Cứ mỗi cuối tuần, khi con gái tôi được nghỉ là tôi cũng được
về nhà “nghỉ phép”, vừa để nghỉ ngơi dưỡng sức vừa để “lấy lại tinh thần” sau
một tuần lễ mệt nhoài, chỉ khi nào được trở về nhà và được sống cho chính mình
thì tôi mới thoát khỏi cái nỗi ám ảnh suốt ngày phải chạy theo đứa cháu ngoại
bé bỏng mới tròn 24 tháng tuổi nhưng không chịu ngồi yên một chỗ nào quá 10
phút !. Tôi nói chính xác một trăm phần trăm chứ không thêm bớt chút nào cả.
Nhưng không hiểu sao mới về nhà được nửa buổi là tôi lại thấy nhớ cháu đến lạ,
cứ mong đến đầu tuần mới để lóc cóc trở lại với cháu thôi
Quả thật đối với tôi làm bà ngoại không dễ chút
nào nhất là với một cháu bé hiếu động và có cá tính (tôi chắc thế) như đứa cháu
gái của tôi. Thứ nhất, phải có sức khỏe của một vận động viên chạy marathon để
suốt ngày… chạy theo cháu nếu như không muốn bất cứ một sự cố hay rủi ro nào
xảy ra vì cái tính cực kì hiếu động và cái đầu “điếc không sợ súng” của nó.
Trước đó hai ngày đã có một sự cố làm bà ngoại sợ hết hồn , đó là khi vừa nghe
tiếng xe của mẹ cháu đi làm về dừng lại dưới hiên nhà, thế là đang ngồi chơi
với bà, cháu vụt chạy ngay ra chỗ cầu thang xuống tầng dưới và bà cũng phải
chạy theo bén gót nhưng vẫn…chậm hơn, vì biết có bà ở ngay sau lưng nên cháu
càng cố chạy thật nhanh và đã bị hụt chân ngay ở bậc cầu thang đầu tiên nên cắm
đầu xuống chân chổng lên và bà cũng đã kịp chụp ngay lấy chân cháu mà giữ lại.
Thật hú vía ! Cho đến giờ nghĩ lại mà tôi vẫn chưa hết run, vẫn chưa kịp hoàn
hồn!. Kể từ sau vụ này, tôi không dám rời mắt khỏi đứa cháu lấy nửa bước.
Tiếp theo là phải có cái tai cực nhạy của một
thông dịch viên để mà “dịch”cho ra cái thứ tiếng đơn đớt ngọng nghịu, lại líu
lo như con sáo sậu suốt cả ngày của nó, có như vậy mới làm thỏa mãn mọi nhu cầu
mà nó đòi hỏi phải được đáp ứng tức thì. Mới bé tí mà sao nó biết đòi hỏi lắm
thứ thế không biết, cái phòng của nó bày đủ loại đồ chơi lúc nào cũng bề bộn
như một bãi chiến trường, chỉ được thu dọn ngăn nắp vào cuối ngày vì có dọn dẹp
cho gọn nó cũng sẽ bày ra ngay. Hồi mới hơn một tuổi thì cái gì nó cũng “măm
măm”. Lúc đòi bú mẹ, thấy người lớn đang ăn gì cháu cũng xin “măm măm” rối rít
thì đã đành rồi. Nhưng có hôm mẹ cháu vừa cho ăn xong bụng còn tròn vo, khi
thấy bà ngoại vừa mở máy vi tính ra là nó lại cũng đòi “măm măm, măm măm” và mẹ
cháu phải nhắc: “ Bà ơi, cháu đòi nghe nhạc thiếu nhi có múa thú đó”. Nhiều lần
tôi có nhắc nhở con gái đừng nên chìu con quá mà nó sinh hư, nhưng : “ Mẹ ơi,
nó lớn hơn chút nữa con sẽ “trị tới nơi” chớ bây giờ nó chưa biết gì cả, chỉ có
khóc trí mạng cho đến khan giọng mà thôi”. Ôi, con cháu cá tính của tôi! .
Bây giờ thì nó đã nói được nhiều hơn, cụ thể hơn
lúc trước những cái mà nó muốn “măm măm”, có tiếng rất rõ nhưng có tiếng vẫn
còn ngọng líu ngọng lo phải nhờ mẹ cháu “thông dịch” cho bà ngoại mới hiểu. Khi
ba mẹ cháu đi vắng thì mới là khốn khổ cho thân bà khi mà cháu nói đằng cháu,
bà hiểu đằng bà. Nếu cháu nói mà bà không hiểu thì cháu cứ vừa lắc đầu quầy
quậy vừa “ khun thếch… khun thếch…” liên hồi (không thích..không thích…) như
chực khóc đến nơi và bà chỉ còn biết đưa hết cái nọ đến cái kia cho đến khi
cháu trúng ý và nét mặt tươi tỉnh lên mới thôi.
Chưa hết đâu, cứ mỗi lần cho cháu ăn là cả một
vấn đề và bà đến khan cổ vì dỗ dành, vì bởi không biết từ lúc nào mà cháu cứ
vừa ăn vừa xem ca nhạc (có lẽ khi mới tập ăn mẹ cháu đã phải dỗ bằng cách này
riết rồi thành quen), mà phải đúng cái đĩa nhạc có những người giả thú vật, vừa
hát vừa múa may quay cuồng theo điệu nhạc vui thì nó mới chịu mở miệng, nếu
không nó nhất định ngậm tăm khi bà đưa cái muổng vào. Cháu rất thích ăn… thịt
mỡ, do ba cháu tập cho ăn một vài lần- lại còn đệm thêm câu “thịt mỡ béo béo
ngon ngon nè con” – có lẽ chỉ đùa cho vui thôi mà vô tình tập một thói quen về
ăn uống không tốt cho trẻ. Từ đó, hễ thấy cháu có vẻ hơi lơ lơ khi ăn là bà
đành phải dụ khị ( mặc dù không có tí mỡ nào cả)
- Thịt mỡ béo béo đây nè con, ăn đi, ngoan bà
th..ư..ơ..n..g!
- Nào, măm măm rồi chiều về ba cho đi chơi rồng
rộc ( là cho cháu đi chơi cỡi các con thú giả ở Cung thiếu nhi ).
Thỉnh thoảng, nó lại kêu lên:
- Cho con… thịt mỡ béo béo… thịt mỡ béo béo…
Thế là bà ngoại lại giả vờ tìm trong cái chén
một chút gì gọi là mỡ để cho nó chịu mở miệng ra. Khi chán không muốn ăn nữa mà
cứ bị ép, nó liền dở mánh ra hù dọa bằng cách làm như muốn ói ra, thế là không
ai dám ép nó ăn thêm bởi vì trên thực tế cũng đã có lần ói ra hết thật. Mà đã
ói ra xem như “công trình” cho ăn trở thành công cốc
Tôi từng nghe nhiều bà mẹ than phiền không hiểu
sao con nít bây giờ thường rất lười ăn và kén ăn, làm cho các bà mẹ phải mất
nhiều thì giờ mà dỗ dành kể cả đe nẹt, quát tháo khi cho con ăn cũng như luôn
phải tốn công, tốn sức mà chế biến , thay đổi khẩu vị thường xuyên cho khỏi
chán. Thế mà tình hình xem ra không được cải thiện là mấy. Có lẽ các bà nên áp
dụng một cách vừa phải tinh thần của câu chuyện món ăn “Mầm đá” của Trạng Quỳnh
đối với chúa Trịnh thì may ra chăng?
Về dạy bảo trẻ thơ thì tôi không theo các phương
pháp bài bản như trong sách vở nào cả mà chỉ “tự phát” theo từng tình huống cụ
thể bằng kinh nghiệm ít ỏi của bản thân mình ( vì tôi chỉ có một đứa con gái ),
nhất là bằng tất cả trách nhiệm và tình thương của một người mẹ, người bà (lẽ
dĩ nhiên rồi). Đầu óc non nớt của trẻ chỉ như một tờ giấy trắng mà cháu thì có
trí nhớ rất tốt, rất mau “thuộc bài” và “trả bài” cũng rất tốt, hễ dạy một lần
là cháu nhớ như in vậy. Có một lần mẹ cháu chỉ cho cháu xem một con chim đang
bay trên trời cho đến khi mất dạng rồi hỏi: “Con chim đâu rồi hở con?” Rồi mẹ
cháu tự trả lời “ Con chim nó bay đi mất tiêu rồi”. Thế là từ đó hễ không có,
không thấy cái gì là cháu kêu “mất chiêu d..ồ..i” với một ngữ điệu kéo dài rất
ngộ nghĩnh đáng yêu, ví dụ “ Em bé… mất tiêu rồi” – em bé là con búp bê biết đi,
đồ chơi của cháu bị thất lạc đâu đó, hoặc là “Ướt quần… mất tiêu rồi” khi cháu
mãi chơi không nhớ gọi “xi con đái” mà bà cũng quên luôn nhiệm vụ đó của bà.
Một hôm, tôi đưa cháu ra chơi trước hiên nhà cho cháu nhìn người và xe qua lại
để tập cho cháu biết nói thêm một vài từ ngữ mới. Tôi chỉ cho cháu xe máy, xe
hơi và một vài hiện tượng đơn giản xuất hiện trên đường phố rồi tập cho cháu
nhận biết và nói theo, nhân tiện tôi “ôn lại bài cũ” cho cháu:
- Mẹ con đâu rồi ?
- Mẹ con đi làm.
- Mẹ con đi làm ở đâu ?
- Mẹ…mẹ…đi làm ở bệnh viện.
- Mẹ làm gì ở bệnh viện ?
- Mẹ…mẹ…làm ở nhà thuốc.
- Con giỏi lắm!
Tôi không ngờ vì “ôn bài” cho cháu mà đã gợi
cháu nhớ đến mẹ, cho nên đúng vào lúc có một chiếc xe ga màu trắng rất giống
với chiếc xe mà mẹ cháu vẫn đi làm chạy vụt qua là cháu đưa tay chỉ theo bóng
dáng một người nữ đi trên chiếc xe ấy mà khóc òa lên nức nở và gọi với theo :
- Mẹ…mẹ…mẹ ơi…mẹ ơi…!
- Mẹ…mẹ…mẹ ơi…mẹ đi đâu mất tiêu rồi !
Cháu khóc càng lúc càng to, không nghe tiếng bà
dỗ dành và giải thích làm tôi vừa thương vừa không nhịn được cười. Tôi vừa lau
nước mắt nước mũi cho cháu vừa nghĩ cách giúp cho nó hiểu ra sự nhầm lẫn bất
ngờ này:
- Thôi nào, con nín đi, đâu phải mẹ mà con khóc,
mẹ con giờ này còn làm ở nhà thuốc, chưa về đâu mà.
Thật may, vừa lúc đó có một cô gái cũng đi chiếc
xe màu trắng tương tự dừng lại trước cửa tiệm bán bún bò của nhà sát bên cạnh.
Tôi liền hỏi cháu:
- Con nhìn kĩ xem người này có phải mẹ con không
?
- Không phải mẹ- đang khóc nhưng cháu lắc đầu
nhiều lần một cách quả quyết.
- Đó, con thấy chưa, cái người hồi nãy đi xe màu
trắng giống xe này cũng đâu phải mẹ của con- tôi đưa tay chỉ chiếc xe trước mắt
cháu-. Nếu là mẹ thì đã về nhà với con rồi. Đúng không ?
Đến lúc này con bé mới thật sự hiểu ra và thôi
khóc hẳn. Tôi ôm hôn cái đầu bé tí thật lâu cho đến khi con bé vùng vẫy đẩy ra
mới thôi. Đúng là dù có thông minh đỉnh ngộ đến đâu thì một đứa trẻ cũng không
thể vượt qua được lứa tuổi của nó.
Mẹ cháu thì loay hoay nghiên cứu những phương
pháp dạy trẻ trong sách vở lí thuyết và thường lúng túng khi đối mặt với thực
tế diễn ra, không biết nên làm thế nào là tốt nhất cho trẻ, còn bà ngoại cháu
chỉ làm theo sự mách bảo của trái tim người bà - mà trái tim đôi lúc cũng bị
“quáng gà”, đâu phải lúc nào cũng sáng suốt, minh mẫn như lí trí. Không biết
rồi đây nhân cách cháu sẽ hình thành như thế nào, có trở thành một con người
như kì vọng của ông bà cha mẹ hay là “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” như
người xưa vẫn nói.
Suốt một ngày luôn chân luôn tay tất bật chỉ với
một đứa cháu ngoại bé tí tẹo mà tôi mệt lữ, còn mệt hơn hồi còn đi dạy học dù
phải chăn dắt cả một lớp học trên bốn mươi học sinh! Nếu ai không tin xin cứ
hỏi những bà nội, bà ngoại, hay ông nội, ông ngoại cùng cảnh ngộ như tôi thì
khắc biết.
Đêm đến, có hôm nằm mơ tôi thấy mình vừa chạy theo sau đứa
cháu ngoại- vừa gọi một cách khẩn thiết: “Chạy chầm chậm thôi, con bé hạt tiêu-
con tép- con chim sáo nhỏ của bà ơi !”
Pleiku, ngày 2-4-2012
N.Đ.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét