Bà
Năm trở mình, mỏi nhừ cái lưng, đau nhức cái chân, nhất là đoạn từ đầu gối trở
xuống. Hồi chiều, bà lọ mọ qua nhà con Năm, con gái lấy chồng bên kia vũng, hỏi
thăm thằng cháu ngoại đi lao động xuất khẩu bên Nhật mới gửi thư và tiền về cho
mẹ nó trả nợ. Chập tối, bà về nhà, lập cập khi bước lên tam cấp, ngã chúi. Nằm
cả buổi, bà mới lết được vô tới nhà trong. Lọ mọ tìm chai dầu, xức mấy chỗ
trầy, thấy sưng đầu gối. Điệu này chắc đau cả tuần. Ba thang thuốc bổ của thằng
Cường, rể thứ Sáu - nó hốt cho tuần rồi, bà uống đã hết từ hôm qua. Bữa nay té
kiểu này, mai mốt tụi nó về thăm, kiểu gì cũng la um lên, một hai đòi dẫn bà về
trỏng, ở với tụi nó, để thuốc men hôm sớm, già cả ở một mình, tụi nó không yên
tâm.
Co
ro trong cái mền dày mà bà vẫn lạnh suốt dọc xương sống. Tiếng gió hun hút thổi
ngoài vườn, mấy tàu dừa va đập, rồi tiếng ếch nhái ngoài vũng, tiếng con thằn
lằn tắc lưỡi trên tường, tất cả âm thanh ấy dù quen thuộc lắm vẫn khiến bà
không ngủ được đêm nay. Cũng không phải
vì cái té hồi chiều, mà bởi bà cứ nghĩ suy về chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện
đồng ý hay không trước lời nài nỉ của cả con gái và con rể muốn bà vô ở với tụi
nó. Đã đành biết tụi nó thương mình, muốn phụng dưỡng lúc tuổi già, nhưng đi
không được. Hơn bốn sào đất thổ cư, rồi cái nhà rộng thênh thang này, bỏ đi thì
ai trông nom. Rồi đêm đêm, ai thắp nhang cho ông bà, cho ba tụi nó, cho cả mấy
đứa con bạc phước của bà nữa. Bà còn lo cả khu vườn trồng dừa, không có người
coi thì có mà mất hết. Bây giờ, thời buổi này, trộm cắp nhiều lắm, sểnh một
chút đã mất cả buồng dừa. Với lại mấy hàng chè xanh đang độ mơn mởn, để tụi nó
đến cắt trộm hết à. Biết là ở một mình thì cực đó, nhưng đi đâu bà cũng không
thích bằng ở nhà mình. Đã hơn sáu mươi năm bà gắn bó với mảnh đất vườn này, giờ
gần đất xa trời, sao bỏ đi cho đặng.
Bao
nhiêu chuyện cũ cứ hiện lên trong đầu bà như mới hôm qua, dù đã hằng mấy chục
năm. Bà lấy chồng từ mười bảy tuổi, cũng là do mai mối, chứ nhà bà tận xã dưới,
cách cả chục cây số, đi đâu mà ngược đường lên mạn trên này để quen biết với ba
lũ nhỏ được. Về làm dâu nhà khá giả mà có sướng đâu. Họ cũng nhà nông, chẳng
qua nhiều ruộng đất cày cấy nên dư dả, còn công việc thì làm không ngơi tay.
Ông nhà hồi còn trai trẻ lại có máu đào hoa, nên ăn ở với bà có tới chín đứa
con, nhưng đi tới đâu ổng cũng con rơi con rớt. Có vụ thì bà biết, cũng ghen
tuông, nhưng ổng dàn xếp hết, rồi cũng đề huề, nhận chị chị em em với mấy bà vợ
bé kia. Cũng có vụ bà không biết, mãi tới khi ổng trúng đạn Mỹ, do nó bắn nhau
với quân Cách mạng bị lạc đạn, đám tang ổng có hai ba thằng nhỏ thập thò bên
đường, khóc lóc. Rồi bà nghe chòm xóm kháo nhau, lũ đó là con rơi của ổng. Đám
tang ổng xong, bà bảo thằng Ba, đi với mấy đứa con nhà bác, tìm kiếm, dẫn hai
thằng con rơi của ổng về cho nhận bà con. Vậy là cả con do bà đẻ ra, cả lũ con
tục tạc, ổng có tới mười ba đứa con, ba gái, còn toàn là trai. Con Hai thì mất
từ hồi còn bú, bây giờ chỉ còn con Năm, con Sáu, là hai đứa con gái. Con Năm
lấy chồng ngay bên kia vũng, gần xịt, nhưng nó khổ, nên bà cũng chẳng nhờ mấy,
chủ yếu là nó chạy qua chạy lại để thăm nom. Con Sáu lấy chồng ở đầu huyện, nó
giỏi nên kinh tế vững, mà nó thơm thảo nên bà cũng chẳng thiếu thốn gì. Lũ con
trai, thằng Ba thì ở Bình Thuận, đi kinh
tế mới, rồi làm giàu trên đất miền cao. Vợ nó chết mấy năm nay, nó cũng đi bước
nữa, dù lũ con phản đối. Thằng Tư vắn số, nó mất hơn hai chục năm, hồi nó mới
hơn ba chục tuổi, để lại ba đứa con sinh năm một, đứa lớn nhất tám tuổi, đứa
giữa bảy, và thằng nhỏ út mới sáu tuổi.
Con dâu làm giáo viên, tần tảo nuôi ba đứa con, giờ cũng trưởng thành hết. Còn
mấy thằng trai sau, cũng có đứa giàu, đứa nghèo hơn, nhưng nhìn chung là ổn.
Nếu tính cả con trai, con gái, cả dâu, rể rồi cháu nội , cháu ngoại, chắt nội,
chắt ngoại, giả tỉ bà chết đi, thì cũng đến gần năm chục đứa bịt khăn.
Con
cháu đông như vậy, nhưng giờ bà ở một mình. Đứa nào cũng lập gia đình, có nhà
riêng, gần thì như con Năm, xa thì là thằng Ba ở Bình Thuận, rồi thằng Mười ở
Sài Gòn, con Tư, vợ góa thằng Tư ở Quy Nhơn. Tụi nó không rước được bà về ở
cùng, nên năm nào Tết đến, cũng họp nhau lại bàn bạc chuyện nuôi mẹ. Hồi năm
ngoái, tụi nó thống nhất là thuê một con nhỏ giúp việc cho mẹ, để có người ra
vào trông coi bà, tránh khi trái gió trở trời, rủi bà té ngã không ai đỡ đần,
chăm sóc. Nhưng khổ một nổi, cái con nhỏ Bình, tụi nó kiếm về giúp việc cho bà,
là con nhỏ khùng khùng, tam tam. Ưng thì nó làm, không ưng thì nó bỏ đi chơi.
La nó thì nó cãi, hết biết luôn. Bà bực quá, thông báo với lũ con, rồi đuổi con
Bình. Có mấy bà hàng xóm, cũng bà con trong họ, thấy vậy nên cũng thường lui
tới giúp bà khi thì chẻ giùm mấy tàu dừa khô, khi thì quét cho cái sân, cái
vườn. Còn cơm nước thì bà vẫn nấu được, có điều không đi chợ được nữa, nên hàng
tuần, con dâu thứ Bảy mua đồ ăn về, lớp thì kho sẵn, lớp thì ướp rồi bỏ tủ lạnh
để bà ăn dần.
Không
kể con dâu thứ Ba đã mất, hiện bà còn
bốn con dâu, mà không ở được với đứa nào. Con Tư chồng chết, nó ở thêm
một chục năm ngoài này, rồi sau đó, nó dọn về Quy Nhơn, mẹ nó cũng chỉ có một
mẹ một con, nên nó về để phụng dưỡng. Nó dạy học nuôi ba đứa con, cũng vất vả
lắm mới nuôi con ăn học, làm sao vô ở với nó. Con dâu thứ Bảy tuy tiếng là ở
gần nhưng cũng tận dưới thị trấn. Vợ chồng nó bán thuốc, nghề gia truyền của
ông cha để lại, con bà có tới bốn tiệm thuốc, bốn đứa như vậy. Tụi nó bận bịu bắt mạch, cho toa, hốt thuốc, rồi bào
chế, rồi sao tẩm… Biết tụi nó có lòng nài nỉ mời bà xuống ở với tụi nó, để sẵn
uống thuốc bồi bổ sức khỏe. Nhưng bà tính đi tính lại, cũng không thể đi. Bà
biết mình già, bây giờ xuống, đã không giúp gì được cho vợ chồng nó, lại còn
khiến tụi nó bận bịu hầu mình, không đành. Nhà nó ở bên đường Quốc lộ, sau nhà
lại là đường xe lửa, tàu xe chạy suốt ngày, ồn ào vậy, tuổi già chịu không
thấu. Tính bà khó ngủ, nên càng không thể ở đó được. Con dâu thứ Chín, bà không
ưa lắm. Cái con nhỏ đó, hồi mới lấy thằng Chín, người thì ốm tong teo, ỏng ẹo,
đau suốt. Thằng Chín “già kén kẹn hom”, chọn lựa cho hung, đến bốn mươi mới
cưới vợ, con vợ thua nó gần hai chục tuổi, mới bằng tuổi lũ cháu kêu nó bằng
chú. Cưới vợ trẻ nên phải chiều chuộng, con nhỏ được lừng, giả bộ đau ốm miết,
hành thằng Chín vừa bán thuốc, vừa chợ búa cơm nước. Bây giờ nó có hai đứa con
rồi, con vợ chắc là thấm thuốc hay sao mà lúc rày mập ù, trắng phau. Hồi nó đẻ
đứa sau, lại đang làm nhà, bà lên trông con cho nó, nhưng chướng mắt vì thấy nó
ỏng ẹo với chồng nên nó đầy tháng là bà về. Bây giờ, trong nhà, xét tình hình
chỉ có nó là có điều kiện chăm sóc mẹ tốt nhất, nên tụi con bà, anh em nó họp
bàn nhau, góp tiền hằng tháng cọng với mấy sào vườn với cái nhà từ đường, tụi
nó cũng đồng ý viết giấy giao cho vợ chồng thằng Chín, để nó nuôi bà. Nhưng bà
không đi lên ở với nó, chỉ vì không hợp con dâu. Con dâu thứ mười ở trong Sài
Gòn, là dân trí thức. Nó dạy đại học, cũng con một, nên thằng Mười ở rể. Nhớ
con, nhớ cháu thì mấy năm trước, hồi chân cẳng còn dẻo dai, bà cũng vô nhà nó
chơi thăm vài bữa, chứ ở sao được.
Nhớ
lại lời đề nghị rất tha thiết của vợ chồng con Sáu, bà phân vân. Hồi bà sui, mẹ
chồng con Sáu còn sống, bà có vô chơi mấy lần. Bà sui có mời mọc bà vô ở cùng,
nhà tụi nó rộng, kinh tế cũng khá nhất trong bầy con bà. Nhưng ai lại ở kỳ vậy.
Rồi bà con chòm xóm họ nghĩ sao. Con trai năm bảy đứa, lại đi ở với con rể.
Nghĩ tới, nghĩ lui, cuối cùng bà thở hắt ra, quyết định không đi đâu hết. Con
cháu có nhớ, có thương thì ngày giỗ, ngày Tết về thăm bà, chứ nhà cửa mình đây,
đi đâu cho cực.! Cứ nghĩ có bấy nhiêu đó mà đã hết đêm, gà gáy sáng mà bà vẫn
chưa chợp mắt chút nào.
Bà giật mình, trong bóng tranh tối tranh sáng
của ngọn đèn dầu vặn nhỏ, in như bà thấy ba lũ nhỏ, vẫn cái áo trắng, nai nịt
đàng hoàng, đang dắt cái xe đạp niềng Pháp ra ngõ, trước khi leo lên yên, còn
quay lại bảo bà coi đảo lúa, đuổi gà chớ để nó ăn hết. Rồi bà còn thấy in như
thằng Tư nó về, đứng giữa nhà trên, cạnh cái phản, trên vai còn vác cái chài,
tay xách giỏ cá. Cái thằng, làm giáo viên dạy Toán giỏi nhất xã, nhất huyện, mà
về đến nhà là đánh trần, mặc cái quần đùi bạc thếch, xách chài chạy ra bờ suối
bắt cá về cho vợ nấu, đỡ phải đi chợ tốn tiền. Sao nó bỏ bà với vợ con nó mấy
chục năm rồi, mà bây giờ nó đứng ngay kia, hình ảnh nó y như xưa. Miệng nó
cười toe, in như nó muốn khoe với bà là
bữa nay chài được khá, khỏi lo tiền chợ
vài ngày. Bà ú ớ tính hỏi nó cái gì, thì nó đâu mất. Kìa, bà lại thấy con vợ
thằng Ba, cái con dâu bạc phước, mới mất vì ung thư mấy năm nay. Nó đứng dưới
bếp, hình như đang nấu nướng gì. Trong đám con dâu của bà, nó đảm đang, khéo
tay nhất. Ủa, mà sao nó cũng có đây. … Rồi bà còn thấy thấp thoáng ngoài ngõ,
trong sân, rất nhiều, rất nhiều người quen, trong dòng họ, chòm xóm, cả cha mẹ
anh chị bà, họ đều không còn nữa, sao lúc này đều hội tụ ở đây. Vui quá, bà
ráng chống gối ngồi dậy, nghe sống lưng lạnh toát, nghe xương cốt như dần. Bà
bước lên nhà trên, định mở toang cửa mời
bà con vào uống nước, thì hụt chân ở bậc tam cấp nhà ngang, ngã xuống, đầu đập
vào cây cột cái, tay còn chới với.
…Đám tang bà
Năm đông quá. Bà con chòm xóm đều tấm
tắc khi thấy con cháu bà Năm về gần như đầy đủ. Họ kháo nhau có tới bốn mươi
bảy cái khăn. Chỉ có hai đứa cháu, đứa kêu bà nội, con thằng Tư đang học tiến
sĩ ở Úc, với đứa cháu ngoại con con Năm đang đi xuất khẩu lao động bên Nhật là
không về được. Mà con cháu bà ăn nên làm ra ghê chứ. Xe cộ, đủ cỡ, từ xe con,
xe bán tải, đến xe tay ga, xe máy, đậu chật cái sân hợp tác xã bên kia vũng.
Tất cả đều phải bỏ xe ở bển, rồi đi bộ qua cầu về nhà bà. Kèn trống nỉ non từ
sáng sớm. Ông Trưởng thôn, nhà ở gần, cũng có họ xa với bà Năm, vừa là trách
nhiệm của nhà chức trách, vừa là tình nghĩa họ hàng, túc trực từ hôm hay tin bà
mất, chạy đôn chạy đáo để quản việc tổ chức tang lễ. Ông cũng là người mời bên
công an đến để khám nghiệm pháp y trước khi quyết định cho người nhà chôn cất.
Bà con lối xóm nói đủ kiểu, kẻ thì bảo bà Năm trúng gió, ở một mình nên không
ai hay, không kịp chữa. Có người bảo bà già rồi, bị tăng xông chết Có người chép miệng thương cho bà, con thì
bốn năm người làm chủ tiệm thuốc, mà để mẹ chết một mình, không kịp có miếng
thuốc vào miệng. Chỉ có ông Trưởng thôn đọc và kí vào giấy chứng tử của bác sĩ
pháp y, ông nhớ rõ nội dung kết luận “ chết do tụ máu mão sau khi ngã, bị đập
đầu vào vật cứng”.
T.T.H
Được đấy! Bạn bè bắt đầu họp mặt đông đủ trên HQN của lão Duyên rồi đấy! Nhìn thấy những bài viết của bạn bè, mình tin là vẫn còn sức... he he
Trả lờiXóaCư ơi, được bạn bè góp sức, HD vui lắm! Mình biết bạn cũng rất quan tâm đến HQN, và còn chia sẻ, động viên nữa. Chúc bạn vui, khỏe, và có nhiều sáng tác mới! Thân!
Xóa