.
Mấy hôm trước đó, trời chuyển nhiều. Bác
rên xương xo nghe chừng rớt hẳn ra. Còn cái lưng của tôi, cứ như, là cái lưng
đi mượn. Thế mà, chẳng có hôm nào bác cháu tôi chịu vắng mặt ở biển đâu nhé!
Tôi đã kịp nhận ra việc tập tành nào phải, là nguyên cớ duy nhất. Thì đã hẳn…
Bác và tôi, chẳng phải, là những người say chuyện đấy sao! Chuyện đâu mà lắm
thế chẳng biết. Đấy cũng vì mải mê nói cười mà một tí nữa, cả hai đã bị mắc
mưa. Chẳng là hôm đó, đã đến lúc chia tay mà bác và tôi vẫn còn chưa rồi câu
chuyện. Nên cứ dùng dằng thêm bớt mãi, không dè, mưa ập xuống. Tôi kéo vội bác
vào một mái hiên
và cùng ngồi đó nhìn trời, nói tiếp. Vui miệng và vui tai, chẳng còn ai hay
rằng đã rất trưa. Chỉ, đến lúc nghe tiếng chuông nhà thờ báo giờ, hai bác cháu
mới giật mình. Chuyện đang lở dở lại gặp trúng đoạn hấp dẫn… Tiếc thật! Bác vẫy
tay chào và nói to: “ Để mai, nhé!”, sau khi đã ngồi yên trên xích lô. Tôi bước
thấp bước cao vịn tường lết bết trở về. Lòng vui sướng như trẻ con khi
được nhúc nhắc trong mưa, một mình.
Nhưng rồi mưa liên tiếp đã, khiến cho
những cái: “ để mai” cứ phải
hẹn lại. Mưa, tôi tập tành trong nhà và
ước có bác để được chuyện trò. Mới hay, mình thật vô tâm khi chưa biết nhà của
bác. Chỉ nghe nói là ở xa, mãi trên cây xăng ông Tề. Bác, cũng chưa một lần
được tôi mời đến nhà chơi. Tôi ngồi trong khung cửa, chết lặng. Nhìn ra màn mưa
trắng xóa bên ngoài, ân hận về sự vô tình của mình và cảm nhận được mối quan hệ
hết sức lạ lùng giữa bác và tôi. Thời gian gần gũi giữa hai bác cháu đâu có
nhiều. Nhà của nhau còn chưa biết. Tên của nhau còn chưa hay mà sao lại thương
quí, thiết thân và gắn bó đến ngần này. Tôi ngóng trông mau qua mùa mưa vì tin,
bác sẽ ra biển.
Rồi mùa nắng năm sau cũng đến. Rồi năm sau
nữa… Chân tôi đã hết rụt, hết xiêu. Đã bước đi thẳng thớm đàng hoàng. Tôi còn
chạy được và đã bơi trở lại mà bác, vẫn biệt tăm. Có những sớm mai, tôi đã giật
thót cả người khi, chợt nhìn thấy ai đó giống bác. Biết mình nhầm, chán nản,
tôi buông rũ cả người, nằm sóng xoãi trên bãi. Tôi, cũng đã lên vùng cây
xăng ông Tề hằng mấy lần nhưng, lớ ngớ chán rồi thôi. Biết phải hỏi thăm như
thế nào đây? Lòng bần thần và hoang trống, tôi trở về và day dứt nhớ. Nhớ, một
vòng ôm già nua yếu đuối, đã cố giữ mình thật chặt, trong cơn co giật dữ dội
ngày nào. Nhớ đến một bàn tay gầy trơ và nhăn nhúm, đã gắng đỡ mình đứng dậy,
giữa những con sóng xô đập mùa hè năm ấy và nước mắt ứa ra lúc nào chẳng hay…
N.M.N
Bài viết hay. Chúc chị Mỹ Nữ và anh Hữu Duyên khỏe
Trả lờiXóaChào anh Phương,
XóaCảm ơn anh đã ghé thăm. Chúc anh sức khỏe, vui!