- Đối với dư luận thi sĩ có nghĩa là vớ vẩn, mơ màng, lôi thôi, không có ích gì.
Mà khổ nhất là có thế thực.
Vì đa số là bọn thi sĩ ăn hại, đúng như dư luận đánh giá, và còn tệ hơn nữa, - có một số thi sĩ thực thì cũng lắm tật như thế, - còn có thể có những tật kinh khủng nữa, - đó là cái tật của người có tài. Nó như là cái tất nhiên của nghề nghiệp. Nghề này thì lấy ông này tiên sư.
IV. Nhiệm vụ - Khả năng của thơ
Nhiệm vụ do khả năng qui định.
Khả năng của thơ là vô hạn vô bờ.
- Thơ là một thứ
giải trí cho nhân loại. Người ta đi hóng mát Hồ Tây, Hồ Gươm cũng như dạo bước trong thơ.
Đó cũng là một khả năng, cần và nên phát triển, - âu cũng là ích lớn cho loài người. Dĩ nhiên hiểu theo nghĩa
đúng thì giải trí là một sự cần thiết.
- Thơ là một
nhà trường, một giảng đường. Người ta cắp sách đi học, cũng như vào học ở trong thơ. Học mọi thứ, nhưng chủ yếu là học sống: yêu ghét, giận hờn, suy nghĩ.
Đó cũng là một khả năng rất có ích của thơ.
- Thơ là một thứ
khoa học sống đầy đủ và trọn vẹn bậc nhất.
Vào thơ người ta biết quí dĩ vãng mà lại trọng tương lai, - biết phục anh hùng mà lại yêu người tội lỗi hèn hạ, biết yêu lại biết ghét, - biết nghĩ mà lại biết cảm, - biết yêu mình mà lại biết vị tha, - biết sống mà lại còn biết chết.
Đó là một thứ biện chứng pháp về vấn đề sống.
- Thơ là tiếng gọi của tương lai.
Nó là một thứ khoa học về tương lai. Nếu nói bói toán, nó là một thứ bói khoa học.
Thơ hay phải nhận thức được qui luật đời sau.
Ví dụ: Người thi sĩ nói: "Tôi sống mãi không già". Đó là một ao ước của nhân loại. Đó cũng là một chỉ thị mà thi sĩ thay mặt nhân loại chỉ thị cho các nhà bác học nghiên cứu thuốc trường sinh bất tử.
Người thi sĩ đưa ra những ước ao nhân loại vẫn hằng mơ, - còn đưa cả những ước ao nhân loại đang mơ, hoặc chưa mơ tới.
Mỗi câu ước, có thể ví như lời sấm trạng. Thơ nó báo hiệu sự thành lập nhiều ngành khoa học chưa có.
Người thi sĩ giỏi phải sẵn câu ước, sẵn lời sấm, sẵn nhỡn quang - chọc - thủng - tương - lai, sẵn "vísion". (Không được hiểu lầm ra phù thủy, số độn). Đó là một khả năng của thơ, - rất cao quí. Cũng là một khả năng của nhận thức con người.
Thơ như vậy là một phương pháp màu nhiệm nhận thức vũ trụ, xã hội, con người một cách đầy đủ và trọn vẹn.
Cứ theo lối nhìn này mà xem lại một số thơ thực là có nhiều câu ước vô lý đã thành sự thực. Và còn vô số câu ước chưa thành hiện thực được, chắc hẳn sau đấy đời sau sẽ làm.
Tôi nghĩ có thể có một nhà bác học kì tài nào căn cứ vào cảm hứng một câu thơ mà lập nên một ngành học mới hoặc một thời kì nào, một số bác sĩ nào sẽ nghiên cứu rất nhiều câu nói ở trong thơ để mà tìm ra những qui luật mới, những khoa học mới về vũ trụ, xã hội, con người.
Trèo lên đỉnh núi Ba Vì.
Lấy bốn tảng đá về kê chân giường.
Cái ước ao của anh tình nhân vô danh ấy, bây giờ người ta đủ sức, đủ máy móc làm rồi.
Thơ có một khả năng nhận thức vũ trụ, xã hội, con người đầy đủ và trọn vẹn bậc nhất.
Nó không nhận thức theo lối một chính trị hay một triết gia, đúc thành qui luật 1, 2, 3 gọn gàng rõ rệt thực nhưng lại thành ra chỉ còn một cái lõi của cuộc đời. Ví dụ:
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Hai câu thơ ấy nhận thức về sự biệt ly của tình yêu một cách đầy đủ và trọn vẹn bậc nhất (không phải là duy nhất): nào ý - nào tình - nào xót nào yêu - nào yêu nào oán - nào vô lý mà có lý - nào cảnh nào người.
Cũng về sự biệt ly của tình yêu, nhà chính trị hay triết học sẽ có cách nhận thức khác, có thể rõ hơn, lý luận hơn mà chưa chắc đã
đủ,
đúng,
trọn vẹn bằng.
- Khả năng nhận thức sự vật của thơ không phải là một khả năng lý trí đơn thuần. Thi sĩ không phải chỉ là một nhà lý luận.
Mà thi sĩ nhận thức toàn bộ sự vật bằng toàn bộ khả năng của con người: - trí tuệ - tình cảm - ý thức - tiềm thức - cảm thông - cảm tính.
Người thi sĩ nhận thức cuộc đời bằng tất cả: tim óc - gan mật - phổi - dạ dày - ruột, bằng mọi giác quan tai - mũi - họng, bằng mọi thớ thịt tay - chân, bằng cả bộ xương - cả tủy, bằng cả sợi tơ sợi lông, bằng cả mọi đường gân, bằng cả giác quan thứ sáu (cảm thông, ước đoán mò mẫm). Có thể nói cả cái giái cũng tham gia vào sự nhận thức đó. Cho nên mới nói được:
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình...
Hoặc:
Rủ nhau xuống biển mò cua
Về nhà nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
Hoặc:
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm
Hoặc:
Dẫu lìa ngỏ ý, còn vương tơ lòng.
Hoặc:
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.
- Tôi muốn đưa thơ lên khả năng tột đỉnh của nó: "Thơ, một phương pháp nhận thức vũ trụ, thời gian, lịch sử, xã hội, con người - một phương pháp cao nhất, đầy đủ, trọn vẹn, tổng hợp, toàn bộ nhất". Tôi muốn khuyên người thi sĩ hãy:
* Sống nhiều: sống triệu cuộc đời, triệu vấn đề, triệu năm tháng cùng một lúc.
* Học nhiều: thông kim bác cổ, giỏi triết học, thông Mác - Lê, thông chính trị, cừ kinh tế, thâm tâm lý học, cừ quân sự, hiểu phương Đông, biết phương Tây.
* Bất mãn nhiều: giải quyết xong 1 vấn đề lại nảy ra 100 vấn đề, giải quyết chưa xong lại nảy ra triệu vấn đề mới nữa.
* Làm thơ nhiều: không phải đợi giỏi, hết vấn đề mới làm, - như vậy không bao giờ làm cả. - Làm nhiều không có nghĩa số lượng mà nghĩa chất lượng. Không phải 8 tiếng mà 1 ngày 24 tiếng thì 16, 18 tiếng nghĩ tới mọi vấn đề và thơ, cả khi ăn, - còn vài tiếng ngủ vẫn tiếp tục suy nghĩ và làm thơ.
Năm cái nhiều đó thực là tổn thọ, sống được ít thôi, nhưng thực là nhiều.
Người thi sĩ đó xứng danh là một nhà bác học khổng lồ của nhân loại. Con mắt nhìn xa vũ trụ, nhìn sâu ngoài đời.
Mỗi câu thơ thành ra một qui luật: trời đất trăng sao, con người, xã hội.
Có qui luật số đông hiểu ngay.
Có qui luật 10, 100, 1000 năm sau mới hiểu. Đó là những qui - luật - nổ - chậm. Những giấc - mơ - nổ - chậm.
- Thơ như vậy có phục vụ chính trị không? Có.
Chính trị có nhiều cỡ, công thức chính trị nhìn xa lắm được vài chục tiếng đồng hồ, nhìn xa nữa được vài tháng, nhìn xa nữa vài năm, nhìn xa nữa cả một thời đại. Như Mao Trạch Đông nhìn qui luật các nước phương Đông nhược tiểu trên đường chống Đế Phong, như StaLin vạch qui luật xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Nhìn xa nữa thấu hàng mấy đời, như Các Mác vạch qui luật triệu triệu năm của vũ trụ, lịch sử, xã hội...
Vì vậy thơ phục vụ chính trị cũng có nhiều cỡ, từ 24 giờ cho tới triệu triệu năm.
Nhưng phải nhớ là thơ khác chính trị, nó có cách nhận thức của nó khác nhà chính trị. Chứ không phải muốn thành nhà thơ triệu năm thì cứ việc diễn ca duy vật biện chứng pháp là được đâu! Thơ phải nhận thức toàn bộ, trọn vẹn và đầy đủ như trên đã nói, - nó không phải là trí tuệ đơn thuần.
- Chỉ có chủ nghĩa cộng sản thông minh tột đỉnh mới có thể công nhận khả năng tột đỉnh của thơ.
Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn kẻ sĩ, - đó là một hành động bạo ngược, - nhưng cũng là do hắn biết sợ khả năng của sách, kẻ sĩ, - dĩ nhiên trong đó có thơ.
- Thơ tột đỉnh phải là một thứ trí thức trọn vẹn.
Người thi sĩ phải là một đại trí thức uyên thâm.
V. Sứ mệnh người sáng tạo.
- Người thi sĩ đã là người phải chịu nhiều thành kiến, khinh bỉ.
Người thi - sĩ - sáng - tạo nữa thì không còn để đâu cho hết thành kiến, khinh bỉ.
- Nhiều thi sĩ giả, - ít thi sĩ thực.
Người thi sĩ thực nào cũng là một người sáng tạo.
- Thi sĩ lắm hình lắm vẻ, - nó có cả hình vẻ sáng tạo nữa.
Người sáng tạo lắm hình lắm vẻ, - nó có cả hình vẻ giả tạo nữa.
Cho nên sự phân biệt thực khó khăn.
Phải có quần chúng đông đảo, kinh qua thời gian, tức là phải có lịch sử mới xét được, - đó là một thứ quần chúng không nhầm.
- Người sáng tạo là đại biểu cho tương lai.
Nên hắn mâu thuẫn rất mạnh với hiện tại.
- Người sáng tạo chỉ làm chủ được ở
tương lai.
Còn ở
hiện tại, hắn phải chịu như là thua, nhường cho những kẻ tầm thường khác làm chủ.
- Nếu có chịu được búa rìu của thành kiến mới có thể làm người sáng tạo được.
Phải có dạ lim trí sắt.
Phải có gan đứng lên trên dư luận, chửi mắng, mưa bão.
Phải biết đạp mưa xéo gió.
- Số phận người sáng tạo bao giờ cũng phải chịu nhiều hiểu lầm, chịu những sấm sét của cái cũ nó phản công.
Vì người sáng tạo là kẻ thù không đội trời chung của cái cũ. Mà cái cũ nó không chịu chết ngay, nó nhiều kế độc, hại ngầm và hại ra mặt.
- Cái mới, cái cũ là rất khó phân biệt.
Cái cũ nó muôn hình muôn vẻ, nó có cả hình vẻ của cái mới.
Cái mới có muôn hình muôn vẻ, có khi tưởng như có cả hình vẻ của cái cũ nữa.
Phải có con mắt tinh đời.
Phải nhiều con mắt tinh đời.
Phải dài thời gian để cho những con mắt càng trở nên tinh đời. Tức là phải trải qua lịch sử mới đoán xét công minh được.
Có khi cái mới đồng sức lực mà vẫn bị thua.
-
Được thua là lẽ thường nhưng sau rốt cái mới thắng. Mạnh mà vẫn thua. Yếu mà có lúc được. Đó là những lẽ thường của cuộc đấu tranh, lực lượng hai bên quyết định thật, nhưng cũng còn thời thế, bất ngờ, dù là phụ.
Nhưng cái mới là một thứ đại kiên nhẫn, đại bền bỉ, đại dai dẳng, - là một người lính khổng lồ, ngã lại dậy, bị thương lại lành, chết đi lại sống lại. Là một người vô địch. Cuối cùng thắng trận, được hoan nghênh. Trống đánh cờ tung - Lên ngôi thống trị - Trở thành tầm thường - Trở thành cũ. Cái mới khác lại chui từ bụng nó ra, lớn dần, giằng co, đấm đá, và cuối cùng tiêu diệt nó.
Sơ lược ra, liên quan giữa cái mới cái cũ như vậy.
- Áp dụng vào thực tế mà nhận định cái gì là mới, cái gì là cũ, cái gì nửa cũ nửa mới thực là một điều khó khăn...
- Cái mới ở trong văn nghệ cũng như mọi cái mới, nhiều khi nó không được đẹp đẽ, còn thô thiển, méo mó có khi.
Vì nó là một cái thai đang thành. Một cái mầm đang lớn.
- Đừng có mơ tưởng một cái mới toàn diện.
Ví dụ: thơ hay mọi mặt.
Mỗi thời kỳ có một trình độ nghệ thuật, tư tưởng nhất định.
Trình độ đó có nhiều mặt. Ví dụ: tư tưởng thì một triệu thứ tư tưởng, và nghệ thuật thì cũng hàng triệu vấn đề.
Mơ tưởng một cái mới toàn diện, thỏa mãn một triệu thứ tư tưởng, một triệu vấn đề nghệ thuật là một điều vô lý, như cời mặt trăng.
Cho nên cái mới có nhiều cỡ, nhỏ, lớn khác nhau.
Một người thi sĩ mới ít nhất cũng là một người thi sĩ thỏa mãn khá nhiều quần chúng về chất lượng và nghệ thuật, chứ không phải thỏa mãn hết. Mà cũng không phải chỉ thỏa mãn một vài điểm thôi.
Quần chúng rất sung sướng có một người thi sĩ nào: vui, buồn, giận, dữ, mơ mộng, ngây thơ lại đĩnh đạc, thực tế lại bay bổng, - một người thi sĩ có mặt ở nhiều nơi nhiều chỗ: - những chỗ cần yêu, cần ghét, cần can đảm, cần thù hằn, cần mỉa mai, cần đùa nghịch, - những chỗ vấn đề chung, vấn đề riêng, chỗ nói lớn, chỗ nói nhỏ tỉ lệ. - Một người thi sĩ như vậy thật là mới đáng mặt sáng tạo, mới mẻ, khổng lồ, vô địch.
Mà như vậy vẫn không sao thỏa mãn hết mọi nhu cầu của quần chúng.
Cho nên người thi sĩ lớn nhất cũng cần phải thấy sự cần thiết, lý do sinh tồn của những thi sĩ nhỏ tầm thường khác. Chẳng nên khinh. Một mình người sáng tạo lớn nhất vẫn là không đủ.
Những thi sĩ nhỏ cũng không được thỏa thuê, mãn nguyện, không nên vinh thân phì da ở địa vị thi sĩ chuột nhắt. Khổ cái là họ hay thỏa mãn trong cái tầm thường, - mà ghen tỵ với cái khác thường, - và hay mưu kế ra lắm điều xỏ xiên điều tiếng.
- Người thi sĩ sáng tạo không theo lệ nào, người nào, luật nào cả.
Chính bổn phận anh là tìm ra những lệ mới, luật mới, tự mình thành ra một người mới, - để cho một số người khác theo.
- Người thi sĩ muốn trở nên sáng tạo thì việc chính là phải giết tâm mình đi để làm sáng cái tâm nhân đạo của mình.
Chọc mắt cho mù, để mà nhìn thấu bốn cõi.
Đập óc cho vỡ, để mà thấu luật nghìn đời.
Thơ không còn là thơ nữa, mà là một sự nhận thức đầy đủ trọn vẹn, mọi mặt về con người, sự sống, vũ trụ và xã hội.
Thơ thành sấm truyền, nó truyền sấm cho đời người. Người ta học ở đó, buồn vui ao ước ở đó, giải quyết cái việc lớn nhỏ là nhờ ở đó.
Cuộc sống sống được là một phần
nhờ ở đó.
Người thi sĩ thành ra một thứ lãnh tụ của cuộc sống. Một thứ bác học - một thứ triết gia. Một thứ chính trị gia... Một thứ tình nhân. - Một thứ người yêu. - Một thứ người thày, người anh. - Cũng là một thứ người con, người em đáng mến.
- Cái nghiệp đau khổ của người sáng tạo như đã nói, là một thực tế của hàng ngàn năm nay. Ối người đã rơi đầu chảy máu chỉ vì đã tìm ra chân lý mới.
Nhưng còn một sự thực khác phải nhìn thấy: là quyền người sáng tạo được bảo đảm
dần dần. Sự tổ chức và cách giải quyết của xã hội về mặt ấy còn tiến bộ.
Ngày nay không còn chuyện Tào Tháo chém đầu Hoa Đà (vì Hoa Đà định bổ óc Tào Tháo, giải phẫu chữa bệnh), - cũng không còn định bỏ tù Galilee (vì anh ta tìm ra chân lý trái đất quay)... Nhưng vẫn còn chuyện Maiakopxki, suốt một đời mưa vùi gió dập, kết thúc bằng tự vẫn! Chúng ta - những người cộng sản - vẫn chưa giải quyết được vấn đề đó, - chưa đảm bảo được vô điều kiện cho người sáng tạo. Vì nhiều lẽ. Lo rằng có bọn giả tạo nó lộn sòng cũng là một lẽ. Điều kiện thực tế là lẽ chính.
Cũng không có gì đáng trách. Chúng ta là những người phải giải quyết hàng triệu vấn đề vô lý đã ứ đọng hàng triệu năm. Trước hết là trừ diệt đế phong, - và những vấn đề sinh tử khác. Lần lần chúng ta sẽ giải quyết hết.
Tình hình như vậy. Nghiệp đau còn nặng. Người sáng tạo còn phải dạ lim trí sắt. Mà cũng là hay - Qua lửa mới biết được vàng thực, vàng giả.
- Phá công thức! Phá những cái gì?
Người sáng tạo phá những công thức trở ngại cho sự sáng tạo của mình, - phá những công thức liên quan, đồng minh với trở ngại ấy, - ngoài ra tùy theo cỡ, trình độ tổng hợp cụ thể của anh ta mà anh ta phác cả những công thức dù không liên quan tới việc của anh ta. (Cái kiểu: "Thấy sự bất bằng chẳng tha"). Ví dụ: Một thi sĩ sáng tạo phá công thức trong thơ và trong một số vấn đề sống của mình, của bạn, của người quen và không quen nữa. Mơ tưởng một anh mới toàn diện, - phá được mọi công thức là hão huyền...
... (
Rách không đọc được nên bị mất 3 dòng)
- Công thức tức là bóng đen dĩ vãng còn bám chặt ở hiện tại, ngăn bước tương lai.
- Công thức là cái cũ sắp chết, mà lại còn uy lực.
- Công thức là sự vô lý, - vô lý nhất là nó vô lý mà lại có quyền.
- Công thức tức là trình độ trung bình, cái mức chung một thời đại. Tức là luân lý hiện hành.
- Người sáng tạo không phải là người đậu cao rỉa lông.
Hắn chui từ đất bụi xã hội mà ra, còn lấm láp, lem luốc. - Đó là một loại sen rất khỏe.
- Tại làm sao lại có những người sáng tạo?
Thực là một câu hỏi khó, vì nó dớ dẩn. Thử hỏi lại tại sao có người thường, người kém?
Nhân loại như vậy có 3 hạng: khá - thường - kém.
Mỗi ngành hoạt động của nhân loại cũng 3 hạng: khá - thường - kém.
Người sáng tạo là người rất hiếm có: - ở trong số người khá, đó là người khá nhất.
Người khá là lực lượng Tương lai.
Người thường là lực lượng Hiện tại.
Người kém là lực lượng Dĩ vãng.
Họ đều mâu thuẫn hạng này với hạng kia, - và trong từng hạng một, dù là giữa 2 người, và cả ở trong từng người nữa.
Đó là một sự thực chúng ta chiêm nghiệm thấy.
Cố mà giải thích ra thì cũng có lý do:- giai cấp khác nhau, (và trong một giai cấp cũng có những điều kiện khác nhau), - cấu tạo sinh lý và di truyền khác nhau, - ảnh hưởng sống và giáo dục khác nhau, và v.v... (cũng lại nặng chứ không hoàn toàn là do giai cấp. Vì vậy lý do giai cấp là mạnh nhất).
Nhưng đó là một sự thực.
Hai giọt nước, hai anh em sinh đôi vẫn là hai thế giới.
Sự liên quan giữa cái mới và cái cũ!
- Cái mới từ cái cũ mà ra. Không phải từ trên trời rơi xuống. Không phải từ đầu người nào chui ra. Cái mới nảy nở từ cái cũ, - cái mới chui ở bụng xã hội cũ mà ra. Cái mới rất là trần tục như vậy.
-
Cái mới mâu thuẫn với cái cũ, - càng mới bao nhiêu thì mâu thuẫn càng nặng càng sâu. Xã hội cũ đẻ ra cái mới, - tuy là đẻ ra đứa con nhưng chính nó lại chôn mình đi. - Đó là chuyện người con chôn bố mẹ, người mới chôn người cũ.
- Cái cũ phản công mãnh liệt vào cái mới, tùy sức của cái cũ càng cũ, cái mới càng mới thì sự phản công càng mãnh liệt. Được thua là do lực lượng 2 bên quyết định (là chính), cũng còn do thời thế (là phụ).
-
Cái mới tấn công cái cũ. Tùy theo sức lực mà tấn công. Cũng còn tùy thời thế. Có khi cái mới còn non mà thắng cái cũ.
- Có người sáng tạo nào thành công tức khắc được không? Được hiểu ngay, tránh được giông bão không?
Không có bao giờ.
Vì nói vậy tức là không hiểu rằng:
Sáng tạo là mới. Mới mâu thuẫn với cũ. Tương lai mâu thuẫn hiện tại, - càng mâu thuẫn với dĩ vãng.
Sự ngoan cố của cái cũ nó vô bờ vô hạn.
- Người sáng tạo cư xử thế nào đối với những hiểu lầm, khinh miệt?
Tùy trường hợp, không câu nệ, không vạch hết được. Mỗi một kiểu sáng tạo có những cản trở riêng của nó, - và cách giải quyết riêng. Người sáng tạo không chấp nệ mà còn sáng tạo cả cách giải quyết nữa.
Nhưng có một điều rất rõ là người sáng tạo không bao giờ chịu thua cản trở, - dù oái oăm, tai ác đệ nhất.
Vàng thử lửa mới biết. Cái anh sáng tạo giả thì chỉ một cơn mưa là đã đủ tả tơi, lại quay thụt về số phận không sáng tạo của anh ta.
Còn người sáng tạo thực thì càng khó anh ta càng rắn. Càng lửa anh ta càng cao tuổi vàng. Càng sóng gió càng vững lái. Sức phản công càng mạnh, anh ta tấn công càng dữ dội.
- Người sáng tạo phải hy sinh những gì?
Phải hy sinh hiện tại với những quyền lợi của nó (quyền hành, uy tín, bổng lộc xã hội v.v...)
Sự hy sinh đó thời gian dài ngắn tùy theo nhiều yếu tố (cỡ sáng tạo, trình độ cách xa thời đại, - lực lượng của cái cũ. Lực lượng cái mới ở bản thân người sáng tạo và trong xã hội, - thời cơ...)
Sự hy sinh nặng nhẹ cũng theo những yếu tố đó.
Có khi hy sinh cả tính mạng. Có những trận người sáng tạo chỉ thắng được ít.
- Người sáng tạo có được hoan nghênh ngay khi còn sống không? Hay chỉ sau khi chết?
Tùy theo những yếu tố đã nói.
Chứ không cố định thế nào được.
Maiakovsky thành công sau khi chết.
Pouchkine, Nguyễn Du lại thành công ngay khi còn sống.
Nhưng không bao giờ là
tức khắc thành công, tức khắc phù hợp với hiện tại.
Các nhà khảo cứu cũng nên xem thử có một cái thời cơ nào, bất ngờ mà tạo nên được cái thành công tức khắc ấy?
- Không thể cắm một cái mốc như biên thùy 2 nước, phân chia rõ rệt đâu là nội dung, đâu là kỹ thuật.
Ở bài thơ hay, ở thi sĩ tài, 2 cái đó hòa làm một.
Ở thơ và thi sĩ dở, 2 cái đó hay tách rời.
- Người ta hay nói: nội dung bài này tả Nam Bắc - hoặc nội dung thất tình - hoặc nội dung là mùa xuân.
Đó là lầm nội dung với đề tài.
Đề tài chỉ là cái tên, cái cớ, - nội dung nó rộng hơn nhiều. Ví như đề tài là tên người: anh Tý, anh Sửu. - Nội dung là cả cuộc đời, cả tâm hồn của anh Tý, anh Sửu.
- Nội dung một bài thơ:
Bất cứ nói gì cũng là thi sĩ nói mình. Biểu hiện tâm hồn mình, cái cỡ yêu ghét, khóc cười của mình.
Nội dung bài thơ đầu tiên tức là nội dung con người thi sĩ.
Thi sĩ nói mình có nghĩa là nói quan niệm vũ trụ, nhân sinh của mình. Thi sĩ biểu hiện quy luật sự vật.
Nội dung bài thơ vì vậy tức là nội dung quan niệm vũ trụ, nhân sinh, xã hội, quy luật sự vật và sự sống.
Những cái đó là những cái người ta ít chú ý tới quá. Mà hay chú trọng tới cái vỏ đề tài. Có hại là: - dễ bị mắc lừa, - dễ bị hẹp hòi, thành kiến với kho báu vốn cũ, vốn ngoại quốc - ngăn cản bước tiến của thi ca và cuộc sống.
Kiều là tâm sự của Nguyễn Du, - là xã hội bấy giờ qua Nguyễn Du, - là trời đất, cỏ cây, vũ trụ qua Nguyễn Du.
Một bài thơ nào tả một đôi vú không thôi, tuy là tả vú mà lại là tả đàn bà. Tuy tả đàn bà mà lại là tả tác giả. Tuy tả tác giả mà lại là tả cuộc đời, xã hội, vũ trụ.
Nội dung một bài thơ vượt qua bài thơ lời chữ, vần, điệu, ý, tình, đề tài cụ thể. Nó vừa nằm ở những cái đó, vừa ở ngoài. Thi tại ngôn ngoại. Thơ ở ngoài bài thơ.
- Thi sĩ kém thì chú ý đến bài thơ (2x2 - 4).
Thi sĩ vừa thì chú ý đến ngoài bài thơ (2x2 - $)
Người thi sĩ bậc nhất vừa chú ý bài thơ, vừa chú ý ngoài bài thơ (2x2 - 4+$).
- Một câu, một đoạn, một bài thơ có đủ để đánh giá thi sĩ không?
Có khi được, có khi không được.
Tùy câu, đoạn, bài ấy có điển hình cho thi sĩ hay không.
Lại còn tùy cỡ thi sĩ ấy phức tạp đến mức nào.
- Đó là thi sĩ giỏi không bao giờ chịu thua kỹ thuật.
Không chịu ép lời, ép vần, ép ý, ép lệ bao giờ.
- Hãy cân xem từng chữ nặng mấy cân, mấy tạ? Người thi sĩ phải đủ sức vần từng khối đá, từng quả núi, - tự tay đục đắp, khuân xếp, một mình mà dựng nổi Đế Thiên Đế Thích. Nội dung bài thơ phải nặng hàng triệu triệu tấn, - sức nặng của quả đất, của vũ trụ, của xã hội, của chủ nghĩa nhân đạo. Bài thơ mà nhẹ tênh, nói chắc ngay là nó không ra gì.
- Hãy định qui luật biện chứng cho các chữ. Cho chúng nó sống: mâu thuẫn đối chọi, - bay bổng chuyển động, - hòa hợp dắt díu hấp dẫn nhau, - xoáy lốc đột nhiên đột biến...
Bài thơ mà nằm im là một cái xác chết.
Nó nặng nhưng mà nó phải chuyển, phải bay. Như quả đất khổng lồ mà thực là uyển chuyển.
- Người thi sĩ giỏi mà chưa tìm được đúng chữ thì không ăn không ngủ được, - vật vã như người thất tình.
- Nội dung quyết định kỹ thuật, có nghĩa là người thi sĩ đầu tiên phải dồn sức dồn tim vào việc trau dồi tâm hồn, - rồi hoặc song song, hoặc so le ít nhiều dồn sức dồn tim vào việc trau dồi kỹ thuật.
Nội dung chỉ có thể quyết định kỹ thuật bằng cách người thi sĩ làm việc ghê gớm ở cả hai chiến trường nội dung và kỹ thuật. - Chứ không phải chỉ có làm việc ở nội dung - hoặc chỉ ở kỹ thuật không thôi.
- Trau dồi nội dung:
Chỉ có thể đào luyện tâm hồn trong bụi bậm thực tế. Tim gan thi sĩ phải dầu dãi nắng mưa. - Thực tế phải hiểu là: người người, việc việc, và qui luật của người việc. Cả CNCS cũng ở trong bùn lầy cuộc sống. Thơ ca phải đi từ những thành công và thất bại sống. Thơ ca phải nói những chân lý lớn nhỏ, - những quy luật sống còn, - những tình ý ẩn náu trong sự vật.
Phải tới khi con mắt thi sĩ nhìn được một vũ trụ trong một hạt bụi, - một vũ trụ trong một tâm hồn. Thấy cái lớn lao trong cái vụn vặt hàng ngày, - thấy cái vụn vặt hàng ngày trong cái lớn lao. Người thi sĩ phải thức nhận được cái bí mật biện chứng của trời đất, xã hội, con người. Người thi sĩ trở nên thấu thị: - Mắt thần nhìn bốn cõi, - Óc thấu lẽ muôn đời, - Tâm thấu tình vạn vật.
Người thi sĩ trở nên một triết gia sáng tạo, một ông Các Mác trong thơ, và trong từng vấn đề mình diễn tả...
Thơ là nơi người thi sĩ vận dụng cao độ toàn bộ khả năng của mình.
Trả lờiXóaLàm một bài thơ, mọi lực lượng tham gia: tim, óc, tai, mũi, gân, phổi, gan, mật. Từng thớ thịt đều tham gia. Cả cái "giái" của người thi sĩ cũng là một lực lượng làm nên bài thơ.
==============================================
Ông Trần Dần có những suy nghĩ lạ, làm cho ta cũng phải suy nghĩ theo. Không biết anh Duyên đã xem những bài thơ không có nhữ của ông chưa? tôi đã xem và không hiểu gì. Chúc anh khỏe, vui
Chào anh Phương,
XóaThật tình là em chưa được xem.Cảm ơn anh đã ghé thăm!Chúc anh vui, khỏe!