Thơ đương đại khó?
Không ít ý kiến cho rằng “Nhìn chung thơ đương đại khó đọc – khó hiểu – và vì thế khó nhớ hơn rất nhiều so với thơ truyền thống”. Điều đó đúng.
Trước hết, các nhà thơ (có tên tuổi hiện nay) làm thơ là cho chính mình, đúng như nhà thơ Ly Hoàng Ly đã từng bộc bạch “Với tôi, làm nghệ thuật là công việc đường dài, càng làm càng mê, càng làm càng thấy đuối sức. Như người bắt đầu từ con đường mòn và đi mãi, đi mãi, thấy mình lạc vào mê lộ. Rồi sau những lúc đuối, mệt, kiệt lực, lại là những phút giây sung sướng khi phát hiện ra một điều mới, dù là nhỏ nhoi. Tôi làm nghệ thuật là để khám phá thế giới quanh mình và khám phá chính mình”. Họ không còn ràng buộc với thời đại và với lịch sử, họ là những con người sinh ra và lớn lên trong hòa bình, những thế hệ 7x, 8x đang sống và làm việc trong môi trường tự do về mọi mặt và chẳng có lý do gì để họ không làm thơ tự do cả về nội dung và hình thức. Sự phát triển về hình thức từ thơ có niêm luật đến thơ phá thể, biến thể rồi hợp thể trong giai đoạn trước và sau chiến tranh và tới thơ đương đại, hầu như những niêm luật hay tên gọi cho hình thức thơ không còn phù hợp nữa “Họ không bị ràng buộc bởi niêm luật, hình thức, vần vèo. Họ chơi thơ, thả thơ, họ tự do, để được cháy bỏng, tuôn trào thể hiện những ý niệm mới trong đời sống đương đại” (Nguyễn Quang Thiều). Có lẽ thơ tự do là cái tên gọi dễ chấp nhận nhất cho hình thức thơ đương đại. Nhưng tự do cho dù thuộc lĩnh vực nào cũng là điều khó nắm bắt nhất. Cũng chẳng phải tới những năm gần đây, thơ tự do mơi xuất hiện mà trước đó, những bài thơ trong thời kháng chiến với hình thức thơ biến thể, cách thể như Nhớ máu (Trần Mai Ninh), Màu tím hoa sim (Hữu Loan) hay thơ hợp thể với Tre Việt Nam (Nguyễn Duy)… Những bài thơ ấy xuất hiện khá ít và hình thức thơ tự do vẫn được coi là thơ nằm trong khuôn khổ. Chỉ đến thơ đương đại, hình thức thơ mới thay đổi hoàn toàn. Những bài thơ không vần điệu khiến nguời đọc dường như hụt hơi vì không biết ngắt nghỉ để rồi đọc xong người ta lại lật lại để biết xem đâu là một câu thơ: “Và nước đã thấm sâu/ Nước đã đẫm từng cọng non mềm của rễ/ Dâng lên đi dòng nhựa trắng/ Dâng lên đi mùa hoa trắng/ Dâng lên dâng lên bung từng chùm/ Trắng như áo lụa/ Trắng như mây trắng/ Trắng như nụ cười/ Không nói toả hương mà nói là mê hoặc/ Không nói đẹp mà nói là kỳ diệu/ Không nói ngắm nhìn mà nói là ngất ngây/ Suốt một ngày chạy đuổi/ Suốt một ngày hai tay dang rộng/ Chỉ cây tiếp cây hoa tiếp hoa đến tận chân trời/ Hoa không nói lời hoa/ Chỉ trắng như một niềm vui sướng/ Và gió và ong và bướm/ Mang hoa về muôn nơi/ Và trên hoa lộng lẫy nắng trời..” (Trong mùa tưới rẫy - Đinh Thị Như Thuý). Hay thậm chí những dấu chấm ngày càng xuất hiện nhiều hơn để rồi tự người đọc lại “mò mẫm” suy đoán cái ứ đọng cảm xúc của nhà thơ trong những dấu chấm ấy.
[...]
Tiếng hát như chiều thảng thốt
Tình yêu
…………..thở
…………………qua
……………………….kẽ tay
[...]
(Dòng sông không trở lại – Vi Thùy Linh).
Phải nói rằng chính sự tự do trong hình thức thơ đã góp phần không nhỏ làm nên độ khó của thơ nhưng cái quyết định phải chờ đến nội dung. Độ khó trong nội dung thể hiện của thơ đương đại tỉ lệ thuận với độ tự do của hình thức. Điều này thật dễ lí giải bởi các nhà thơ đương đại đều làm thơ để thể hiện bản thể mà mỗi cá nhân con người như một mê cung khiến cho người khác (dù là yêu hay gắn bó cả đời) cũng không thể hiểu hết được. Thời đại thơ từ cái Ta chung của nền văn học trung đại đã bước sang cái Tôi riêng trong thơ Mới, nó đã bị gián đoạn trong hai cuộc kháng chiến bởi đó là thời điểm tất cả phải hi sinh bản thân mình cho Tổ quốc và tới thơ đương đại, cái Tôi ấy đã trở về: mạnh mẽ, dữ dội và khó hiểu hơn bao giờ hết! Nếu cái Tôi của thơ Mới chỉ dừng lại là sự khẳng định cá nhân trong nỗi cô đơn, lạc lõng giữa thế giới: “Ta là Riêng, là Một, là thứ Nhất/ Không có chi bạn bè nổi cùng Ta” (Hy Mã Lạp Sơn – Xuân Diệu) thì cái Tôi cô đơn trong thơ đương đại lại là sự khẳng định cái cô đơn ngay giữa những người thân yêu nhất:
Bố
Mặt trời nóng rực và ồn ã
Con muốn gần … lại sợ …
tan ra…
Mẹ
Mặt trăng xa
Con ngần ngại cận kề
Con
Vì sao lạc giữa
Lớn lên và sáng bằng nước
mắt
Bầu trời không ngừng bão tố
Sấm, sét chớp rạch đấy…
(Những đối lập – Vi Thùy Linh)
Càng cô đơn thì cái Tôi bản thể càng trỗi dậy mãnh mẽ hơn và các nhà thơ đương đại tìm đến thơ ca như một nơi trú ẩn. Thơ mang tính cá thể nghĩa là “việc của tôi là viết những gì là chính tôi. Đấy là việc của tôi chứ không phải là việc của người khác”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã khẳng định như vậy sau khi tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng đồng thời nó cũng bị một số nhà thơ – nhà phê bình lên tiếng phản đối dữ dội. Nhưng từ cái Tôi riêng làm sao có thể đi đến công chúng dễ dàng?
Phải chăng độc giả quá khắt khe với thơ đương đại?
Mỗi một loại hình văn học nghệ thuật khi muốn tồn tại và khẳng định vị trí của mình đều cần đến độc giả. Và thơ ca cũng vậy. Nhưng thái độ của độc giả dành cho thơ đương đại như thế nào?
Thứ nhất, về thời gian đọc, xã hội ngày càng phát triển và thế giới ngày càng “phẳng” hơn, chính vì thế mà mối quan tâm của con người ngày càng phong phú và đa dạng hơn cho dù quỹ thời gian của họ không thể thay đổi. Mối quan tâm dần được chia sẻ vụn vặt và đầy ứ hơn. Nếu trước đây, sau mỗi ngày làm việc, con người ta thường làm bạn với sách thì chỉ sau hơn chục năm, mối quan tâm ấy đã phải chia sẻ tới 8, 9 lần với ti vi, mạng internet, điện tử, báo chí, băng đĩa hình hay những khu vui chơi. Họ bận rộn lo toan, vì thế để có thời gian để tâm vào thơ là cả một vấn đề lớn. Có những người từ khi bước ra khỏi ghế phổ thông, họ không hề đọc thêm một bài thơ nào nữa, con số đó không hiếm trong thời đại hiện nay.
Thứ hai, cách đọc thơ của quần chúng hiện nay còn quá hờ hững và phụ thuộc. Họ phụ thuộc vào các nhà phê bình, hay rõ nhất là báo chí. Những bài thơ họ tìm đọc chắc chắn là những bài thơ được nhắc đến thường xuyên trên mặt báo. Sẽ chẳng mấy ai lại tự mình mò mẫm các hiệu sách và tìm cho mình một tập thơ mà chưa từng nghe để mua về đọc. Cách đọc thơ của độc giả đương thời có thể nói là “rất ngược”, chỉ đợi khi tác phẩm đạt một giải thưởng nào đó hay có một Scandal nào đó họ mới tìm đọc và bắt đầu mổ xẻ nhưng đâu biết rằng sự mổ xẻ của họ không hoàn toàn từ chủ quan cá nhân mà đã được định hướng bởi ý kiến các nhà phê bình trước đó. Họ đọc và tìm ra những cái “đúng” của “sự phê bình” trong bài thơ.
Thứ ba, cách phê bình. Đã có ý kiến nói (đùa) (tuy hơi bi quan), ngày nay các nhà thơ phải tự mình sáng tác và tự mình “phê bình” lẫn nhau. Điều này không phải là không có. Hầu hết các tập thơ khi ra đời đều được gửi đến các nhà phê bình thơ (thường là nhà thơ) có tên tuổi để được nhận sự đánh giá và thẩm định. Tuy nhiên, khác với đội ngũ người làm thơ càng ngày càng trẻ hóa thì đội ngũ người phê bình thơ càng ngày càng già hóa. Tôi không dám đánh giá bất kỳ điều gì về trình độ của đội ngũ phê bình thơ hiện nay nhưng liệu rằng khoảng cách thế hệ có thể không là vấn đề khi nhìn nhận, đánh giá thơ trẻ đương đại?
Với hai vấn đề: Phải chăng thơ đương đại khó? Và phải chăng độc giả quá khắt khe?, chúng tôi không mong có thể đưa ra một kết luận nào để khẳng định điều nào là đúng mà chỉ mong sao có thể giảm bớt khoảng cách của hai vấn đề “Thơ bớt khó” và “Độc giả bớt khắt khe hơn”?. Thơ khó vì thơ luôn cần sự cách tân sáng tạo và sự khẳng định bản thể nhưng phải chăng, mỗi khi viết thơ, nhà thơ nên cân nhắc mình sẽ viết cho người khác hay chỉ là viết nhật ký? Bởi “Trong hành trình đi vào bản thể, hướng tới con người cá nhân ấy, nhiều nhà thơ chúng ta đã lạc bước vào những cái tôi tủn mủn, nhỏ nhặt thậm chí sa đà và lạm dụng sex. Họ tung hô chủ nghĩa cá nhân, ca tụng cái riêng tư không đại diện, không liên quan đến ai” (Vũ Quần Phương). Còn về phía độc giả, chúng ta nên danh nhiều thời gian và tiếp nhận thơ chủ động hơn. Trước đây, cả thế giới đã từng đón nhận thơ khó của Mallarmé (thậm chí ông phải cố tình làm sao cho thật khó để không ai hiểu được mới coi là thành công) hay thơ của Valéry tới mức người ta chỉ có thể truyền nhau “Đây là thơ Mallarmé, thơ Valéry, đừng động tới!” nhưng chúng ta vẫn đọc và bỏ thời gian ra để hiểu thơ của họ. Trở lại thơ Việt Nam, đặc biệt là thơ Mới, Xuân Diệu có không ít những bài thơ bị phản đối như “Hy Mã Lạp Sơn” hay “Lời kỹ nữ” nhưng càng đọc, càng tìm hiểu thì những bài thơ khó đó lại càng giá trị. Thơ điên của Hàn Mặc Tử cũng thế…Tất nhiên, không thể so sánh thơ Pháp với thơ Việt Nam hay thơ Mới với thơ đương đại. Nhưng nên chăng, độc giả hãy cho thơ đương đại cơ hội được đọc, được hiểu như thơ Mới, tới lúc đó, có lẽ thơ đương đại không còn khó nữa!
T.T
(Nguồn: phebinhvanhoc.com.vn)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét