Mùa hè năm
ấy, Hoàng có dịp trở lại thành phố Hồ Chí Minh sau sáu năm xa cách. Chuyến tàu
Thống nhất đến ga Bình Triệu vào khoảng sáu giờ sáng, trễ hơn dự kiến đến năm
tiếng đồng hồ, vì những trở ngại ở dọc đường. Một tay xách chiếc va li con khá
nặng, một tay dắt bé Thu, Hoàng phải vất vả lắm mới qua được cửa kiểm soát, để
ra sân ga phía ngoài. Ra khỏi cửa ga, Hoàng ngơ ngác đứng nhìn con đường trước
mặt. Xe cộ đông quá, người qua lại tấp nập. Tiếng chào mời rộn rã của những bác
tài xế tắc xi, xe lam...khiến Hoàng bối rối. Ngày trước, Hoàng đã sống ở thành
phố này hơn bốn năm trời, nhưng có bao giờ anh đến vùng này đâu. Mỗi lần nghỉ
tết, nghỉ hè đi về Quy Nhơn và trở lại Sài Gòn, Hoàng đều đi máy bay, qua ngả
Tân Sơn Nhất.
Cha con
Hoàng còn đang ngơ ngác như thế, thì thấy đám hành khách cùng chuyến tàu với
mình đi vội về bến xe lam trước mặt. Những hàng chữ Bình Triệu - Bà Chiểu kẻ
ngang hông xe, đập vào mắt Hoàng. Thế là yên trí, Hoàng vội dắt con lên ngay
một chiếc xe lam sắp chạy. Trong thời gian nghỉ phép ở đây, Hoàng sẽ trọ tại
nhà một người bạn ở Phú Nhuận. Từ chợ Bà Chiểu về Phú Nhuận không xa lắm và có
rất nhiều xe.
Xe chạy.
Cầu Bình Triệu mang vẻ hiện đại của cầu xa lộ. Dòng sông trong xanh với những
chiếc tàu nhỏ đậu xa xa. Bên kia là cư xá Thanh Đa, với những ngôi nhà cao
tầng. Ngã ba Hàng Xanh. Những dãy nhà khi thấp, khi cao. Vùng Bà Chiểu hiện ra
trước mắt. Khu chợ vẫn đông vui như xưa với những gian hàng rộng, thấp và khá
ẩm ướt. Vẫn cảnh người xe tấp nập. Xe dừng ở bến, ngay trước nhà bưu điện Gia
Định cũ. Nơi đây, Hoàng sẽ chuyển sang một chiếc xe lam khác, đi Phú Nhuận.
Những chiếc xe đậu san sát vào nhau, và Hoàng dễ dàng dắt con đi tìm một chỗ
ngồi thích hợp trên chiếc xe đến phiên chạy, nhưng vẫn còn vắng khách.
Hoàng ngồi
phía ngoài trên chiếc băng đã có bốn người. Băng đối diện vẫn còn trống. Bé Thu
đứng tựa vào người cha, dáng mệt mỏi nhưng có vẻ rất phấn khởi. Lần đầu tiên
được đi Sài Gòn, cái gì đối với cháu cũng mới lạ. Khung cảnh đông vui như ngày
tết. Ai cũng ăn mặc đẹp, người xe qua lại rộn rịp vô cùng. Bỗng từ xa, Hoàng
nhận ra một dáng người rất quen đang đi lại. Cô gái mặc đồ âu, chiếc xách nhỏ
đung đưa trên tay, vẻ trẻ trung, nhí nhảnh. Ai như Thu Hồng? Mà đúng rồi. Hoàng
để con ngồi vào chỗ mình, bước vội xuống xe, đón người thiếu nữ đang đi đến.
- Thu
Hồng!
Sau tiếng
gọi của Hoàng, cô gái đứng dừng lại và sửng sốt kêu lên:
- Trời ơi,
anh Hoàng!
Cô bước
vội đến nắm chặt tay Hoàng, như sợ anh biến mất.
- Anh đi
đâu mà sáu bảy năm nay em không hề gặp? Mà anh cũng tệ thật. Có đi đâu cũng cho
gia đình em biết tin với chứ! Chị Lan đi tìm anh khắp nơi....
- Chị Lan
về rồi à? Bây giờ chị ấy ở đâu? Hoàng hỏi dồn dập.
- Thì ở
nhà chứ ở đâu, khéo hỏi!
Hồng tinh
nghịch mỉm cười, rồi có vẻ như chợt nhớ ra, cô nói tiếp: Dạo ấy gia đình em
chuyển đi nơi khác, anh không biết phải không ? Thế mà em cứ trách anh mãi. Anh
vẫn ở Sài Gòn hay ở đâu mới về?
Hoàng chỉ
tay vào chiếc va li đang để trên xe, và bảo:
- Anh vừa
từ Quy Nhơn vào tới đây. Đang định đi xe lam về nhà người bạn ở Phú Nhuận. Anh
chỉ tay vào bé Thu, nói tiếp: - Con gái anh đấy!
Thu Hồng
nhìn cháu bé chăm chú, mỉm cười với nó. Cô lại bên cầm tay cháu và nói với
Hoàng với vẻ trầm ngâm:
- Chị Lan
em nhắc đến anh luôn. Thôi thế này nhé! Bây giờ em đến sở. Anh cho em địa chỉ.
Chiều nay, khoảng hai giờ, em sẽ đến đón anh và cháu lại nhà chơi. Chắc chị Lan
sẽ ngạc nhiên và mừng lắm!
Hoàng đọc
cho Hồng ghi địa chỉ nhà người bạn. Cô vỗ nhẹ vào má bé Thu mỉm cười, rồi chào
Hoàng, bước vội về phía Lăng Ông Lê Văn Duyệt. Hoàng chăm chú nhìn theo. Chóng
thật, cô gái bé bỏng năm nào, giờ đã lớn phổng và trở thành cô cán bộ xinh xắn
thế này. Hoàng bước lên chỗ ngồi của mình. Xe đã đủ người và bắt đầu chuyển
bánh.
Xe dừng
lại ở đầu đường Nguyễn Huệ. Rất may là sáng nay có vợ chồng người bạn anh ở
nhà. Hoàng đã viết thư báo trước và họ đã đón cha con anh khá niềm nỡ. Sau vài
lời chào hỏi, những câu chuyện vui, những nụ cười nổ ra liên tục. Hoàng tham
gia câu chuyện với vẻ miễn cưỡng và có hơi chán ngán. Anh đứng lên thu xếp cho
bé Thu đi ngủ, vì cháu có vẻ mệt mỏi lắm rồi. Gần hai ngày đêm vật vã trên tàu,
Hoàng cũng buồn ngủ, nhưng lại thích đi tắm hơn. Sau khi tắm rửa và giặt giũ
xong, anh và Phi ngồi đối diện nhau với hai ly cà phê đang nhỏ giọt trước
mặt. Phi bỏ ra gói Pan-man còn mới nguyên. Họ trầm ngâm bên nhau. Tâm trí Hoàng
từ lúc bước lên bước lên xe lam ở chợ Bà Chiểu đến giờ cứ cuốn hút vào hình ảnh
một người, tưởng chừng như xa cách mãi, nay đã trở trở về, và cùng anh có mặt ở
thành phố hôm nay.
- Phi còn
nhớ cô Lan ngày trước có đến thăm mình một vài lần ở nhà trọ không?
- Lan!
Hình như cô ấy hy sinh rồi phải không?
- Chính
tôi cũng nghe lầm tin đấy! Sáng nay tôi vừa gặp em gái Lan ở chợ Bà Chiểu. Có
thể chiều nay cô ấy sẽ đến đây tìm mình.
- Chuyện
của anh và cô ấy ngày trước thế nào?
- Cũng chẳng
có gì! Chỉ là một câu chuyện tình bình thường của thời sinh viên. Ngày trước
mình có giấu ông điều gì đâu! Chưa kể vì thấy không tiện đó thôi!
Hoàng nhón
tay lấy gói thuốc, rút ra một điếu, thong thả châm lửa hút. Anh bỏ đường vào ly
cà phê của mình, khuấy đều rồi uống từng ngụm nhỏ. Phi tôn trọng phút giây im
lặng của bạn, cũng không nói gì. Hai người như muốn quay về với những ngày sống
bên nhau trong một nhà trọ ở Gia Định. Hoàng còn nhớ, có những đêm sau khi học
xong, mặc dù đã khuya, hai người vẫn rủ nhau ra quán cóc trước nhà uống cà phê,
để về thức trọn đêm tâm sự. Giờ đây sống trong khung cảnh này, kỷ niệm xưa hiện
về, Hoàng rất muốn kể cho Phi nghe câu chuyện của mình.
