Chi thong thả đi dạo vòng quanh trang trại. Hương ngọc lan thơm ngát cả một vùng đem lại một cảm giác thư thái tâm hồn. Mới đó mà trời đã chuyển sang đông, ở đây thường gọi là mùa khô-cái mùa nắng nóng làm khô héo cỏ cây vào ban ngày nhưng lại buốt lạnh vào ban đêm ở cái xứ “nắng bụi mưa bùn” này.
Nhớ lại cuộc gặp gỡ vừa rồi với cô bé lớp trưởng mà Chi có giờ dạy vừa có chút an ủi vì học trò đã đứng về phía Chi, đúng hơn là về phía lẽ phải nhưng đồng thời cũng làm nàng buồn bực không ít. Lần nào cũng vậy, cứ mỗi khi gặp phải những chuyện khó nghĩ là Chi lại tìm vào với thiên nhiên, người bạn vô tư, hào phóng và chung thủy nhất, hi vọng với không gian rộng mở của đất trời, cùng những đồi thông lộng gió bao quanh sẽ giúp cho nàng lấy lại sự tĩnh tâm để tìm được cách ứng xử cho thích hợp. Nghĩ lại hồi còn trẻ khi chọn nghề dạy học, Chi đâu có ngờ rằng cái nghề được cho là cao quý ấy cũng ẩn chứa biết bao điều phức tạp và phiền muộn, vì đâu phải con đường nào cũng bằng phẳng, cũng chỉ trải toàn hoa gấm mà không có những vật cản trên đường. Thế là chẳng còn bao lâu nữa, Chi phải đối mặt với một cuộc họp hội đồng giáo viên cuối học kì II, cũng là cuối năm học –trong đó nàng sẽ phải chọn một trong hai thái độ đối với một đồng nghiệp: một là tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng rồi cho qua như lâu nay, hai là phải phê bình thẳng thắn công khai một lần trước tập thể để nhờ sức ép của dư luận mới có thể giúp người đồng nghiệp ấy thôi không làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp và học sinh nữa. Cuối cùng, Chi đã phải đi đến một quyết định chẳng đặng đừng. Phải vậy thôi!.
*
Hàng tháng, trước khi họp hội đồng giáo viên thường là cuộc họp Ban giám hiệu mở rộng để các tổ chuyên môn báo cáo công việc trong tháng, từ đó nhà trường tổng hợp để rồi đề ra kế hoạch tháng tới. Trên lí thuyết là vậy nhưng thực tế hầu như mọi kế hoạch đều đã “lập trình” sẵn ngay từ đầu năm học cả rồi . Chi thầm nghĩ, có lẽ trên đời này không có một chức danh nào có gắn với từ “trưởng”-mà vừa bé nhỏ khiêm tốn lại vừa khốn khổ như cái anh tổ trưởng chuyên môn ở nhà trường phổ thông. Mà tổ trưởng chuyên môn của Văn-Tiếng Việt - cái môn “chín người mười ý” này lại càng khổ bội phần, bằng chứng là lần nào chấm bài chung thi HK môn văn cũng về sau cùng vì mất thời gian tranh cãi trong việc nhìn nhận đánh giá đúng sai, do trình độ nhận thức vấn đề khác nhau và những hiểu biết thuộc về tâm hồn con người không rõ ràng tách bạch như hai lần hai là bốn! . Làm tổ trưởng phải chịu “trên đe dưới búa”, khác nào làm dâu trăm họ, cho dù có học ba mươi sáu chước “đắc nhân tâm” hay nhiều hơn thế nữa cũng không thể nào tránh khỏi sự va chạm. Về điều này thì ngót hai mươi năm làm tổ trưởng Chi đã đủ thấm thía lắm rồi ! Đã thế, ngoài hàng loạt sổ sách mỗi giáo viên cần phải có ra, tổ trưởng chuyên môn còn phải có : sổ kế hoạch tổ, sổ họp tổ,sổ theo dõi chuyên môn-dự giờ, sổ theo dõi dạy thay, các biểu mẫu thống kê và các số liệu phải báo cáo thường kì . Không biết ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, người giáo viên (kể cả tổ trưởng) có cần nhiều loại sổ sách đến như vậy không?. Chỉ riêng việc đi dự giờ hàng tuần theo kế hoạch cũng đủ bận rộn, nhức đầu lắm rồi. Lại còn phải nghĩ ra cách để có thể đánh giá từng giáo viên trong tổ cho sát với thực lực của họ, hạn chế những trường hợp ít tâm huyết với nghề nhưng lại giỏi đối phó.
Thế nhưng những cái khổ ấy Chi đều vượt qua ngoại trừ những va chạm, mâu thuẫn đối với đồng nghiệp mà nàng sẽ phải nói ra trong buổi họp hội đồng sắp tới.
Cuộc họp rồi cũng đã bắt đầu.
Một không khí có vẻ nặng nề, trầm lắng khác thường.
Sau khi thầy hiệu trưởng thông qua kết quả các mặt hoạt động giáo dục ở học kì II và cả năm học, phần tiếp theo là bình chọn thi đua trong nhà trường. Năm nào chẳng vậy, thành tích luôn biểu hiện qua những con số cao ngất ngưởng nhưng ai dám chắc chất lượng thực sự là bao nhiêu phần trăm. Những năm sau này đã có sự kiểm tra chung cho từng khối lớp (với đề bài chung và sau đó là chấm chéo cho khách quan). Tuy nhiên với tình trạng dạy và học thêm tràn lan, những “liên minh ma quỷ”của các nhóm giáo viên cùng phe cánh nhằm để thu hút, lôi kéo học sinh đi học thêm về nhóm mình đâu còn nghĩ gì đến phương châm” Tất cả vì học sinh thân yêu”. Nếu không có trường hợp thầy “gà bài, tủ bài” hay “mớm đề” cho trò thì đã không hề xảy ra nhiều dư luận không hay xung quanh vấn đề dạy và học thêm như hiện nay. Tất cả chỉ còn trông chờ vào lương tâm-trái tim của người thầy.
Khi đến phần bình bầu thi đua trong giáo viên và bỏ phiếu tín nhiệm cho giáo viên giỏi hằng năm, giờ phút chờ đợi đã đến, Chi xin phép được phát biểu ý kiến:
-Thưa các thầy cô, nếu tôi có gì sai trái xin hãy thẳng thắn cho tôi được biết trong cuộc họp giữa nội bộ với nhau ở đây để tôi rút kinh nghiệm và sửa chữa, xin đừng đem tôi ra bêu riếu để hạ uy tín trước học sinh, bởi vì làm như vậy cũng chính là tự hạ uy tín chung của giáo viên chúng ta.
Có nhiều tiếng xì xào nổi lên, chờ cho cử tọa lắng xuống, có lẽ cũng đoán ra vấn đề nhưng thầy hiệu trưởng vẫn phải hỏi:
- Nhưng ai đã làm gì mong cô cứ nói thẳng ra đi để cùng góp ý rút kinh nghiệm.
Thế là bao nhiêu ẩn ức cùng sự chịu đựng bấy lâu nay của Chi được dịp tuôn ra như nước vỡ bờ, một người vốn nhút nhát trước đám đông như Chi lại trở nên can đảm để nói một cách hùng hồn đến thế:
- Vâng, người vẫn luôn xem thường tôi không được đào tạo chính quy hoàn chỉnh chính là cô Hà ở ngay trong tổ Văn tôi. Cô Hà đã nói thẳng điều đó trước mặt tôi khi tôi có quyết định điều đi chấm thi tốt nghiệp. Ngay bây giờ nếu xét thấy đã chọn nhầm người thì có thể thay tổ trưởng, cả hội đồng kiến nghị Phòng giáo dục thay đổi quyết định cũng chưa muộn. Nhân đây, tôi muốn lưu ý cô Hà không nên nhìn người qua bằng cấp, bởi vì thời nào bằng cấp cũng có nhiều loại. Nếu như không hiểu điều đó thì có khác gì “ ếch ngồi đáy giếng”.
Khi nói xong, nhiều ánh mắt nhìn Chi tỏ vẻ đồng tình và ngầm khích lệ vì đa số đều biết sau năm 75 việc đào tạo ngắn hạn rồi cho ra trường hàng loạt là nhằm để thay thế những giáo viên ở chế độ cũ- những người có đủ tư cách đạo đức lẫn trình độ nhưng chỉ mỗi cái tội “lí lịch không rõ ràng”. Trong khi đó, có những người dù được “đào tạo chính qui” vẫn không biết cách tính tỉ lệ phần trăm khi thống kê điểm thi ( lúc ấy gv chưa có các loại máy tính như bây giờ), thậm chí có người không hề biết Napoleon là ai, viết một đoạn văn còn đầy những lỗi mà vẫn nghiễm nhiên đứng trên bục giảng. Lúc đó Chi đã rất thông cảm cho những giáo viên đó ( tuy rằng không thể thông cảm cho việc làm ảnh hưởng đến chất lượng học sinh), do hoàn cảnh cực kì khó khăn của chiến tranh nhất là các vùng nông thôn- phải dạy và học ở hầm trú ẩn, ở nơi sơ tán, lại hệ 10 năm phổ thông nên sự hụt hẫng kiến thức là điều không tránh khỏi.
- Cô còn muốn nói gì nữa không? Thầy hiệu trưởng Thái hỏi.
Vẫn tư thế đứng nguyên từ đầu, Chi bình tĩnh nói tiếp:
- Trong Đại hội cháu ngoan Bác Hồ vừa qua, cô Hà đã kích động nhằm hạ uy tín của tôi trước đông đảo học sinh . Chắc ai cũng biết tiết dạy sau thường thành công hơn tiết dạy trước, nếu không phải vậy thì tại sao trước khi đi thi giáo viên giỏi cô Hà đã dạy trước đến hai, ba lần để cả tổ Văn dự giờ góp ý rút kinh nghiệm cho cô. Vậy mà cô Hà đã khai thác những va vấp ở những tiết dạy lần đầu của tôi ở lớp tôi chủ nhiệm để chế diễu trước học sinh toàn trường. Chính các em đã mách lại với tôi. Tôi nói thật, khi muốn hạ thấp người khác thì chính mình đã tự hạ mình trước. Bao nhiêu cái phiếu góp ý về tư cách đạo đức lâu nay chưa đủ đối với cô hay sao?!
Sở dĩ Chi nói như vậy vì trước đây đã có một phụ huynh lên xin nhà trường cho con được chuyển qua học lớp không có cô Hà dạy, vì cô hay sỉ mắng em này là “óc bã đậu nhét chữ không vô” làm em xấu hổ, mặc cảm và bị ức chế nên không tiếp thu được lời cô giảng. Chưa hết, có lúc tức khí lên cô còn văng tục trắng trợn trước mặt học sinh. Chuyện tai tiếng này giống như giọt nước làm tràn ly đã buộc Ban giám hiệu phải mời cô Hà lên “làm việc”, bằng cách là đọc cho cô ta nghe tất cả các phiếu góp ý của giáo viên trong trường về thái độ, cách nói năng cư xử của cô ta đối với đồng nghiệp và học sinh. Đây là cách làm tế nhị vì nếu nói miệng trực tiếp sẽ rất ngại, rất khó nói. Ôi, “học sinh cá biệt” đã là khổ rồi mà “giáo viên cá biệt” càng tai hại hơn, nếu không muốn nói là không nên có mặt trong môi trường giáo dục!
Do đó, sau phát biểu của Chi, để tiết kiệm thời gian, tránh đôi co nhiều lời về những sự việc quá hiển nhiên, thầy hiệu trưởng đã khiển trách cô Hà trước hội đồng và yêu cầu cô làm kiểm điểm. Tuy nhiên theo Chi hiểu, thầy có phần nương nhẹ khi cô là một “giáo viên giỏi”, có đóng góp cho “phong trào mũi nhọn” của trường.
Thế là sau cuộc họp ấy, cô Hà có phần thận trọng hơn trong các mối quan hệ nhưng riêng với Chi thì cô ta không dám nói năng trịch thượng như trước và càng xa cách hơn. Mặc kệ. Miễn sao “gió có dừng thì cây mới lặng”. Ai bảo cô ta luôn tự cao, tự phụ giống như người bị bệnh hoang tưởng, tự cho mình cái quyền xúc phạm đồng nghiệp và cả với học sinh. Cho dù có giỏi đến đâu nhưng trong lớp học cứ luôn sỉ mắng, làm tổn thương học sinh thì sẽ phản tác dụng. Qua kinh nghiệm thực tế, Chi vẫn thấy giáo dục bằng ý thức tự giác, tình thương và sự cảm hóa bao giờ cũng có kết quả bền vững hơn là bằng sự thô bạo và các biện pháp kỉ luật. Nhưng muốn làm được điều đó trước hết phải có cái tâm và sự hiểu biết về nhiều mặt, kể cả kiến thức chuyên môn. Thế mới biết, nếu biết cách xoay sở, đối phó thì sẽ không khó để đạt danh hiệu “giáo viên giỏi”. Nhưng để trở thành một giáo viên giỏi đúng nghĩa thì không dễ chút nào. Đó là điều mà người thầy phải luôn phấn đấu rèn luyện cho đến khi nào còn đứng trên bục giảng.
Có một lần trên đường từ phòng giáo viên đến lớp, đi sau một vài học sinh xuống lấy “Sổ đầu bài” về lớp nên Chi tình cờ nghe một mẫu đối thoại sau:
- Lớp tớ bị mất thi đua tuần này vì thầy thể dục làm sao ấy, thầy cứ la suốt và cho điểm rất gắt, cuối cùng là giờ C*
Một em khác phụ họa:
- Chắc thầy bị “mất sổ gạo”!?
- Còn không thì thầy bị vợ la nên “giận cá chém thớt”đó thôi!
Thật đáng buồn khi phải nghe những chuyện như vậy.
Chi luôn tự hỏi làm sao học sinh có thể hiểu được là người thầy cũng chỉ là một con người như bao nhiêu người khác- không phải gỗ đá càng không thể là thánh thần, cũng có đủ hỉ, nộ, ái, ố,…như mọi người để có một cái nhìn cảm thông hơn. Vì vậy, từ cách đi đứng nói năng, cử chỉ, thái độ hành vi ứng xử…nhất nhất phải sao cho đúng mực. Phải đúng như những gì mà thầy đã truyền dạy. Ví dụ, khi đã khuyên không nên nói tục chửi thề mà chính thầy lại văng tục trước mặt học sinh thì làm sao còn tin vào lời thầy dạy. Chi rất cảm thông cho đồng nghiệp của mình khi phải thường xuyên gạt bỏ những gì thuộc về tâm tư tình cảm cá nhân, mọi nỗi lo toan về đời sống thực tế khi bước vào lớp học để làm tròn vai trò một nhà giáo. Nhưng con người là một thực thể sinh động chứ đâu phải là một cỗ máy vô tri . Máy móc có khi còn bị trục trặc nữa là.
Nói cách khác, Chi và đồng nghiệp đã phải vượt lên chính mình khi bước vào khung cửa lớp học nhưng lại phải luôn quan tâm đến những biểu hiện bất thường của học sinh. Với lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này, đâu phải em nào cũng biết kiềm chế, che giấu cảm xúc. Một khuôn mặt vô hồn không để tâm vào bài giảng, một thái độ buồn bã hoặc bất cần gục đầu trên bàn học, một trò ngoan tự nhiên lại nghỉ học bất thường…Biết bao nhiêu cảnh ngộ và sự cố của học trò đã làm cho Chi phải mất ăn mất ngủ. Dù lao tâm khổ tứ là thế nhưng cứ mỗi lần bước vào lớp học, đối diện với những khuôn mặt hồn nhiên trong sáng, những ánh mắt háo hức đón chờ những điều mới mẻ, thú vị của lòng khát khao hiểu biết là Chi lại được truyền thêm ngọn lửa yêu nghề
Thêm nữa, dù bận rộn mệt mỏi thế nào, Chi vẫn cố gắng đọc và chấm bài kĩ vì nếu đánh giá cho điểm học sinh không khách quan, chính xác và công bằng, hoặc để cho cảm tính xen vào- mà học trò lại vô cùng nhạy cảm về điều này thì giáo viên có nói gì các em cũng không tin. Chi đã từng thấy có giáo viên cho điểm bài làm của học sinh không theo chuẩn kiến thức mà theo hạnh kiểm của em đó. Lương tâm nghề nghiệp cũng không cho phép chạy theo thành tích và chất lượng ảo, tức là “bẻ cong ngòi bút” khi cho điểm, đánh giá học sinh. Phải là thế nhưng đâu phải ai ai cũng làm được- cả về lí do chủ quan lẫn khách quan .
Có những lúc Chi cảm thấy mệt mỏi giống như một “diễn viên” cứ phải đóng mãi một vai không thay đổi. Cảm xúc thật trong con người mình không được bộc lộ một cách tự nhiên và thoải mái nhất, lúc nào cũng đóng khung bằng sự nghiêm nghị, chừng mực và những lề thói sẵn có. Thế nhưng “ đi với bụt mặc áo cà sa” mãi rồi phải quen, giá như bây giờ hay mai sau, khi phải rời trường lớp, dù có “đi với ma” hay gì gì đi nữa, Chi sẽ cố gắng để không hổ thẹn với lương tâm, để không đánh mất chính mình. Lương tâm vừa là quan tòa nghiêm khắc vừa là luật sư bao dung và hiểu mình hơn ai hết.Vì vậy Chi luôn tự hiểu mình là ai. Do đó, dù có gặp phải một đồng nghiệp như cô Hà ở trường mình dạy hay một trường hợp tương tự ngoài đời thì Chi cũng vẫn là Chi. Qua trải nghiệm cuộc sống, Chi đã ngộ ra chữ TÂM là điều quan trọng nhất trong một con người, nhất là đối với những người làm nghề dạy học.
N.Đ.T
* GV phải đánh giá xếp loại sau mỗi tiết dạy trong “Sổ đầu bài” . Căn cứ vào đó , lớp được phân công trực hằng tuần sẽ đánh giá xếp loại thi đua – một việc làm nặng về hình thức hiện nay
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét