Huy Nguyên
Nói thật, tôi là người ít đọc thơ. Cầm một tập thơ trong tay, tôi
lướt qua các trang thơ theo kiểu cỡi ngựa xem hoa, nhưng gặp một câu thơ hay,
một bài thơ có tứ mới, lập tức cái lướt nhìn dừng lại, tôi đọc kỹ nhiều lần để
hiểu câu thơ đó, kiếm tìm cái hay
của bài thơ đó.
Dân Việt ta có truyền thống yêu thích thơ ca, nên
có rất nhiều người sính làm thơ. Có thể nói là ra ngõ gặp nhà thơ. Huy Trụ đã
nói khá hay:
" Thơ là rượu của
thế gian
Phải đâu nước lọc rót
tràn mời nhau"
Để rồi chính anh cũng trăn trở, nghĩ suy, những
bài thơ mình làm, những tập thơ mình đã xuất bản có phải là thơ đích thực, hay
đó chỉ là thứ "nước lọc" nhạt nhẽo mà người ta vẫn thường đưa ra
"mời nhau". Người làm thơ thì nhiều, hàng đống tập thơ đã được in ra,
nhưng kiếm cho được loại thơ "rượu của nhân gian" ấy cũng có dễ đâu!
Tôi lười đọc thơ, một phần cũng vì lẽ đó.
Lâu nay, trong nhãn quan của tôi, thơ là một thứ
gì sâu xa, và nhà thơ thuộc lớp người cao sang, tôi chỉ dám đứng xa
mà nhìn. Nhưng bây giờ lớn tuổi rồi, về hưu nghỉ, tôi đâm ra muốn gần gũi các
nhà thơ, thích nghe thơ của họ. Trong một lần thù tạc với các nhà thơ, các anh
giới thiệu về thơ của Bích Ngọc. Thơ cô thì nhiều, có cả một tập dày, nhưng tôi
chỉ xin cô cho nghe vài bài thơ tâm đắc. Có các nhà thơ đàn anh khích lệ, nên
cô cũng vui vẻ đọc thơ. Tôi mang máng cảm nhận một thứ thơ ca đúng nghĩa. Chiều
ý tôi, Bích Ngọc đã chép gửi tôi năm bài, để về nhà "nhấm nháp cho
vui!"
Tôi rất thích câu nói này
của Bêilinxki: "Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ
thuật." Cuộc đời của người đàn bà này thế nào để có những vần thơ sâu sắc
như thế! Vẫn là chất tình đó thôi, nhưng nó trĩu nặng tâm tư, mở và khép một
tâm hồn sâu kín, muốn nhìn thấu cũng khó lắm thay!
1. Trước hết là một cơn mưa. Bích Ngọc thấy:
Tội cơn mưa
Anh lơ ngơ
Tiễn em
Chiều rất vội.
Ngại em về rớt lại nhớ
thương.
Rất tội cơn mưa.
Chưa buồn đã khóc
Em đi rồi
Mưa ngọng nghịu lêu bêu.
Bài thơ mở ra một chất giọng đằm thắm:
Rất tội cơn mưa.
Chưa buồn đã khóc
Có vẻ như là tả một hiện tượng thiên nhiên. Mưa đổ nước, như những
giọt lệ rơi. Nhưng sự cảm nhận rất tinh tế, ẩn sâu trong đó là chất tình:
"tội", "chưa buồn, đã khóc". Thực ra, đó là cái tình nhớ
thương khi xa cách: Tiễn em - Em đi rồi
Cái vẻ rất vội, ngại là sự bày tỏ : nhớ thương
Cái vẻ ngọng nghịu lêu bêu đó đâu chỉ là của cơn mưa, mà là con
người. "Tội cơn mưa" chính là tội cho người ở
lại trong nỗi nhớ thương sâu sắc!
Nói được cái tình đau xót một cách tinh tế bằng hình tượng lung linh, giọng thơ
sâu lắng như thế, cũng là tài!
2.
