KHOẢNG LẶNG GIỮA NHỮNG TRANG BÁO THƯỜNG NGÀY - Bài của Lê Thiếu Nhơn
Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Cuộc sống càng hiện đại, guồng quay của công việc làm báo càng tất bật. Truyền thông hôm nay đã khước từ những ai mưu cầu sự nhàn nhã. Thế nhưng, giữa những điệp khúc bất tận của tin tức và sự kiện, bỗng có được một khoảng lặng của ngày 21-6. Đã từ nhiều năm nay, tôi vẫn xem ngày Nhà báo VN như một cơ hội để có những phút giây trầm tĩnh nghiêm khắc nhìn lại mình, âm thầm nhớ về đồng nghiệp và thiện chí hình dung con đường phía trước đang mở ra thênh thang hơn và thách thức hơn. Chỉ cần chọn hai thời điểm để so sánh là cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 và đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, đã thấy diện mạo báo chí Việt Nam thay đổi rất rõ. Công nghệ số và tiến bộ internet đã mang đến sự đa dạng, sự sôi nổi và cả sự phức tạp trực tiếp gợi lên nhiều suy tư và trăn trở. Tôi luôn ấp ủ viết một cuốn sách ghi nhận những chuyển động của đời sống báo chí Việt Nam thời hội nhập mà mình có cơ duyên dự phần, nhưng vẫn chưa sắp xếp được sự bộn bề mỗi ngày để có dịp ngồi xuống chân thành kể lại một cách trân trọng về những người mình đã quen, những chuyện mình đã gặp trên những trang báo náo nức cơm áo và sau những trang báo ào ạt buồn vui.
Không hề ngoa ngôn phân bua và cũng không hề giả vờ khiêm tốn, tôi luôn cho rằng tôi là một người may mắn trong nghề báo. May mắn không phải vì tôi nhận được ưu đãi vật chất hay ban phát chức vụ, mà vì tôi được tiếp xúc và cộng tác với nhiều người tử tế. Có thể nơi này nơi kia vẫn ngán ngẩm than trách sự xuống cấp đạo đức, nhưng suốt hơn 15 năm qua trong làng báo, tôi chưa phải đề phòng bất kỳ sự phản trắc nào từ phía đồng nghiệp. Tôi tin tiếng reo ca nồng nhiệt của đồng nghiệp, và tôi càng tin tiếng thở dài lặng lẽ của đồng nghiệp. Nhờ có chút dan díu văn chương ngay thời học trò, tôi được những tiền bối lão luyện tạo điều kiện cho nhập cuộc khá sớm vào báo giới. Tôi không bao giờ quên những ngày đầu tiên cậu sinh viên tỉnh lẻ là tôi còn lạ lẫm với Sài Gòn nhộn nhịp đã dọ dẫm cộng tác với các tòa soạn, và được đối xử đàng hoàng như thế nào. Tôi không bao giờ quên một buổi trưa phương Nam chói chang nắng, khi thấy tôi mồ hôi nhễ nhại đạp xe đến gửi bài, nhà báo Chánh Trinh đã vẫy tôi leo lên chiếc ô tô cũ hiệu Volkswagen để chở đi ăn cơm với nhà báo Lưu Trọng Văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và họa sĩ vẽ tranh châm biếm nổi tiếng Chóe! Bữa cơm năm ấy, các ông đã lừng lẫy trong nghề, còn tôi 18 tuổi ngơ ngác trước giảng đường khoa Báo chí – Trường ĐH KHXH&NV TPHCM! Bữa cơm năm ấy, giữa thái độ ân cần và lịch thiệp của các ông, tôi được làm một người hóng chuyện hạnh phúc! Bây giờ, các ông có người còn rong ruổi, có người đã khuất núi, nhưng vẫn hiện diện nguyên vẹn sự kính phục ở trong lòng tôi. Ở đời có những ân tình hạnh ngộ như một món nợ lớn lao không thể nào trả được! Bây giờ mỗi khi tiếp xúc với bất kỳ cộng tác viên trẻ nào, tôi cũng tự nhắc nhở bản thân phải nỗ lực đối xử với họ thật trân trọng như cách những người đi trước đã đối xử với mình ngày xưa!
Dù ai thuyết phục ra sao, tôi vẫn không tin đi theo nghề báo có thể làm giàu nhanh chóng và dễ dàng. Tôi không hề có ý định lý tưởng hóa hay thần thánh hóa nghề báo, nhưng những ngày tháng trai trẻ gắn bó đã giúp tôi hiểu nghề báo rất đẹp đẽ nhưng cũng rất nhọc nhằn. Tôi còn nhớ, khi được giới thiệu làm quen với một nhà báo chuyên trị thể loại phóng sự điều tra chống tiêu cực, tôi đã chột dạ ngay buổi sơ giao vì những câu hỏi giăng mắc không thể nào lý giải. Tôi tự hỏi, tại sao anh ta lại béo tốt trắng hồng như vậy, tại sao anh ta lại cười nói nông cạn như vậy, tại sao anh ta lại có tài sản kếch sù như vậy khi mỗi câu chữ của anh ta đều mang tính tác động đến cơ nghiệp của một doanh nhân, ảnh hưởng đến uy tín của một đơn vị, thậm chí đe dọa đến tính mạng của một con người và làm tan nát sự yên ấm của một gia đình. Không lẽ, anh ta không chút cực khổ gì để tìm kiếm tài liệu xác thực ư? Không lẽ, anh ta không chút đắn đo gì để hạ bút phê phán và miệt thị đối tượng ư? Không lẽ, anh ta dùng nhuận bút vài bài báo để mua cái nhà mặt phố to vật đang đứng tên sở hữu ư? Dù vị đồng nghiệp đang có bề ngoài thịnh vượng kia không có hành vi nào khiến mình phật ý, nhưng tôi vẫn tìm cách tránh né giao du, vì cứ cảm giác gờn gợn một điều khuất tất mơ hồ. Ít lâu sau, nhà báo chuyên trị thể loại phóng sự điều tra chống tiêu cực bất ngờ bị khởi tố vì liên quan đến xã hội đen. Thú thật, khi nghe tin dữ ấy, tôi không hứng khởi vì mình đã phấp phổng đoán trúng sự thật đằng sau vẻ hào nhoáng, mà chỉ thấy rối bời và hoang mang. Đồng tiền có sức chi phối thật ghê gớm, và nghề báo bị nhiều cám dỗ thật ghê gớm! Về sau, mỗi lần có thêm một đồng nghiệp đối mặt với sự trừng phạt của luật pháp và đạo lý, tôi vẫn tiếp tục thấy đau đớn như thế. Có khi vì nghe một đồng nghiệp bị bắt mà miếng cơm vừa đưa vào miệng trở nên đắng chát. Trót yêu nghề, nên được mất tình cờ của nghề cũng giống như vinh nhục trực diện của chính mình!
Tôi rất khâm phục những đồng nghiệp dù đã đến tuổi nghỉ hưu vẫn đắm đuối với nghề báo. Tôi chưa dám chắc có thể noi gương họ theo đuổi nghề báo đến hết đời không, nhưng chỉ cần một ngày không đọc báo, không làm báo thì tôi lại thấy quay quắt nhớ từng trang bản thảo trên màn hình máy tính. Thời sinh viên, số tiền kiếm được thường xuyên từ viết báo không chỉ giúp tôi tự trang trải chi phí ăn học để cha mẹ đỡ bận tâm, mà còn có thể rộng rãi cưu mang những bạn bè khó khăn. Vậy mà, sau khi mỗi người cầm tấm bằng cử nhân bước vào vòng quay danh lợi thì mọi chuyện đã khác. Lắm lúc bạn bè thành đạt quay lại ái ngại cho khoản thu nhập khiêm tốn mỗi tháng “chẳng hơn gì dạo nào” của tôi. Cũng không ít lần, run rủi nghe lời khuyên nhủ của bạn bè tốt bụng, tôi dợm chân định quay sang phụ trách truyền thông cho tập đoàn thương mại hoặc làm giám đốc PR cho công ty đa quốc gia để được trả lương tính theo đô la Mỹ. Thế nhưng, nghĩ lại, tôi thấy mình không phù hợp với những giao đãi kinh tế, và càng không thể thích nghi với những gặp gỡ long trọng. Mỗi bài viết dẫu chỉ bé bằng bàn tay vừa post lên mạng, hay mỗi tờ báo còn thơm mùi mực mới vừa rời khỏi nhà in, vẫn có sức quyến rũ tột độ đối với tôi. Thật tình mà nói, tôi vẫn thích nghề báo, vì được tận tụy từng ngày với cái cảm giác vừa sống vừa nghĩ cùng đất nước đang ngùn ngụt đổi thay để vươn tới dân chủ, phát triển và văn minh!
Bây giờ đã có chút danh phận trong nghề báo, mỗi dịp 21-6, tôi lại có dịp suy tư sâu sắc hơn về con đường mình đã chọn. Đôi khi mường tượng lại những ngày tuổi trẻ vào nghề đầy sốt ruột nao núng và đầy vụng dại ngang ngược, mà giật mình cho những năm tháng đã đi qua. Tôi đã trưởng thành từ những sự ngạo mạn một cách vô lối được đồng nghiệp đi trước uốn nắn bằng sự độ lượng một cách nhẫn nại. Đôi khi chạy xe ngang một tòa soạn nào đó, lại xôn xao nhớ mẩu tin be bé của mình được các bậc tiền bối cẩn thận biên tập cho in một góc trang báo như một sự khích lệ những ngày chập chững tập làm phóng viên. Tuy nhiên, có một câu chuyện phía sau trang báo luôn ám ảnh tôi như một giá trị nâng đỡ. Đó là câu chuyện đã xảy ra cách đây 10 năm.
Hôm ấy cũng là ngày 21-6. Sau buổi tiệc tùng chúc tụng, trời đã khuya mà một đồng nghiệp lại hơi quá chén, nên tôi đưa anh ấy về nhà trong một xóm lao động ngụ cư. Căn hộ của anh đồng nghiệp khoảng 20 mét vuông, nhưng phải ngoằn ngoèo qua mấy cái ngách mới đến được. Bên trong căn hộ chỉ có một cái bàn mà anh đồng nghiệp thường ngồi viết bài và một cái nệm nhỏ. Khi tôi bước vào, đã hơn 10 giờ đêm, một bé gái đang thiu thiu ngủ với tư thế lạ lùng là ôm khư khư cái hộp trà. Nghe động, bé gái nhổm lên, nhoẻn miệng cười: “Ba về rồi hở ba!”. Rồi bé gái lúi húi dùng mấy ngón tay nhỏ nhắn bỏ trà vào ấm: “Đúng bốn nhúm trà rồi đó ba!”. Chỉ cần làm xong công việc ấy, bé gái lại ôm gối lăn ra ngủ ngon lành. Anh đồng nghiệp bảo: “Tối nào con gái tui cũng muốn tự tay bỏ trà vào ấm cho tui uống để viết bài, rồi nó mới chịu đi ngủ!”. Chắc chắn bé gái hồn nhiên lúc ấy chưa đọc được những bài báo của đồng nghiệp tôi. Thế nhưng, cái dáng lầm lũi của anh mỗi đêm cúi xuống trang bản thảo đã trở thành một điều thiêng liêng trong tâm hồn ngây thơ của đứa con gái bé bỏng. Tôi đã mất rất lâu mới có thể rời khỏi con hẻm lắt léo có căn hộ đơn sơ của anh đồng nghiệp, còn hình ảnh xúc động kia vẫn in đậm trong trái tim tôi. Mỗi khi nản lòng không thiết viết lách nữa, thì hình ảnh xúc động kia lại thúc giục tôi bật dậy cầm bút với tất cả sự thương mến dành cho cuộc đời đáng nâng niu này!
Sài Gòn, tháng 6-2012
L.T.N
(Nguồn: lethieunhon.com)
Tags:
Lê Thiếu Nhơn,
TẠP BÚT,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét