Trong
cuộc đời của mỗi con người, ai cũng có những kỉ niệm đẹp lưu giữ mãi
trong lòng . Với chúng tôi, ba năm đèn sách dưới mái trường trung học
phổ thông An Nhơn 1 đã để lại bao nhiêu kỉ niệm không thể mờ phai. Và
cũng chính từ mái trường thân yêu này, một ngày mùa hè năm 1979, chúng
tôi chia tay nhau, tạm biệt thầy cô giáo, tạm biệt mái trường, bỏ lại
phía sau cái thời tuổi trẻ hồn nhiên vụng dại để bước vào cuộc đời rộng
lớn. Từ đó, mỗi người một phương lo tạo dựng sự nghiệp. Người ra Bắc, kẻ
vào Nam, người lên Tây Nguyên, người đi du học nước ngoài…Cũng có người
gắn bó với quê nhà với nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng chúng tôi vẫn
hướng về mái trường xưa với một tình cảm thân thương.
Còn nhớ, thế hệ cựu học sinh 79 bước vào trường năm 1976, một năm sau
ngày miền Nam được giải phóng. Cả huyện An Nhơn bấy giờ chỉ có một
trường trung học phổ thông duy nhất. Bởi vậy, bạn học cùng lớp ở rải
khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Có đứa ở khu đông Nhơn Hạnh,
Nhơn Phong ; có đứa ở cánh tây Nhơn Phúc, Nhơn Lộc; có người ở cánh bắc
Nhơn Thành, Đập Đá… Đây là thời điểm đất nước vừa trải qua cuộc chiến
tranh ác liệt kéo dài, lại thêm thời bao cấp đầy khó khăn. Ngày ấy, hầu
hết chúng tôi đến trường trên những chiếc xe đạp cà tàng. Áo quần may
bằng thứ vải rẻ tiền được phân phối theo tiêu chuẩn xã viên hợp tác xã
hoặc tem phiếu cán bộ công nhân viên nhà nước. Trường lớp tuềnh toàng,
sách vở thiếu thốn, cả tổ chỉ có vài bộ sách giáo khoa cũ mượn ở thư
viện, chuyền tay nhau mà đọc. Thời chúng tôi học chưa có công nghệ thông
tin hiện đại, không biết game online, không phim ảnh Hàn Quốc, không
hát karaoke…Nhưng chúng tôi có cả một tình yêu và lẽ sống cao cả. Yêu
trường, yêu lớp, yêu quí bạn bè, cả những mối tình ngây thơ, trong sáng
tuổi học trò, yêu kính thầy cô giáo tuy cuộc sống quá đạm bạc nhưng vẫn
hết lòng tận tụy với học sinh …
Thời
chúng tôi học, đất nước vẫn chưa bình yên. Năm 1979, súng nổ ở hai đầu
biên giới. Những vết thương của một thời đạn bom chưa kịp hàn gắn lại
bắt đầu nhức nhối. Thời ấy, những ca khúc tuổi trẻ ra đời càng làm sôi
sục ngọn lửa nhiệt huyết trong thế hệ chúng tôi. Những ca khúc mà bây
giờ mỗi lần nghe lại vẫn làm xao động tâm hồn :
Tiếng kêu núi sông giục bước ngay
Chưa xong bao năm học trò
Chưa bao nhiêu đêm hẹn hò
Kẻ thù vượt qua biên giới
Hòng dìm đời mình trong tăm tối
Hãy bước ra chiến trường !
( Bài ca tạm biệt – Quốc Định)
Mặc dù, chỉ còn vài tháng nữa là thi tốt nghiệp trung học phổ thông, là
giảng đường đại học mơ ước ở phía trước. Tuy nhiên, theo tiếng gọi của
núi sông, thế hệ cựu học sinh 79 có bạn tình nguyện xếp việc học lại để
khoác lên mình chiếc áo lính. Cùng với tuổi trẻ cả nước, các bạn cầm
súng ra biên cương chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có người mãi mãi nằm lại
bên chiến trường Cam pu chia. Đó là các anh Cù Văn A lớp 12C2, anh Ngô
Văn Minh lớp 12A.
Thoắt một cái mà đã hơn ba mươi năm. Một khoảng thời gian dài đăng
đẳng có thể làm thay đổi nhiều thứ. Qua chừng ấy thời gian, chúng tôi từ
những cô cậu học trò non nớt, bỡ ngỡ trở thành những người đứng ở sườn
dốc bên kia của cuộc đời. Có không ít người thành đạt, vươn tới những
đỉnh cao của khoa học, của sáng tạo, đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ…Có
người giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước, trong
quân đội, trong các cấp quản lí giáo dục, trong các công ty, nhà
máy…không ít người trở thành thầy giáo, cô giáo tiếp tục sự nghiệp trồng
người…Dù ở bất cứ lĩnh vực nào, thế hệ chúng tôi luôn xứng đáng với
truyền thống tốt đẹp của trường, xứng đáng với mong muốn và niềm tin của
thầy cô giáo đã gửi gắm cho thế hệ cựu học sinh 79.
Nhưng có một điều chắc chắn là tình cảm chúng tôi dành cho ngôi trường
của tuổi trẻ không bao giờ thay đổi. Bởi vậy, mùa hè năm 2004, để kỉ
niệm hai mươi lăm năm kể từ ngày tạm biệt mái trường, được sự chấp thuận
của thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện An Nhơn(*), Ban giám hiệu
trường trung học phổ thông An Nhơn 1, thế hệ cựu học sinh 79 đã tổ chức
buổi họp mặt tại trường. Nhận được thư mời, nhiều người không quản ngại
xa xôi cách trở, từ khắp bốn phương trời như đàn chim về tổ, như những
người con đi xa giờ trở lại mái nhà xưa. Đứng trên sân trường của một
thời đi học, chúng tôi, những người đứng tuổi, nhiều người tóc đã điểm
bạc, lại ngỡ ngàng, bồi hồi, xúc động như thuở ban đầu đến lớp. Ngôi
trường khác xưa rất nhiều, khang trang hơn. Tôi chợt nhìn về phía góc
trường. đâu rồi những chùm hoa phượng đỏ rực lúc vào hè… Một cảm giác
nhớ tiếc trào dâng… Chúng tôi lục tìm trong kí ức, kể cho nhau nghe
những câu chuyện cũ. Những mẫu chuyện đã biết. Kể cả những gì ngày ấy
còn chưa biết… Từ những mẫu chuyện kể đó, quá khứ ngày xưa ùa về sống
động như mới hôm qua… Và cảm động hơn, nhiều thầy cô giáo cũ cũng về
tham dự buổi họp mặt. Thầy Trần Minh Ảnh, nguyên là hiệu trưởng nhà
trường, thầy Diệp Đình Chiến, bí thư đoàn trường, cô Đặng Thị Kim Thúy,
Huỳnh Thị Ngọc Lan, Lê Thị Thu Ba…Thầy Trần Hoàng Tùng, Nguyễn Phúc
Hưng, Nguyễn Tấn Anh…Có thầy cô giáo vẫn còn tiếp tục giảng dạy tại
trường gắn bó với sự nghiệp trồng người, có người chuyển đi nơi khác,
hoặc về hưu…Sự hiện diện của thầy cô giáo cũ làm cho buổi họp mặt thêm
ấm nồng tình cảm yêu thương…
Cuộc họp mặt không những giúp chúng tôi sống lại những kỉ niệm xưa mà
còn hàn huyên để hiểu và chia sẻ nhau những vui buồn của cuộc sống hiện
tại. Không chỉ vậy, nó còn mở ra cơ hội liên lạc với nhau, có thể giúp
đỡ nhau vượt qua những khó khăn, trắc trở trong hiện tại và làm được
những việc thiết thực có ích cho nhà trường và cho xã hội. Hơn thế nữa,
cuộc họp mặt này là điểm khởi đầu cho những lần tiếp theo và sẽ trở
thành truyền thống tốt đẹp của thế hệ cựu học sinh 79 chúng tôi.
Như một qui luật tất yếu, giữa bộn bề của cuộc sống thường ngày có
những tình cảm đi qua mỗi người, rồi nhạt nhòa, khỏa lấp trước thử thách
khắc nghiệt của thời gian. Nhưng cũng có những tình cảm lắng sâu vào
tâm hồn con người càng sáng đẹp long lanh theo năm tháng. Thứ tình cảm
có thể theo mỗi người đến điểm cuối của cuộc đời. Nhất là những tình cảm
tự nhiên, trong sáng, không son phấn phù hoa. Hình ảnh ngôi trường của
tuổi trẻ đã đi vào tâm khảm của thế hệ cựu học sinh 79 bằng một tình
cảm như thế. Bởi vì nó gắn với một thời đẹp nhất của cuộc đời của mỗi
chúng tôi. Một thời tuổi trẻ! Một thời để nhớ!
Tháng 9- 2011
P.H.H
(*) Huyện An Nhơn trở thành thị xã An Nhơn theo NQ của Chính phủ ban hành ngày 28/11/2011
Thầy viết văn hay quá!
Trả lờiXóa