Anh biết rồi đấy, năm ấy Lan học chung với tôi ở Đại học Văn khoa. Hai đứa gặp
nhau hàng ngày, nhưng có bao giờ nói chuyện với nhau đâu. Những lớp ở Văn khoa
rất đông, riêng sinh viên năm dự bị đã tới hàng ngàn, các lớp chứng chỉ cũng ba
bốn trăm. Giảng đường không làm sao đủ ghế cho sinh viên. Thường là phải đi
thật sớm để giành chỗ. Hồi đó, không biết do đâu mà tôi nghĩ ra một cách giành
chỗ độc đáo như thế này. Buổi chiều mình vào giảng đường sẽ học sáng hôm sau,
đặt vào ghế một xấp giấy giả như một tập vở ghi bài. Thường là phải chiếm trước
hai ba chỗ như thế, đề phòng trường hợp có người vứt giấy đi, thì ít ra cũng
còn một chỗ. Hôm đó tôi đến trễ, giảng đường đầy chật sinh viên, một số đã phải
bắc ghế ngồi ngoài hành lang. Nhìn vào chỗ hôm trước, hai chiếc ghế có tập
giấy mình để vẫn còn trống. Đó là hai chỗ ngồi rất tốt, trước bục giảng và gần
lối ra vào. Tôi đàng hoàng ngồi vào chỗ trống ấy, còn một chỗ, cũng chẳng hoài
công nhường cho ai, dùng để cặp cho thoải mái. Tôi đang khoái chí với sự thành
công do trò ranh ma của mình đem lại, thì tiếng một cô gái nhỏ nhẹ vang lên:
- Chỗ này
có ai ngồi không anh?
Tôi quay
lại. Thu Lan, cô sinh viên có khuôn mặt đầy đặn, dáng rất hiền mà tôi để ý từ
lâu, đang đứng ngay bên cạnh. Hôm ấy, Lan mặc áo dài trắng, tay ôm một chồng
vở, trông xinh lắm. Nếu là một người khác hỏi, có lẽ tôi cũng không thể chối từ
được, vì trong khi bạn bè không có chỗ ngồi, mình lại chiếm những hai chỗ, thấy
thế nào ấy, chứ nói chi Thu Lan. Tôi vội lấy chiếc cặp của mình đang để trên
ghế, và nói ngay:
- Chỗ
trống đấy, cô ngồi đi!
Lần đầu
tiên được ngồi cạnh Lan, một cảm giác lâng lâng sung sướng cứ len lỏi trong
tôi. Hình như tôi không nghe giảng được gì, chốc chốc lại cứ quay sang nhìn
Lan. Cô ấy đẹp thật. Khuôn mặt xinh xắn mang một nét phúc hậu đến mềm cả lòng
người, mắt mi sắc sảo nhưng chứa đựng một nỗi buồn sâu kín. Lan vẫn chăm chú
nghe giảng và ghi chép đầy đủ, nhưng hình như có biết tôi hay liếc nhìn, nên
môi cứ cười chúm chím. Giáo sư giảng bốn giờ liền. Giữa buổi có nghỉ giải lao
nửa giờ. Chúng tôi vẫn ngồi yên bên nhau và hầu như cả giảng đường các sinh
viên đều ngồi nghỉ tại chỗ, vì muốn ra cũng không có lối. Ngồi không , buồn
tay, sẵn bút tôi viết hai chữ Thu Lan bằng chữ Hán vào vở ghi bài trước mặt.
Lúng túng thế nào, thay vì viết chữ "Thu", tôi lại viết lầm ra chữ
"sầu" (Chữ sầu gồm chữ thu và bộ tâm ở dưới). Lan liếc sang thấy vậy
mỉm cười, và có lẽ cô ấy biết tôi viết nhầm, nên lấy bút viết lại vào vở mình
hai chữ Thu Lan. Chữ đẹp và sắc sảo hơn tôi nhiều. Tôi ngắm nhìn bàn tay Lan
đang múa bút. Bàn tay với năm ngón thon dài. Bàn tay ấy, nét bút ấy phải là của
con người tài hoa. Lan vẫn không nói gì, chỉ chăm chăm nhìn vào vở mình, tô tô
nét chữ và miệng tủm tỉm cười.
Khi ra về,
Lan nói với tôi:
- Lan nhà
ở xa, vẫn thường tới trễ. Nếu có thể, anh đi sớm giữ chỗ giúp Lan luôn nhé!
Lan nói
câu ấy một cách tự nhiên và tôi như mở cờ trong bụng. Từ đó, tôi rất chịu khó
đi sớm giữ chỗ cho tôi và cho Lan. Cũng có khi Lan đến sớm giữ chỗ cho tôi. Hai
đứa thường xuyên ngồi cạnh nhau. Một tình cảm mới lạ nảy sinh từ đó. Những hôm
không có Lan đi học, tôi thấy trống vắng vô cùng. Tôi học hành chăm chỉ hơn, vì
tôi không muốn thua Lan chút nào.
Ở lớp Lan
học rất chăm, nhưng cô ấy lại thường nghỉ học. Hỏi đến thì bảo bận việc nhà.
Tôi không bao giờ tò mò hỏi Lan về chuyện gia đình, chỉ biết quê cô ấy ở Mỹ
Tho, nhà chắc cũng không nghèo lắm, vì hôm nào đến trường Lan ăn mặc cũng tươm
tất.
Năm ấy,
chúng tôi cùng thi hai chứng chỉ. Hôm nghe tin có kết quả chứng chỉ Văn chương
Việt Hán, tôi chạy vội đến trường, thì thấy Lan đang đứng tần ngần trước bảng.
Tôi vội hỏi:
- Lan đậu
không?
- Đậu phải
cành mềm!
Chuyện con
cò ấy mà:"Con cò mà đi ăn đêm, Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao!"
Trả lời thế, nhưng tôi thấy Lan không buồn, vẻ mặt vẫn tươi cười. Tôi định vào
xem kết quả của mình, thì Lan kéo tay tôi, bảo:
- Không
phải xem nữa, anh đậu rồi! Khao Lan thứ gì đi!
Tôi vừa
dừng xe trước quán cà phê La Pagode ở đường Tự Do, Lan đã nói:
- Vào đây
làm gì! Tốn tiền lắm, Lan không thích đâu!
Tôi phải
đưa cô đến một quán khác khiêm tốn hơn, nhưng kín đáo, gần đó. Lan hơi
ngần ngừ khi bước vào. Tôi gọi hai phin cà phê. Lan nhìn tôi cười chế nhạo:
- Anh
Hoàng ăn tiêu có vẻ thạo quá nhỉ!
Tôi vui
vẻ, lắc đầu:
- Không
phải đâu! Vì có Lan mà tôi cố gắng đấy!
Hôm ấy
chúng tôi nói với nhau rất nhiều. Chuyện gia đình, chuyện quê hương, chuyện học
hành....Lan bảo rằng chúng mình học ở Văn khoa này cũng chẳng ích lợi gì. Lan
không đồng ý với cách nhìn nhận, đánh giá các trào lưu, các tác giả và tác phẩm
văn học của các giáo sư. À, anh đã đọc cuốn "Công việc viết tiểu
thuyết" của Nguyễn Đình Thi chưa? Sinh viên phải đấu tranh mãi với các
giáo sư, mới được quay rô nê ô đó. Bỗng Lan quay lại nhìn tôi chăm chú, rồi hỏi
đột ngột:
- Ba anh
Hoàng đi tập kết phải không?
- Sao Lan
biết?
Lan ngồi
thẳng người lên, nhìn vào ly cà phê đen sẫm trước mặt:
- Điều đó
tự nhiên thôi! Thật kỳ quái, nếu Lan đã quen với một người mà không
biết gì về người ấy cả. Anh Hoàng à, ba Lan cũng đi tập kết đấy!
Câu chuyện
như nhắc chúng tôi nhớ lại điều gì. Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau. Có lẽ ý
nghĩ của hai đứa lúc này có những điểm rất gần nhau. Đã bao lần chúng tôi có
những điểm gặp êm đềm như thế. Rồi Lan hỏi tôi về dự tính ở tương lai.
Tôi trả lời nửa đùa, nửa thật:
- Thì cũng
như bao người. Học xong, đi dạy, cưới vợ, có con. Xong chuyện!
Không biết
Lan nghĩ gì mà má cô thoáng ửng hồng. Lan nói nhẹ nhàng:
- Có thể
là như vậy. Đó là con đường đi của nhiều người. Lan không khuyên anh phải làm
gì. Tự anh phải chọn cho mình một cách sống, con đường đi, sao cho thích hợp
với mình và có ích cho mọi người!
Tôi đưa
Lan về, và lần đầu tiên tôi đến thăm nhà Lan. Một căn hộ bình thường ở cư xá.
Nhà hẹp, nhưng có gác, nên cũng thoáng, rộng. Mẹ Lan vui vẻ, dễ tính. Từ đó,
thỉnh thoảng tôi có tới lui. Cả nhà Lan xem tôi như người thân.
Một hôm
tôi đang ở nhà một mình, thì anh Châu đến tìm. Anh ấy bảo:
- Hôm nay
Hoàng nghỉ học phải không? Đi công tác nhé! Có một cán bộ về thành, nhưng không
thể đi qua xa cảng miền Tây được, vì ở đó có mấy thằng phản bội đang chỉ điểm
cho cảnh sát. Ta phải đi ngả khác. Hoàng sẽ đưa một cô giao liên về Bến Lức, cô
ấy sẽ chỉ cho Hoàng con đường tránh trạm kiểm soát Phú Lâm. Khi về, Hoàng sẽ
đưa đồng chí cán bộ kia về thành theo con đường này. Cần phải chuẩn bị xe thật
tốt, xăng nhớt đầy đủ.
Xe thì
khỏi lo. Hồi đó tôi với anh mới mua mỗi đứa một chiếc honda mới tinh. Xăng cũng
tha hồ, luôn đầy bình. Anh Châu đưa tôi đến chỗ cô giao liên đang chờ. Quá ngả
tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, anh dừng xe bên một cô gái mặc áo dài trắng,
quần đen, đang đi chầm chậm trên hè phố. Cô gái quay lại. Tôi vô cùng ngạc
nhiên: Thu Lan! Chúng tôi chưa kịp nói gì với nhau, anh Châu đã vọt xe đi qua,
sau khi bảo: Hai người đi nhé!
Hoàng
ngừng nói. Anh thong thả bưng ly cà phê hớp một ngụm nhỏ, châm một điếu Pan
man, rồi bảo:
- Ông xài
sang quá! Bây giờ thì tôi không quen dùng những thứ này. Hút thuốc rê cũng đã
tốn quá rồi. Tuy nhiên lâu lâu được hút một điếu thuốc thơm cũng thú, nhất là
những lúc uống cà phê thế này.
Phi cũng
với tay lấy một điếu thuốc, gõ nhè nhẹ xuống bàn, rồi nói:
- Tôi nhớ
lại bữa đó rồi! Hôm đó, Hoàng đi về có nói qua chuyện này với tôi. Té ra
Thu Lan là người của tổ chức nhỉ!
- Hôm ấy,
tôi đã đi một chuyến công tác vui nhất đời! Không ngờ mình được đi với cô giao
liên này. Lan hướng dẫn tôi đi theo con đường vắng, qua những thôn xóm nhỏ. Khi
thì trở ra quốc lộ. Tôi cho xe chạy nhanh, Lan ngồi sau có lúc phải bíu cả vào
người tôi. Cuộc gặp gỡ bất ngờ và thú vị này đã giúp chúng tôi hiểu rõ về nhau.
Cô ấy tham gia hoạt động từ hồi ở trung học. Lúc gặp tôi ở Văn khoa, tình
cờ được một bạn gái cho biết hoàn cảnh gia đình mình, cô ấy định tuyên truyền
giác ngộ cho tôi, nhưng chưa kịp làm thì có cuộc gặp gỡ tình cờ hôm ấy. Cô ấy
có vẻ vui lắm. Phi biết không, lúc ấy tụi mình chỉ là cơ sở của Thành đoàn, còn
cô ấy đã là cán bộ Đoàn từ lâu rồi. Thỉnh thoảng Lan có làm công tác giao liên,
đưa cán bộ từ ngoại thành vào. Chuyến đi đó cũng chẳng nên tích sự gì! Vì một
lý do nào đó, đồng chí cán bộ không vào thành. Lan ở lại và tôi về một mình.
Nhưng có một điều rất quan trọng là chính nhờ chuyến đi này mà tôi có dịp nói
rõ tình cảm của mình đối với Lan. Nghe xong, không biết Lan nghĩ gì mà choàng
tay ôm bụng tôi, áp má vào lưng và cắn nhẹ một cái. Tôi sung sướng vô cùng,
phóng xe đi mà lòng phơi phới như muốn bay lên!
Năm sau,
chúng tôi vẫn học hành bên nhau. Hai đứa thương nhau và cũng có bàn tính chuyện
tương lai. Lan hẹn ngày thống nhất, nhưng tôi thấy xa xôi quá. Tuy vậy, tôi
cũng không nói gì và Lan làm gì, tôi cũng không hỏi tới. Mỗi người một công
việc, tụi mình không xen vào công tác của nhau. Cuối năm ấy, cả hai đứa đều lấy
xong cử nhân. Tôi rất vui, còn Lan thì coi thường chuyện ấy. Tôi về quê nghỉ
hè, cũng chưa có ý định gì rõ rệt. Hai tháng sau, trở lại Sài Gòn thì được tin
Lan đã đi vào chiến khu. Xa cách nhau từ đấy....
Hoàng dừng
câu chuyện với vẻ mệt mỏi. Hai người ngồi trầm ngâm trước ly nước đã cạn. Những
câu trao đổi đứt quãng, rời rạc. Phi chủ động mời Hoàng đi nghỉ.
Hoàng phụ
bạn dọn ly tách, rồi vào nằm với con. Bé Thu đang ngủ say trong dáng nằm đáng
yêu lạ. Lặng ngắm nhìn con, Hoàng như thấy vẻ mặt hiền hậu và cuộc đời lo toan
vất vả của vợ mình. Vợ chồng gặp nhau trong gian khổ và bây giờ cuộc sống đang
rất khó khăn. Trong vất vả, vợ chồng dễ sinh mâu thuẫn, những chuyện vụn vặt
đôi khi bị xé to trầm trọng. Hoàng nhớ đến những lần kình cãi nhau mà xót xa
trong lòng. Hai người rất thương nhau, sao lại dễ dàng xung đột nhau đến thế
nhỉ? Càng nghĩ, Hoàng càng thấy thương vợ, cảm thấy rất sâu nỗi khó nhọc mà vợ
mình đang phải chịu đưng. Một người đàn bà tốt bụng, chìu chồng, thương con,
lại sinh ra cáu bẳn, cũng không phải là điều khó hiểu. Bây giờ gặp lại Lan,
mình sẽ nói với cô ấy thế nào? Trong thoáng giây, những kỷ niệm ngày xưa hiện
về đầy ắp. Quá khứ ấy hôm nay khơi dậy và như nhắc nhở điều gì. Anh sẽ phải
đương đầu với nó, có khi với cả sức lực của một đời người. Hoàng nằm thao thức
với những ý nghĩ mông lung. Quá khứ và hiện tại, vợ con hôm nay và hình ảnh
người xưa của một thời mơ mộng - tất cả đã khiến đầu óc Hoàng mỏi mệt thêm và
anh đã đi vào giấc ngủ bao giờ không biết.
Buổi chiều
hôm đó, Thu Hồng không đến như đã hẹn. Ba hôm sau, cũng không thấy.
Chiều ngày
thứ tư, trong lúc anh đang ngủ say, một hồi chuông gọi cửa vang lên làm Hoàng
tỉnh giấc. Mở mắt ra, anh thấy con mình vẫn đang nằm bên cạnh và trong nhà im
ắng quá. Nhìn đồng hồ tay, đã hơn hai giờ. Chắc vợ chồng Phi đã đến phòng mạch.
Cửa trước đóng kín và hình như có người ở đó. Lại một tiếng chuông vang lên.
Hoàng bước vội xuống giường, đi ra phía trước.
Qua khung
cửa sắt, Hoàng thoáng nhận ra một cô gái đang đứng chờ bên chiếc honda.
Anh mở khoá, đẩy cửa ra. Cô gái quay lại, một niềm vui chợt tràn ngập trên
khuôn mặt buồn.
- Anh!
- Thu Lan!
Em vào nhà đi!
Thu Lan
dắt chiếc xe vào trong, và bước chậm theo Hoàng vô phòng khách. Đang buổi
chiều, nhưng căn phòng khá tối. Hoàng đến bên công tắc điện, bật đèn lên. Thu
Lan vẫn đứng tần ngần bên ghế, vẻ mặt có chiều u uẩn.
- Lan ngồi
đi chứ!
Hai người
ngồi đối diện nhau, tia nhìn nghi ngại. Lan không nói gì, đôi mắt nhìn Hoàng
đăm đăm. Cái nhìn như oán trách, như giận hờn. Hoàng cũng không nói gì, chưa
nói được gì. Một lát, Lan lên tiếng trước:
- Cháu đâu
anh?
- Đang
ngủ!
Anh mỉm
cười hỏi thêm: Sao Lan nhìn anh như vậy?
Lan cười
nhẹ, gương mặt vẫn buồn:
- Hôm
trước con Hồng đi làm về, cho em biết có gặp anh. Nó nói anh đưa cháu vào Sài
Gòn chơi và hiện giờ đang ở nhà anh Phi. Nghe thế, em không buồn, không ngạc
nhiên, lặng im vào phòng đóng cửa nằm một mình.
Bao năm
trời em nhớ anh, em đợi anh, giờ lại thế này! Em định không gặp anh nữa, để làm
gì... Nhưng sau nghĩ lại, em thấy mình thật vô lý. Thực ra chúng mình có gì
ràng buộc với nhau đâu. Làm sao có thể chờ đợi nhau qua cuộc chiến tranh ấy!
Hoàng
thong thả rót nước trà nguội ra hai tách. Trông Lan không khác ngày xưa mấy.
Khuôn mặt không trang điểm, vẫn nét dáng xinh xắn và hiến hậu ấy. Chiếc áo dài
màu hoa cà, ngày trước cô thường mặc trong những lần đi chơi với anh. Lan đã
đến với anh trong hình ảnh ngày xưa, và điều đó như nói với anh một lời
trách móc. Hoàng mời Lan uống nước, rồi khẽ ngã người trên ghế, chậm rãi nói:
- Ngày ấy
em ra đi, không nói gì cho anh biết. Nghỉ hè xong, trở lại Sài Gòn, anh đến
nhà, nhà đã cho thuê. Hỏi người chủ mới, họ bảo gia đình em đã dọn về quê. Tìm
hỏi mãi, anh mới biết em đã ra chiến khu. Không có em, anh không muốn ở Sài Gòn
nữa, vả lại má anh cũng muốn anh về quê dạy học.
Hoàng buồn
buồn kể cho Lan nghe về những ngày xa cách ấy. Nỗi niềm xưa cũ sống lại trong
lòng khiến anh đau xót. Năm ấy về quê thăm nhà, má anh gọi anh vào buồng riêng,
đưa xem bức thư của cha anh từ miền Bắc gửi về, mà lâu nay má giấu kín. Bức thư
nhắc anh về cách sống, về con đường phải đi. Má cho biết chị Hai cũng đã vào Nam - thư của
ba do chị mang về. Má bảo: "Bây giờ má già rồi, chỉ còn có con thôi. Con
xin về dạy trường gần nhà, để má con hôm sớm có nhau." Có lẽ anh chưa về,
nếu Lan không ra đi. Anh đã trở về Quy Nhơn, xin dạy giờ ở một trường trung
học. Rồi bí mật đi gặp chị và được giao công tác. Được năm sáu tháng, nghe
loáng thoáng giáo viên trong trường nói về chuyện anh trốn quân dịch, chuyện chị
anh trở về, bọn cảnh sát chú ý, tụi ban hai theo dõi. Sau đó, một bức thư chị
anh gửi về, bị lọt vào tay địch. Chúng nó đang còn điều tra, giăng bẫy thì anh
được đón ra vùng giải phóng. Nơi đây, anh tiếp tục dạy học. Một chương trình
khác, với một niềm vui trọn vẹn. Gian khổ rất nhiều. Địch mở các chiến dịch càn
quét dữ dội. Các cơ quan chuyển sâu vào núi. Anh đã gặp Xuân, vợ anh bây giờ.
Cùng chung một hoàn cảnh, làm chung công tác, cùng chung chia những vui buồn,
gian khổ - một tình yêu đã nảy sinh giữa hai người. Thực ra hồi ấy Hoàng vẫn
nghĩ đến Lan, nhưng cuộc sống cứ đưa Xuân đến gần anh hơn. Và một lần địch mở
cuộc càn lớn, cả một sư đoàn Nam Hàn đổ quân càn quét, trên trời máy bay nhào
lộn bắn phá. Lần ấy, Hoàng bị thương nặng, và nếu không có Xuân bên cạnh, với
những ngày chăm sóc tận tình, chưa hẳn Hoàng đã sống nổi. Sau lần ấy, Hoàng
thấy mình khó mà xa rời Xuân được....
... Sau
ngày giải phóng, anh có vào tìm em. Có tin em đã hy sinh. Em hiểu cho anh, cũng
do hoàn cảnh cả thôi. Nếu ngày ấy, anh được đi với em....Mà em về Sài Gòn lúc
nào?
Lan chăm
chú nghe câu chuyện của Hoàng với vẻ đăm chiêu. Nghe Hoàng hỏi, Lan vẫn không
nói gì, tay mân mê bao thuốc lá trên bàn. Một lát, cô mới ngẩng mặt lên nhìn
Hoàng:
- Anh có
nhớ lần mình đi Bến Lức không?
- Nhớ chứ,
làm sao quên được!
- Người
cán bộ mà chúng ta có nhiệm vụ đi đón hôm ấy là ba em. Ông đã vào Nam từ lâu. Lần
đó, ông định vào thành phố, nhưng vì kế hoạch công tác có thay đổi đột xuất,
nên thôi.
Năm sau,
ba em về lại Sài Gòn. Lúc đó tụi mình vừa lấy xong cử nhân. Ba bàn với tổ chức
và đưa em đi luôn. Anh về quê nghỉ hè, nên em không tin cho anh hay được. Theo
ý ba, gia đình em cũng dọn về quê. Hai năm trời ở vùng giải phóng, em tìm cách
liên lạc với anh, nhưng anh có còn ở Sài Gòn nữa đâu. Sau đó, ba em hy sinh,
còn em thì bị thương nặng, được đưa đi miền Bắc điều trị. Sau khi bình phục, em
cũng chỉ ở Hà Nội một thời gian ngắn, rồi lên đường làm nghiên cứu sinh ở Đức.
Khi Sài Gòn giải phóng, em vẫn còn đi học. Trong những ngày xa cách, em luôn nghĩ
đến anh và bây giờ được gặp anh, em yên tâm lắm rồi.
Hoàng chỉ
ngồi nghe Lan nói, và anh cũng chẳng biết nói gì hơn. Bất chợt Lan bảo:
- Có lẽ
một ngày nào đó, anh nên đến thăm gia đình em. Nhưng chưa phải bây giờ đâu! Chủ
nhật này, anh cho em đưa cháu đi chơi nhé!
Nói xong,
cô cười gượng gạo và đứng lên, xin phép ra về.
Hoàng tiễn
Lan ra cửa, lòng áy náy vô cùng. Ngoài đường, một cơn mưa vừa dứt và đèn đã
sáng lên. Trời trong xanh, đây đó một vài đám mây vội vã bay đi. Lan nhìn Hoàng
trìu mến, rồi nổ máy phóng xe đi. Bóng cô chạy dài trên khoảng đường trước mặt
anh.
Tháng 11.1983
N.Q.Q
Truyện cũ nhưng vẫn còn hay. Chúc Nguyễn Quang Quân và Nguyễn Hữu Duyên khỏe, vui
Trả lờiXóaCam on anh ban! Di SG ve vui chu? Neu thich, moi doc truyen moi nhat cua toi theo dia chi blog o day.
Xóa