Chuyện tôi tìm được nhà trọ mà lại là nhà
trọ ở gần trường học cứ y như là "chó ngáp nhằm ruồi". Chả là tôi
chẳng có họ hàng, quen biết với ai ở cái thành phố này. Chán ngấy cái cảnh hàng
ngày phải chứng kiến cách xử sự nhỏ mọn, tủn mủn từ miếng ăn đến cục xà phòng
tắm giặt của đám sinh viên trong kí túc xá nên tôi quyết ra ngoại trú. Tôi đi
tìm nhà trọ.
Cái bài của tôi là xác định bán kính quanh
trường, từ khoảng cách nhỏ đến khoảng cách lớn dần rồi cứ đi hết nhà này đến
nhà khác. Gặp chủ nhà. Lân la trò chuyện. Trình bày hoàn cảnh. Và cuối cùng,
xin ở trọ. Nếu bị từ chối, trước lúc ra khỏi cửa tôi sẽ hỏi: "thế chú
(bác, cô, dì...) xem khả năng quanh đây có nhà ai cho cháu ở trọ không?"
thường thì người ta lắc đầu cho xong chuyện nhưng cũng có đôi kẻ thương tình,
ái ngại khi phải lắc nên chịu khó suy nghĩ một chút, rồi chỉ tôi đến nhà ông
kia, bà nọ ở cùng xóm.
Tôi đến nhà chú Thiên này là
đã sau muời mấy lần thất bại.
Chú Thiên đang tưới mấy luống rau phía sau
nhà. Nghe tôi đặt vấn đề chú không gật, không lắc mà bảo:
- Để chú bàn với cô đã, sáng mai cháu đến
vậy!
Sáng hôm sau, tôi hồi hộp đến nhà chú
Thiên. Biết chú có con nhỏ, tôi đã không quên mua túi kẹo. Thằng bé chơi trước
hiên mừng rỡ và dễ dàng để tôi bế vào nhà. Chú Thiên đang hí hoáy bên bàn giấy,
thấy tôi bước vào, giương mục kỉnh nhìn rồi thả bút.
- Cháu ngồi uống nước đã! Chú với tay lấy
bình trà, chiết ra hai cái tách.
- Chú có bận lắm không ạ? Tôi lễ phép hỏi.
- Không sao, nghỉ ngơi một chút cũng được.
Chú Thiên hỏi thăm hoàn cảnh gia đình tôi
rất kỹ rồi kể về bản thân, hoàn cảnh gia đình của chú cho tôi nghe. Chú tham
gia cách mạng từ hồi mười lăm tuổi. Chú xin về hưu non vì đã đủ năm công tác và
cũng vì vợ con muộn mằn. Chú lấy vợ năm bốn mươi tuổi. Cô Minh, vợ chú làm y tá
ở một phòng khám khu vực. Chú có hai con, đứa con gái đầu đang học lớp một và
thằng cu Tèo là út, tôi đang bế trên tay, năm nay mới ba tuổi. Hiện chú ở nhà
thực hiện cái mô hình VAC và trông coi lũ trẻ. Chú nói ra cái điều mà tôi đang
nóng lòng mong đợi như thế này:
- Cô chú đã bàn bạc rồi. Đồng ý cho cháu ở
đây. Nhà cửa như cháu thấy đấy, chẳng có phòng nào riêng cho cháu cả. Cháu ngủ
ở chiếc giường kia (chú chỉ chiếc giường nhỏ kê cạnh cửa ra vào, ngay trong
phòng khách). Còn ăn uống thì hàng ngày cháu nộp gạo, tiền cho cô. Chẳng việc
gì phải làm bếp riêng cho mệt. Chẳng có điều kiện gì cả, khi nào rảnh cháu kèm
cặp cho con bé học hành.
Ngay chiều hôm đó, tôi hí hửng từ biệt ký
túc xá, vác va ly về ở nhà chú Thiên.
Cuộc đời tôi trở khác.
Tôi tự nhủ phải tập thể dục, phải vận động
nhiều cho khỏe mạnh, thế là mới hửng sáng nước từ dưới ao đã lênh láng trên các
luống rau. Chuyện nấu nướng, dọn dẹp trong nhà, tôi còn làm nhanh nhẹn hơn cả
cô Minh nên cũng tranh thủ nhận phần, rảnh việc tôi lại vui chơi, nô đùa với
hai đứa nhỏ. Chúng nó rất quý mến tôi, cứ đeo bám theo tôi khiến nhiều lúc tôi
phải nén nỗi bực dọc.
Sát bên hông nhà chú Thiên, cách cái hàng
rào xiêu vẹo là nhà anh Vũ. Đêm đêm, nằm bên này, tôi vẫn nghe được chương
trình đọc truyện đêm khuya phát ra từ chiếc radio của nhà bên kia. Và, nếu mở
toang các cánh cửa thì tự bên này có thể nhìn thấy mọi sinh hoạt của bên kia.
Anh Vũ công tác ở đội quản lý thị trường
thành phố.
Vợ anh Vũ là chị Dung, trước làm nhân viên
công ty thương nghiệp thành phố, qua cơn lận đận của thương nghiệp quốc doanh,
bây giờ đã nghỉ việc. Anh chị có một đứa con là thằng cu Tí bằng tuổi thằng cu
Tèo nhà chú Thiên. Anh Vũ, chị Dung cũng rất quý mến tôi. Thỉnh thoảng, nhà chú
Thiên có khách, tôi lại cắp sách vở sang nhà anh Vũ học bài. Có lúc tôi ngủ
luôn bên nhà anh Vũ.
Nhà anh Vũ và nhà chú Thiên là một sự
tương phản. Đồ đạc bên nhà anh Vũ không thiếu thứ gì, tất cả bóng lộn, còn nhà
chú Thiên hầu như không có gì đáng kể. Hai nhà rất ít khi qua lại, trò chuyện
với nhau. Nếu có vì chuyện điện nước hoặc vì chuyện con đường trước nhà lầy lội
mà buộc lòng họ phải gặp gỡ thì cuộc trao đổi cũng chỉ có những câu nhát gừng.
- Đồ nhà quê chúa mà bày đặt!
Đó là câu thường trực của cô Minh kèm với
thái độ háy nguýt, hứ hừ mỗi lần thấy chị Dung mặc một bộ đồ hay mang một đôi
giày mốt mới.
Một buổi chiều, anh Vũ xách về một túi
thịt bò loại một, cũng phải đến bốn, năm ký chứ không ít. Cô Minh đi làm về,
dắt chiếc xe đạp vào cổng, liếc nhìn túi thịt, nói giả lả:
- Chà, hôm nay thịt bò rẻ lắm hay sao mà
mua nhiều thế?
Anh Vũ im lặng. Cô Minh đi thẳng vào nhà,
miệng lẩm bẩm:
- Có ăn cướp của người ta thì mới được
chừng ấy thịt chứ của đâu mà mua nhiều vậy!
Tối hôm ấy nhà anh Vũ mở tiệc. Khách khứa
đông lắm. Vỏ bia vứt đầy sàn nhà. Cuộc ăn uống kéo dài đến quá nửa đêm. Chắc
nhờ có men bia nên họ ăn nói mạnh bạo, tiếng cãi vã ầm ĩ, tiếng cười hí hố cứ
xỉa xói vào tai chú Thiên và cô Minh. Nằm ở giường ngoài tôi nghe tiếng chú
Thiên chửi vọng ra:
- Đ. mẹ, điếc óc quá không ai chịu nổi!
Cô Minh hằn học họa theo:
- Bọn khốn nạn, để tôi cho chúng một trận.
Tiếng dép của cô Minh loẹt quẹt phía hàng
hiên.
- Này, giải tán đi, để cho hàng xóm người
ta nghỉ, nghe chửa?
Một vị khách của anh Vũ bước ra nói lè
nhè:
- Hàng xóm mà, thỉnh thoảng chịu phiền vì
nhau một chút cũng được chứ bà chị.
Cô Minh được dịp quát như trút cơn giận dữ
tích tụ từ lâu lắm:
- Bọn này cần phải nghỉ ngơi mai còn đi
làm chứ có phải heo đâu mà ngủ đêm không được thì ngủ ngày...
Tôi hiểu câu này cô Minh ám chỉ chị Dung.
Cô còn nói một thôi, một tràng nữa toàn những lời lẽ mất vệ sinh. Đám khách của
anh Vũ tiu nghỉu như mèo cắt tai đành lặng lẽ rút lui có trật tự.
Anh Vũ vẫn im lặng. Thực bụng tôi cũng
chẳng hiểu vì sao anh Vũ lại cố tránh mọi cuộc đụng độ với chú Thiên. Nếu
như có một lần nào đó, không chịu nổi sự ngang ngược của vợ chồng chú mà
chị Dung có ra miệng thì lập tức anh Vũ lại kéo về nhà.
Sau lần chửi thề về cái đám tiệc tùng vài
hôm, một buổi trưa tôi đi học về như thường lệ thì được chứng kiến cảnh cha con
chú Thiên đuổi bắt con gà mái. Con gà không có lối thoát chạy quanh mấy luống
rau rồi tuôn vào đứng khép nép trong nhà tắm. nhìn thoáng tôi đã biết ngay là
con gà mái nhà anh Vũ, con gà lâu nay vẫn đẻ trứng cho thàng cu Tí ăn. Nhìn cái
vẻ mặt chú Thiên hằm hằm thế kia, con gà mái trưa nay chắc chết. Sợ rằng sự có
mặt của mình có thể gây phiền toái, tôi kiếm cớ chuồn thẳng. Mãi đến trưa hôm
sau, tôi vừa đặt chân vào nhà đã nghe cô Minh hả hê:
- Cháy nhà ra mặt chuột nhé!
Tôi ngơ ngác:
- Có việc gì vậy cô?
- Thằng tín dụng Hưng Phát bỏ trốn rồi. Nó
xù cả trăm tỉ ấy chớ. Thằng Vũ cũng góp cho nó gần trăm triệu. Thật đáng
đời!
Chẳng biết tự lúc nào, con bé nhà chú
Thiên đã không sang chơi nhà anh Vũ nữa, thằng Tèo cũng nghỉ chơi với thằng cu
Tí.
Thằng cu Tí có buồn bã mà mang đồ chơi
sang nhà chú Thiên thì thế nào cũng bị con bé trêu chọc, đánh đập. Cái sự bất
hòa giữa hai nhà khiến tôi cũng không còn gần gũi với anh Vũ như trước. Mỗi lần
ở nhà anh Vũ về, tôi lại bị cú Thiên ném cho cái tia nhìn oán trách, như muốn
bảo: "mày có thích chơi với nó thì dọn đồ đạt sang bên ấy mà ở"...
Cho đến một buổi chiều, tôi ở thư viện về.
Trong nhà ngoài ngõ anh Vũ chật ních người. Đám đông nhốn nháo. Tôi đoán có
chuyện chẳng lành. Rẽ đám đông lao thẳng vào bên trong. Trước mắt tôi một cảnh
tượng khủng khiếp. Thằng cu Tí nằm trên giường; áo quần, đầu tóc bết nước, bụng
trương phồng. Chị Dung gục đầu trên giường. Ngất lịm.
- Trời ơi thằng nhỏ té xuống ao mà không
ai thấy hay sao hỡ trời?
Tiếng ai đó thảng thốt.
Chú Thiên đã thay xong quần áo nhưng mặt
mày vẫn còn tê tái.
Tôi đang tính sổ trong nhà, hai chị em con
bé chơi trước hiên, thằng Tí ra sau vườn lúc nào có ai thấy đâu!
Thế là rồi đời thằng cu Tí!
Nhưng lòng tôi thì không sao yên được. Hễ
bước chân vào cổng là tôi lại nhìn qua nhà anh Vũ. Nhìn mặt chú Thiên là tôi
lại muốn đọc những ý nghĩ trong đầu chú. Tôi nghi hoặc. Và tôi quyết tìm ra sự
thật.
Trong những lần dắt hai đứa nhỏ đi chơi,
tôi lại khéo léo nhắc đến thằng cu Tí, hỏi xa xôi về "cái sự té ao"
ấy. Cứ một lần một ít và tôi đã chắp lại được cái đoạn kết của cuộc đời thằng
cu Tí như thế này:
Chiều ấy, anh Vũ đi công tác, chị Dung đi
chợ. Chị Dung khóa cổng nhốt thằng cu Tí chơi trước hiên nhà. Chán chơi với
những đồ điện tử, cú Tí lại chui rào sang chơi với chị em cu Tèo. Ba đứa kéo ra
vườn rau. Con bé trèo lên cây ổi hái trái ném xuống. Ở dưới gốc thằng Tèo lượm
hết. Có một cái rớt xuống ao cá. Tèo bảo:
- Cho cu Chí chái ấy!
Cu Tí kiếm cây khèo, trái ổi không vào mà
cứ lăn ra xa. Cu Tí khèo mãi cho đến lúc trượt chân rơi tòm xuống ao. Cu Tèo
hoảng hốt kêu la. Con bé nhảy xuống đất nhưng cứ đứng trố mắt nhìn. Cu Tèo kéo
áo chị, lại đâm chạy vào kéo tay ba:
- Ba ơi, xằng
Chí dớt ao, xằng Chí dớt ao ba!
Chú Thiên đang ngồi hí hoáy viết cái gì
ấy, nghe cu Tèo bảo thế thì quát:
- Kệ cha nó!
Cu Tèo lại kéo tay chú Thiên, khẩn khoản:
- Kéo xằng
Chí dên ba, kéo xằng Chí dên!
Đến lúc ấy, chú Thiên mới thả bút, chạy
ra, cởi áo quần, nhảy xuống ao...
Thằng Tí được vớt lên như thế...
Tôi có dỗ hỏi con bé nhỏ:
- Sao thằng Tèo chạy đi gọi ba mà cháu lại
đứng nhìn?
Con bé thật thà:
- Cháu ghét thằng ấy quá à!
- Thằng Tí còn nhỏ, biết gì mà cháu ghét
nó?
- Cháu ghét cô Dung, chú Vũ...
Từ hôm ấy, tôi chẳng còn chuyện trò với
chú Thiên nữa. Đối mặt với chú, tôi lại phát một tia nhìn dò xét. Hình như chú
cũng cảm thấy khó chịu với tôi. Và để tránh sự phiền toái ấy, tôi đã chủ động
dọn dẹp đồ đạt xin trở lại ký túc xá.
Một tháng sau, tôi trở lại thăm gia đình
chú Thiên. Đã thấy trước cổng nhà chú treo tấm biển rõ to: "BÁN NHÀ, HỎI
TẠI ĐÂY". Sắc diện chú sa sút trông thấy. Chú Thiên nói với tôi:
- Chú định đưa gia đình vào Nam,
may ra dễ chịu hơn. Ở đây, khó khăn quá!
T.Q.K
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét