“Năm nay anh lấy vợ có được không cô?”,
đấy là tin nhắn Lan nhận được từ anh trai cách đây tròn ba tháng. Vào đúng ngày
cô nhận bằng tốt nghiệp của một trường đại học danh tiếng. Cách đây bốn năm,
ngày tiễn Lan xuống Hà Nội nhập học, anh cả từng hứa với bố mẹ rằng bao giờ
nuôi xong Lan ăn học thì mới tính chuyện vợ con. Anh cả đợi đúng ngày cô cầm
tấm bằng đỏ ra trường thì tính chuyện cho mình. Thế là cả nhà cứ phấp phỏng một
niềm vui.
Anh dẫn nàng dâu tương lai về nhà, cô dì, chú bác cứ ngó nghiêng ngoài ngõ. Mấy
bác gái bên nhà nội ăn mặc gọn gàng như đi chợ ngày rằm, công việc là nấu cơm
dưới bếp nhưng cứ thi thoảng lại lấy cớ pha ấm chè, rót ấm nước sôi để lên nhà
trên nhòm mặt cháu dâu một tí. Mấy bác trai tập trung xây lại cái bếp để hôm
nào đón nhà gái xuống chơi, thấy cháu dâu về cũng định chạy vào xem mặt ngang
mũi dọc thế nào.
Cả bếp im lặng một lúc, chỉ thấy tiếng dao thớt lạch cạch va vào nhau. Một lúc
sau tiếng dì Hà thở dài cuối bếp:
- Không biết có hợp tính hợp nết nhau không nữa.
Lại tiếng dì Năm vừa cuộn nem vừa chêm vào:
- Không hợp thì sao chúng nó tính chuyện lấy nhau.
- Hợp ở đây là em nói chuyện tuổi tác, giờ sinh có khắc nhau hay không.
Tiếng mẹ
Lan thở dài, mọi người mới giật mình ngẩng lên không biết bà chủ nhà đã xuống
bếp tự lúc nào. Mẹ Lan nói là mê tín cũng không phải nhưng được cái hay đi xem
thầy nọ thầy kia. Bố Lan có mắng thì bà bảo: “Có thờ có thiêng, có kiêng có
lành. Các cụ ta đã dạy điều gì thì cấm có sai”. Cả nhà nói mãi không được nên
mặc kệ. Vừa nãy ngồi hỏi chuyện với con dâu tương lai mới biết nó sinh năm Đinh
Mão. Con gái mà cầm đầu chữ Đinh là không có hợp với con trai bà. Cuộc chuyện
trò chưa đầy nửa tiếng mà đã nhẩm tính ra bao nhiêu cái họa. Con trai bà mà lấy
con “mèo” này thì sớm muộn cũng rước cái khổ vào thân, vợ chồng không cãi nhau
thì con bà cũng mệnh yểu. Mệnh con gái nhà người ta át mệnh con trai bà, thế mà
chúng nó cứ quấn quýt lấy nhau hỏi làm sao mà lòng bà không buồn cho được. Suốt
cả bữa cơm, cô con dâu tương lai ăn uống thẹn thùng còn bà mẹ chồng tương lai
thì mặt như đưa đám. Anh cả vì thế nên cũng buồn, chỉ có bố, và các chú bác là
vẫn vui vẻ chuyện trò đủ chuyện trên trời dưới đất. Đàn ông thì thường vô tâm,
Lan đúc kết như vậy sau rất nhiều chuyện. Suốt cả buổi Lan vẫn không nói một
câu nào với bà chị dâu tương lai ngoài việc chào hỏi xã giao. Điều này khiến
anh cả thấy lo lo. Mấy hôm trước anh cả đã nhắn tin cho Lan “Anh sẽ kiếm một
người phụ nữ biết cách sống về làm dâu trong nhà. Nhưng cô cũng đừng như “giặc
bên ngô” nha”. Trong bữa cơm, nghĩ lại, tự nhiên Lan bụm miệng cười. Anh cả chỉ
lo hão huyền. Lan bảo với anh rằng chỉ cần chị dâu sống tốt với anh, với bố mẹ
thôi chứ cô cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Nhưng nếu chị dâu mà đá thúng đụng nia,
sau này bố mẹ già rồi mà không biết cách sống thì cô sẽ “cho biết tay”. Anh cả
đọc tin nhắn mà vừa mừng vừa run.
Trong nhà anh quý Lan nhất, vì cô vất vả từ tấm bé lại chịu khó học hành làm bố
mẹ mở mày mở mặt. Trong nhà em gái cũng là người có học hành, hiểu biết nên anh
không muốn làm cô em phật lòng. Lan cũng chẳng ghê ghớm gì nhưng chỉ sợ chị dâu
về nhà lại làm khổ bố mẹ. Mà Lan vốn tính thương cha mẹ nên suốt từ sáng đến
giờ Lan vờ như không quan tâm đến vị khách quan trọng ngồi trên nhà nhưng kỳ thực
lại để ý từng hành động nhỏ. Dĩ nhiên là không ai biết điều ấy trừ anh cả. Anh
vốn là người tinh ý. Nên vừa đưa người yêu trả về nhà xong là anh nhắn tin ngay
cho em gái “Thấy chị dâu thế nào? Sao hôm nay em ít nói thế, có điều gì làm em
không hài lòng à? Chị Hạnh trông ít nói thế thôi nhưng biết cách sống lắm”. Lan
nằm trong buồng cười khúc khích “Cũng được nhưng gò má hơi cao”. Anh lo lắng
nhắn lại “Cao đâu mà cao, em nhìn lại xem, cũng bình thường thôi mà”. Lan lại
bụm miệng cười “Không cao à, thế thì cái mồm hơi rộng. Mà các cụ bảo “con trai
rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà. Mà mẹ chả bảo, các cụ
đã nói thì cấm có sai”. Anh cả chẳng biết phải làm thế nào cả, vì đúng là Hạnh
rộng miệng thật, cái này thì ai cũng chê đến tai anh rồi nhưng chả nhẽ… Anh thở
dài, nhắn lại cho em gái “Con người có ai toàn vẹn đâu em, đẹp cái này thì lại
xấu cái kia. Cái quan trọng là tính cách con người, em yên tâm đi, người con
gái mà anh đã chọn thì chuẩn không cần chỉnh về tính nết”. Lan nhắn lại chỏng
lỏn “Cứ để xem…”. Anh cả đọc mà lè lưỡi, lắc đầu.
Lúc tổ chức ăn hỏi cho anh cả xong xuôi đâu vào đấy rồi, bố mới ngớ người ra
bảo:
- Ôi, bây giờ nhìn kỹ mới thấy cái Hạnh mồm cá ngão. Kiểu này khéo ăn hết của
chồng, của con.
Mẹ vừa dọn mâm vừa nguýt:
- Quý hóa cho lắm vào. Bây giờ biết thì đã muộn.
Thằng út cười sặc sụa:
- Chịu bố, con dâu mồm rộng cả làng biết, mỗi bố là bây giờ mới biết.
“Giặc bên ngô” cầm đũa múa theo điệu nhạc trên ti vi, không tham gia bàn luận
nhưng bụng thì vừa thương bố vừa buồn cười không chịu nổi.
Trước ngày cưới một tuần, chị Hạnh và anh cả cãi nhau to. Anh nhắn tin cho Lan
bảo rằng sẽ chia tay với chị Hạnh. “Giặc bên ngô” lo lắng cả đêm không ngủ được.
Chuyện người lớn chứ có phải trẻ con đâu mà nay bảo lấy mai lại thôi, mà hai
gia đình đã qua lại với nhau, tổ chức ăn hỏi hẳn hoi rồi chứ. “Giặc bên ngô”
không gọi điện cho anh trai mà gọi cho chị dâu hỏi rõ nguyên nhân. Chị dâu khóc
nức nở bảo anh cả ghen tuông mấy chuyện vớ vẩn. Lan thở phào bảo bệnh này cũng
dễ chữa nhưng vẫn không quên dằn mặt chị dâu bằng một câu gọn lỏn:
- Có đúng chị oan không vậy?
Hỏi thì hỏi vậy nhưng cùng là con gái Lan biết là chị dâu không có tính trăng
hoa, chắc tại chị đi tập văn nghệ trong công đoàn nên anh cả ghen thôi. Lan ra
tay dàn hòa đúng ba hôm thì lại thấy đôi tân lương vui vẻ, lại bàn nhau mua
loại đệm nào cho ấm, loại gối nào gối mới thích. Lan cười thầm, lòng thấy vui
đến lạ. Nhà sắp có chị dâu, thế là một năm sau thể nào cũng có cháu bế. Thích
ơi là thích nhưng cái mặt vẫn giả bộ lạnh tanh như không quan tâm đến việc đại
sự trong nhà.
Ngày cưới, còn mấy tiếng nữa đến giờ đón dâu mà cô dâu gọi điện kêu bị đau bụng
suốt từ đêm qua, mặt tái mét. “Giặc bên ngô” lo cuống cuồng, phi xe máy hơn
mười cây số mang xuống nắm lá ngải đắng vò sẵn bảo chị dâu uống nhanh còn kịp
giờ đón dâu. Khi xe đón dâu đến cổng, Lan vẫn còn đang lúi húi giúp cô dâu
trang điểm lại để che bớt đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Cô dâu vừa mệt, vừa
buồn vì phải về nhà chồng nên vừa thấy chú rể đã bật khóc tu tu. Lan lấy khăn
lau nước mắt còn động viên cô dâu:
- Cách nhau hơn chục cây số ăn nhằm gì. Chị thích thì ngày nào chả về thăm mẹ
được. Chị mà còn khóc là trôi hết phấn, lộ cái mắt thâm ra đấy. Cả đời mới được
làm cô dâu một lần mà để xấu là phí lắm đấy.
Lúc đưa cô dâu về đến nhà mình Lan mới thở phào. Trong khi mọi người đang no nê
đánh chén thì Lan chui vào giường đánh một giấc no tròn. Đến lúc thấy cô dâu
đang lúi cúi rửa bát ngoài giếng thì Lan mới thức dậy. Sau khi đuổi cô dâu vào
nhà nằm nghỉ, Lan một mình lụi cụi rửa mấy chậu bát đĩa đầy vì các cô dì, chú
bác đều bận dọn bên trong.
Cơ quan cho nghỉ có ba ngày, tối hôm ấy Lan ngủ sớm để mai lấy sức đi hơn trăm
cây số xuống Hà Nội. Mẹ lúi húi trong bếp gói ghém sẵn mấy thứ để mai cho con
gái mang đi rồi mới đi ngủ. Con gái ôm mẹ trêu:
- Thế là từ nay mẹ có con dâu rồi nhé. Sướng nhất mẹ còn gì.
Mẹ thở dài bảo:
- Chả biết có sướng hay lại mang cái tội nợ vào thân. Bọn con gái dưới thị xã
là hay cãi lắm, nhìn mấy đứa về làm dâu trong làng mình thì biết.
Con
gái ôm mẹ chặt hơn, thủ thỉ:
- Chưa gì mẹ đã nghĩ thế tội cho chị ấy. Mẹ quý chị ấy như con đẻ thì chị ấy
cũng kính trọng mẹ. Có chị dâu về, con đi xa cũng thấy bớt lo, lúc trái nắng
trở trời còn có chị.
Mẹ dúi nhẹ một cái vào trán con gái:
- Chỉ được cái khéo mồm, chưa gì đã bênh chị dâu hơn mẹ.
Con gái dụi đầu vào mái tóc đã điểm bạc của mẹ mà thấy cay cay sống mũi, vừa
hít hà hương bồ kết trên tóc mẹ vừa bảo:
- Đâu nào, con không bênh mẹ thì còn bênh ai chứ. Chị dâu cứ thử hư với mẹ xem,
con khắc hỏi tội cho.
Mẹ vén lại màn, trước lúc chìm vào giấc ngủ mẹ nhớ ra mấy bộ quần áo của con
dâu phơi ngoài sân quên chưa lấy vào, mẹ lại lật đật ngồi dậy. Con gái vờ ngủ
như không biết gì, trong lòng gợn lên một nỗi buồn đến lạ. Mai này con gái cũng
đi làm dâu xa, mai này bỏ bố mẹ lại nơi này, chắc ngày về nhà chồng con gái
cũng khóc nhiều như chị dâu hôm nay vậy.
Sáng, con gái dậy sớm đã thấy mẹ lụi cụi nấu nướng dưới bếp, chị dâu chắc cả
ngày hôm trước mệt nên ngủ muộn. Con gái quét dọn nhà cửa, giặt quần áo cho cả
nhà rồi mới đi. Trước khi đi vẫn không chào được chị dâu một câu mà chỉ bảo mẹ:
- Chị ấy mệt, mẹ cứ kệ cho chị ngủ.
Con gái phóng xe đi mà lòng buồn rượi, cứ sợ chị dâu ở nhà không đối xử với bố
mẹ tốt, chỉ sợ ở nhà mẹ chồng nàng dâu lại xảy ra xích mích thì tội lắm. Sự lo
lắng ấy làm con gái không yên trong suốt chặng đường dài.
Sáu tháng sau, “giặc bên ngô” cũng lịch kịch chuẩn bị về nhà chồng. Đang vội
cùng mẹ chồng tương lai làm cơm mời họ hàng trong buổi ra mắt thì anh cả gọi
điện báo tin chị dâu bị sẩy thai đang nằm trong bệnh viện tỉnh. Lan cuống cuồng
xin phép nhà trai, lại một mình lao xe gần hai trăm cây số tận Bắc Giang về
bệnh viện tỉnh. Chị dâu vừa nhìn thấy em chồng thì khóc òa, “giặc bên ngô” cũng
khóc thương chị trông xanh xao gầy yếu đến thảm hại. Suốt đêm Lan thức dỗ dành
chị dâu ngủ. Mẹ khóc đứng khóc ngồi bảo cái số chúng nó không hợp nhau nên mới
xảy ra những chuyện như vậy. Lan dù lòng trăm mối tơ vò nhưng vẫn cố gắng động
viên mẹ:
- Thôi mẹ ạ, chuyện xui xẻo chẳng may ập đến. Mẹ đừng trách móc mà hãy thương
lấy chị. Chị mất con chắc chị đau lòng lắm.
Chị nằm bao nhiêu ngày thì “giặc bên ngô” cũng xin nghỉ việc cơ quan ở nhà chăm
nom, động viên chị bấy nhiêu ngày. Lúc chị dâu bình phục cũng là ngày “giặc bên
ngô” về nhà chồng. Hôm ấy người ta thấy chị dâu là người khóc nhiều nhất. Chị
gói lại từng chiếc áo, dặn “giặc bên ngô” từng tí một. Lúc xe cô dâu ra khỏi
ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, cô dâu ngoảnh lại thấy chị dâu vẫn lẽo đẽo đi theo, qua
tấm cửa kính xe, nước mắt cô dâu cứ nhạt nhòa.
V.T.H.T
Sáng sớm. Và những niềm vui trong trẻo!
Trả lờiXóaCảm ơn chú và Hương quê nhà ạ!
Chào cháu Trang,
XóaCòn trẻ mà viết được như cháu, chú tin cháu sẽ đi xa hơn nhiều! Khi nào vào SG nhớ phôn cho chú nhé! Hai chú cháu sẽ uống cà phê sơ ngộ và sẽ hàn huyên nhiều hơn. Thân mến!