Tác giả Phạm Hữu Hoàng
Câu chuyện
này xảy ra đã lâu nhưng với tôi nó như một ám ảnh, dằn vặt, không thể nào quên
được. Ngày ấy, tôi, Tứ và Linh học chung một lớp, chơi thân với nhau. Tứ người
thấp, đậm, rắn chắc, vạm vỡ. Linh mảnh mai, trắng trẻo, dáng thư sinh, nhỏ nhẻ
như con gái. Còn tôi, chẳng có gì đặc biệt ngoài chiều cao lí tưởng hơn một mét
bảy và cái tính cần cù, ham học. Cả ba thân với nhau tới mức luôn có nhau trong
bất cứ việc gì, từ chuyện chơi, việc học, và chưa bao giờ mất lòng nhau. Đám
bạn bè cùng lớp thường gọi đùa chúng tôi là ba
người lính ngự lâm. Năm học mười hai, chiều ngày cận tết, bộ ba chúng tôi
đạp xe đi dạo trên phố nhìn thiên hạ rộn ràng sắm sửa. Mưa xuân lất phất. Mặc.
Chúng tôi vẫn đạp xe tà tà trên các nẻo đường. Đến con hẻm vắng người gần nhà
Tứ, trên vỉa hè, cả đám côn đồ hung hãn bao quanh một cô gái. Trông bộ dạng cô
gái thật tội nghiệp, run rẩy, mặt tái nhợt…Trong bọn, thằng đầu đinh mặt
đầy sẹo cứ xáp lại sàm sỡ. Cả đám kia cười hô hố…Bọn này là đám thanh niên lêu
lổng, quậy có tiếng ở thị trấn. Tứ ra hiệu cho chúng tôi dừng xe lại rồi bảo:
– Con nhỏ đó tên Phương Trang, ở cùng xóm với tao. Bọn mình phải cứu nó
thôi.
Tứ thả chiếc xe đạp lăn kềnh ra đường, chạy ngay tới, lấy thân mình che cho cô
gái. Tôi và Linh dựng xe chạy tiếp ngay sau. Giọng Tứ rắn rỏi:
– Tụi bay không được cậy đông ăn hiếp một đứa con gái.
Một thằng trong bọn trỏ thằng đầu đinh rồi cao giọng đáp
– Ai biểu nó chảnh với đại ca tao?
Thằng đầu đinh trừng trừng nhìn Tứ:
– Bọn tao cứ ăn hiếp thì đã sao! Việc gì đến mày! khôn hồn thì cút ! Muốn
làm anh hùng cứu mỹ nhân hả? Này, tụi bay coi người hùng cứu mỹ nhân nè.
Câu cuối cùng nó làm điệu bộ háy mắt, vung tay, giọng ngân dài ra mỉa mai. Cả
bọn cười ầm lên khoái chí. Giọng Tứ đanh lại:
– Tao không đi. Tụi bay làm gì coi nào?
– Mày ngon hả? Ngon này! Thằng đầu đinh đấm thẳng vào mặt Tứ. Đảo người
tránh, Tứ chộp ngay cổ áo nó quật một cái ngã nhào xuống đường. Nó lồm cồm đứng
dậy xông vào tiếp nhưng lại dính ngay cú đá như trời giáng vào mặt lảo đảo té
chúi đầu vào bờ rào. “ Nó có võ”, mấy thằng khác kêu lên. Cả bọn hung hăng toan
nhảy vào đánh hội đồng. Tôi và Linh sấn tới đứng cạnh Tứ sẵn sàng ứng chiến.
Chợt một thằng trong bọn kia chỉ vào Tứ kêu lên: “Nó là cháu lão Thập, võ sư
dạy võ vùng này”. Cả đám ngớ người, nhìn nhau rồi liệu thế không xong, xúm lại,
đỡ thằng đầu đinh đứng dậy. Thằng đầu đinh miệng văng tục, chửi nhì nhặng nhưng
chân rảo bước, dẫn bọn đàn em chuồn thẳng. Tứ quát theo:
– Tụi mày còn bắt nạt con nhỏ này nữa, tao không tha đâu, nghe chưa!
Tứ là con nhà nòi. Ông nội của Tứ mở võ đường, môn sinh rất đông, tiếng tăm bay
xa... Sau sự việc ấy, Phương Trang gia nhập nhóm chúng tôi. Phải nói,
Phương Trang là một cô gái đẹp, dáng cao cao, mái tóc ngang vai, gương mặt
trắng hồng, đôi mắt dịu dàng, khi cười lộ ra chiếc răng khểnh và
hai cái lúm đồng tiền tròn lẳn trên má. Ngay từ đầu, ánh mắt Phương Trang đã
làm tôi rung động, ngỡ ngàng. Từ đó, tôi thường đến nhà Phương Trang, có lần,
đêm trăng sáng, ánh sáng bàng bạc, thơ mộng, hai chúng tôi ngồi trên chiếc ghế
xích đu dưới hàng hiên trước nhà nàng, nói chuyện rất lâu. Tôi vốn có khiếu hài
hước, những mẫu chuyện vui qua lời tôi kể làm Phương Trang cười chảy nước mắt.
Sự gần gũi thân thiết ấy làm tôi thầm ôm ấp hi vọng. Nhưng tôi vẫn chưa dám thổ
lộ tình cảm của mình. Tôi đang chờ đợi một cơ hội thuận lợi. Trong một chuyến
đi chơi ở một ngôi chùa cổ nằm bên hông ngọn núi Bà, cả bốn chúng tôi cùng leo
lên những tảng đá lởm chởm dọc theo con suối. Mải miết trèo, lúc dừng lại nghỉ,
tôi và Tứ không thấy Linh và Phương Trang. Hai chúng tôi tụt xuống tìm, bất
chợt thấy hai người ngồi sát bên nhau trên một phiến đá nhỏ, ẩn khuất giữa những
tảng đá lớn lưng chừng ngọn núi. Bàn tay Phương Trang nằm trong bàn tay Linh...
Tôi ngẩn người... rồi quay mặt cắm cúi trèo một mạch lên tới đỉnh, ngồi lặng lẽ
một mình nhìn trời biển mênh mông, lòng dâng lên một nỗi bâng khuâng khó tả…
Mãi tới khi một bàn tay đặt lên vai. Tôi quay lại, bắt gặp ánh mắt thông cảm
của Tứ. Đôi mắt Tứ cũng thoáng buồn. Sự việc bất ngờ ấy lởn vởn trên tình bạn
của chúng tôi mấy tháng cuối cùng của bậc trung học. Mùa thi đến. Tôi, Tứ và
Linh vùi đầu vào ôn thi. Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi thi đậu vào trường
Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Linh về theo nghiệp buôn bán, mở cửa
hiệu tạp hóa ở một đường phố lớn trung tâm thị trấn. Gia đình Linh gốc gác thị
dân lâu đời.Tứ đi bộ đội. Đó là vào mùa hè năm 1979.
***
Mấy năm sau, Linh và Phương Trang tổ chức đám cưới. Lúc nhận thiệp mời,
tôi vừa tốt nghiệp đại học, đang tìm việc làm. Tứ không về dự được. Anh đang
chiến đấu bên chiến trường Cam-pu-chia. Anh có gửi quà về mừng. Đám cưới rất
vui. Gương mặt Linh và Phương Trang rạng ngời hạnh phúc. Sau đó, tôi vào thành
phố Hồ Chí Minh, vận may đưa đẩy tìm được một chỗ làm khá. Sau mười năm, nhờ
tận tụy với công việc, khéo léo chắt chiu, tôi đã tạo được cơ nghiệp, mở công
ty xây dựng, có nhà mặt tiền đường lộ lớn, tậu được ô tô đời mới…Con đường công
danh đã mở thênh thang. Tuy nhiên, khi còn lại với chính mình, tôi vẫn thấy
buồn. Ngoài ba mươi tuổi, tôi vẫn chưa lập gia đình. Đám bạn bè ở thành phố
thường bảo:
– Mày đã qua tuổi tam thập
nhi lập rồi, lo cưới vợ, ổn
định cuộc sống đi.
– Chờ đợi gì nữa, bọn tao giới thiệu cho mày một người mẫu hay hoa hậu nghe.
Hay mày thích một tiểu thư nhà đại gia thì cứ nói.
Tôi chỉ cười trừ. Thật sự, là doanh nhân trẻ thành đạt, tôi có thể tìm được cho
mình một cô vợ trẻ, đẹp, danh giá ngay tại thành phố phồn hoa này. Nhưng, tận
đáy lòng, tôi vẫn chưa quên được Phương Trang. Mối tình học trò đơn phương
tưởng như thời gian dễ dàng khỏa lấp, nào ngờ nó vẫn day dứt không nguôi. Cách
đây không lâu, sau một chầu nhậu cùng bạn bè đến tận khuya, sần sần men rượu,
tôi lái xe chạy một mạch ra tận vùng ngoại ô, đứng một mình trên con đường vắng
lặng nhìn cánh đồng mênh mông, đen thẳm. Từ một nơi nào sâu kín của cõi lòng
bỗng trào dâng một nỗi nhớ da diết. Tôi nhớ Phương Trang, nhớ đôi mắt, nụ cười,
nhớ cả những gì ngọt ngào và cay đắng mà tôi đã nếm trải với nàng. Tới bây giờ,
tôi vẫn không sao hiểu được, ngày ấy, vì sao người Phương Trang chọn là Linh?
Anh ta có ưu điểm gì? Chẳng lẽ Linh có một điểm hấp dẫn nào đó mà bọn con trai
chúng tôi không nhận ra được? Và càng không sao hiểu nổi tôi cứ nhớ hoài một
hình bóng chỉ còn là hoài niệm. Nhưng đó chỉ là những giây phút riêng khi còn
lại với chính mình. Công việc kinh doanh ngày càng khốc liệt cuốn hút tôi đến
nỗi nhiều lúc không còn cả ý niệm thời gian. Tôi ít về quê. Mỗi lần về, tôi ở
với gia đình ít hôm, thăm bà con xóm làng rồi vội vã đi ngay… Tôi không một lần
ghé thăm Linh và Phương Trang…
Cho đến một hôm, tôi nhận được thư của Tứ. Chúng tôi vẫn thường liên lạc với
nhau. Tứ hiện là sĩ quan, chỉ huy một đồn biên phòng đóng ở biên giới Tây Nam.
Trong thư, Tứ kể, anh đang về quê nghỉ phép, được biết Linh và Phương Trang đã
li hôn. Cả hai chưa có con nên việc chia tay cũng dễ dàng hơn. Hôm ra tòa cả
hai đều khóc. Khi vị thẩm phán gạn hỏi lí do li dị, Linh mới nói, cuộc hôn nhân
là một sai lầm vì anh không thể đem lại hạnh phúc cho Phương Trang. Cô cần phải
có một cuộc đời khác. Tứ tìm gặp Linh, rủ đến một quán nhậu. Khi uống đã gần
xỉn, Tứ hỏi sao lại chia tay với Phương Trang, Linh buồn bã tâm sự, do mắc bệnh
kín, không thể là người đàn ông thật sự, không thể có con được…Sau khi li hôn,
Phương Trang đã vào thành phố Hồ Chí Minh. Tứ đã tìm được địa chỉ và dặn tôi
phải đến thăm, giúp đỡ cho cô ấy.
Mấy ngày sau, Tứ lại phôn cho tôi :
– Cậu đã gặp Phương Trang chưa, cô ấy thế nào ?
– Mình lu bu công việc, chưa đi được.
– Bận mấy, cậu cũng phải đến. Không thể bỏ mặc cô ấy lúc này.
Tôi hứa. Ngay chiều hôm đó, vừa kí xong một hợp đồng lớn với một đối tác nước
ngoài, lòng thơi thới, tôi lái ô tô tìm đến chỗ Phương Trang theo địa chỉ trong
thư. Phương Trang ở nhờ nhà người dì ruột trong một con hẻm, đang tìm việc làm.
Đến nơi. Tôi hồi hộp gõ cửa. Tiếng rất quen. Phương Trang.
– Ai đó, mời vào.
Tôi bước qua ngạch cửa. Thấy tôi, ánh mắt Phương Trang sáng lên. Nàng cười nói:
– Anh! Anh vào nhà đi, thông cảm, nhà chật chội quá.
Điều tôi hết sức ngạc nhiên là Phương Trang vẫn đẹp như thuở trước. Vậy mà trên
đường tới đây, tôi cứ mường tượng nàng rất tiều tụy, nhan sắc tàn phai…
– Anh Tứ đã gọi điện nói anh sẽ đến thăm, quả đúng như vậy.
– Anh xin lỗi vì đến muộn, chỉ vì mấy ngày qua anh quá bận.
– Có sao đâu, anh còn nhớ tới em là quí rồi.
Lòng tôi bồi hồi, xốn xang bởi một cảm giác lạ lùng. Người con gái tôi từng yêu
thương, đã dày vò tôi suốt một thời tuổi trẻ, giờ ngồi trước mặt, nhỏ nhoi,
đáng thương biết chừng nào.
– Em định làm gì? Tôi hỏi
– Việc gì cũng được, miễn đủ sống qua ngày.
– Ở thành phố này tìm việc làm cũng không dễ đâu.
– Biết vậy nhưng em sẽ cố, còn trông chờ vào số phận đưa đẩy.
Tìm cho Phương Trang một công việc không phải là khó đối với tôi. Vấn đề ở chỗ
tôi muốn hỏi lại tình cảm của chính mình. Những rung động của thuở ban đầu đang
ùa về làm tê tái cõi lòng. Nàng đã đột ngột biến mất khỏi đời tôi như một ảo
ảnh nhưng rồi lại hiện ra, bất ngờ, rõ ràng như sự trớ trêu của số phận. Nàng
có vị trí nào trong tương lai của tôi đây? Câu hỏi ấy làm tôi băn khoăn khi
nàng tiễn tôi ra tận xe hôm đó. Tôi đến gặp Phương Trang nhiều lần nữa. Nàng
hoàn toàn tin cậy ở tôi. Có khi tôi dẫn nàng đi dự buổi tiệc chiêu đãi sang
trọng dành cho vị khách đặc biệt có ảnh hưởng đến lợi ích công ty. Sự hiện diện
của nàng làm bữa tiệc thêm sôi nổi, hào hứng. Rượu ngà ngà say. Vị khách hé cặp
mắt ti hí nhìn thèm thuồng bộ ngực căng phồng làm nàng ngượng ngùng. Ra về tôi
phải giải thích:
– Em thông cảm, cuộc sống ở đây khắc nghiệt, muốn được việc, đôi lúc phải gượng
vui mà chấp nhận như vậy.
Phương Trang chỉ im lặng. Có khi tôi lại chở nàng đi vòng vèo qua nhiều ngã
đường thành phố, những tòa nhà cao tầng, hàng quán sang trọng loang loáng
qua ô kính chắn gió. Tôi thích thú nhìn đôi mắt ngơ ngác của nàng. Rồi
ghé vào nhà hàng sang trọng. Nàng ngoan ngoãn ngồi nhấp nháp ly rượu vang.
Thỉnh thoảng lại cười nhỏ nhẹ khi tôi nhắc tới một kỉ niệm vui ngày nào. Tôi
chợt nhớ những lúc ngồi bên nàng trên cái ghế xích đu dưới hàng hiên ngày
trước. Cũng trong một khoảng cách rất gần như thế này, nhiều lần tôi thầm muốn
khẽ nắm bàn tay nàng…Và bây giờ, lúc này đây, tôi cũng muốn nắm lấy bàn tay đó
để mặc cho cảm xúc dâng trào. Nhưng có một cái gì ngăn tôi lại. Sao ngày ấy,
người nàng lựa chọn không phải là tôi? Nàng có hiểu được nỗi khổ đau trong tôi
ngần ấy thời gian không? Ngực tôi quặn thắt…Tình yêu và căm giận đang vò xé
trái tim …Ở một cái bàn bên cạnh khuất sau chậu cây cảnh, một đôi nam nữ ngồi
quay lưng lại. Tiếng thì thào. Tiếng hôn nhau. Tiếng cười khúc khích ….
Cho đến một hôm, tôi đưa nàng đi dự tân gia của một người bạn thân. Vào thành
phố này, từ hai bàn tay trắng mà tạo lập được một mái nhà riêng không phải
chuyện dễ. Tiệc tan, khoảng chín giờ tối, lần đầu tiên tôi đưa Phương Trang về
nhà mình. Nàng rụt rè quan sát những đồ vật đắt tiền bóng loáng bày biện trong
gian phòng khách. Tôi mở tủ lạnh lấy cho nàng một lon nước ngọt. Nóng bức.
Không biết vì men rượu hay thời tiết mùa hè oai nồng. Tôi tháo áo vét treo vào
giá rồi lại bật máy điều hòa. Dễ chịu. Tôi tới ngồi bên nàng. Rồi không kìm
được, tôi rất tự tin vòng tay ôm chặt lấy nàng, hôn lên mắt, lên môi… Bỗng
nhiên, nàng mở đôi mắt đẫm lệ nhìn tôi, có lẽ, suốt cuộc đời này, tôi không bao
giờ quên được cái nhìn đó. Cái nhìn thật lạ lẫm, trống không…Phương Trang đẩy
tôi ra, đứng dậy, giọng lắp bắp:
– Anh…Anh xem tôi là cái gì ? Một vật để anh tiêu khiển phải không ? Anh không
hề yêu tôi. Anh không có tình yêu. Anh thương hại tôi chứ gì ? Tôi không cần sự
thương hại của bất kì ai. Anh tưởng tôi phải chiều lụy anh vì mong được sự đoái
hoài? Anh nhầm rồi. Quả tình tôi không ngờ anh lại tầm thường như vậy.
– Không…Anh không có ý như vậy. Anh…
Tôi nghẹn lời, không biết phải nói như thế nào. Tôi đứng ngây thộn, bối rối.
– Anh đừng bao giờ tìm tôi nữa. Chia tay với anh ấy, tôi đã chết một nửa cuộc
đời. Tôi không muốn mất một nửa cuộc đời còn lại trong tay anh.
Phương Trang với tay lấy cái xắc nhỏ mang lên vai, quả quyết đi thẳng ra cửa.
Giây lát, tôi chợt hiểu. Lần này, tôi sẽ mất nàng vĩnh viễn. Tôi bước vội ra
đường, đảo mắt nhìn quanh. Trên hè phố, người đi lại tấp nập, dưới lòng
đường, xe chạy nối đuôi, nghìn nghịt. Tuyệt nhiên, không thấy bóng
nàng.
Sau đó, tôi đến địa chỉ cũ tìm nàng mấy lần nhưng không gặp. Người dì ruột cũng
không biết nàng chuyển chỗ ở đi đâu, sống bằng nghề gì. Biết tìm nàng ở đâu
giữa cái thành phố mênh mông này.
***
Tứ bất ngờ tìm gặp tôi ở công ty vào một buổi chiều mưa tầm tã. Mùa hè ở
đây thường có những cơn mưa bất chợt, dai dẳng. tối tăm mày mặt. Tứ không khác
gì thời đi học, chỉ có điều hơi gầy và đen hơn. Tứ có vẻ không vui. Anh vẫn
không thay đổi, vui buồn luôn hiện ra trên mặt. Tôi sắp xếp nhanh công việc rồi
cùng nhau ra một quán cà phê gần đó, chọn một góc ngồi thật kín đáo. Tôi gọi
hai ly cà phê. Khi cô tiếp viên vừa đi khỏi, Tứ nói ngay:
– Sao cậu nỡ đối xử với Phương Trang như vậy ?
– Mình, chỉ là mình…, tôi ấp úng chưa biết giải thích như thế nào cho phải.
Giọng Tứ nghèn nghẹn:
– Mình đã biết tất cả rồi. Nói thật, cậu rất tồi. Giá cậu thấy Linh
đã sống dở, chết dở như thế nào. Mình đã cố an ủi, khuyên giải cậu ấy mới vượt
qua…Mình và cả Linh nữa, đều tin ở cậu. Bọn mình cứ nghĩ rằng, với tình yêu say
đắm ngày ấy, cậu sẽ đem lại những gì tốt đẹp cho Phương Trang. Vậy mà…
Cô tiếp viên bưng hai li cà phê ra đặt trên bàn. Tứ cầm li cà phê, không uống
mà cứ xoay tròn trong tay. Tứ nói tiếp :
– Có thể cậu giận mình. Nhưng có điều này mình vẫn nói thẳng, tính ích kỉ đã
dẫn cậu đến chỗ sai lầm, không bao giờ cậu có cơ hội sửa chữa nữa đâu. Quả
thật, cậu thay đổi quá nhiều rồi. Cậu không còn là thằng bạn trong nhóm ba người lính ngự lâm ngày trước nữa.
– Phương Trang đang ở đâu ?
– Cô ấy không muốn găp lại cậu nữa.
– Hãy nói với cô ấy tha thứ cho mình, tôi ôm lấy đầu, các bạn hãy tha thứ cho
mình.
Sau cuộc gặp đó ít lâu, tôi nhận được thư của Tứ. Trong thư, Tứ nói đã đưa
Phương Trang lên nơi đơn vị đóng quân. Tứ quyết định lập nghiệp lâu dài ở đó.
Tứ đã được cấp đất và sắp tới sẽ xây một ngôi nhà nhỏ. Tứ và Phương Trang đã
đăng kí kết hôn. Cuộc sống của người lính tuy còn kham khổ nhưng Tứ cố bảo bọc
Phương Trang, vun đắp cái hạnh phúc muộn mằn nhưng với anh thật vô cùng quí
giá. Đọc thư, tôi có cảm giác lòng Tứ tràn ngập niềm vui. Và bây giờ tôi
chợt hiểu ra, chuyện ngày ấy đâu phải chỉ có ba người.
P.H.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét