Em là cô giáo mà tôi quen ở
ngôi trường cấp ba nơi tôi đến thực tập. Gọi là "em" chứ em không nhỏ
tuổi hơn tôi. Em ra trường trước tôi một năm nên có thể suy ra là em hoặc bằng,
hoặc lớn hơn tôi một tuổi. Dẫu vậy, trên thực tế trông tôi già dặn hơn em. Đàn
ông mà! Em luôn gọi tôi bằng anh và xưng tên rất dịu dàng, trong khi tôi gọi em
bằng tên và vì không lớn hơn em, chỉ dám xưng tôi mà thôi. Trong khoảng thời
gian hai tháng thực tập, em và tôi thỉnh thoảng có gặp nhau ở sân trường hay
trong phòng họp, nhưng chỉ chuyện vãn với nhau đôi ba câu chuyện bâng quơ nên
không hẳn là thân lắm. Mối quan hệ giữa em và tôi chỉ bắt đầu trở nên thân hơn
sau khoảng thời gian đó, khi tôi trở về thành phố Tây Đô - nơi tôi đang học, còn
em trở về đó hàng tuần để thăm nhà. Vì khoảng cách từ trường về nhà chỉ tốn
khoảng hơn nửa tiếng, nếu đi bằng xe lam, nên hầu như tuần nào em cũng về thăm
nhà.
Lý do tôi tìm đến nhà em là để nhờ em chuyển giùm tôi mấy cái lá thơ tôi viết
cho học trò thực tập của mình. Em ngạc nhiên lắm vì tuần nào cũng thấy một xấp
thơ hơn chục cái trên tay tôi. Rồi từ thoáng ngạc nhiên ban đầu, em dần trở nên
quen thuộc với điều đó và trở thành người đưa thư giữa "hai đầu nỗi
nhớ". Có lẽ sự thương yêu sâu đậm những đứa học trò đầu đời đã là mối đồng
cảm liên kết em và tôi. Em nói ngày phải xa chúng, em cũng đã phải mất một thời
gian khá lâu mới lấy lại được sự quân bình. Còn với tôi, dẫu đó là một ngày đã
được định trước, sự biệt ly vẫn tác động vào lòng tôi thật mạnh và để lại một
nỗi hụt hẫng lớn.
Nỗi hụt hẫng ấy giống như cái cảm giác ta đột nhiên rơi thật nhanh và thật sâu
xuống phía dưới, từ một đỉnh hạnh phúc ở trên cao. Rơi xuống và tiếp tục rơi
xuống như thế. Bất chấp mọi nỗ lực tuyệt vọng nhằm bám víu thêm một vài giây
phút nữa vào thiên đường xúc cảm vừa đánh mất. Đã có nhiều giọt nước mắt tuôn
rơi. Đã có nhiều tiếng khóc nghẹn ngào. Không kìm nén được. Vào ngày chia ly
ấy, ngoài trời mưa chỉ rơi lất phất thôi nhưng bên trong tôi, có một cơn mưa
rất lớn làm ngập lòng. Tôi nhận ra một cái gì đó quá đỗi thân yêu vừa tuột ra
khỏi đời mình và có lẽ chẳng bao giờ còn quay trở lại, một cái gì đó quá đỗi
quí giá vừa vỡ vụn, tan tác và chẳng bao giờ còn có thể trở lại nguyên vẹn như
xưa.
Nghề giáo nghĩ cũng lạ! Tiền thì không nhiều, nhưng tình thì thật quá bao la.
Nói về học trò thì nói đến bao giờ cho hết chuyện, nên những lần gặp gỡ cuối
tuần giữa em và tôi cứ ngày càng dài ra. Khi thì ở nhà em, khi thì nơi quán
vắng, em và tôi ngày càng trở nên gần gũi nhau hơn nhiều lắm. Và những câu
chuyện cứ nối tiếp nhau như trong truyện "Nghìn lẻ một đêm". Em như
đắm chìm mê mỏi và say đắm vào trong từng lời tôi nói về những đứa học trò của
mình và những kỷ niệm với chúng. Tôi cũng lắng nghe những gì em kể về một năm
dạy học vừa qua của em với rất nhiều thú vị. Có lẽ em là người con gái mà tôi
có cảm giác thú vị nhất từ trước đến giờ khi cùng trò chuyện. Mái tóc dài dợn
sóng, rẽ đôi với ánh mắt to tròn, chăm chú là một hình ảnh ngày càng trở nên
thân thương với tôi hơn. Cũng chính ánh mắt đó của em đã phản bội em mà tiết lộ
cho tôi biết rằng dường như tôi là những gì mà em đã hằng ấp ủ và chờ trông.
Chỉ có điều sâu thẳm trong tận cùng của ánh mắt ấy là một nỗi buồn rất lạ mà
cho đến sau nay tôi mới hiểu.
Tôi bắt đầu chú ý hơn đến nỗi buồn ấy trong mắt em kể từ sau hôm em và tôi nói
với nhau về mơ ước. Tuổi trẻ thường có nhiều mơ ước và luôn mong mỏi chúng rồi
sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống. Với lứa tuổi đôi mươi của mình, tôi
cũng thế và nghĩ rằng có lẽ em cũng thế. Nhưng tôi đã rất ngạc nhiên khi em nói
với tôi rằng:
- Anh biết không? Đan thích
mơ mộng lắm. Đan cứ luôn mơ những mộng ước thật đẹp. Nhưng có điều Đan muốn mơ
cứ mãi là mơ thế thôi.
- Sao thế ? Ai mơ cũng muốn ước mơ của mình thành sự thật mà, sao Đan lại thế?
- Đan cũng không hiểu sao nữa. Đan luôn có một dự cảm không hay về sự thật.
Anh biết không, Đan đã từng viết một bài thơ mà trong đó có một câu thơ như thế
này: "Có những ước mơ chưa mơ đã thành sự thật!".
- Câu thơ hay và lạ, nhưng buồn quá, Đan à!
...
*
*
*
Chỉ còn vài tuần nữa là tôi
xong kỳ thi tốt nghiệp đại học. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện về thăm lại những
đứa học trò thực tập của mình. Có lẽ chưa có ai nhớ học trò nhiều như tôi đã
nhớ. Chưa có ai viết thơ và nhận thơ của học trò nhiều như tôi đã viết và nhận.
Thấy tôi "tương tư" học trò mình như thế, em cứ hay chọc ghẹo tôi hoài.
Em hay luôn miệng bảo tôi:
- Anh lãng mạn quá, lãng mạn
tràn bờ.
- Lãng mạn có nghĩa là tràn bờ, đã lãng mạn mà còn tràn bờ nữa thì làm sao
mà sống nổi Đan.
Tôi đáp trả lại với em như thế, biết rất rõ rằng lời của em là lời của thương
yêu. Tôi cảm nhận được rằng tình bạn giữa em và tôi đã bắt đầu từ cái lãng mạn
đó và cũng phát triển trên cái nền "tràn bờ" đó.
Tôi đem ý định sẽ cùng em trở về ngôi trường cũ, ghé thăm các học sinh cũ của
tôi ra bàn với em. Em vui vẻ nhận lời ngay lập tức, không một phút do dự. Rồi
em và tôi mải mê chìm đắm vào trong một giấc chiêm bao. Trong giấc chiêm bao
đó, em trong tà áo dài trắng trinh nguyên cùng tôi trên một chiếc xe đạp vượt
qua một quãng đường thật dài để tìm về lại khoảng trời nhung nhớ của tôi. Rồi
em và tôi sẽ đi lại qua từng con đường phố huyện đong đầy nỗi nhớ, sẽ đến từng
nhà để thăm lại từng em học sinh thân yêu của tôi. Ngày về ấy mang cái dáng nét
lãng tử huy hoàng của một chàng trai về lại chốn xưa sau những tháng ngày trôi
nổi bềnh bồng vô định. Và chàng không chỉ về một mình. Chàng về lại với một
chút tin yêu chàng vừa vô tình bắt gặp được đâu đó trên dòng đời phiêu bạt.
Nhưng giấc chiêm bao ấy, với tôi, đã chỉ muôn đời là một ước mơ. Còn với em,
phũ phàng hơn thế, nó là một... niềm đau: Một ước mơ chưa mơ đã thành sự thật.
Chỉ đến sau này, tôi mới hiểu hết được những gì em muốn gửi gắm vào câu thơ
định mệnh ấy của đời em: "Có những ước mơ chưa mơ đã thành sự thật!"
Với em, hai khái niệm "ước mơ" và "sự thật" là hai khái
niệm hoàn toàn tương phản và độc lập: "ước mơ" tượng trưng cho những
gì đẹp đẽ và "ước mơ" chỉ thực sự là "ước mơ" khi nó còn ở
trong mơ; còn "sự thật" lại là hiện thân của những gì chua xót, bi
thương và đổ vỡ. Do đó, khi "ước mơ" trở thành "sự thật" có
nghĩa là tan rồi, đỗ vỡ rồi một lâu đài trên cát được dựng xây bằng những huyễn
mộng. Khi "ước mơ" trở thành "sự thật" có nghĩa: đó là một
dấu chấm hết nghẹn ngào, không ai mong đợi, không ai kiếm tìm.
*
*
*
Tôi đến nhà em vào buổi
chiều ngay trước ngày dự định của chuyến đi, sau khi vừa xong kỳ thi tốt
nghiệp. Em xuất hiện ở bục cửa, tóc hờ hững rối và khuôn mặt đượm buồn. Tôi
linh cảm có chuyện gì đó chẳng hay. Ngồi thừ xuống chiếc ghế trước hàng hiên và
ra dấu cho tôi ngồi xuống ở một chiếc ghế gần đấy, em tiếp tục buông mình vào
trong một sự im lặng thật sâu như thể chẳng còn gì hiện hữu trên cõi đời này.
Đợi một lúc lâu, tôi lên tiếng hỏi em với giọng bồn chồn, lo lắng:
- Sao thế Đan? Có
chuyện gì thế Đan?
Em vẫn tiếp tục im lặng như thế thêm một lúc nữa. Cuối cùng, em cất giọng với
một giọng nói buồn như tiếng khóc:
- Ngày mai Đan không thể đi
cùng với anh được, anh à!
Ngỡ ngàng với câu trả lời mà tôi không hề mong đợi ấy, tôi hỏi lại em với giọng
đầy thảng thốt:
- Sao lại thế Đan? Mình đã
tính trước từ mấy tuần nay rồi kia mà.
Em quay đi như để tránh nhìn vào mắt tôi. Có lẽ em không muốn nhìn thấy một nỗi
thất vọng vô bờ đang dâng tràn trong ấy. Vẫn với ánh mắt nhìn về một phía khác
xa xăm, em cất tiếng thì thào hỏi tôi:
- Anh còn nhớ Hùng không?
- Hùng nào? Có phải thầy dạy chung trường với Đan không?
Em khẽ gật đầu - một cái gật đầu vô hồn, rồi tiếp lời:
- Phải, anh ạ. Anh ấy và
Đan... sắp kết hôn... trong một ngày... rất gần.
Dường như phải khó khăn lắm, em mới có thể nói nốt câu nói đó. Rồi với một cung
điệu thật trầm, em bắt đầu kể về những gì mà em hằng chôn giấu từ bấy lâu nay:
- Hùng là bạn học chung lớp
của Đan kể từ những ngày còn ở Đại Học. Ngày ấy hai đứa cũng khá thân với nhau
nhưng chỉ xem nhau như bạn bè thôi. Anh ấy chỉ bắt đầu ngỏ lời yêu Đan kể từ
khi hai đứa cùng được phân công về giảng dạy tại trường này.
Tôi khẽ ngắt lời em để hỏi:
- Thế rồi Đan có nhận lời
không?
Em trả lời với một giọng điệu thẩn thờ:
- Đan cũng không nhớ rõ mình
đã trả lời như thế nào nữa. Đan chỉ nhớ là mình không chính thức nhận lời,
nhưng cũng không từ chối. Hùng và Đan đã quen biết nhau lâu rồi và ảnh luôn
quan tâm chăm sóc cho Đan trong suốt những tháng năm đó. Đan đã quen với sự
quan tâm và chăm sóc đó đến nỗi Đan cứ tưởng rằng Đan đã phần nào yêu Hùng. Một
năm đi dạy xa nhà vừa qua là những tháng ngày xa nhà đầu tiên của Đan. Đan cảm
thấy bỡ ngỡ và lẻ loi lắm, và Hùng đã làm một chỗ dựa tinh thần rất vững chắc
cho Đan. Thời điểm đoàn anh về thực tập cũng chính là lúc Hùng đã đặt vấn đề
hôn nhân với Đan. Đan đã hứa với Hùng là sau khi niên học năm nay kết thúc, Đan
sẽ chính thức trả lời cho Hùng biết là Đan có đồng ý hay không.
Khi em nói đến đó, tôi khẽ
chen vào hỏi vì thấy em nói cũng đã khá lâu:
- Và Đan vừa trả lời với Hùng
là Đan đồng ý, phải không?
Em khẽ gật đầu thay cho câu trả lời, trong khi đó thì trong lòng tôi lại dâng
đầy bao băn khoăn, trắc ẩn:
- Nếu Đan đã quyết định như
thế rồi thì có gì mà Đan lại có vẻ u sầu đến thế kia? Việc Đan có đi hay không
đi vào ngày mai có gì là quá quan trọng đâu?
Em trả lời, giọng đầy thổn thức:
- Quan trọng chứ sao
không anh? Nó là cả một niềm mơ đối với Đan mà. Đã bao ngày đêm qua Đan thấy
mình đắm chìm trong giấc mơ đó. Và lần đầu tiên, Đan cảm nhận được thế nào là
hạnh phúc - một thứ hạnh phúc thực sự mà Đan luôn mong mỏi. Nhưng có lẽ Đan
không có đủ may mắn để được hưởng thứ hạnh phúc đó.
Nói đến đây, giọng của em trở nên nghẹn ngào và những giọt lệ bắt đầu trào ra
khỏi đôi mắt u hoài của em và lăn dài xuống. Tôi ngỡ ngàng trước những lời bày
tỏ mà lần đầu tiên em thố lộ cùng tôi. Với nỗi xót xa dâng ngập lòng, tôi ấp
úng hỏi em:
- Đan nói như thế có
nghĩa là... Đan không yêu Hùng sao? Thế thì sao Đan lại chấp nhận lấy Hùng
chứ?
Vừa nuốt những giọt nước mắt đang chảy trên bờ môi, em vừa trả lời với một
giọng thật trầm như thể em đang độc thoại với chính bản thân mình:
- Phải, Đan vừa nhận ra là
Đan chưa hề bao giờ yêu Hùng. Và từ trước đến giờ Đan cứ nghĩ rằng hôn nhân đâu
cần gì đến tình yêu, cho đến khi... anh xuất hiện trong đời Đan. Hôm qua, khi
Hùng đến để nghe câu trả lời của Đan, nhìn sự hồi hộp và mong chờ quá thiết tha
của Hùng, Đan đã không thể đành lòng để nói lời từ chối. Phải, anh ơi, Đan vừa
thực hiện một quyết định đau lòng: Đan chấp nhận làm một kẻ khổ đau hơn làm một
người phản bội. Ôi, uớc mơ của Đan chưa mơ đã trở thành sự thật rồi.
Vừa dứt những lời cuối cùng, em bật òa lên, ôm mặt khóc nức nở, mái tóc rối bập
bềnh trên đôi vai run. Tôi ngồi chết điếng lắng nghe những gì em nói, mỗi lời
như cứa vào lòng tôi gây nhức nhối. Tiếng òa khóc của em đánh thức tôi khỏi nỗi
ngỡ ngàng quá lớn. Tôi chưa kịp đến bên em để vuốt ve, an ủi thì em đã vụt chạy
vào nhà trong và lẫn khuất sau tấm màn cửa.
Tôi ngồi bất động thêm một lúc lâu với cõi lòng tê tái. Biết rằng em sẽ không
trở ra nữa, tôi lặng lẽ ra về, lòng trĩu nặng một mặc cảm tội lỗi mơ hồ. Chợt
muốn quay lại để bảo với em rằng: "Em ơi, em không có lỗi gì cả. Lỗi
là ở những ước mơ - những ước mơ chưa cho em mơ mà đã vội hóa thành sư thật."
Muốn vậy mà chẳng thể làm được.
*
*
*
Một năm sau khi ra trường
và đi dạy ở vùng, tôi có dịp quay lại Tây Đô. Một người bạn quen cho
tôi hay rằng em đã lấy chồng vài ba tháng sau đó. Một lần tình cờ đi ngang qua
khúc sông gần nhà em, tôi chợt nghe văng vẳng đâu đó trên sông vang lên những
lời hát thật buồn làm tôi chợt thấy nhớ em... da diết:
Lời ru buồn,
nghe mênh mang mênh mang,
sau lũy tre làng,
khiến lòng tôi xôn xao.
Ngày lấy chồng em đi qua con đê,
con đê mòn lối cỏ về,
có chú bướm vàng bay theo em.
Bướm vàng đã đậu cây mù u rồi,
lấy chồng sớm làm gì
để... lời ru thêm buồn.(*)
14/07/2012
Jeffrey Thai
(*) Lời ca khúc: Sao
em nỡ vội lấy chồng của nhạc sĩ Trần Tiến
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét