Theo một số sử sách đã chép và tôi vừa đọc bài Tìm
dấu vết Huyền Trân của
Phanxipăng, trong tạp chí Kiến thức Ngày nay trong số mới ra, dẫn chứng: Vào
năm Mậu Tý- 1288, tại xã Thái Đường, hương Đa Cương, huyện Ngự Thiên, phủ Long
Hưng ( nay thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)
Trần Huyền Trân- công chúa duy nhất của vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Khâm Từ
chào đời. Khi mới lên sáu tuổi, ấy là năm Quý Tỵ- 1293, chẳng may Huyền Trân mất mẹ, được người dì ruột là hoàng hậu Tuyên
Từ chăm sóc. Chị em Khăm Từ và Tuyên Từ đều là ái nữ của Hưng Đạo Vương Trần
Quốc Tuấn. Cũng năm hoàng hậu Khâm Từ mất, vua Trần Nhân Tông thoái vị, giao
thái tử Trần Thuyên- anh ruột Trần Huyền Trân nối ngôi, tức vua Trần Anh Tông. Từ
ấy Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông chuyên lo tu hành, sáng lập thiền phái Trúc
Lâm, được tôn vinh là Phật Hoàng.
Năm Tân Sửu- 1301, trong chuyến kinh
lý, viếng thăm vương triều Chăm Pa ở thành Đồ Bàn của Thái thượng hoàng Trần
Nhân Tông(lúc ấy đã nhường ngôi cho Trần Anh Tông) kéo dài gần chín tháng, được
vua Chế Mân, tức Jaya Sinhavarman III tiếp đãi nồng hậu. Trước lúc chia tay ,
Trần Nhân Tông có hứa gả con gái cưng là Huyền Trân công chúa cho Chế Mân, mặc
dù Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi( người Java, nay thuộc
Indonesia). Khi ấy Huyền Trân mới 14 tuổi, nên phải đợi nàng đến tuổi trưởng
thành mới làm lễ vấn danh.
Thời thiếu nữ, công chúa Huyền Trân
sống trong Hoàng thành Thăng Long, được cưng chiều và dạy dỗ đặc biệt, vừa thấm
nhuần văn hóa của dân tộc Việt, vừa tiếp cận văn hóa Chăm. Sự kiện hệ trọng đối
với công chúa Huyền Trân và cả vương quốc Đại Việt, theo Đại Việt sử ký toàn thư : Tháng 2, năm Ất Tỵ- 1305, Chiêm Thành sai Chế
Bồ Đài và hơn trăm người dâng hiến vàng bạc, hương quý, vật lạ làm lễ cầu hôn.
Các quan trong triều cho là không nên, duy có Vương túc Vương Đạo Tái chủ
trương bàn việc đó và Trần Khắc Chung tán thành, việc bàn mới quyết. Cũng theo
bộ chính sử này, năm sau- Bính Ngọ(1306): Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền
Trân cho vua Chiêm Thành Chế Mân. Quà sính lễ của vua Chế Mân dâng lên vương
triều Đại Việt, có vật dẫn cưới vô cùng giá trị, đó là: hai châu Ô, Ri (Rí/Lý)
một phần lãnh thổ của Chiêm Thành. Đến năm 1307, triều Trần chuyển thành châu
Thuận và châu Hóa.
Công chúa Huyền Trân lên đường vu quy
bằng đường bộ sang Chiêm quốc, Trần Khắc Chung được triều đình vương Trần tin
giao đưa tiễn. Kinh đô Đồ Bàn hân hoan đón tiếp giai nhân Đại Việt và long
trọng tổ chức hôn lễ, Huyền Trân trở
thành hoàng hậu Paramecvari. Thật là nghiệt ngã, éo le thay cho kiếp má đào cành vàng lá ngọc của
một công chúa diễm kiều: Chưa tròn một năm sau lễ cưới, tháng 5 năm Đinh Mùi (1307),
vua Chế Mân đột tử. Hai tháng sau, Huyền Trân sinh hoàng tử Dayada, phiên âm là
Chế Đa Da. Theo phong tục Chiêm Thành, khi vua chết thì hoàng hậu cũng phải hỏa
táng để chết theo.
Xung quanh việc này có nhiều tình tiết
về thời gian và sự kiện cần kiếm chứng thêm từ các nguồn sử liệu. Theo Đại
Việt sử ký toàn thư thì: Mùa
đông , tháng 10 năm đó (sau khi Chế Mân băng hà ba tháng ?), triều đình Đại
Việt sai Nhập nội hành khiển Thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng
Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thái tử Đa Da về. Vua biết tục
lệ của Chiêm Thành, sợ Huyền Trân bị hại nên sai nhóm Khắc Chung, mượn cớ sang
viếng tang Chế Mân và nói với người Chiêm rằng : Nếu công chúa bị hỏa thêu thì
việc làm chay không người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời,
đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thêu. Người Chăm nghe theo, Khắc Chung
dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa , loanh quanh trên biển nhiều ngày ...Và, còn nhiều tình tiết nữa,
chẳng hạn khi bập bềnh trên sóng biển Đông vùng ngoài đèo Hải Vân, gặp mưa bão
hải đoàn phải cập vào đảo nhỏ, từ ấy đảo
nọ mang tên Huyền Trân . Sau này Ngô Thì Nhậm cảm xúc: “ Huyền Trân sái vận u sầu lệ, Hóa tác xuân mai dạ vũ thanh...”(trong
bài thơ Đêm mưa trên đảo Huyền Trân), theo Vũ Đình Liên dịch: “Nước mắt Huyền Trân khóc phận mình/ Đêm
xuân, mai đọng lệ trên cành”
Sau mười tháng tháng lênh đênh hải hành,
ngày mùng 10, tháng 8, năm Mậu Thân (1308), công chúa Huyền Trân về đến kinh đô
Thăng Long. Ngày 13, tháng 11 năm ấy, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông viên
tịch trong am Ngoại Vân trên núi Yên Tử. Thực hiện di huấn của phụ vương, Tết
Nguyên đán Kỷ Dậu- 1309, Huyền Trân đến
trấn Kinh Bắc, vào chùa Vũ Ninh trên núi Trâu xuống tóc, khoác áo nâu
sồng, mang pháp danh Thích Nữ Hương Tràng. Như vậy, cuộc đời mĩ nữ công chúa
Huyền Trân đã rẽ vào cõi từ bi, xuất gia thọ Bồ Tát...Và, theo tương truyền, nữ
tu sĩ Hương Tràng đã nương cửa Phật ở nhiều linh tự, đến năm Tân Hợi-1311, trù
trì chùa phía đông núi Hổ( Vụ Bản- Nam Định), bà và một vị sư nữ nữa an tịch
tại đây cùng một ngày, vào năm Canh Thìn- 1340. Ngày mùng 9, tháng giêng, tại
đền thờ công chúa Huyền Trân ở phường An Tây, thành phố Huế, tổ chức lễ hội kỷ
niệm ngày công chúa ly trần. Ở Bình Định chưa có đền thờ bà, nhưng phường Đập
Đá- thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn đã có tên đường Huyền Trân Công Chúa .
Hơn
700 năm trước, người phụ nữ đầu tiên của nước Đại Việt là một công chúa triều Trần đến thành Đồ Bàn trên
đất An Nhơn- Bình Định, ghi dấu ấn tình sử Việt- Chăm mà các nhà sử gia gọi là
cuộc hôn nhân chính trị, sự kiện đã đi vào lịch sử trên bảy thế kỷ. Mặc dù hình
bóng Huyền Trân in dấu trên xứ sở này ngắn ngủi, nhưng văn hóa Đại Việt đã theo
kiệu hoa của mỹ nữ vào cung đình Chămpa, mở ra nhiều sự kiện quan trọng mà sử sách đã lưu truyền./.
Xuân
Nhâm Thìn- 2012.
Chính Đức
Hay lắm...với dòng lịch sử quê nhà:Thành Đồ bàn, Công Chúa Huyền Trân, Vua Trần Nhân Tông (Phật Hoàng)và Chế Mẫn hay Chế Bồng Nga(Vua Chiêm)....Có đôi khi một chút khoảnh khắc ấy nơi Đò Bàn xưa trê mảnh đất Bình Định mấy ai hay biết nhiều...kể cả con dân Bình Định. Cảm ơn anh DUYÊN nhiều và tác giả Chính Đức đã đưa bài này lên!
Trả lờiXóaCảm ơn Thuận đã đọc và động viên! Chúc vui nhé!
Xóa