Trong thời gian qua, trên một
số báo và tạp chí người ta đưa ra bàn luận về vấn đề thơ khó. Có vẻ như khái niệm thơ khó thường được gắn cho những bài thơ
không viết theo kiểu truyền thống. Theo họ, khó
hiểu là một đặc trưng của
thơ cách tân và là sản phẩm tất yếu của đổi mới thi ca, không dễ tiếp cận được
với đông đảo người đọc. Nói cách khác nó rất kén chọn người đọc, càng khó tìm
được tri kỷ tri âm. Có tác giả còn hào hứng lý giải rằng, điều đó phản ánh đúng
sự phức tạp bí ẩn của tâm hồn con người; mỗi cá thể là một vũ trụ riêng, một
thế giới riêng nên thơ cũng phải như thế.
Không
ai chối cãi sự đa dạng về phong cách thơ. Có bao nhiêu nhà thơ là có bấy nhiêu
phong cách sáng tác. Hay nói chính xác hơn thì bài thơ mang dấu ấn sáng tạo
riêng biệt của tác giả mà sự chọn lựa hình thức biểu hiện của họ bao giờ cũng
mang tính tự do, độc lập rất cao. Tuy vậy, chúng ta không thể không thừa nhận
rằng mỗi thể loại văn học đều có những đặc trưng, tiêu chí, biểu hiện chung của
nó. Cũng là nghệ thuật sử dụng ngôn từ nhưng cách tổ chức tác phẩm của thơ khác
văn xuôi và kịch bản sân khấu điện ảnh. Tính
tổ chức của thể loại là điều
có thật, dù rộng hẹp đến bao nhiêu cũng phải là nó, cao thấp thế nào cũng phải
có giới hạn. Giới hạn thể loại buộc người cầm bút bay đúng quỹ đạo ngành nghệ
thuật mình chọn lựa.
Thơ,
trước hết hãy là thơ. Là tiếng nói của tâm hồn, là quy luật của cảm xúc (Xuân Diệu). Theo tôi, muốn làm được
thơ tác giả phải hiểu thơ. Thế nào là thơ lục bát, thơ thất ngôn, lục ngôn, ngũ
ngôn…, thơ tứ tuyệt, thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ sắp đặt…rồi còn cấu tứ, thi
ảnh, thi nhãn, tiết tấu,
vần điệu…Quy luật, bí quyết nào để thơ có sức truyền cảm rộng rãi, sâu sắc và
bền vững rồi tính đa nghĩa, biểu tượng, ẩn dụ…của nó; đó chính là những yếu tố,
thủ thuật mà người sáng tạo thi ca không thể bỏ qua. Tự do, phóng túng đến bao
nhiêu thì người làm thơ cũng phải tuân thủ những yếu tố đó. Đường bay của chim
khác với đường bơi của cá, thổi cơm khác nấu rượu, nhịp phi của tuấn mã khác
với bước chạy của trâu bò, hát khác với nói thông thường…Và, xin nhắc lại, cũ
mới gì, truyền thống hay hiện đại thì thơ trước hết phải là thơ.
Chớ
lầm tưởng rằng thơ hiện đại, thơ mới phải là thơ khó hiểu; thơ dễ hiểu thuộc về
kiểu thơ cũ, thơ truyền thống. Tôi đã từng viết: Thực ra khó hiểu hay dễ hiểu
không phải là tiêu chí của thơ, mà thơ hay chính là sự lay động người đọc ở cảm
xúc mạnh, ở tính đa nghĩa của hình tượng, ở sự hợp lý đắc địa của ngôn từ. Giá
trị của thơ nằm ở việc phát hiện vấn đề, tìm và dựng tứ độc đáo, ở tính sáng
tạo trong thiết lập cấu trúc bài, chọn lựa hình tượng khác lạ, sử dụng ngôn ngữ
mẹ đẻ nhuần nhuyễn đổi mới.
Xin
lấy một ví dụ để chứng mình điều trên. Đó là bài Cây chuối của Ức Trai Nguyễn Trãi làm ra từ thế
kỷ 15. Tự bén hơi xuân tốt
lại thêm./ Đầy buồng lạ,
mùi thâu đêm./ Tình thư
một bức phong còn kín/ Gió
nơi đâu gượng mở xem (Cây
chuối)
Thơ
ở đẳng cấp cao không lộ ra, không nói hết mọi điều nhưng không vì thế mà tù mù
hủ nút, đánh đố người đọc. Cái bí ẩn cũng là cái mê hoặc của thi ca dẫn người
đọc đi vào những mê lộ khám phá mới. Khám phá để nhận biết chiều sâu nội dung
tư tưởng và tình cảm của tác phẩm cũng như vẻ đẹp của nghệ thuật. Nó gợi mở cho
ta nhiều lối nẻo để kiếm tìm chứ không hề bưng bít khép kín. Nếu nói về miêu tả
thì chắc không nhiều người tả cây chuối đẹp và lạ như thế. Bàn tới sự đa
nghĩa thì chắc Cây chuối không thua kém thi phẩm nào. Trong
tôi, hiện lên một Ức Trai đa cảm, đa tình lắm. Tự bén hơi xuân tốt lại thêm. Mối liên hệ giữa Mùa (xuân) – Cây
(chuối) là mối liên hệ của tình yêu; đối chiếu vào con người ta thấy mạch yêu
ấy không ngừng tuôn chảy. Cây bén hơi xuân, người bén hơi người, cả hai đều
tươi tốt thêm. Đầy buồng lạ,
mùi thâu đêm. Tình yêu đã
đến độ kết trái, tỏa hương nhưng hình như vẫn còn có điều gì đó nữa nên mới Tình thư một bức phong còn kín. Những nỗi niềm, những ẩn khúc, những
mong ước chưa giải bày thổ lộ? Những xao xác tơ non còn rưng rưng giấu kín
trong lòng? Gió nơi đâu
gượng mở xem. Theo tôi, đây
là một mời gọi khám phá rất tinh tế và cũng rất hiện đại cách đây sáu thế kỷ
rồi.
Thơ
càng có nhiều tầng nghĩa càng sâu sắc, càng hay và hình như gắn với nó phải là
sự tột cùng giản dị. Câu thơ Mái
buồn nghe sấu rụng của Chính
Hữu vừa có cảnh vật vừa có hồn người nhờ từ nghe.
Tâm trạng con người được diễn đạt tinh tế và chính xác bằng một câu thơ cô
đọng, không thừa không thiếu và quá gợi cảm. Phạm Tiến Duật viết: Vào rừng chẳng thấy lối ra/ Nhìn
cây núc nác ngỡ là vàng tâm đầy
ẩn ý đằng sau một câu thơ rất bình dị. Trần Đăng Khoa cũng thế, Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm
bao mưa nắng mà thành quê hương, tính biểu tượng phát huy hiệu quả ở đây
và theo tôi nó vượt xa câu Ngoài
thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. Câu thơ từng được coi là bí ẩn của
Nguyễn Xuân Sanh Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà chỉ là một kiểu viết cầu kỳ không làm
tôi thích bằng Giấy đỏ buồn
không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu của
Vũ Đình Liên hay Màu thời
gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/Hương thời gian không nồng/ Hương thời
gian thanh thanh…của Đoàn Phú Tứ. Cái bí ẩn (tôi không muốn dùng từ khó
hiểu) của thơ đâu phải là sự tù mù, rối rắm, càng không phải là để khéo léo
giăng bẫy đánh đố người đọc. Đây nhé, đâu dễ hiểu thấu đáo mà vẫn đầy thu hút: Một chiếc linh hồn nhỏ:/Mang mang
thiên cổ sầu; Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;/Củi một cành khô lạc mấy dòng của Huy Cận hay Phất phơ hồn của bông hường/ Trong
hơi phiêu bạt còn vương máu hồng; Gió chắp cánh cho hương càng tỏa rộng/ Xốc
nhau đi vào khắp cõi xa bay/ Và hương bay thì hoa tưởng hoa bay của Xuân Diệu và Mây chết đuối ở dòng sông vắng
lặng./ Trôi thây về xa tận cõi vô biên của
Hàn Mặc Tử…Những nhà thơ nổi tiếng xưa nay hình như không ai đưa thơ mình vào
“chỗ khó” cả, với họ thơ phải có hồn và ẩn chứa nhiều ý tứ sâu xa và kín đáo
như Chế Lan Viên liên tưởng: Những
câu thơ lẫn khuất/ Mọc góc xa của rừng; hay Lê Đạt thực ảo đan xen: Mùi mưa xưa/lòng chưa tạnh/ phố
nhau đầu; hoặc lạ như Lưu Quang Vũ: Lòng
như vầng trăng nhọn/ Chém giữa trời không nguôi…
Tôi
không hiểu vì sao một số người lại nhân danh cách tân hiện đại thơ đi cổ súy
cho kiểu viết tù mù, quái đản như trường hợp trường ca mang tên Ển lên đêm của LHT. Ển lên đêm là gì? Họ giải thích, đó là Em lên đỉnh. Đâu còn sự trong
sáng của tiếng Việt nữa. Trời ơi là Trời, cái lối viết ngọng lô ngọng líu này
mà là thơ ư? Là hiện đại thơ, đổi mới thơ, cách tân thơ, cách mạng thơ ư? Rồi,
có kẻ tung hô ngợi ca kiểu viết: Những
ngọn thác câm lặng đang đổ xuống rất mạnh/ những đế giày chuẩn bị vỡ tung/ chân
tường mở cánh cửa thoát hiểm/ bụi mưa phùn hay châu chấu bay qua/ cả ngôi nhà
lao đi chóng mặt/ sửng sốt, rã rời khi gặp bình minh của MVP hay Bước chân trượt trên đá
sỏi/ Xuống sườn dốc lòng hồ/ Nơi ấy nước nằm lõa lồ trên đất/ Thèm được biến
tan/ Đồi nhả ra những viên đá rắn cứng/ Và làm đau những đầu lưỡi sóng/ Và làm
rách toạc mặt nước/ Chưa thể hóa sương/ Tôi đã đến và mặt đất nơi đây từ chối/
Tôi như con tôm bật mình trên nền đồi đá sỏi/ Thèm được giấu hơi thở mình trong
nước/ Mà tinh thần cứ như vật nhọn cứng nhô lên của ĐDP…
Xin
đừng hù dọa người đọc những kiểu viết như vậy nữa. Tôi tin rất nhiều bạn đọc
thời nay đủ tỉnh táo để nhận biết đâu là đổi mới thật đâu là đổi mới giả. Cũng
đừng lấy cái khó của thơ để cột buộc những người không
đồng tình hay phản đối lại kiểu viết ấy là cổ hũ lạc hậu, không biết đọc thơ
hoặc bởi định kiến. Không ai có định kiến với thơ hay cả.
Tôi
nhớ Nam Cao viết trong Đời
thừa: Văn chương chỉ
dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi,
và sáng tạo những cái gì chưa có... Những
cái gì chưa có là giá trị đích thực của văn chương nói chung và thi ca nói
riêng chứ không phải là sự vẽ bày tạo ra Từ
ngữ kềnh càng, văn chương vô lối (Thơ cầm tay) như Chế Lan Viên tâm sự. Đừng trở
thành những người làm thơ…đã không trả còn vay, còn ăn quỵt. Họ có mười mà
tên tuổi đến mười mươi (Chế
Lan Viên).
Cuộc
tập dượt phức tạp nhất chính là cuộc tập dượt đưa tới vẻ giản đơn tột cùng của
một hòa âm, R.Tagore nói thế.
Hòa
âm của thi ca có được trước hết nhờ sự bình dị, thẳng ngay của tâm hồn người
cầm bút.
N.H.Q
(Nguồn: nguyenhuuquy.vnweblogs.com)
Tôi không biết ông Nguyễn Hữu Quý này là ai, nhưng tôi có cùng quan điểm với tác giả. Thơ hiện đại là câu chữ cầu kỳ, cao siêu, rắc rối; để người đọc không hiểu gì cả, sẽ tưởng đâu tác giả của nó là siêu việt! Làm sao mà độc giả hiểu được,bởi vì chưa chắc tác giả thơ kiểu ấy biết là mình đang viết cái gì?!!!
Trả lờiXóa