Đào Thị Quý Thanh, sinh năm 1981 tại Bình Định. Hiện đang công tác tại Phòng biên tập văn nghệ Đài PT và TH Bình Định. Đã xuất bản tập truyện ngắn “Nắng tình từ đất” (NXB Đà Nẵng, 2008). Chị là đại biểu thuộc khối các tỉnh, thành phố đi dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII (2011).
Có lẽ trong xóm này chẳng ai
có nhiều tên gọi như chị. Người thì gọi gái khùng, người thị gọi đồ động kinh,
người ác ý hơn thì gọi đĩ Hương, nhưng với nhà tôi thì luôn gọi chị với một cái
tên thân mật – gái Hương.
Nhà chị và nhà tôi đối diện
nhau, nên những lần buồn chị đều chạy qua nhà tôi để uống chén trà, hút điếu
thuốc, chị ngồi hàng giờ chỉ để nói dăm câu ba sợi với bà ngoại tôi, còn đầu
chị nhìn lơ đãng ra ngoài đường. Chả biết chị hút thuốc lúc nào mà hút ghê thế.
Hôm nào mà không có chị đi lang thang la cà đến những quán cà phê bên đường xin
khách điếu thuốc. Nhiều lần tôi khó chịu nhắc nhở “nhà có em bé chị đừng hút”.
Chị nghe lời dụi điếu thuốc vào gạt tàn ngồi im chẳng nói, nhưng khi không có
tôi chị lại lén hút. Con gái về nhà méc mẹ “sáng nay cô gái Hương lại hút thuốc
trong nhà mình”. Sợ người quen đi ngang nhìn vào thấy một người phụ nữ hút
thuốc thì mang tiếng, nên tôi phải dùng biện pháp mạnh cấm tiệt luôn. Hút thuốc
thì không vào nhà, vào nhà thì không hút thuốc. Đã ghiền thì không bỏ được, chị
lại lén gia đình ra bãi đất trống sau khu nhà tập thể để hút. Hút xong
chị lại vào nhà tôi ngồi vắt vẻo hai chân thoải mái.
Chị lớn hơn tôi không bao
nhiêu, nhưng trông già đi rất nhiều. Da mặt sạm đen, chân tay đầy vết sẹo. Ngày
nắng hay mưa chị chỉ có một mốt trang phục áo thun đóng thùng cùng với chiếc
băng đô to tướng trên đầu. Trông thật ngộ nghĩnh và tội tội làm sao. Học xong
lớp 3, gia đình phát hiện chị bị bệnh động kinh, đầu óc không ổn định, có lúc
như người ngu ngơ mất hồn, ánh mắt hoang dại. Chị có cái nhìn nghiêng đầu khiến
người khác phải chột dạ, cái nhìn như soi mói thấu vào suy nghĩ của người khác.
Đang ngồi nói chuyện bình thường tự dưng chị lăn đùng ra ngã ngửa, co giật, mắt
trợn trần, bọt mép chảy ra. Không quen cảnh này có người sợ phát khiếp bỏ chạy.
Tôi cũng sợ, tôi không dám lại gần chị, chỉ vội vàng chạy nhanh vào nhà gọi mẹ
chị chạy ra. Bà mẹ quần ống thấp ống cao đang nấu ăn trong bếp vội vàng chạy
lại gần đỡ đầu con mình trên cánh tay gầy guộc. Nằm như thế cho đến khi qua
cơn, chị đờ đẫn ngồi dậy dưới sức kéo nặng nề của người mẹ.
Không được học chữ nhiều
nhưng chị lại thích đọc sách, cứ đọc bập bà bập bõm như mấy đứa nhỏ tập đọc.
Vậy mà đọc hết, có khi ngồi đọc đánh vần từng chữ chỉ để kể cho con gái tôi
nghe hết câu chuyện. Chị lại còn có tài thêu thùa. Điều này tôi cũng không biết
chị học ở đâu, chị thêu rất đẹp. Nhất là những đôi cánh bướm màu vàng lượn lờ
chuyền cành, từng nét thêu của chị thật sắc sảo, không lộ đường chỉ trên nền
vải trắng. Những chiếc khăn tay của con gái tôi đều do chị thêu cho. Có
lẽ đó là điểm nổi bật mà ít người biết được ở chị.
Những người ở xóm rất
ngại khi chị vào nhà chơi. Có người háy quýt, có người đuổi thẳng. Họ sợ chị
lấy vặt đồ. Mà trước đây thôi, chứ giờ chị chỉ cần ai đó ân cần, nói năng dịu
dàng với chị thế là chị vui lắm rồi. Tuổi mới lớn chị cũng thích diện những bộ
đồ đẹp, cũng thích có người yêu mình, thích được tụ tập bạn bè, thích được ngồi
cà phê, quán nhậu. Những lần đi như thế phải có tiền, tiền thật nhiều, không
có chúng không cho theo. Chính điều này làm cho người khác lợi
dụng, họ bảo chị lấy cắp tiền của người nhà đi ăn chơi, tiêu xài. Nhà không lấy
được thì chuyển sang lấy nhà hàng xóm. Bao nhiêu lần bị đánh, bao nhiêu lần
hàng xóm đến mắng vốn nhưng chị vẫn chứng nào tật nấy. Những chiếc áo thun,
những chiếc băng đô trên đầu mỗi ngày mỗi kiểu. Nhà tôi cũng không ngoại lệ với
chị. Buổi chiều đi làm về, mệt mỏi, đang thiêm thiếp trên chiếc võng tôi nghe
có tiếng bước chân rón rén, giật mình mở mắt thì ra chị gái Hương đang đứng
cạnh bàn nơi có chiếc túi xách lúc nãy vì mệt tôi vứt đại chưa kịp cất. Bị bắt
gặp chị trở nên lúng túng, ú ớ trong miệng, tôi chưa lên tiếng thì chị đã nhanh
chân chạy ra ngoài cửa rồi mất hút trong bóng tối. Những ngày kế tiếp tôi chẳng
thấy chị đâu. Mẹ chị nói nó đi với đám bạn, toàn những đứa lộn xộn tóc xanh mỏ
đỏ, có ngăn cũng không được. Tôi thấy trong đôi mắt người mẹ ẩn nỗi buồn
thăm thẳm, lầm lũi.
Và rồi cái gì đến nó đến,
bụng chị lú nhú qua làn áo mỏng, cả xóm xầm xì, đoán non đoán già, rằng cái
thằng già tóc muối tiêu đi xe đạp thồ hay chờ chị ở đầu đường là tác giả. Có
người lại nói làm gì phải, thằng ấy chỉ là tay dẫn gái thôi. Cha nó chứ đứa
khùng mà nó cũng không tha. Mẹ chị đứt ruột chửi đổng. Khùng thì làm sao mà đẻ
mà sinh con được, cũng không biết cha đứa bé là ai, mà chính chị cũng không
biết. Nhưng có một điều chị biết là sự thay đổi cơ thể nó bắt đầu đầy đặn, bầu
vú thâm đen căng tròn, chị sẽ có em bé, nó sẽ giống chị. Nó sẽ có đôi bàn tay,
bàn chân mủm mỉm bé xíu thật xinh xắn, cái miệng chúm chím lúc nào cũng mấp máy
đòi bú. Nó lớn lên bằng những bước chân chập chững, bi bô gọi chị bằng “mẹ”.
Một ý nghĩ ngấm trong đầu rồi lan dần xuống trái tim khấp khởi. Chị cười, tay
xoa tròn bụng, ấn nhẹ như tìm mầm sống đang cựa quậy trong người mình.
Mẹ chị là người lo lắng
nhất, hơn ai hết bà biết con mình cần gì, nghĩ gì. Cuộc sống này đã đầy đọa một
kiếp người rồi, bà không muốn phải nhìn thêm những điều không vui nữa.
Sức bà ngày càng gầy yếu, hao mòn. Hàng ngày miếng cơm, cái áo bà phải lo sẵn
cho chị, không có điều gì ở chị mà không có bàn tay bà. Bản thân nó còn lo
không nổi. Huống chi... Bà xót xa nhìn con. Với bà, chị chẳng khác gì một đứa
trẻ ngây ngô, chẳng biết gì ngoài ăn chơi và ngủ. Bà lựa lời nhỏ nhẹ khuyên chị
đến bác sĩ bỏ đi. Chị không chịu, khóc bỏ chạy. Năn nỉ, mềm mỏng không được
bà kiên quyết sai người nhốt chị trong nhà. Chị lăn lộn gào thét, cào cấu
bà bằng sự bấn loạn tâm thần. Bà khụy xuống ngồi bất động, cổ họng nghẹn
đắng. Những vết xước mà chị để lại trên người bà có thấm vào đâu so với nỗi đau
thầm lặng mà bà chịu đựng mấy chục năm qua. Bà ôm chị, hai mẹ con nước mắt giàn
dụa. “Bỏ nó đi con à, con mà bình thường như người ta thì mẹ không làm chuyện
thất đức này đâu”. “Không”. Chị hét lớn đẩy mạnh bà mẹ ra, bò về sau chiếc ghế,
hai tay ôm chặt bụng “con thích nó”. “Mẹ biết con yêu em bé, nhưng con làm khổ
nó thôi”. Sợ chị chưa hiểu bà mẹ nấng nhẹ nhàng nói tiếp: “Em bé sinh ra là
phải được ba mẹ chăm sóc, nuôi thì nó mới lớn được”. Chị nghĩ việc đó đâu có
khó, chị vẫn lén thấy bé nhà chị Minh hàng ngày được cho ăn cháo, được tắm
trong cái chậu lớn, được mẹ ẵm đi chơi, lúc khóc thì ôm chặt vào lòng nựng yêu
là nín ngay. Không khó mà. Nó là của chị.
Những ngày sau đó, chị chẳng
ra khỏi nhà, nằm bẹp trên giường. Chị sốt và mê man. Người ta vẫn gọi chị là
gái khùng. Chị bị khùng ư? Có thật không?. Chị chưa bao giờ nhận ra điều này ở
mình. Chị nghĩ đến những việc thường ngày chị làm rồi so sánh với những người xung
quanh. Cũng chỉ là những điều vặt vãnh. Những suy nghĩ rối rắm đè nặng trên
lồng ngực của chị, khó thở. Và chị lịm đi trong giấc ngủ của mình. Chị thấy một
đứa bé khóc la thảm thiết, oằn oặt bên một người phụ nữ đang cố giẫy nẩy, bọt
mép từ khoé miệng chảy ra, nằm trượt dài trên những mảng tối sáng của những con
đường đầy gai, đầy những vũng máu nhỏ. Tiếng hát, tiếng khóc, tiếng cười lẫn
lộn vang vang âm u như xa như gần. Hơi ấm từ bàn tay đặt lên trán làm chị trở
mình mệt mỏi mở mắt, mồ hôi ra ướt nhẹp cả gối. Bà mẹ ngồi đó từ bao giờ, bà tọ
mọ thổi từng muỗng cháo còn bốc hơi nóng đút vào miệng chị, nhưng không
quên nhắc nhở “con ráng ăn … nghe lời mẹ đi, khổ cho con, cho nó đấy”. Chị dấm
dẳng “cứ để mặc con”.
Rồi cái bụng của chị trở lại
bình thường, da xanh xao như người mất máu nhiều. Nghe mẹ chị kể phải dẫn nó đi
phá đấy. Sợ xảy ra trường hợp tương tự, họ quyết định cắt đi buồng trứng của
chị.
Khi sức khỏe hồi phục, không
có gì phải lo phải sợ, chị đi nhiều hơn, uống rượu nhiều hơn, và cặp kè với
những người đàn ông nhiều hơn. Đàn ông chị quen toàn là những gã nát rượu, bặm
trợn hung dữ. Có hôm về nhà mặt chị đầy vết bầm tím, mẹ nào mà chẳng xót con,
từ đó bà gặp thằng nào đứng chờ trước nhà, hay bấm còi xe bà cũng đều cầm chổi
rượt theo mà mắng mà đánh. Mà bà có nhiều nhặng gì con cái chứ chỉ có ba đứa
một trai hai gái. Lần đầu mang thai bao nhiêu niềm hy vọng, hạnh phúc vợ chồng
bà đều đặt vào đứa con này. Mang thai sáu tháng trong lúc cắm sợi dây vào ổ
điện, bà bị giật, không biết có phải vì vậy mà con gái bà bị động kinh, đó là
điều mà trong thâm tâm bà ray rứt ăn năn mãi. Nó có khuôn mặt giống bà, nhất là
ánh mắt, có nỗi buồn gì đấy cứ xa xăm. Bà còn khéo léo che giấu dưới làn mi
cong, còn nó cứ đượm ra ngoài. Số nó khổ như số bà, như bị ai đầy từ kiếp
trước. Lúc lên 5 tuổi mẹ bà mất sớm, nhà nghèo sống dựa dẫm, nương tựa vào bà
nội. Năm 18 tuổi bà lấy chồng. Đó một người đàn ông nhu nhược, chỉ biết ăn bám
và nghe lời mẹ, bà sống nhịn nhục trước những cái nhìn đay nghiến, những lời
chửi mắng ác ý của người mẹ chồng. Bà như một kẻ cô lập, bị bỏ rơi ngay trong
chính ngôi nhà, người thân của mình. Giờ khi tất cả đã qua đi, bà lại từng đêm
khóc thầm cho đứa con gái này.
Cái tuổi nó đuổi cái xuân,
với chị lại càng xa cái xuân nhanh gấp bội. Gương mặt thanh tú giờ đây
trở nên già nua. Chả ai chơi, chỉ có mấy đứa con nít đi ngang qua thấy chị
ngồi ở trước hiên nhà đến trêu ghẹo chọc phá, gây ra một trận chửi nhau.
Thấy chị hăng hái chửi bậy bọn nó thích thú càng chọc hơn.
Tôi không thích chị. Có cái
gì đó ở chị tôi ghét. Ghét mà không nói ra. Chị thích hát, mà toàn những bài
nhạc chế. Thỉnh thoảng đang ngồi, chị lại vút lên cao vài câu nghe thật chướng
tai. Con bé không biết gì nhưng cười nức nẻ. Mỗi khi nghe nó nói “Cô gái Hương
qua chơi” tự dưng tôi đâm bực “lại hút thuốc và rồi lại ngồi hàng giờ, tiền
quạt đâu mà chịu cho nổi”. Ngược lại bà ngoại và con gái tôi thích chị. Thấy
chị đứng đâu bà cũng chồm người ra cửa sổ gọi réo vào. Tuổi già chân tay yếu,
đi lại khó khăn, có người ngồi nói chuyện là bà vui. Con gái tôi cũng vậy.
Mùa đông với những cơn
mưa nhày nhụa nước. Lạnh. Người ta đào bới con đường để đặt ống thoát nước, làm
chưa kịp, những ống cống được bao xung quang bằng những tấm B40 như một khu vực
cấm cho tất cả mọi người. Nước không kịp thoát, ứ động dâng tràn lênh láng.
Những chiếc xe đi ngang qua bắn tung tóe nước. Người lớn thì lắc đầu, chép
miệng, trẻ con reo hò thích thú. Nhà tôi nước vào tận trong phải mất một buổi
khuân vác đồ đạt đặt trên cao. Con bé chưa thấy cảnh tượng này bao giờ
cười tít mắt “ nhà mình sẽ có cá chứ mẹ”. Lạnh, bực bội nhưng nghe con bé nói
thế tôi cũng phì cười.
Bên kia đường chị ngồi co
ro, vẫn là bộ quần áo thường ngày nhưng hôm nay chị quàng thêm khăn trên cổ.
Chị nhìn mưa, vẫn đôi mắt buồn ấy. Chị mà không bệnh hẳn có khối người theo.
Mưa như làm cho nỗi buồn giãn ra, không gian đặc quánh lại, cơn gió thổi mạnh
như được thể mưa thi nhau trút nước. Trái với những gì tôi nghĩ, chị không vào
nhà nằm xem ti vi mà chị bật dậy ra ngoài đưa tay hứng những giọt mưa từ mái
hiên rơi xuống. Cười một mình. Như chưa thỏa được niềm thích thú chị cởi bỏ
chiếc khăn, cuối gập người, chỉ một nhoáng đầu chị ướt nhẹp. Cứ thế chị gội
bằng nước mưa.
- Gái Hương, sao mày không
vào nhà mà gội - bà ngoại tôi ngồi trong nhà la lớn qua cửa sổ.
- Con thích tắm mưa.
Vào nhà đi, đau đấy, má nó
đâu mà để thế kia chứ.
Dường như chị không nghe
thấy điều ấy. Nước bắt đầu thấm ướt cả áo. Chị vo tròn mái tóc của mình rối bù
rồi đứng thẳng hất mái tóc ra sau. Chiếc áo ướt bó sát người, mỏng manh. Chị
ngửa đầu, khuôn mặt đầy nước. Con người phút chốc được là chính mình.
Dòng nước như cuốn trôi, xóa tan khoảng cách , những cái nhìn thiếu thiện cảm
của những người xung quanh. Nụ cười của chị thật hồn nhiên ngây ngô và thỏa
mãn.
Một ngày mẹ chị quyết định
tạm thời vào miền Nam sinh sống, giữ ngôi nhà từ đường và phần mộ người mẹ của
bà mới mất. Mẹ đi, căn nhà chị lại trống trãi. Buồn, chị lại càng đi lang
thang, chị đi hết đường này sang đường khác, mỏi chân chị bắt chiếc xích lô về,
ngồi bệch xuống vỉa hè ngả tư đầu đường. Cái nhìn của chị xa xăm. Dường như chị
tỉnh trong những khoảnh khắc ấy. “Chị nghĩ gì thế?”. Đôi lần tôi tò mò hỏi. “Nhìn
mấy đứa nhỏ đi học ấy mà”.
Người ta nói chị khùng, ngu
ngơ. Đâu phải lúc nào chị cũng động kinh, đâu phải lúc nào chị cũng có cái nhìn
ngẩn ngơ. Thỉnh thoảng chị vẫn nói với tôi về tình yêu, về con nít, về người
đàn ông băm trợn của chị. Hắn có dáng người nhỏ thó, đầu tóc, râu ria bờm xờm.
Nhìn hắn ai cũng thấy ghê ghê. Chị thương hắn. Như một cặp Chí Phèo Thị Nở của
thời hiện đại. Trong số đàn ông mà chị quen, có lẽ hắn là người mà chị dành
nhiều tình cảm nhất. Nhà có món ăn gì ngon, chị cũng lén để dành. Lúc nào chị
và hắn cũng kè kè bên cạnh. Có hôm hắn say bét nhè về không nổi, một mình
chị kéo hắn vào bên hiên nhà hàng xóm. Lấy chiếc chăn đắp cho hắn, chị
ngồi như thế cho đến sáng bất chấp tiếng rầy la của đứa em gái. Gương mặt chị
lúc nào cũng rạng ngời hạnh phúc. Chị thay đổi trang phục, những bộ đồ đầm nhẹ
nhàng làm cho chị trẻ ra. Tôi hỏi “hắn có đánh chị không?”. Chị lắc đầu: “Hắn
nói chị đẹp. Hắn thương”.
Bẵng một thời gian tôi không
thấy hắn đâu, tôi cũng chẳng thấy chị. Chuyện bình thường. Chị về quê hay đi
đâu đó như mọi khi ấy, dăm bữa nữa tháng rồi lại về. Gặp chị, ánh mắt hằn lên
nỗi buồn đau. Chị ít nói, ít cười. Chị lặng lẽ một mình đi lang thang qua những
con phố, hỏi chị “cái người hay đi với chị đâu sao không thấy”. “Ảnh mất rồi”.
“Sao lại mất”. “Uống rượu say bị xe tông”. Sau người đàn ông ấy, chị không cặp
kè với ai nữa. chị lặng lẽ sống, lặng lẽ đi la cà ngồi quán nhậu một mình và
hút thuốc nhiều hơn.
Chị quyết định vào ở với mẹ.
Tôi thấy nhẹ cả người, không phải lúc nào đi làm về cũng đều khó chịu với mùi
thuốc lá. Bé nhà tôi cũng không quấy khóc khi “mẹ ơi, cô gái Hương chọc con”.
Nhà tôi lại được yên tĩnh Nhưng có cái gì đó trống vắng, như cái ghế vắng dáng
chị ngồi.
Tôi nhận được lá thư nhìn
dòng chữ ngệch ngoạc như trẻ con mới tập viết, tôi đoán của chị. Chuyện lạ.
Chắc chị viết thư cho con bé đây mà. Dù hay trêu chọc con bé khóc nhưng tôi
biết chị thương con bé nhiều. Những lần vô tình bắt gặp bàn tay chị nhẹ nhàng
vuốt tóc con bé, cách chị đưa võng hát ru nó ngủ với đầy ắp tình yêu thương mà
có lẽ chỉ những người phụ nữ mới hiểu. Thư gởi cho tôi. Chị nói chị buồn, chị
không muốn về chị sợ lại nhớ người đàn ông của chị. Tuy là người đàn ông xấu
xí, dị hợm, lại nát rượu nhưng đó là người đàn ông duy nhất hiểu chị và khen chị
xinh. Chị cũng nhớ con bé. Tiếng gọi “cô gái Hương” được bật ra từ đôi môi nhỏ
xíu chúm chím của cón bé thật ấm áp. Nhìn nó cười, nó khóc chị thấy cuộc sống
mình tươi vui, chẳng phải phiền muộn gì.
- Mẹ đọc gì thế? - Con bé
đến bên cạnh từ lúc nào với tay lấy lá thư.
- Thư của cô Hương, cô nói
cô bận công việc chưa về nhà được.
- Cô gái Hương không về, con
nhớ cô gái Hương lắm – con bé phụng phịu.
Nói xong con bé chạy ù vào
nhà. Tự dưng tôi thấy bùi ngùi, có cái gì đó buồn buồn cay cay ở đôi mắt. Tiếng
con gái tôi vọng từ trong nhà:
- Bà cố ơi, cô gái Hương
viết thư nói không về, nhưng con biết tết thế nào cô gái Hương sẽ về như cô Tám
con vậy. Đi đâu đi, tết cô Tám về đều mua áo đẹp cho con. Thế nào tết cô Hương
về cũng có quà cho xem.
Tiếng cười nức nẻ trong trẻo
của con bé như làm ấm hẳn cả ngôi nhà. Nước cũng dần rút xuống….
Qui Nhơn, tháng 10-2011
Đ.T.Q.T
Đọc xong truyện ngắn "Cái Hương" của tác giả Đào Thị Quý Thanh tôi cảm thấy thương xót cho một phận người. Nhân vật "Chị" được ngồi bút tài tình của ĐTQúy Thanh lột tả một cách chân phương nhưng đầy trắc trở,đau thương nhưng mảnh liệt và dữ dội vô cùng. Chi tiết chị Hương cải lại mẹ khi mẹ khuyên chị đi phá thai là một chi tiết rất đời thường, rất nhân văn mà một người khùng như chị Hương biết đấu tranh để giành lấy...nó có giá trí gấp mấy lần người tâm trí bình thường mà chai sạn với tình mẫu tử...Cảm ơn tác giả đã cho tôi vài phút lắng lòng rất có ý nghĩa trong truyện ngắn này. Chúc bạn luôn thành công! Thân mên!
Trả lờiXóa