Cuộc hội thảo về thơ Nguyễn
Quang Thiều do Viện Văn học tổ chức vừa qua theo tôi là một việc bình thường.
Không thể không thừa nhận rằng, thơ Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra được sự chú ý
của người viết, người đọc với những đánh giá trái chiều, khen chê rất khác
nhau. Có người chê thơ Thiều đến thậm tệ, mà điển hình có lẽ là nhà thơ Trần
Mạnh Hảo và nhà thơ Đỗ Hoàng. Trần Mạnh Hảo không ngần ngại gọi thơ của Nguyễn
Quang Thiều là thơ Tân…con
cóc và thi sĩ “đáo để” này
còn thử làm ra mấy bài “nhái” theo kiểu của kẻ bị chê. Đỗ Hoàng thì gọi thơ
Nguyễn Quang Thiều là kiểu thơ vô
lối (chắc anh mượn ý của Chế
Lan Viên: Nhân loại đi xa chớ
có vẽ bày/ Từ ngữ kềnh càng, văn chương vô lối) và anh đã dịch thơ của đương kim Phó Chủ tịch Hội Nhà
văn Việt Nam
này từ tiếng Việt ra tiếng Việt. Trái với luồng dư luận chê là dòng dư luận
khen nức nở thơ Nguyễn Quang Thiều mà tập trung đậm đặc nhất ở trong hội thảo
thơ ông vừa rồi. Trong những lời tụng ca, có một ý làm tôi thực sự băn khoăn và
nghi ngờ, đó là: thơ Nguyễn
Quang Thiều đã tạo ra
trường thẩm mỹ mới, khước từ mọi sự véo von nhễ nhại, du dương tội nghiệp…
Từ
ý tứ phát biểu trên đây mà suy ra thì thơ Nguyễn Quang Thiều rất mới, rất khác
với những gì đã có, đang có ở Việt Nam từ trước tới nay, kể cả dòng thơ kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của văn học nước ta. Nói như
thế cũng có nghĩa: sự véo von
nhễ nhại, du dương tội nghiệp là
cái có thật, cái đã có trong thơ ca nước nhà ở thì quá khứ, và đương nhiên đã
muôn vàn cũ rích cần phải chối bỏ, đoạn tuyệt.
Theo Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn thì du dương có nghĩa là trầm bổng, ngân vang một cách êm
tai. Vậy, thơ du dương theo cách nghĩ của người phát ngôn là
gì? Phải chăng là kiểu thơ, giọng thơ lấy âm hưởng ngợi ca làm chủ đạo hay ru ngủ bạn đọc bằng những giai điệu êm ả, dìu
dặt. Phải chăng, đấy là các bài thơ thích hợp cho sự ngâm chứ không phải để đọc
và tương ứng với hình thức trình diễn ấy là thơ để thuộc, để nhớ đến từng con
chữ. Có thái quá và lầm lẫn không trong lời biểu dương hào hứng ấy?
Thực
chất, nếu hiểu theo cách đơn giản thì du
dương cũng là một loại nhạc tính trong thơ, tôi nghĩ thế.
Thơ, chứa trong mình nhiều cung bậc tình cảm, nhiều điệu tâm hồn khác nhau nên
nó cũng dữ dội hay dịu êm như con người, chứ sao. Sự trầm bổng, ngân vang của thi ca nếu có cũng chỉ là nhịp
điệu, tiết tấu của thơ mà thôi. Nếu đúng vậy thì sự du dương trong thơ có gì phải xấu hổ tội nghiệp đâu. Thơ có thể tiệt tiêu vần nhưng
không thể xóa bỏ tiết tấu, nhịp điệu được. Tiết tấu, nhịp điệu chính là đôi cánh của hình ảnh, chi tiết, ngôn ngữ trong
hành trình triển khai cảm xúc, ý tưởng của người sáng tác thơ. Tôi nhớ Hữu
Thỉnh có những bài thơ, câu thơ giàu nhạc tính và nhờ thế mà nó được nhiều
người nhớ, nhiều người thuộc, nhiều người thích. Bài Phan Thiết có anh tôi tràn ngập sự đớn đau da diết là một ví
dụ rõ ràng về điều tôi vừa nói hay câu thơ này cũng vậy: Một đời người mà chiến chinh nhiều
quá/ Em níu giường níu chiếu đợi anh. Cái
sự ngân rung vang vọng trong câu thơ ấy đã rọi chiếu vào nỗi xót xa, nhẫn nhịn
thăm thẳm và sức chịu đựng kỳ vỹ của con người Việt Nam. Nếu cũng cái ý ấy, cảm xúc ấy
mà viết như thế này: “Hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm, đời người trải
qua bao cuộc chiến chinh / Những người đàn bà đất nước tôi níu chiếu, níu
giường đợi người trở lại” thì chắc ai cũng bĩu môi chê dỡ. Sẽ là vụng về biết
bao khi câu thơ này của Trần Đăng Khoa: Mái
gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương bị biến thành: “Mái gianh ơi, mái
gianh hỡi, ngấm bao nhiêu mưa, ngấm bao nhiêu nắng/ Mà thành quê hương tôi”…Tuy
nhiên, là nhà thơ có nghề không ai viết như thế cả. Ở đây, tôi muốn so sánh
những câu thơ mang ý tưởng, cảm xúc và hình ảnh như nhau nhưng một bên có tiết
tấu âm điệu (đôi lúc êm ái du dương như câu ru) còn một bên không quan tâm tới
cái đó thì chất lượng giá trị nghệ thuật sẽ rất khác nhau. Trong ví dụ trên,
chất lượng thơ thu hái được quả là một trời, một vực. Tôi nghĩ, đổi mới gì thì
đổi, cách tân gì thì cách cũng đừng xem nhẹ sự cô đọng, súc tích cũng như tính
nhạc trong thơ. Yêu nhau đến mấy cũng phải sòng phẳng, chứ khen đại, cổ súy
thái quá đôi khi sẽ làm hại cho thơ ca dân tộc đấy.
Trong
ca dao và thơ lục bát – những thể loại truyền thống của thơ Việt, chấtdu
dương khá rõ, bởi kết cấu
câu sáu-tám của nó và luật về vần, thanh (bằng
trắc) rất nhịp nhàng, dìu dặt và uyển chuyển. Tuy nhiên, khả năng chuyển tải
tình cảm, ý nghĩ, sự vật của nó không thua kém thể loại thơ nào mà minh chứng
rõ ràng nhất, sinh động nhất là Truyện
Kiều của Nguyễn Du, thơ lục
bát của Nguyễn Bính và sau này là Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn…Cái sự du dương đầy âm hưởng, âm sắc Việt đó chẳng có
gì là kém cạnh, tội nghiệp cả. Tôi biết, Hữu Thỉnh và cả Nguyễn Quang Thiều nữa
đã có những du dương đầy xúc động, ấn tượng trong các bài
thơ lục bátTrông ra bờ ruộng và Bây giờ đã cuối mùa đông.
Đây, du dương Hữu Thỉnh: Mẹ tôi gạt cỏ bước lên/Cỏ dày, cây
lúa phải chen nhọc nhằn/ Xòe tay tính tháng tính năm/Tính người, nào biết xa
xăm cõi người/Gié thơm ai đã gặt rồi/Đồng quang, bóng mẹ nắng nôi một mình và đây là du dương Nguyễn Quang Thiều: Bây giờ đang cuối mùa đông/Làng
bao cô gái lấy chồng đi xa/Chút chiều hoa nắng ngõ nhà/Tôi đi, tôi đứng để mà
vu vơ./Bây giờ lấm tấm lộc mơ/Lưa thưa lộc khế, lơ thơ lộc đào/Tình tôi có chút
lộc nào/Nẩy xanh qua tiếng thét gào bão mưa/Bây giờ cải đã thành dưa/Làng bao
cô gái cũng vừa lớn lên/Ra đường gặp tiếng xưng “em”/Đêm về tôi với ngọn đèn
nhìn nhau. Tôi thấy du dương êm dịu mà vẫn hay chứ có gì tội nghiệp đâu nào.
Trong Thơ mới 1930 – 1945, không thiếu những bài
thơ, câu thơ trầm bổngdu dương mà
tuyệt hay của Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Lưu
Trọng Lư…Đó là những bài thơ Nhớ
rừng (Thế Lữ),Tràng
Giang (Huy Cận), Nguyệt cầm (Xuân Diệu), Chân quê (Nguyễn Bính), Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), Bến My Lăng (Yến Lan), Tiếng thu(Lưu Trọng Lư)…đến
bây giờ đọc lên vẫn hay, vẫn quyến rũ. Một phần của sự hay theo tôi là nhờ vào
chất nhạc đầy ắp trong những bài thơ đó.
Trong
kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có những bài thơ, câu thơ hay bởi sự dìu dặt,
dịu dàng và có cả những bài thơ hay nhờ cái mạnh mẽ, dữ dội hoặc trộn lẫn cả
hai. Trường hợp thứ nhất (tạm gọi thơ du
dương) có thể kể đến Thăm
lúa của Trần Hữu Thung, Đồng chí của Chính Hữu, Bầm ơi của Tố Hữu, Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ thời chống Pháp; những Gửi em, cô thanh niên xung phong,
Trường Sơn đông, Trường Sơn tây của
Phạm Tiến Duật, Cây xấu hổ của Anh Ngọc, Khúc hát ru những em bé ngủ trên
lưng mẹ của Nguyễn Khoa
Điềm, Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ…thời chống
Mỹ. Trường hợp thứ hai (tạm gọi thơ dữ
dội) như Đèo Cả của Hữu Loan, Nhớ máu của Trần Mai Ninh thời chống Pháp; Đây Việt Bắc của Trần Dần (sau năm 1954). Trường
hợp thứ ba (trộn lẫn cả du dương và dữ
dội) có Bên kia sông
Đuống của Hoàng Cầm, Màu tím hoa sim của Hữu Loan…thời chống Pháp; Đất nước trong Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu, Lý ngựa ô ở hai vùng đất của Phạm Ngọc Cảnh…thời chống Mỹ…
Dạng
thơ tự do, ngắt câu xuống dòng khúc khuỷu, hiện thực trần trụi đã có từ trước,
từ lâu. Năm 1946, Trần Mai Ninh đã viết: Ơ,
những người/ Đen như mực, đặc thành keo,/ Tròn một củ,/ Hay những người gầy sắt
lại/Mặt rẹt một đường gươm/ Lạnh gáy…/Lòng bàn tay/ Khắc ấn chuỗi dao găm./
Chân bọc sắt,/ Mắt khoét thủng đêm dày,/Túi chứa cả Nha Trang…họ bước và cũng từ năm ấy, Hữu Loan đã có
những câu: Sau mỗi lần thắng/
Những người lính Đèo Cả/ về bên suối đánh cờ/ Người hái cam rừng/ ăn nheo mắt/
Người vá áo/ thiếu kim/ mài sắt/ Người đập mảnh chai/ vểnh cằm/ cạo râu…/Suối
mang bóng người/ soi/những/về/đâu/?!
Như
vậy thì kiểu thơ không du
dương và trần trụi như
Nguyễn Quang Thiều viết: Những
ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái…trong bài Những người đàn bà gánh nước sông cũng không có gì mới mẻ đến mức ta
phải ngạc nhiên, sững sờ. Vấn đề đáng quan tâm là nó hay hoặc dở? Thơ Thiều có
những hình ảnh lạ như: Sông
gục mặt vào bờ đất lần đi…, những sự liên tưởng độc như: Những
con cá thiêng quay mặt khóc/ Những chiếc phao ngô chết nổi hoặc ý tưởng thâm thúy: Và cá thiêng lại quay mặt khóc/
Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi…Ghi nhận Nguyễn Quang Thiều, theo
tôi, là ở những chỗ đấy chứ không phải là sự chối bỏ, khước từ sự véo von nhễ nhại, du dương tội
nghiệp như ai đã nói.
Trong
cảm nhận của riêng tôi, thì kiểu viết của Nguyễn Quang Thiều chưa phải là sự khai mở cho thơ Việt hiện nay vì nó khá giống với kiểu diễn đạt như thế này: Tôi nghe tiếng thét của những đứa
trẻ/ bị bom nổ tung thành nhiều mảnh/ Những quả bom được chỉ dẫn chính xác vào
một căn phòng/ trong ngôi nhà bên cạnh/ Ở đó một “mục tiêu” đã sống/ hoặc không
sống; vậy đó/ Những xác chết chồng lên nhau/ như thể đang chất trên vai tôi/
Chẳng có chỗ cho phép ẩn dụ/ Chồng xác chết mọc cao lên, cao lên…(Thơ của
Bruce Weigl-Mỹ).
Tôi
tin vào lòng yêu nguồn cội và thi ca của Nguyễn Quang Thiều cũng như tin vào
động lực làm mới thơ rất chân chính của anh nhưng thành công hay chưa thì theo
tôi, có lẽ câu trả lời đang ở phía trước.
Đồng Xa, đầu tháng 7 năm 2012
N.H.Q
(Nguồn: nguyenhuuquy.vnweblogs.com)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét