Khuya lang thang trên mạng đọc câu status
của bạn: “Ngày của mẹ là của ai? Bắt đầu từ đâu? Mình cứ hỏi vẩn vơ kiểu như
ngày ấy được tác giả nào viết ra? Tác phẩm ấy được đón nhận như thế nào? Để
nhắc nhở với mọi người rằng có một ngày nào đó ta nên dành cho mẹ. Tại sao
không phải là 365 ngày? Tại sao phải lấy một ngày bất kỳ để yêu thương?”… Ngày
của mẹ xa lắc xa lơ tận phương Tây rồi du nhập vào nước ta như một ngày
truyền thống tốt đẹp ngợi ca những người mẹ - người đàn bà Giao Chỉ muôn đời
gắn liền với hy sinh, chịu đựng được tôn vinh.
Bà tôi, mẹ tôi chẳng nghĩ những điều to
tát ấy, cả đời chỉ quanh quẩn như con ong, cái kiến, chuyện đồng áng, bếp núc,
cây kim, sợi chỉ… Quần áo, cặp sách chúng tôi đi học mẹ đều may bằng cây kim,
sợi chỉ ấy. Mẹ lùa kim vào tấm vải được cắt lại từ chiếc áo, chiếc quần cũ, tỉ
mẩn dưới ngọn đèn dầu khâu khâu vá vá. Mẹ khéo tay nên tuy là quần áo tận dụng
nhưng vừa vặn, phẳng phiu. Mẹ còn kết những chiếc cúc vải hình chiếc nơ rất
điệu trên tấm áo ấy. Mũi khâu lại rất khéo, đều đặn thẳng thớm như thể người ta
may bằng máy. Có lẽ vì thế nên chẳng bao giờ chúng tôi cảm thấy chạnh lòng bởi
những manh áo cũ mà còn hãnh diện khoe với chúng bạn: mẹ tớ khâu cho đấy!
Mùa đông, mưa phùn gió bấc lạnh cắt da cắt
thịt được tấm áo bông dày mẹ may cả mùa thu sưởi ấm, che gió lùa mưa giá… Chiếc
áo bông của chúng tôi cũng không giống như của chúng bạn. Những mảnh vải nhỏ đủ
màu sắc người ta bỏ mẹ xin từ cửa hàng may, cắt thành những ô hình lục
giác rồi kết lại, dồn bông giữa hai lớp vải, cắt rồi khâu thành áo. Khâu một
chiếc áo bông lâu lắm, cả tháng mới xong một chiếc. Có lần gà gáy canh hai, tôi
chợt thức giấc thấy mẹ vẫn cặm cụi bên chiếc thúng đựng rất nhiều thứ vải vụn,
kim chỉ… Những vụn vải tưởng chỉ có thể làm mồi nhóm bếp lại hoá thành chiếc áo
bông tươi tắn những bông hoa vải, thơm tho hơi thở mẹ ủ ấm cho chúng tôi suốt
cả mùa đông.
Chiếc ba lô của cha tôi bị chuột gặm một
lỗ thật to, mẹ tần ngần tìm mãi không được tấm vải màu bộ đội nào trùng màu.
Cũng may, chiếc mũ cối của cậu tôi bị hỏng, vải mũ cùng màu, mẹ xin… Chiếc ba
lô lại lành lặn, mẹ ôm vào ngực rưng rức khóc… Cha tôi không hy sinh trên chiến
trường để trở thành anh hùng, liệt sĩ… Cha tôi đào ngũ khỏi gia đình mình để
lập một gia đình mới… Chiếc ba lô đựng bao nhiêu thư, ảnh của cha gởi cho mẹ
những năm 70, khi mẹ đóng quân ở Vĩnh Phú, còn đơn vị cha tôi ở Hà Nam.
Nước mắt mẹ thấm ướt miếng vá… ba lô thì vá được rồi nhưng cuộc đời mẹ thì cứ
mãi trống trải bốn mùa gió lộng chẳng kim chỉ nào vá được.
Sau này nhà khá hơn một chút, mẹ mua được
chiếc máy may nhưng vẫn không bỏ quên thói quen kim chỉ, dường như những mũi
khâu tặt mặt ấy là niềm vui, nỗi buồn, tình yêu thương, sự chờ đợi của mẹ khi
những miếng vá cẩn trọng, nâng niu ấy thấm mồ hôi và nước mắt mẹ tôi… Ngày mẹ
về cõi vĩnh hằng, dì tôi mua đủ gương lược, giày dép, quần áo, chiếc ô… tất cả
đều mới. Lại còn nhét thêm vài phân vàng vào tay mẹ, dì bảo “Để mẹ có cái mà
đưa cho quỷ thần… dễ qua cửa ngục…”. Chị em tôi nước mắt ngắn dài chạy mãi miết
ra đầu ngõ mua kim chỉ và xin ít mảnh vải vụn để vào áo quan của mẹ. Bỗng dưng
tôi thấy mẹ nhẹ cười…
N.T.V.H
Cây kim sợi chỉ mẹ ơi!
Trả lờiXóaNào đâu khâu nỗi tình đời phải không
Rách lòng kim chỉ bần thần
Mảnh trăng lỡ khuyết vá lần tròn chăng!