Từ ấy...
Và
Vần thơ khởi sắc.
Khi đôi mắt nồng nàn anh
đắm đuối nhìn em.
Từ ấy...
Hồn thơ bất tử.
Vịn lấy
thời gian nước chảy đá mòn.
Tác giả rất tinh khi viết: "Từ ấy..." (
Chữ "Từ ấy" với dấu ...) "Từ ấy" không chỉ một thời điểm cụ
thể, mà có quá trình (từ "Vần thơ khởi sắc" đến "Hồn thơ bất
tử"). Tình yêu có điểm khởi đầu, nhưng khó xác định cụ thể, giống như ranh
giới giữa ngày và đêm, giữa vùng mưa và nắng. Tự nhiên tôi nhớ đến câu thơ của
Xuân Quỳnh (Sóng): "Em cũng không biết
nữa. Khi nào ta yêu nhau".
và gói chặt trong đó một khối tình:
...đôi
mắt nồng nàn anh đắm đuối nhìn em
Vịn lấy thời gian nước chảy đá mòn
Câu thơ cuối hay, ý nghĩa sâu sắc. Từ
"vịn" rất quen thuộc trong khẩu ngữ, Phùng Quán cũng từng dùng:
"Vịn câu thơ mà đứng dậy",
nhưng xuất hiện ở đây vẫn có chút mới lạ. Cũng thế, câu tục ngữ "nước
chảy đá mòn" đi với "thời gian" đã trở nên sâu lắng bất ngờ. Cả
câu nói lên một ý thơ trầm lắng, khẳng định sự bền chặt, thuỷ chung.
Bài thơ hay. Từ không mới, nhưng ý lạ, tứ thơ
đằm thắm, thiết tha.
3.
Dỗi hờn
Biển hồn nhiên
Sóng trở nhàu
Gối lên phận mỏng bạc đầu
dưới trăng.
Trắng hồn - uống cạn
tuyết băng
Môi khô còn khát vàng son
thưở nào.
Gió bay
Bay một lời chào
Vỡ thành ngọn sóng
Sóng trào nguyên khôi.
Gọi nhau - trở kiếp luân
hồi
Lạc nhau khản giọng - thì
thôi -
Cũng đành!
Hồn nhiên
biển mãi còn xanh
Cách thể hiện "dỗi hờn" như thế này thì hơi khó hiểu. Đó là sự
"dỗi hờn" của người phụ nữ ở tuối "tri thiên mệnh", muốn
yêu chân thành và hồn nhiên như bao người trai trẻ, nhưng có được đâu! Cho nên,
"lời chào" theo gió bay, tan thành sóng, nhưng chất
"nguyên khôi" vẫn còn đó. Suốt đời "lạc nhau", "gọi
nhau" đến "khản giọng" "thì thôi - cũng đành!"
Mượn ngọn sóng trên biển xanh để nói về sự dỗi
hờn thân phận:
Biển hồn nhiên
Sóng trở nhàu
cũng là một cách biểu hiện mới lạ của thơ Bích
Ngọc. Đó là một ẩn dụ đặc sắc, được vận dụng sáng tạo trong toàn bài. Cho nên,
sự dỗi hờn ở đây có chiều sâu của tuối tác, có sự chín chắn của con người từng
trải, tất cả làm nên độ sâu của bài thơ. "Dỗi hờn" đã trở thành tiếng
than thân phận: "phận mỏng bạc đầu", mặc dù nỗi khao khát thương yêu
vẫn còn nguyên vẹn:
Trắng hồn - uống cạn tuyết băng
Môi khô còn khát vàng son thưở nào.
Bài thơ tuy có chất tình sâu, tính nhân bản cao,
nhưng nghệ thuật còn có chỗ gò ép, khiên cưỡng. Tuy nhiên, dùng câu chữ khuôn
sáo để biểu hiện một tứ thơ mới lạ cũng là một nét thành công của bài thơ.
4.
Chuyến xe tình
Chiều qua
Người chở thơ tình
Chuyến xe lộng lẫy hành
trình im thinh.
Chiều nay
Ta chở thơ mình.
Chuyến xe lam lũ giọt
tình hư không.
Chở hoài
Một mớ bòng bong!
Xe lăn cọc cạch bụi hồng
mù tăm.
Chở hoài
Câu chuyện trăm năm.
Chừng nghe hoá kiếp
Lăm nhăm phận người!...
Bài thơ nói về chuyện tình, nhưng ẩn sâu trong đó
là "phận người". Chuyện tình trong thơ Bích Ngọc thường là chẳng vui,
luôn ẩn chứa nỗi niềm đau xót, một nỗi đau thân phận. Có gì mà phải luôn
đau đớn thế! Cuộc đời của Bích Ngọc chắc là có nhiều trắc trở, vui ít, buồn
nhiều...Tôi nghĩ thế, vì chủ thể trong thơ trữ tình thường là nhà thơ!
"Chuyến xe tình" tức là tình yêu trong
đời người. Trong đời, ai chẳng có một lần yêu! Nhưng tình yêu của người thì êm
xuôi, tươi đẹp:
Chiều qua
Người chở thơ tình
Chuyến xe lộng lẫy hành trình im thinh.
Còn mình thì vất vả, long đong; có mà như không:
Chiều nay
Ta chở thơ mình.
Chuyến xe lam lũ giọt tình hư không.
Cả cuộc đời khát khao, tìm kiếm hoài để có được
"Một mớ bòng bong!". Chuyện tình của mình sao toàn những rối ren (mớ bòng bong), trắc trở (cọc cạch) trong cõi hồng trần tối tăm, mù
mịt này!
Chở hoài
Một mớ bòng bong!
Xe lăn cọc cạch bụi hồng mù tăm.
Những câu thơ đầy hình tượng ẩn dụ đã nói được cụ
thể nhưng kín đáo nỗi đau trong tình yêu không trọn vẹn, không đẹp như trong mơ
ước!
Mạch thơ nối tiếp như một tất yếu là tiếng than
thân phận. Đó không còn là phận mình, hay phận đàn bà nói riêng , mà là
"phận người" - thân phận, nỗi đau con người nói chung!
Chở hoài
Câu chuyện trăm năm.
Chừng nghe hoá kiếp
Lăm nhăm phận người!...
Từ "lăm nhăm" mới lạ, nhưng hơi khó
hiểu. Có phải tác giả muốn nói đến ý không trọn vẹn, thiếu hoàn thiện? Từ
"hoá kiếp" quen thuộc, dùng ở đây nói được một ý sâu: Cuộc đời con
người này với nhiều vất vả, thương đau trong tình duyên ở kiếp này, nhưng đến
kiếp sau, cũng thế chăng? Cũng "lăm nhăm phận người". Nỗi đau, nỗi
chán ngán như nhân đôi trong những kiếp người khổ đau tiếp nối. Những câu thơ
cuối nghe như một tiếng thở dài, rất buồn nhưng không đau lắm. Phải chấp nhận
thôi! Đó là bản lĩnh của chủ thể trữ tình, cũng là của người đàn bà làm thơ này
(ta chở thơ mình).
5.
Khúc cuồng ca
Mẹ ra phố thị chiều qua.
Nhẩm hoài chưa thuộc bài
ca phận người.
Tím môi chia nửa nụ cười.
Đau dày ngỏ ngách đưa hời
bước chân.
Khúc quanh - được mấy
người thân!
Rễ-cây-cành-lá - Có cần
nhau không?
Mẹ ra phố thị chiều đông.
Ngựa thồ chở bóng lông
ngông - thật thà.
Ngậm lời - vọng khúc
cuồng ca.
Sót vài giọt máu - tứa ra
bời bời.
Máu khô nung cháy dòng
đời.
Lửa hừng nguyên thuỷ soi
lời gọi nhau.
Gọi người cuồng khúc khản
đau.
Lòng không - phố nghẽn -
dàu dàu bi ca.
Mẹ ra
phố thị chiều qua...
Khúc cuồng ca chính là "bài ca phận
người". "Cuồng ca" là đau quá, giận quá mà hát lên như
điên, như cuồng. Ở đây, người ca hát là một người tỉnh táo hoàn toàn,
luôn nhẩm "Khúc cuồng ca", với nỗi đau thân phận.
Đó là nỗi đau của mẹ mà cũng là của ta:
Mẹ ra phố thị chiều qua.
Nhẩm hoài chưa thuộc bài ca phận người.
Mẹ ra phố thị chiều đông.
Ngựa thồ chở bóng lông ngông - thật thà.
Ngậm lời - vọng khúc cuồng ca.
Nỗi đau đó có những gì?
- Đau đớn theo từng bước chân luồn lách trên mọi
ngả ngách cuộc đời:
Đau dày ngỏ ngách đưa hời bước chân
- Trong những "khúc quanh" của cuộc đời
(lúc khó khăn, cùng quẫn) , vắng người đồng cảm, sẻ chia!
Khúc quanh - được mấy người thân!
Rễ-cây-cành-lá - Có cần nhau không?
Câu thơ như một lời oán trách về nhân tình thế
thái!
- Buồn người sống xa lạ, lạnh lùng với nhau. Nỗi
buồn câm nín, nhưng đau xót vô cùng, đến nỗi thân xác xanh xao, khô gầy cũng
muốn túa máu ra để nung nóng tình người:
Ngậm lời - vọng khúc cuồng ca.
Sót vài giọt máu - tứa ra bời bời.
Máu khô nung cháy dòng đời.
Lửa hừng nguyên thuỷ soi lời gọi nhau.
Đau dữ, nhưng không trách nhiều. Tất cả cô đọng
thành một khát vọng lớn lao, một nỗ lực cùng cực: "Máu khô nung cháy" thành "Lửa hừng"để "gọi nhau". Những câu thơ tràn đầy
hình ảnh ghê rợn, ma quái kỳ lạ hợp thành một "lời gọi nhau".
Cả cuộc đời là một tiếng gọi thê thiết : hãy tìm
đến với nhau, sống gấn nhau.
Gọi người cuồng khúc khản đau.
Lòng không - phố nghẽn - dàu dàu bi ca.
Bài thơ nói lên nỗi đau kiếp người. Con
người trong bài thơ chí là một cái "bóng lông ngông - thật thà"
đi trên đường đời đầy đau khổ (đau dày),
xung quanh mình chỉ là những người xa lạ (được
mấy người thân?). Đau nhưng cố chịu, chỉ nung nấu một khát vọng
tình người. Khát vọng lớn đó làm nên giá trị nhân bản, nhân văn cao của bài
thơ. Khó mà tìm thấy một "cuồng khúc khản đau" như thế trong thơ ca
đương đại!
Tôi nhớ đến một định nghĩa về thơ của Nguyễn
Tuân: "... thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu
hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu
thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la, từ
một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian thời gian,
trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp." (Thời và thơ Tú Xương) và
thấy rằng thơ Bích Ngọc đáp ứng được yêu cầu đó. Thơ của cô như muốn gửi một
thông điệp cho đời, cho mỗi người chúng ta. Đó là thơ ca đích thực, chứ không
phải thứ văn vần làm dáng ra thơ! Chính vì thế, đọc thơ Bích Ngọc không dễ chút
nào. Người đọc có trình độ "thường thường bậc trung" như tôi thì suy
nghĩ đến toát mồ hôi cũng chưa chắc hiểu hết, hiểu trúng được. Có điều, xin nói
nhỏ với Bích Ngọc: "Cũng chừng mực thôi, không khéo lại rơi vào thứ thơ ca
bí hiểm!" Thôi thì cũng mạo muội vài lời, có gì phật ý, mong tác giả lượng
thứ!
15.7.2010
H.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét