Nguyên Sinh người đất Tình, lớn lên trong cảnh mẹ góa con côi nơi ngôi nhà rách nát bên dòng sông Tình đẹp như một dải lụa. Mẹ lam lũ bòn đất, làm mướn, chịu khổ cực trăm bề cố nuôi con khôn lớn. Lúc nhỏ, Sinh tuy có vẻ đen đúa còi cọc, nhưng sáng láng, thông minh, học đâu nhớ đó, thường được thầy giáo ngợi khen. Học hết trường làng, Sinh lên tỉnh học. Ở đây, phố xá đông vui, nhiều nhà giàu có, con gái ăn mặc trang sức lộng lẫy, tuy có lạ, nhưng cũng chỉ là cái đẹp của son phấn. Lúc này Sinh đã trổ mã, nước da như bớt đen, thân hình dong dỏng cao, khỏe mạnh. Nhưng là thân học trò nhà quê mặc áo vá đi học, bữa no bữa đói, gặp con gái đẹp Sinh thường xấu hổ không dám nhìn thẳng mặt. Sinh chỉ biết cố công học tập, miệt mài đọc sách, mong có ngày bảng hổ đề danh, không phụ lòng mong ước của mẹ. Một hôm, đọc sách thấy câu “ Thư trung hữu ngọc”, rồi “ Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, Sinh thích lắm. Trong lòng phơi phới, Sinh xếp sách ngẫm ngợi. Ngọc ở trong sách, người con gái đẹp có trong sách. Tất cả ước mơ, thành tựu một đời là đây! Từ đó, Sinh càng chăm đọc sách. Tứ thư ngũ kinh, gần như thuộc làu. Đọc Tứ thư, Sinh học được cách cư xử ở đời, để lớn lên gánh vác việc nước. Đạo quân tử, trước hết phải sửa cái đức của mình cho sáng, sao cho đến chỗ chí thiện. Sinh học được cái đạo trung dung, cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ngũ Kinh (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu) cũng là sự bàn rộng, đào sâu những tư tưởng trên. Nghiền ngẫm sách, Sinh thấy được những lý tưởng cao siêu. Đó là sự học coi trọng luân thường đạo lý, chủ trương biến hóa tùy thời, sự vụ thực tế, không bàn đến những cái viễn vông ngoài sinh hoạt của con người nơi trần thế.
Sinh đọc miết, chờ đợi hoài cũng chẳng thấy “ngọc”, “nữ nhan như ngọc” đâu. Thơ Kinh Thi có nhiều bài nói về tình yêu. Có những bài tả tình yêu trong sáng , hồn nhiên, chân thật. Có những bài dí dỏm nghịch ngợm, nhưng nhiều hơn vẫn là lời than thở của những mối tình éo le, đầy nước mắt. Sinh đọc, mơ tưởng cũng đâu thấy gì!
Hết Thư, Kinh, Sinh lại tìm trong sách truyện. Thủy Hử, rồi Kim Bình Mai. Ở lúa tuổi thanh niên, Sinh đọc truyện cũng thấy thích, nhưng đó chỉ là cuộc sống hưởng lạc, chuyện ăn chơi đồi trụy. Có nhiều người đẹp đó (Phan Kim Liên, Lý Bình Nhivà Bàng Xuân Mai…), nhưng chỉ là những người lẳng lơ, mong chi chuyện họ từ trang sách bước ra cuộc đời với Sinh!Hồng lâu mộng rất hay, đó là sự thể hiện tinh thần dân chủ, đòi tự do yêu đương và mưu cầu hạnh phúc, khao khát tự do bình đẳng.... Tây sương kí, Mẫu đơn đình, Liêu trai chí dị,... là những tác phẩm miêu tả tình yêu, những số phận, những buồn vui cá nhân... Có lẽ thích nhất là Liêu trai chí dị. Đọc nhiều truyện trong đó, Sinh thích thú với những cuộc găp gỡ giữa những chàng trai thư sinh trạc tuổi Sinh và những cô gái đẹp là ma, hồ. Chuyện tình của họ khá bất ngờ và kỳ dị.
Đọc truyện Liên Tỏa, Sinh cảm khái với mối tình của nàng với Dương Vu Úy. Hôm ấy, đêm đã khuya, Sinh ngồi đọc sách, mệt quá gục đầu ngủ trên án thư, bỗng nghe có tiếng ngâm thơ và một người con gái đẹp hiện ra. “Thiếp là Liên Tỏa đây, chàng có yêu thiếp không?” Đọc xong Hương Ngọc, Sinh thẩn thờ bước ra vườn ngắm hoa trong canh tàn trăng lạnh, mơ màng trông thấy hai cô gái, một áo trắng, một xiêm hồng thấp thoáng trong bụi hoa, tới gần thì họ biến mất. Đó phải chăng là Hương Ngọc và Giáng Tuyết, những thần hoa trong truyện mà chàng mơ tưởng? Vài lần như vậy! Có khi chàng đi vào những giấc mơ ký thú. Những cô gái đẹp tuyệt trần đến với chàng, cùng chàng âu yếm, ái ân. Tỉnh dậy, mới biết mình đọc Liêu Trai, mơ tưởng quá, tạo ra những giấc mơ quái lạ vậy thôi. Đã là truyện, tất phải có hư cấu. Các ông viết truyện, là để nói chuyện đời đó thôi! Chuyện đời trước mắt, sao Sinh không nhìn đi, nghĩ đi! Người đẹp có thực vẫn đi lại và Sinh thường thấy hằng ngày sao không ngắm đi, tìm cách có họ, mà lại tơ tưởng không đâu, để rồi mộng mị thế này! Ngẫm nghĩ kỹ, Sinh thấy cứ thế này thì hại cho xác phàm quá. Những người đẹp dù là người, hay ma, hồ đi vào giấc mơ tình ái của chàng chỉ là điều huyễn hoặc. Xác định thế, Sinh cố đè nén dục tình, dứt bỏ mơ mộng, chăm chỉ học tập, cố công dùi mài kinh sử. Từ đó, chàng trở thành một thư sinh văn hay chữ tốt nức tiếng gần xa. Những nhà hào phú trong vùng ngấp nghé muốn gả con gái cho chàng, vì tin rằng chàng trai đó chắc chắn sẽ công thành danh toại và con gái mình sẽ có chỗ dựa vững chắc trong mai hậu.
Mùa xuân năm ấy, có kỳ thi hương, Sinh đậu cử nhân. Lúc này, chàng vừa hai mươi. Có vài nơi đánh tiếng gả con cho chàng, nhưng chàng chẳng chịu ai. Vả lại mấy cô con gái nhà giàu, cô thì đỏng đảnh, cô thì kiêu bạc, nhan sắc tầm thường. Lúc này mẹ yếu rồi, cũng muốn con mình có nơi có chốn, cho vui một đời lam lũ. Nhưng Sinh chưa chịu lập gia đình, chàng vẫn nghĩ đến một người con gái “nhan như ngọc”, mà chàng bao lần bắt gặp trong sách. Chàng quyết tâm tiếp tục học hành, chuẩn bị cho kỳ thi hội sắp tới. Và để đỡ đần cho mẹ, chàng tạm thời làm thầy đồ, kèm cặp cho các trẻ trong làng, cũng có lương ăn. Chuyện nam nữ, tuy cũng có vài cô nhòm ngó, nhưng Sinh vẫn dốc lòng đọc sách, chuẩn bị cho kỳ thi. Dù cố công học hành, văn tài nổi tiếng, nhưng vận số khó lường, kỳ thi hội năm ấy, Sinh hỏng tuột!
Vài năm đi qua, nhìn mẹ mỗi ngày một già yếu, nhìn mình với gia cảnh quẫn bách, Sinh bắt đầu thấy nản với mộng công danh. Hôm ấy, nhân tiết thanh minh, Sinh đi viếng mộ cha. Cũng chỉ là một ngôi mộ đất thấp lè tè, cây cỏ hoang dại mọc tràn xung quanh. Vừa thắp hương cho mộ cha xong, Sinh bần thần đứng nhìn những ngôi mộ lớn xa xa trong trời chiều mát dịu, rồi ngồi bệt xuống mở sách mang theo để đọc. Bỗng có tiếng nói thoảng đưa trong gió:
- Có người ngồi trên mộ đọc sách hay quá ta!
Chàng giật mình ngó lên và sửng sốt nhìn ra một cô gái đẹp rực rỡ đang đi tới. Cô ăn mặc giản dị, nhưng thân hình mảnh mai, cao ráo, khuôn mặt trái xoan rạng rỡ dưới chiếc nón che nghiêng. Đến bên chàng, cô gái e lệ cúi chào và nói:
- Xin lỗi đã vô ý, làm kinh động tới chàng!
Chàng lúng túng đáp lời:
- Không sao! Cô ở đâu tới vậy?
Nàng mỉm cười tinh nghịch:
- Em vừa từ trang sách của chàng bước ra đấy!
Sinh giật mình! Trang sách chàng đang đọc, đúng là đang nói về chuyện tình một cô gái đẹp. Chả lẽ cũng như những lần mộng mị khác đã làm khổ chàng bao đêm?
Nhìn dáng bối rối của chàng, cô gái nhẹ nhàng nói tiếp:
- Đùa chút vậy thôi, em đi thăm mộ mẹ đây!
Cũng vẫn nụ cười đấy, cô gái bước đến ngôi mộ không xa trước mặt. Đó là một ngôi mộ đã xây dựng khá kiên cố, vẻ bề thế hơn hẳn nhưng ngôi mộ ở đây. Cô thắp hương khấn vái và cũng săm soi quét dọn. Chàng thẫn thờ nhìn ngắm, tự nhiên trong lòng dâng lên một nỗi niềm cảm xúc khôn nguôi.
Hôm ấy, khi cô gái ra về, chàng âm thầm đi theo, và sau đó dò hỏi về gia cảnh của nàng. Té ra, nàng là con quan phủ về hưu ở làng bên, nức tiếng xinh đẹp và giỏi giang, cả về chữ nghĩa thi phú và quán xuyến việc nhà. Mẹ mất sớm, ông phủ nhớ vợ thương con cũng không tục huyền, nàng thay mẹ chăm sóc cha già và đứa em trai đang độ tuổi mười lăm. Cũng có vài lần hai người gặp nhau sau đó, nhưng cả hai đều giữ phép, có chăng là cái gật đầu nhẹ chào nhau. Lòng chàng từ đấy luôn nghĩ nhớ cô gái. Mấy tháng sau, Sinh thưa với mẹ nhờ mai mối đến hỏi nàng làm vợ. Cả ông phủ và nàng đều biết tiếng danh sĩ của chàng, nên đồng ý ngay. Đó là một giai sự nổi tiếng cả vùng.
Một năm sau, Sinh được bổ dụng làm giáo thụ ở ngay huyện nhà. Sinh thỏa lòng với cuộc sống êm đẹp nhỏ nhoi của mình.
Một đêm chàng đọc sách và ngâm nga câu thơ cũ: “Thư trung hữu ngọc”, “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, rồi hỏi vợ:
- Em cũng là người biết chữ, vậy có hiểu câu này không?
Nàng mỉm cười âu yếm:
- Chữ thì dễ hiểu, nhưng ý nghĩa thì có người phải chiêm nghiệm cả đời mới hiểu được đấy!
Chàng hồ hởi phụ họa:
- Đúng vậy! Đến giờ anh mới hiểu hết cái nghĩa thâm thúy của câu thơ! Nhờ học hành, đọc sách mà anh có được những thứ quý báu như ngọc: từ nhận thức, đến hành vi, cách sống ở đời. Nhờ học hành, mà anh có được cuộc sống êm đẹp hôm nay. Nhờ đọc sách mà anh có được cô vợ xinh đẹp và hiền thục như em. Đó là chất ngọc chiết ra từ sách chứ đâu!
N.Q.Q
Trong sách có ngọc. Đọc sách là tìm ngọc. Chúc hai anh tìm được nhiều ngọc.
Trả lờiXóaChào anh Phương,
XóaĐộ này anh Huy bận bịu chuyện riêng nên ít khi lên mạng, mong anh thông cảm. Em rất cảm ơn anh vì thường xuyên ghé thăm và góp ý với Hương Quê Nhà. Chúc anh vui, khỏe!