Họ hàng nói chị hiền, bạn nói chị thùy mị. Chị nói chị
rất thất thường, lúc động lúc tĩnh. Một cụ bà ở gần trường học nói tin là
lúc động nhất chị cũng rất lành. Hình như chị thấy đúng là lúc động nhất chị
rất lành. Đó là lúc chị thả cho mình tự do, thả khỉ đi rong. Mà lúc hồn nhiên
thì có ai ác bao giờ. Lúc tĩnh, lúc nhìn rõ mặt sự việc, nhiều khi chị lại thấy
mình thật sự quá hung dữ. Chẳng hạn như lúc đứng dạy học trò.
Học trò bây giờ rất nhạy bén, nhận ra dễ dàng
gót chân Asin của thầy cô là đã được lập trình không được nổi nóng. Nên
chúng giỡn không hồn nhiên chút nào. Và thương tật, bạo lực tràn vô lớp. Chị đã
hét rung rinh lớp học vì cái ý nghĩ đó của chúng. Dù lúc đó chị rất tĩnh. Chị
muốn cho chúng biết là thầy cô giáo cũng phải được quyền biểu lộ cảm xúc. Khi
chúng sai, khi chúng đúng, cảm xúc không thể giống nhau.
Chị cũng từng là học trò, cũng từng nhận được những
nhát roi phạt của thầy cô. Không có nhát roi nào làm chị buồn, tổn thương bằng
những kiểu dạy đầy sự đối phó của thầy cô. Thầy cô lên lớp hiền lành như một
người thợ. Sợ đụng chạm, sự bị kiểm điểm, sợ bị vi phạm đạo đức nhà giáo theo
quy định mới. Em ngoan hay lười đều đối đãi ngang nhau. Em chăm chỉ cố gắng hay
lêu lõng mê chơi đều được nâng niu như những cái trứng mới lọt lòng. Cái phản
ứng đó của thầy cô, cái bình đẳng đó của thầy cô là thật hay giả.
Chị từng bị đòn roi từ thầy cô và cha mẹ. Không nhát roi nào
làm chị đau lòng bằng những tiết dạy thầy cô chạy theo giáo án, chạy theo
chương trình để em lẹt đẹt chạy theo. Chị đã một thời chạy theo những tiết dạy
rất an phận của thầy cô, những tiết dạy dùng toàn những thuật ngữ chuyên môn mà
một học trò quê như chị quá đỗi ngỡ ngàng. Trong khi chỉ cần thầy nói một cách
nôm na, trò có thể vào bài học dễ dàng. Nhưng thầy không thể nôm na vì thầy là
những người học cao hiểu rộng, chuẩn mực, khoa học và bài bản. Dù lúc dạy thêm
thầy có thể gạt bỏ những điều đó một cách dễ dàng.
Chỉ có cô giáo dạy văn cuối cấp không phải dạy thêm. Chị đã
rất thương cô, chị yêu văn cũng từ cô. Cô không một lời trách mắng học trò.
Trong mắt cô học trò đứa nào cũng đáng mến đáng yêu. Cô dạy bằng một tình yêu
văn chương trong trẻo hiền lành mà mộc mạc. Chị cảm nhận được tài hoa đứng lớp
của cô không phải bằng những lời lẽ mượt mà. Mà bằng cảm xúc rất chân tình từ
đôi mắt cô. Bản tính cô hiền lành mà. Nhưng không vì thế mà chị lại
thương chỉ một mình cô.
Người thầy chị nhớ nhất là người thầy thường hay trách
hờn chị khi chị hỗn ẩu lưu manh( hồi đó chị lưu manh thật). Người cô chị ghi
mãi trong lòng là người cô đã cầm thước khẽ vào tay chị khi chị không thuộc quy
tắc tìm x trong một bài toán có ẩn số. Những lời phiền trách đó, phạt vạ đó
không làm chị bị tổn thương. Vì chị biết cô muốn chị nên người. Vì chị biết cô
thương chị.
Thầy cô giáo là những người rất người chớ không phải là
những cái máy chỉ được lập trình mấy kiểu hiền, cười, nhẹ nhàng, dịu dàng, ngọt
ngào, ấm áp. Đó là kiểu lừa bịp học trò vì thực ra có mấy thầy cô đủ kiên nhẫn
hiền lành nhìn trò mình táo tợn. Và kiểu đó đã tạo một thuộc tính nữa của thầy
cô giáo, không ai muốn lập trình nhưng nó vẫn hiển nhiên tồn tại. Đó là … BẤT
LỰC. Bất lực đã làm cho người thầy mất tự chủ… Bạo lực càng dữ hơn khi người ta
đã kỳ công dẹp bỏ. Không có nhát roi nào của thầy rót lên da thịt học sinh bạo
tàn bằng nhát roi bất lực. Học trò cảm nhận rất rõ những nhát roi ấy. Chúng có
cảm tưởng mình đang chịu những đòn thù. Chúng đã không ngại ngần tìm cách trả
đũa bằng nhiều hình thức. Nếu đơn thuần dùng biện pháp dỗ ngọt để giữ học sinh
ở lại trường, thì những kiểu phạt vạ mất bình tĩnh này lại chính là kẻ trung
gian đẩy học sinh rời trường không hẹn ngày trở lại.
Chị luôn tự hỏi mình nên thương học sinh bằng cách cho
roi cho vọt hay cho ngọt cho bùi. Tại sao phải đóng khung một hình thức dạy
học, duy ngọt bùi hay duy roi vọt. Trong khi học sinh trăm thứ học sinh, mỗi em
một tính cách, một hoàn cảnh, hoàn toàn khác nhau, hoàn toàn cần những lối giáo
dục riêng biệt. Chị cứ yêu thương học sinh bằng cách chị thấy cần. Chị
muốn tự chủ ngay từ đầu năm học, từ đầu tiết dạy, để giữa năm, cuối tiết chị
không phải uất ức rót vào học sinh những nhát roi bất lực.
Chị giữ nguyên tất cả những gì rất con người khi bước
lên lớp. Nên chị không hiền chút nào.
V.D.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét